Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi Hamas tấn công vào Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, Tổng thống Joe Biden khẳng định sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Israel là “vững chắc và không lung lay, giống như những gì chúng tôi đã và đang làm kể từ thời điểm Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên công nhận Israel, chỉ 11 phút sau khi quốc gia này thành lập, cách đây 75 năm.”
Israel đã tuyên bố quyết tâm tiêu diệt Hamas và phát động một cuộc chiến đẫm máu ở Gaza. Tính đến cuối tháng 11, đã có hơn 14,000 người Palestine thiệt mạng. Chiến tranh cũng đã phá hủy phần lớn Gaza và khiến khoảng 70% dân số ở đây phải sơ tán.
Israel, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, đã không mảy may chú ý đến lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức hoặc yêu cầu của Liên Hiệp Quốc ngừng nhắm mục tiêu vào dân thường. Và chính quyền Biden đã đóng một vai trò quan trọng trong thỏa thuận ngừng bắn tạm thời cũng như trao đổi con tin và tù nhân giữa Israel và Hamas.
Mối quan hệ Hoa Kỳ-Israel bắt nguồn từ trước năm 1948, và là bối cảnh cho “mối quan hệ đặc biệt” giữa hai nước – giờ đây nó có tính quan trọng đối với việc Israel tiến hành cuộc chiến ở Gaza.
Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, ở Hoa Kỳ, người ta coi giá trị chiến lược của Israel là lý do để thiết lập mối quan hệ đặc biệt giữa 2 nước. Dù Israel cũng có những lợi ích riêng trong xung đột ở Trung Đông, Quốc hội Hoa Kỳ và các nhà vận động hành lang ở Mỹ đã xem chúng như những lợi ích nhất quán với lợi ích của Hoa Kỳ.
Kinh Thánh, Chủ nghĩa phục quốc Do Thái của Cơ đốc giáo (Christian Zionism), văn hóa đại chúng, việc tưởng niệm sự kiện Holocaust sau năm 1967 và cách tiếp cận chung giữa Hoa Kỳ và Israel đối với đất đai và dân bản xứ đã dẫn đến sự thay đổi vị thế của người Do Thái và người Israel từ “người ngoại đạo” thành “người trong cuộc” tại Hoa Kỳ.
Mối quan hệ văn hóa và chính trị này là nền tảng cho việc Hoa Kỳ hiện tại dành cho Israel sự ủng hộ vô điều kiện, cũng như việc Hoa Kỳ được coi là có liên quan sâu sắc đến các hành động của Israel trong và ngoài khu vực.
Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Harry Truman công nhận Israel vào năm 1948, những chính sách qua các đời tổng thống đã cho thấy mối quan hệ Hoa Kỳ-Israel không phải lúc nào cũng “vững chắc và kiên định.”
Trước khi quốc gia Israel thành lập: Hoa Kỳ và chủ nghĩa phục quốc Do Thái
Với đa số người Ả Rập sinh sống trong hơn một thiên niên kỷ cho đến năm 1948, vùng lãnh thổ Palestine lúc đó đã là một phần của Đế quốc Ottoman từ năm 1517 cho đến khi bị Anh chiếm đóng trong Thế Chiến I.
Phong trào phục quốc Do Thái đã đạt được mục tiêu quan trọng vào tháng 11 năm 1917, khi Anh, vì lý do chiến lược và tôn giáo, ban hành Tuyên bố Balfour (Balfour Declaration) ủng hộ việc thiết lập một quốc gia quê hương cho người Do Thái tại Palestine. Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson cũng tán thành cả tuyên bố này lẫn quyền kiểm soát của Anh đối với Palestine do League of Nations phê chuẩn.
Ở Palestine, Anh sử dụng “quyền ủy trị” của mình đối với Palestine để thúc đẩy dự án Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionist project). Vào năm 1942, sự trỗi dậy của Hitler và việc Hoa Kỳ tham gia Thế Chiến II đã khiến những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái ở Hoa Kỳ chấp nhận Chương trình Biltmore (Biltmore Program), kêu gọi người Do Thái nhập cư ồ ạt vào Palestine và biến lãnh thổ này thành một quốc gia Do Thái. Việc phanh phui toàn bộ tội ác của Đức Quốc Xã đã khiến Hoa Kỳ càng vững tâm ủng hộ Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, và từ đây, trung tâm của Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đã chuyển từ London sang Washington.
