Hôm nay,  

Thế Giới Buồn Vui Qua Những Sự Kiện 2023

29/12/202300:00:00(Xem: 3921)
hamas isarel war

Chiến tranh Hamas- Israel gây hoang tàn, chết chóc tại Gaza. (Nguồn: Youtube)

 
Thế giới đang ở trong những ngày cuối năm 2023. Vừa mới hát Silent Night để đón mừng Giáng Sinh, nay chuẩn bị tiễn năm cũ với ca khúc bất tử Auld Lang Syne. Năm 2023 khép lại với nhiều chuyện vui lẫn chuyện buồn. Ở một thế giới chia rẽ như hiện nay, niềm vui của người này có thể là nỗi buồn của người khác. Vui hay buồn còn tùy theo quan điểm của cá nhân.

Chọn ra những sự kiện nào được xem là quan trọng đối với thế giới trong năm 2023 là khó, và cũng tùy thuộc vào quan điểm cá nhân. Hãy cùng điểm qua một số sự kiện đáng chú ý theo sự lựa chọn của hai trang mạng Council on Foreign Relations và Business Standard.

1 - WHO chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu về Covid-19.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với COVID-19 vào ngày 5 tháng 5, hơn ba năm kể từ lần tuyên bố đại dịch đầu tiên. Chỉ mới sau ba năm, mà có vẻ như nhiều người Mỹ đã quên mất cơn đại dịch một thời làm đảo lộn cuộc sống của mình. Covid-19 biến những thành phố không bao giờ ngủ thành những thành phố ma, cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người Mỹ. Tính trên toàn thế giới, WHO cho biết có gần bảy triệu người chết vì Covid tính đến Giáng Sinh 2023. 

Theo dữ liệu của WHO, tỷ lệ tử vong do Covid đã giảm đáng kể, từ 100,000 người mỗi tuần (đỉnh điểm vào tháng 1 năm 2021) xuống chỉ còn hơn 3,500 người vào tuần lễ Gíang Sinh năm 2023. Điều này có được là nhờ việc tiêm chủng rộng rãi, phương pháp điều trị được cải thiện, và khả năng miễn dịch của người dân. Tuy nhiên, mối lo ngại đã gia tăng khi sự xuất hiện của biến thể JN.1 Covid, khiến các chính phủ trên thế giới phải tăng cường cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

2 - Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới.

Vào tháng 4, Liên Hợp Quốc công bố Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, với ước tính 1.43 tỷ người. Trung Quốc đã giữ danh hiệu này trong gần một thế kỷ. Liên Hợp Quốc dự đoán rằng Ấn Độ sẽ duy trì tình trạng này trong nhiều thập kỷ, khi dân số Trung Quốc giảm và già đi. Dự báo dân số Trung Quốc có thể giảm 100 triệu người vào giữa thế kỷ này. Ngược lại, Ấn Độ dự kiến sẽ đạt gần 1,7 tỷ dân với độ tuổi trung bình trẻ hơn, có thể là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

3 - Nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng, phá vỡ kỷ lục.

Biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa trong tương lai, mà là một thực tế của thế giới hiện tại. 2023 có thể là năm nóng nhất được ghi nhận. Nhiệt độ toàn cầu chưa từng cao như vậy trong 125,000 năm qua, và có nguy cơ vượt quá giới hạn 2oC được quy định trong Thỏa Thuận Paris 2015. Kết quả là các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt diễn ra trên toàn cầu. Từ cháy rừng lịch sử, đến hạn hán khắc nghiệt, cho đến mưa lũ kỷ lục. California là nơi chứng kiến những thiên tai ở mức kỷ lục này trong vài năm qua.

Những người lạc quan cho rằng tình thế vẫn còn kịp cứu chữa nếu các quốc gia đồng thuận trong nỗ lực giảm lượng khí thải. Đầu tư cho năng lượng sạch tăng vọt. Chi phí năng lượng gió và mặt trời tiếp tục giảm, và nhiều nhà máy sẽ đạt mức công suất cao nhất trong vài thập kỷ tới. Hydrogen đang trở thành một nguồn năng lượng sạch tiềm năng trong tương lai. Chỉ nhìn ở tiểu bang California cũng có thể thấy sự phát triển của năng lượng sạch là rất khả quan. Theo Ủy Ban Năng Lượng California, vào năm 2021, tổng các nguồn năng lượng sạch chiếm đến 33.6% nguồn năng lượng của toàn tiểu bang.
Tuy nhiên, không phải mọi người, mọi quốc gia đều đồng ý với nhau về vấn đề biến đổi khí hậu và cách hành động. Ở Mỹ, vẫn còn có nhiều người tin rằng biến đổi khí hậu là điều bịa đặt. Các nhà ngoại giao tập trung tại các diễn đàn lớn như Hội Nghị COP-28 để thảo luận về kế hoạch hành động. Nhưng nhiều cuộc họp chỉ là thảo luận, nói nhiều hơn làm. Nhân loại có thể đã bỏ lỡ cơ hội để tránh một sự biến đổi khí hậu thảm khốc đang đến rất gần.

