Để tạo ra một chai Mouton Rothschild 1945, hãy pha hai phần Château Cos d'Estornel với một phần Château Palmer và Cabernet California. Đó là mánh lới của Rudy Kurniawan, một gian thương kinh doanh rượu vang, ông ta đã pha trộn các loại rượu này rồi đổ vào những chai cũ có dán nhãn giả và bán cho những người sưu tập cả tin. Năm 2014, ông ta bị kết án 10 năm tù tại một nhà tù ở Hoa Kỳ, bị tịch thu 20 triệu MK và phải trả thêm 28 triệu MK cho các nạn nhân.
Bị trục xuất về quê hương Indonesia vào năm 2021, Kurniawan hiện đã quay trở lại hoạt động kinh doanh. Tại các bữa tiệc sang trọng, khách hàng yêu cầu ông này thử pha rượu giả để so sánh với hàng thật. Nhiều người nếm thử xong thì nói là thích rượu pha hơn. Một người tán thưởng: “Rudy Kurniawan là một thiên tài trong lĩnh vực rượu.” Nếu một chai rượu giả nhưng vẫn đáp ứng mục đích của nó – là mang lại niềm vui cho chủ nhân – thì việc thật, giả liệu có còn quan trọng không?
Kurniawan là một trong những gian thương khét tiếng được nhắc đến trong cuốn “Vintage Crime” nói về lịch sử gian lận rượu vang của Rebecca Gibb, một nhà báo chuyên về rượu và cũng là một bậc thầy về rượu. Thế giới rượu có nhiều điểm tương đồng với thế giới nghệ thuật. Nó dựa vào ý kiến của các chuyên gia, những người tin vào tính xác thực của một chai Château Lafite (hoặc một bức tranh Rembrandt) có thể làm thay đổi đáng kể giá trị của nó.
Nhưng các chuyên gia cũng có thể bị lừa như thường. Không ít người sành rượu đã lên tiếng xác thực cho những chai rượu có vấn đề. Người tiêu dùng bình thường thì ít khi nghi ngờ thương hiệu rượu mình mua. Một nghiên cứu với hơn 6,000 lần nếm rượu mù (blind tasting) cho thấy những người không sành rượu thường lại thích những loại rượu rẻ tiền hơn. Một nghiên cứu khác cũng phát hiện ra rằng những người nếm thử rượu chỉ cảm thấy nó đắt tiền khi được cho biết giá cả.
Cuốn sách nói về lịch sử rượu của bà Gibb bắt đầu từ thời La Mã, những người làm rượu và người bán rượu pha thêm vào rượu các loại thảo mộc và gia vị để làm cho chúng ngon hơn. Chỉ người giàu mới có thể mua được những chai rượu không bị pha trộn. Những người lính uống hỗn hợp rượu giấm và nước, trong khi rượu cho nô lệ uống được làm từ vỏ nho đã được giã nát. Pliny the Elder khẳng định rằng những loại đồ uống này “không thể được coi là rượu chuẩn mực.”
Hầu hết các chất phụ gia đều vô hại, nhưng không phải tất cả. Vào những năm 1690, các tu sĩ ở Ulm, Đức, bắt đầu bị bất tỉnh. Một bác sĩ phát hiện ra rằng một gian thương đã thêm chì monoxit vào rượu chua để khiến nó ngọt hơn. Sau đó, người ta ra luật mới để hình sự hóa hành vi này, nhưng người ta vẫn tiếp tục uống các loại rượu độc hại. Một số nhà viết tiểu sử cho rằng Beethoven, một người nghiện rượu nặng, có thể bị điếc do nhiễm độc chì.
Nhãn dán có thể khiến người ta bị lừa. Khi những vườn nho ở Burgundy bị tàn phá bởi ký sinh trùng phylloxera vào những năm 1880, các nhà sản xuất rượu vang Pháp bắt đầu nhập cảng rượu từ nơi khác và bán nó với tên Burgundy. Năm 1889, Pháp thông qua luật “loi griffe”, định nghĩa rượu là nho tươi lên men (và hạn chế các nhà sản xuất pha thêm nước hoặc thêm chất phụ gia).
Tuy nhiên, luật không ngăn được các thương gia mua nho chất lượng thấp và biến chúng thành loại rượu có nhãn “champagne.” Từ năm 1907 đến năm 1911, gần một nửa số chai champagne bán ở Pháp không phải là hàng thật. Áp lực từ các nhóm sản xuất rượu đã dẫn đến việc tạo ra hệ thống appellation, vạch ra ranh giới xung quanh các khu vực để đảm bảo rằng chỉ rượu vang từ khu vực đó mới có thể được dán nhãn như vậy. (Hệ thống này dựa trên khái niệm “terroir”, một vùng đất đặc biệt mang lại cho rượu một hương vị không thể nhái lại ở nơi khác).
Đương nhiên, những kẻ lừa đảo vẫn tiếp tục coi thường các quy tắc. Trong một vụ án “Winegate” năm 1974, các thương gia bị phát hiện bán rượu giá rẻ từ vùng Languedoc với nhãn Bordeaux đắt tiền. Năm 1985, khi nho Áo không chín, các nhà sản xuất rượu đã thêm chất “diethylene glycol” để làm ngọt rượu.
Trung Quốc hiện là ‘lò rượu nhái’ lớn nhất thế giới, thường có nhãn giả rành rành (thí dụ: họ để nhà sản xuất là “Benfolds” thay vì “Penfolds”). Một cuộc khảo sát phát hiện có hơn 1/4 cửa hàng trên 13 tỉnh bán rượu giả kiểu này. Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi trong một buổi nếm thử rượu ở Trung Quốc, một số nhà sản xuất rượu yêu cầu đập vỡ những chai rượu ngon nhất của họ sau khi uống. Cái vỏ chai có nhãn hiệu nổi tiếng và đắt tiền là thứ mà những kẻ lừa đảo luôn thèm thuồng.
Cung Đô sưu tầm/biên dịch
Nguồn: “How to spot a fake wine” được đăng trên trang economist.com.
Gửi ý kiến của bạn