Năm 1944, Cương lĩnh của Đảng Dân Chủ ủng hộ “mở cửa Palestine cho người Do Thái nhập cư và định cư không hạn chế” cũng như việc thành lập một nhà nước Do Thái. Nhưng lo ngại những nỗ lực chiến tranh của Hoa Kỳ sẽ bị tổn hại, Tổng thống Franklin Roosevelt đã viết thư cho một số chính phủ Ả Rập ngay trước khi ông qua đời vào năm 1945, khẳng định sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào đối với Palestine mà “có thể gây thù địch với nhân dân Ả Rập.”
Israel, Hoa Kỳ và Chiến Tranh Lạnh
Tổng thống Harry Truman có thiện cảm với Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái vì ông được nuôi dạy theo Kitô giáo. Ông tán thành Kế Hoạch Phân Chia Palestine (Partition Plan for Palestine) năm 1947 của Liên Hiệp Quốc nhằm thành lập một quốc gia Ả Rập và một quốc gia Do Thái, và bất chấp sự phản đối từ bên trong chính quyền, ông vẫn công nhận Quốc gia Israel vào ngày 14 tháng 5 năm 1948.
Tuy nhiên, Truman từ chối gửi vũ khí cho bất kỳ bên nào trong Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948, vì ông coi cuộc xung đột là một nguồn gốc của sự bất ổn trước mối đe dọa của cộng sản đang nổi lên. Trong cuộc chiến đó, 750,000 người Palestine đã chạy trốn hoặc bị trục xuất, trở thành dân tị nạn từ lãnh thổ sau này trở thành Israel.
Tổng thống Dwight Eisenhower cũng tìm cách ngăn Liên Xô ‘nhúng tay’ vào Trung Đông và cố gắng duy trì sự trung lập đối với xung đột Ả Rập-Israel. Ông thậm chí còn đe dọa cắt tất cả viện trợ chính thức và tư nhân, và trục xuất Israel khỏi Liên Hiệp Quốc để buộc Israel phải rút lui khỏi lãnh thổ Ai Cập, bán đảo Sinai, vào năm 1957.
Xung đột và mối quan hệ đặc biệt Hoa Kỳ-Israel
Tổng thống John F. Kennedy đặt ra thuật ngữ “mối quan hệ đặc biệt” để chỉ mối quan hệ giữa hai nước. Ông hy vọng rằng để đổi lấy vũ khí phòng thủ của Hoa Kỳ, Israel sẽ ủng hộ kế hoạch của ông, dựa trên Nghị quyết 194 của Liên Hiệp Quốc, kêu gọi hồi hương hoặc bồi thường cho người tị nạn Palestine cũng như cho phép kiểm tra hiệu quả chương trình hạt nhân của nước này. Israel chấp nhận vũ khí nhưng từ chối hợp tác trong các vấn đề khác, và chẳng có vấn đề nào được thảo luận lại.
Tổng thống Lyndon Johnson xem Israel như một tài sản chiến lược và gửi cho nước này những vũ khí tấn công tiên tiến. Johnson ủng hộ cuộc tấn công của Israel vào Ai Cập, Syria và Jordan trong cuộc chiến tháng 6 năm 1967, khi Israel lần đầu tiên chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza. Johnson cũng tán thành Nghị quyết 242 của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11 năm 1967, trong đó quy định Israel phải rút quân với điều kiện các quốc gia Ả Rập phải công nhận và ký kết các hiệp ước hòa bình với Israel. Chiến thắng nhanh chóng của Israel đã biến đổi mối quan hệ Hoa Kỳ-Israel, nâng Israel trở thành một yếu tố quan trọng trong bản sắc Do Thái ở Hoa Kỳ và củng cố các chính sách ủng hộ Israel ở Washington.