4 - Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt, ngồi tù 20 phút.

Vào ngày 25 tháng 8, tại Nhà tù Quận Fulton ở Atlanta, cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức bị bắt sau khi đến đầu thú. Ông không bị khám xét và còng tay, nhưng được lấy dấu vân tay và chụp ảnh tội nhân. Xem như ông ta phải ngồi tù tổng cộng 20 phút trước khi đóng tiền hầu tra tại ngoại. Ông Trump đang phải đối mặt với cáo buộc gian lận, âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 ở Georgia, nơi ông đã thua ông Joe Biden trong cuộc tranh cử tổng thống. Hiện nay ông cũng đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện hình sự và dân sự khác nhau.

Những vấn đề của ông Trump đang đưa nước Mỹ đến một giai đoạn chia rẽ, phân hóa chưa từng có kể từ thời nội chiến. Liên quan đến ngày vụ bạo loạn 6 tháng 1, nhiều người tham gia bạo loạn đã bị truy tố, ngồi tù. Liên quan đến cố gắng lật ngược kết quả bầu cử ở Georgia, nhiều người làm việc cho ông đã nhận tội. Luật sư Giuliani bị tòa xử phạt phải bồi thường $148 triệu, đã phải khai phá sản. Tuy nhiên, là người khởi xướng cho mọi vấn đề, có vẻ như sự ủng hộ dành cho ông Trump vẫn không hề giảm sút. Ông Trump vẫn dẫn xa các đối thủ trong các cuộc thăm dò chọn người đại diện cho Đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử tổng thống 2024. Ông không chỉ gây phân hóa nước Mỹ, mà còn chia rẽ trầm trọng ngay trong nội bộ đảng Cộng Hòa. Có vẻ như Đảng Cộng Hòa vẫn chưa tìm ra giải pháp nào cho “vấn đề Trump”. Nền dân chủ của nước Mỹ đang bị thử thách chưa có tiền lệ. Người Mỹ vẫn phải chờ đến hết năm 2024 mới biết nền dân chủ của đất nước sẽ đi về đâu.  

5 - Không chỉ ở nước Mỹ, nền dân chủ toàn cầu cũng suy thoái trong năm 2023.

Freedom House cho biết năm 2022 là năm thứ 17 liên tiếp mà tự do và dân chủ toàn cầu suy giảm. Năm 2023 tiếp tục xu hướng với nhiều cuộc đảo chính ở châu Phi. Vào tháng 7, quân đội Niger đã lật đổ tổng thống được bầu cử dân chủ của đất nước. Vào tháng 8, quân đội Gabon lên nắm quyền, đưa ra những lời hứa mơ hồ về việc cuối cùng sẽ tổ chức bầu cử.

Không riêng gì ở Mỹ, xu hướng các ứng cử viên tuyên bố thua cuộc bầu cử vì “cuộc bỏ phiếu bị gian lận” xảy ra ở nhiều quốc gia. Các đảng cực hữu hoạt động mạnh trên khắp châu Âu, làm sống lại ký ức về sự sụp đổ của các nền dân chủ châu Âu cách đây một thế kỷ. Donald Trump gọi các đối thủ của mình là “sâu bọ”; nói rằng nếu giành lại Tòa Bạch Ốc, ông sẽ không là một nhà độc tài “ngoại trừ ngày đầu tiên”. Hai quốc gia độc tài lớn của thế giới là Nga và Trung Quốc tiếp tục nằm trong bàn tay sắt của Putin và Tập Cận Bình không biết đến bao nhiêu năm nữa.


6 - Trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại nhiều hứa hẹn và rủi ro.

AI bùng nổ vào năm ngoái với việc ra mắt ứng dụng ChatGPT. Vào năm 2023, phiên bản mới nhất của ChatGPT được cho là còn tiên tiến hơn gấp 10 lần so với phiên bản trước. Các chính phủ, công ty và cá nhân nhanh chóng khai thác tiềm năng của AI. Điều đó gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu AI đang mở ra một kỷ nguyên mới cho sự sáng tạo và thịnh vượng, hay một tương lai đầy ác mộng của con người. Những người lạc quan chỉ ra cách AI đang tạo ra những đột phá khoa học với tốc độ chưa từng có, cho phép điều chế dược phẩm mới nhanh chóng, giải mã những bí ẩn y học, giải những bài toán trước đây không thể giải được. Những người bi quan cảnh báo rằng công nghệ này đang phát triển nhanh hơn khả năng giảm thiểu tác hại mà nó có thể gây ra của con người; đang tạo ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt; làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng xã hội hiện có. Geoffrey Hinton, một trong những người tiên phong về AI, đã nghỉ việc tại Google để cảnh báo về mối nguy hiểm của AI. Các nhà lãnh đạo công nghệ như Elon Musk và Steve Wozniak đã ký một bức thư ngỏ cảnh báo rằng AI gây ra “rủi ro sâu sắc cho xã hội và nhân loại”. Các chính phủ đang có những hành động để hạn chế rủi ro của AI, nhưng xem ra chưa đủ nhanh.

7 - Cuộc chạy đua lên vũ trụ ngày càng nóng lên.

Nhiều quốc gia đang đặt cược lớn vào không gian. 77 quốc gia có cơ quan không gian; 16 quốc gia có thể phóng vật thể vào không gian. Mặt trăng đang được quan tâm đặc biệt. Nỗ lực lên mặt trăng của Nga đã kết thúc trong thất vọng vào tháng 8, khi tàu đổ bộ của nước này đâm vào bề mặt mặt trăng. Vài ngày sau, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư có phi thuyền hạ cánh lên mặt trăng. Ấn Độ cũng đang khởi động sứ mệnh nghiên cứu mặt trời. Hoa Kỳ cũng có các chương trình mặt trăng đầy tham vọng, trong đó NASA đặt mục tiêu đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng vào năm 2025.

Những nỗ lực liên quan đến không gian đang làm dấy lên lo ngại rằng các cuộc tranh chấp địa chính trị sẽ dẫn đến việc quân sự hóa không gian. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với không gian cũng cho thấy việc thiếu các quy tắc quản lý các hoạt động không gian. Hoa Kỳ đã thúc đẩy Hiệp Định Artemis để quản lý việc thăm dò dân sự và sử dụng không gian ngoài trái đất, nhưng Trung Quốc và nhiều quốc gia khác từ chối tham gia.

8 - Ngày 24/2/2023 đánh dấu một năm cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

Các cuộc phản công của Ukraine trong năm 2023 không giành được nhiều thắng lợi và phải trả giá đắt. Vào đầu năm, nhiều người hy vọng rằng cuộc phản công của Ukraine có thể phá vỡ sự kiểm soát của Nga ở miền đông Ukraine và có thể cả Crimea. Các cuộc phản công quan trọng đã bắt đầu vào đầu tháng Sáu, mặc dù gây tổn thất nặng nề cho quân Nga, nhưng chiến tuyến hầu như không di chuyển. Quân đội Nga đã tận dụng mùa đông và mùa xuân để chuẩn bị những lực lượng phòng thủ vô cùng ngoan cường. Đầu tháng 11, vị tướng hàng đầu của Ukraine mô tả giao tranh là bế tắc, và thừa nhận rất có thể sẽ không có đột phá sâu sắc nào.

Thế giới bắt đầu nghi vấn về khả năng ca khúc khải hoàn của Ukraine. Mặc dù chịu tổn thất khủng khiếp, nhưng Nga đã tăng gấp đôi số lượng quân ở Ukraine vào mùa thu năm 2023. Nền kinh tế Nga lớn hơn gấp nhiều lần so với đối phương, cho nên vẫn có lợi thế nếu chiến tranh kéo dài. Trong khi đó, dấu hiệu mệt mỏi về Ukraine đã bắt đầu ở Mỹ, khi các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa ngần ngại gửi thêm viện trợ cho Kyiv. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi Ukraine đổi đất lấy hòa bình. Nhưng liệu Tổng thống Nga Putin có đồng ý ngừng giao tranh hay không vẫn còn là ẩn số. Putin có thể tin rằng thời gian đang đứng về phía mình, đặc biệt nếu cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 2024 đưa cựu tổng thống Trump trở lại Tòa Bạch Ốc.

9 - Hamas tấn công Israel.

Trung Đông có vẻ đầy hứa hẹn cho đến cuối tháng 9 năm 2023. Hiệp Định Abraham đã làm quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập trở nên tốt đẹp hơn. Có nhiều người suy đoán rằng Ả Rập Saudi có thể sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan từng tuyên bố khu vực Trung Đông yên tĩnh hơn so với hai thập kỷ trước. Nhưng mọi thứ đã đảo lộn vào ngày 7 tháng 10, khi Hamas tấn công Israel. Khoảng 1,200 người Israel đã thiệt mạng, ngày đẫm máu nhất trong lịch sử Israel. Khoảng 240 người bị bắt làm con tin. Thề tiêu diệt Hamas, Israel tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Gaza và sau đó xâm chiếm miền bắc Gaza. Một cuộc ngừng bắn tạm thời vào cuối tháng 11 đã giúp việc thả khoảng một trăm con tin. Nhưng giao tranh nhanh chóng trở lại khi quân đội Israel tiến vào miền nam Gaza. Số người chết tăng vọt đối với thường dân Palestine, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã làm dấy lên những lời phàn nàn trên toàn thế giới rằng Israel đang phạm tội ác chiến tranh. Israel phủ nhận cáo buộc, cho rằng Hamas đang sử dụng thường dân Palestine làm lá chắn sống.

Chính quyền Biden ủng hộ mạnh mẽ quyền trả đũa của Israel ngay từ đầu. Tuy nhiên, đến đầu tháng 12, các quan chức Mỹ đã công khai kêu gọi Israel làm nhiều hơn để bảo vệ dân thường, nếu không sẽ có nguy cơ “thất bại chiến lược”. Những lo ngại ban đầu rằng xung đột ở Gaza có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh Trung Đông rộng lớn hơn đã giảm bớt vào những ngày cuối năm, nhưng không biến mất hoàn toàn. Cuộc xung đột sẽ kết thúc như thế nào vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Nhiều người cho rằng nếu Hoa Kỳ và những đồng minh của Isarel không tìm ra một giải pháp lâu dài, không tôn trọng quyền được sống và tồn tại của dân tộc Palestine, cuộc xung đột ở vùng đất thánh này sẽ không bao giờ chấm dứt.

Năm 2023 đang khép lại với niềm vui, nỗi buồn. Nhân loại bao giờ cũng muốn đón năm mới với một niềm lạc quan, hy vọng. Từ hơn hai ngàn năm trước, Đức Phật và Chúa Giê Su ra đời kêu gọi con người yêu thương, tha thứ lẫn nhau. Vẫn biết con người sinh ra với tham sân si, nhưng nhân tính trong mỗi cá nhân vẫn luôn có sẵn. Vì vậy, tìm cách khơi dậy trong chính mình tình yêu thương, sự cảm thông với người khác vẫn là cách cứu rỗi nhân loại thiết thực nhất mà mỗi người có thể làm được.
 
Nguồn:

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thế giới đã phải đối mặt với muôn vàn hỗn loạn và khó khăn trong những năm 2020. Sau đại dịch COVID là các cuộc xung đột và chiến tranh nổ ra ở Châu Âu, khiến cho giá cả lương thực và nhiên liệu tăng cao chưa từng thấy. Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang gây ra những sự kiện thiên tai thảm khốc chưa từng có. Những cụm từ “chưa từng có,” hay “chưa từng thấy” đã trở nên quá quen thuộc đến mức nhàm tai.
“Trung Cộng muốn đưa quân tràn qua biên giới Việt Nam để đánh lạc hướng và cầm chân quân đội Bắc Việt, ngăn chận cuộc tổng tấn công Miền Nam đang tiến hành,” Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng VNCH, ông Bửu Viên nói với chúng tôi ngay sau cuộc rút quân khỏi Pleiku (15/2/1975). Ít lâu sau, lại được nghe Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc cho biết sau một cuộc Họp Nội Các, rằng: “TC có liên lạc và đề nghị một kế hoạch để tiếp cứu VNCH, nhưng TT Thiệu đã từ chối.” Vào thời điểm ấy thì chúng tôi cho rằng câu chuyện TC muốn can thiệp để ngăn chận cuộc tấn công của BV là hoang tưởng, viển vông nên không để ý, và sau này cũng quên không hỏi thẳng TT Thiệu.
Vào thế kỷ 18, Đảng Dân Chủ Cộng Hòa (Democratic Republican Party) được gọi tắt là Cộng Hòa (Republican) hoạt động ở Hoa Kỳ do Thomas Jefferson và James Madison thành lập, nhằm chống lại chủ trương và chính sách của Đảng Liên Bang (Federalist Party) lãnh đạo bởi Luật Sư Alexander Hamilton hoạt động mạnh về kinh tế, xã hội, ngoại giao...
Các di tích bằng đá gọi là megalith rải rác khắp nơi trên thế giới, tiếng Việt gọi là “cự thạch” (“cự” có nghĩa là lớn như trong cự phách, cự đại, cự phú, dịch prefix mega; thạch là đá)...
LTS. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng Trưởng Kế Hoạch VNCH, là người được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ủy thác nhiều công việc trong những ngày tháng cuối, trước khi Sàigòn sụp đổ . Tại Hoa Kỳ, sau 1975, ông là tác giả nhiều cuốn sách được phổ biến rộng rãi như "Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập", "Khi Đồng Minh Tháo Chạy", "Khi Đồng Minh Nhảy Vào", và sắp xuất bản cuốn BỨC TỬ VNCH - KISSINGER VÀ 8 THỦ ĐOẠN NHAM HIỂM. Bước vào tháng Tư, mời đọc bài bài viết đã đăng trên báo xuân Việt Báo Ất Dậu (2005), vừa được tác giả gửi lại bản có hiệu đính.
Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng và chưa có bảng thống kê về ngôn ngữ, kể từ khi có mặt loài người sống trên hành tinh trái đất này. Có hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn ngôn ngữ khác biệt nhau, và chưa có ai qủa quyết con số chính xác về ngôn ngữ từng được sử dụng trong lịch sử phát triển của xã hội con người...
Cho dù Hoa Kỳ trong thế yếu không còn thúc đẩy Trung Quốc dân chủ hóa nhưng bù lại cả hai chính quyền Bush (con) và Obama đều bang giao với Trung Quốc như một đối tác trách nhiệm (responsible party). Thực tế trái ngược vì tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh tăng theo đà phát triển kinh tế nên Trung Quốc không còn muốn nép mình trong trật tự thế giới tự do (liberal world order) do Mỹ lãnh đạo...
Tháng Ba là tháng vinh danh những đóng góp của người phụ nữ cho xã hội, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở nhiều nước khác. Nhà văn người Anh Charlotte Brontë (1816-1855) đã viết trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của bà “Jane Eyre,” được xuất bản vào năm 1847, rằng, “Tôi không phải là chim; và không có cái lưới nào bẫy được tôi: Tôi là một con người tự do với ý chí độc lập.”Charlotte Brontë đã khai hỏa trên mặt trận văn chương cho cuộc chiến kéo dài hàng nhiều thế kỷ để đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội mà tới hôm nay vẫn chưa thực sự chấm dứt. Những thanh thiếu nữ tại Afghanistan đã và đang bị cấm thừa hưởng nền giáo dục học đường mà đáng lý ra các em phải có được! Nhưng, không phải chỉ ở thời đại của tác giả “Jane Eyre” người phụ nữ mới gióng lên tiếng nói tự do và độc lập mà trong lịch sử nhân loại từ xưa tới nay người phụ nữ đã bao lần lên tiếng, xuống đường để tranh đấu cho tự do và độc lập của họ cũng như của xã hội và đất nước họ.
Vào thập niên 1970 kinh tế và dân số Ấn Độ và Trung Quốc tương đương với nhau nhưng rồi 30 năm sau đó tăng trưởng bên Tàu vượt xa Ấn. Nếu so sánh Trung Quốc với nhiều nước đang mở mang khác như Ai Cập, Brazil, Indonesia…kết quả đều tương tự. Câu hỏi đặt ra nơi đây tại sao tham nhũng ở Trung Quốc không cản trở tăng trưởng, mà trái lại nền kinh tế bốc hỏa nhanh chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại?
Vào đầu thế kỷ 20, xã hội Nga cũng tương tự như xã hội Pháp trước cuộc cách mạng 1789 vậy. Một mặt triều đình thối nát, công quỹ kiệt quệ. Mặt khác giáo hội Chính Thống Giáo cũng liên kết với vương quyền và giới quý tộc bóc lột người dân. Cuộc cách mạng lật đổ Nga Hoàng năm 1917 không phải hoàn toàn, hoặc chủ yếu, do người Cộng Sản Bolshevik. Cũng như cuộc cách mạng Pháp và những cuộc cách mạng khác, thành quả có được là do sự đóng góp của nhiều cá nhân và đảng phái khác nhau. Tuy nhiên tổ chức nào nghiêm túc, chặt chẽ và kỷ luật sẽ nắm được thế thượng phong...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.