
Hôm thứ Ba (16/1), Quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tấn công mới nhằm vào các hỏa tiễn đạn đạo chống hạm ở khu vực do Houthi kiểm soát tại Yemen. Tình hình giao tranh ở Biển Đỏ khiến cho thương mại quốc tế ngày càng căng thẳng. (Nguồn:YouTube)
Quân đội Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc tấn công mới nhằm vào các hỏa tiễn đạn đạo chống hạm ở khu vực do Houthi kiểm soát tại Yemen, trong khi nhóm này tiếp tục bắn một hỏa tiễn tấn công một tàu thuộc sở hữu của Hy Lạp ở Biển Đỏ, theo Reuters.
Kể từ tháng 11, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhắm vào các tàu trong khu vực đã ảnh hưởng đến nhiều công ty và quốc gia. Houthis cho biết họ đang hành động đoàn kết với người Palestine và đe dọa sẽ mở rộng các cuộc tấn công bao gồm cả tàu Hoa Kỳ để đáp trả các cuộc tấn công của Hoa Kỳ và Anh vào Yemen.
Tòa Bạch Ốc cho biết các cuộc tấn công mới của Hoa Kỳ đã tiêu diệt các hỏa tiễn đạn đạo đang chờ bắn của Houthi. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết: “Chúng tôi không muốn mở rộng vấn đề này. Houthis có quyền lựa chọn và họ vẫn còn thời gian để đưa ra lựa chọn đúng đắn, đó là ngăn chặn những cuộc tấn công liều lĩnh này.”
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong một cuộc họp báo rằng Pháp quyết định không tham gia các cuộc tấn công do Hoa Kỳ dẫn đầu vì muốn tránh leo thang trong khu vực. Macron nói rằng Pháp có cách tiếp cận “phòng thủ” ở Biển Đỏ và sẽ giữ vững lập trường này.
Tại Tây Ban Nha, bốn nhà máy thuộc sở hữu của nhà sản xuất lốp xe Pháp Michelin đang có kế hoạch tạm dừng sản xuất vào cuối tuần này. Nguyên nhân được cho là do sự chậm trễ trong việc cung cấp nguyên liệu thô.
Bộ Vận Tải Hy Lạp cho biết, một tàu chở hàng rời thuộc sở hữu của Hy Lạp mang cờ Malta đã bị trúng hỏa tiễn khi đang di chuyển về hướng bắc ở Biển Đỏ, cách cảng Saleef của Yemen 76 hải lý về phía tây bắc.
Theo một nguồn tin khác của Hy Lạp, tàu Zografia đang đi từ Việt Nam đến Israel với 24 thủy thủ đoàn và không có hàng hóa khi bị tấn công. Nguồn tin cho biết thêm: “Không có thương tích, chỉ có thiệt hại về vật chất.” Con tàu vẫn đang di chuyển nhưng có thể sẽ định tuyến lại để kiểm tra an toàn.
Nhấn mạnh mối lo ngại, nhà khai thác vận tải Nhật Bản Nippon Yusen cho biết đã hướng dẫn các tàu của họ di chuyển gần Biển Đỏ chờ ở vùng biển an toàn và đang cân nhắc thay đổi tuyến đường.
Nhiều tàu container đã tạm dừng hoặc chuyển hướng từ Biển Đỏ để đến Kênh đào Suez, tuyến đường vận chuyển hàng hóa nhanh nhất từ Châu Á đến Châu Âu. Thay vào đó, nhiều tàu đã buộc phải đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng của Nam Phi.
Khoảng 12% lưu lượng vận tải biển trên thế giới đi vào Kênh đào Suez qua Biển Đỏ. Cơ quan kiểm soát kênh đào Suez của Ai Cập cho biết trong một tuyên bố rằng việc các công ty tạm ngừng vận chuyển qua kênh này là “tạm thời” và các hoạt động giao thông qua kênh vẫn “diễn ra bình thường.”
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal loan tin rằng tập đoàn dầu mỏ Shell của Anh đã đình chỉ vô thời hạn tất cả các chuyến hàng qua Biển Đỏ sau khi các cuộc tấn công của Hoa Kỳ và Anh làm dấy lên lo ngại chiến sự sẽ càng căng thẳng hơn. Hãng tin TASS đưa tin, tập đoàn tàu chở dầu Nga Sovcomflot cũng đang cân nhắc các tuyến đường thay thế trong trường hợp khủng hoảng leo thang.
Các nhà ngoại giao Châu Âu cho biết các quốc gia thành viên của Liên Minh Châu Âu đã ủng hộ ý tưởng thành lập một phái đoàn hải quân trước ngày 19 tháng 2 để giúp bảo vệ các tàu thuyền.
Hôm thứ Ba, Phó Tổng thống Yemen cho biết liên minh hiện tại do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm bảo vệ giao thông thương mại ở Biển Đỏ đang yếu kém, vì các cường quốc trong khu vực là Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ai Cập đều không tham gia.