Tổng thống Richard Nixon đã tăng cường viện trợ kinh tế và quân sự cho Israel vì ông chấp nhận một cách mù quáng quan điểm của Israel rằng Liên Xô là nguyên nhân chính gây căng thẳng ở Trung Đông, và vì Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973. Kể từ đó, các gói viện trợ hào phóng đã trở nên thường như ‘cơm bữa’: Trong những năm gần đây, viện trợ của Hoa Kỳ cho Israel vào khoảng 3 đến 4 tỷ MK hàng năm, tổng cộng gần 318 tỷ MK kể từ Thế Chiến II, bao gồm cả giá trị vũ khí.
Trong khi Tổng thống Jimmy Carter làm trung gian cho hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel năm 1979, thì chính quyền Ronald Reagan sau đó đã rời bỏ tiến trình hòa bình tích cực và quay sang tập trung vào Liên Xô, ký kết với Israel bản cam kết về hợp tác chiến lược, nâng mối quan hệ lên một tầm chiến lược mới. Chính quyền Reagan ủng hộ cuộc xâm lược của Israel vào Lebanon năm 1982, từ chối coi các khu định cư ở Bờ Tây là bất hợp pháp, và chỉ định Israel là “một đồng minh lớn không thuộc NATO” vào năm 1987.
Tổng thống Bill Clinton đã làm trung gian cho Hiệp định Oslo, trong đó Israel đồng ý rút khỏi các khu vực ở Bờ Tây và Dải Gaza, đồng thời nhượng lại một số quyền kiểm soát cho một thực thể chính trị mới, Chính quyền Palestine. Nhưng Clinton đã không đạt được một thỏa thuận lâu dài giữa Palestine và Israel, và theo một nhà đàm phán của Hoa Kỳ, chính quyền của ông đã đóng vai trò là “luật sư bào chữa của Israel, cung cấp và phối hợp với Israel khiến cho các cuộc đàm phán hòa bình bất thành.”
‘Tiến trình hòa bình’ và ‘cuộc chiến chống khủng bố’
Sau sự kiện 11/9, Tổng thống George W. Bush đã chấp nhận rằng Israel đang tiến hành cuộc chiến chống khủng bố của riêng mình, và điều kiện họ đặt ra là phải thay đổi lãnh đạo Palestine trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng cả lời kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine của Bush và việc Mahmoud Abbas đắc cử tổng thống Chính quyền Palestine năm 2005 đều chẳng thể dẫn đến một thỏa thuận nào.
Năm 2006, chính quyền Bush đã thúc đẩy và tán thành sự tham gia của Hamas vào các cuộc bầu cử lập pháp của người Palestine. Khi Hamas giành chiến thắng và thành lập chính phủ mới, cả Israel và Hoa Kỳ đều từ chối thỏa thuận, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Chính quyền Palestine và tìm cách gia tăng mâu thuẫn giữa Hamas và đảng Fatah của Abbas. Bush thậm chí còn ủng hộ kế hoạch bí mật châm ngòi cho một cuộc nội chiến ở Palestine, gây ra cuộc đối đầu quân sự giữa Hamas-Fatah. Cuộc chiến đó kết thúc với việc Hamas tiếp quản Gaza, khiến Israel áp đặt lệnh phong tỏa Gaza vào năm 2007.
Tổng thống Barack Obama ủng hộ các cuộc tấn công của Israel vào Gaza nhưng cũng chẳng loại bỏ được mối đe dọa quân sự từ Hamas. Về mặt ngoại giao, Obama miễn cưỡng tham gia trực tiếp, còn Israel vẫn từ chối ngừng vĩnh viễn xây dựng các khu định cư.
Các Hiệp định Abraham của Tổng thống Donald Trump và các cuộc thảo luận gần đây dưới thời chính quyền Biden nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và Saudi cho rằng xung đột Ả Rập-Israel có thể được giải quyết mà không cần phải động tới xung đột Palestine. Nhưng cuộc chiến hiện tại đã thách thức suy nghĩ đó và chỉ ra rằng sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Israel hiện nay thực sự là “vững chắc và kiên định.”
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “A brief history of the US-Israel ‘special relationship’ shows how connections have shifted since long before the 1948 founding of the Jewish state” của Fayez Hammad, được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn