Garden Grove, Nam California (Thanh Huy)- - Tại Tu Viện Đại Bi số 13852 Newland ST; Thành Phố Garden Grove, Nam California vào lúc 4 gio 30 chiều Thứ Bảy ngày 2 tháng 12 năm 2023, Hội Đồng Hoằng Pháp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức lễ tưởng niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN, Chủ Tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng lâm Thời, Cố Vấn Hội Đồng Hoàng Pháp GHPGVNTN.
Khoảng một ngàn Chư Tôn Giáo Phẩm, Chư Tôn Đức Tăng Ni và đồng hương Phật tử tham dự.
Chư Tôn Đức chứng minh có: HT. Thích Phước Thuận, Thành Viên Hội Đồng Giáo Phẩm, HT Thích Minh Dung, Phụ Tá Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK, Hòa Thượng Thích Thông Hải, Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ, Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ,HT. Thích Minh Hồi, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Kiến Thiết, HT. Thích Nhật Huệ, Tổng Vụ Trưởng, Tổng Vụ Tăng Sư, HT. Thích Minh Mẫn, Thành Viên Hội Đồng Giáo, GHPGVNTNHK, HT. Thích Viên Huy, Phó Chủ Tịch Thường Trực Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại, HT. Thích Tâm Thành, Tổng Vụ Trưởng Ngoại Vụ Tăng Đoàn GHPGVNTNHN, HT.Thích Nguyên Siêu, Tổng Thư Ký Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK, Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ Tưởng Niệm, Thượng Tọa Thích Thánh Minh, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ, Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK, Cư Sĩ Quảng Phước Huỳnh Tấn Lê Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Pháp Chế, Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTHHK. cùng một số quý chư tôn đức Tăng, chư tôn đức Ni đến từ các chùa và tu viện Nam California, Dân cử có Dân Biểu Tiểu bang Ông Tạ Đức Trí, cựu Thị Trưởng Thành Phố Fountain Valley ông Michael Võ và phu nhân. Quý vị nhân sĩ trí thức, quý vị Huynh Trưởng và đoàn sinh Gia Đình Phật Tử, quý vị đại diện cộng đồng, hội đoàn, đoàn thể, quý cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí…
Mở đầu buổi lễ, ban tổ chức cung thỉnh chư tôn Giáo Phẩm, chư Tôn Đức Tăng Ni quang lâm chánh điện do các em Gia Đình Phật Tử thực hiện.
Điều hợp chương trình buổi lễ do Thượng Tọa Thích Hạnh Tuệ.
Sau khi ổn định đạo tràng, một phút Nhập Từ Bi Quán, tiếp theo TT. Thích Hạnh Tuệ thông qua lý do buổi lễ, sau đó TT. Cung thỉnh HT. Thích Nguyên Siêu, Phó Trưởng ban Tổ chức, thay mặt HT. Thích Như Điển, Trưởng Ban Tổ Chức lên đọc diễn văn khai mạc
Mở đầu HT. xin tri ân Chư Tôn Đức Tăng, Ni đã từ bi thân lâm tham dự Lễ Tưởng Niệm Trưởng lão HT. Thích Tuệ Sỹ, chúng tôi cũng xin chân thành cảm tạ sự hiện diện quý báu của chư vị quan khách, quý nhân sĩ trí thức, quý anh chị em Gia Đình Phật Tử Việt Nam các cấp, quý cơ quan truyền thông báo chí và đồng hương Phật tử có ma85t trong buổi lễ tưởng niệm hôm nay. Hòa Thượng tiếp “… tất cả sự biến dịch đều là vô thường, là pháp sanh diệt. Khi diệt được sự sanh diệt là chứng đắc Niết bàn tịch diệt thì đạt được an lạc… Những di sản tinh thần vô giá về tư duy, kiến giải, hành trạng, đức độ thực chứng, và những công trình đóng góp to lớn cho văn hóa, giáo dục, học thuật, nghệ thuật.v.v… hãy còn mãi với nhân loại hay đất nước và xã hội. Lịch sử hơn hai ngàn năm của Phật Giáo Việt Nam còn đó, hình ảnh không phai mờ của những vị minh quân Phật tử như Lý Công Uẩn, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông và những vị Thiền Sư lỗi lạc như Khương Tăng Hội, Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh Hương Hải, Thích Quảng Đức, v.v... Còn nhiều nữa mà ở đây chúng ta không thể kể ra hết.
Và hiện nay tất cả chúng ta đang chứng kiến sự ra đi của một bậc Thạch Trụ Tòng, một Tam Tạng Pháp Sư Việt Nam thời hiện đại, một học giả lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn của dân tộc, một nhà văn, một nhà thơ trác tuyệt trong nền văn học nước nhà. Đó chính là sự viên tịch của Trưởng Lão HT. Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống, Chủ Tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Cố Vấn Hội Đồng Hoằng Pháp thuộc GHPGVNTN vào lúc 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023 tại Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng nai Việt Nam.
Sự viên tịch của Trưởng Lão HT. Thích Tuệ Sỹ đã làm bàng hoàng và tiếc thương vô hạn đối với hàng triệu người Việt trên thế giới, đã để lại dư âm sâu sắc trong tâm thức của muôn vạn người đối với những đóng góp to lớn mà Ngài đã cống hiến cho dân tộc và Phật Giáo Việt Nam trong nhiều lãnh vực từ văn hóa đến văn học, từ học thuật đến nghệ thuật, từ triết lý tư tưởng đến nhân cách xuất trần…”
Sau phần diễn văn khai mạc là phần chiếu Video về đôi nét cuộc đời hành đạo của Trưởng Lão HT. Thích Tuệ Sỹ.
Tiếp theo Cư Sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, học trò của Thầy lên tuyên đọc bài “Xưng Tán Ân Sư”, tâm sự của một người học trò đối với vị thầy, trong trong đó có đoạn: “…Con cúi đầu kính lễ Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ (1945-2023) mang theo kho tàng trí tuệ vô tận, lòng từ bi vô biên và hùng lực vô úy đã hiện thân vào thế giới này….
Rồi một thuở nọ, trước vận nước đổi thay, lòng dân bi thống vì sống trong cảnh hà chính khổ nhục đau thương, Thầy đã noi gương các bậc tiền nhân: “Bồ Tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ, xông mình vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than.”
Với nội lực sở tri và sở hành Phật Pháp thâm sâu, dù ở trong lao tù Thầy vẫn an nhiên tự tại: “Trách lung do tự tại, tán bộ nhược nhàn du.”(5) Liễu ngộ bản chất các pháp đều vô ngã, như mộng, như huyễn, như quáng nắng, như sương mai nên Thầy đã ví việc bị giam trong tù như nhốt một làn khói mỏng, “dư chỉ khinh yên bán ngục khung.”
Để dẫn đạo Dân Tộc và Đạo Pháp bước vào thế kỷ hai mươi mốt, Thầy đã thừa lệnh Hòa Thượng Huyền Quang soạn Thông Điệp Hướng Về Thế Kỷ XXI mở ra viễn kiến của GHPGVNTN đối ứng với những thực trạng và thách thức mà nhân loại và Đạo Phật sẽ đối mặt trong thiên niên kỷ mới:
“Một lần nữa, Phật giáo Việt Nam ý thức rõ lực lượng và sứ mệnh lịch sử của mình đối với dân tộc và nhân loại trong thiên niên kỷ sắp tới. Lực lượng này không xây dựng trên vũ khí, bè đảng, nhằm mục tiêu tranh quyền cố vị. Lực lượng này xây dựng trên tinh thần Bi, Trí, Dũng; nói rõ là: tôn trọng sự sống, sáng suốt hành động và dũng cảm tự tồn.”…
Năm ấy, trên đường ngàn dặm cô thân, Thầy gõ thiền trượng mà ngâm rằng, “Ta về một cõi tâm không…” Ấy là cõi tâm rỗng lặng, tịch lặng, hay Niết-bàn. Và Thầy đã lên đường “về cõi tâm không,” vào 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023, giờ Việt Nam, tại Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam.
Vậy là:
“Việc cần làm đã làm xong,” Thầy quảy dép độc hành trên đường thiên lý,
Đỉnh Lăng-già lung linh bóng nguyệt thấp thoáng cánh chim nhạn lướt về Tây.
Ôi, lời thơ năm xưa nay đã hóa thành Thiên nhạc ngân vang tận những tầng trời cao vút để cung tiễn bước chân trở về của vị hóa thân Đại Sĩ.
“Đã đi thì đã đi rồi
Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu…”
Con cúi đầu đảnh lễ Giác Linh Thầy tôn kính và lạy tạ ân đức giáo hóa cao dày của Thầy.
Tiếp đến, Hòa Thượng Thích Nhật Huệ tuyên đọc di chúc của cố trưởng lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Di chúc Thầy dạy rất đơn giản không cầu kỳ trong tang lễ, không đọc điếu văn, tiểu sử; không sổ tang, xin miễn phúng điếu, tràng hoa, liễn đối…
Sau đó Cư Sĩ Thị Nghĩa Trần Trung Đạo lên giới thiệu Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, ông cho biết: “Buổi chiều 15 tháng 9, 2023 Hội Đồng Hoằng Pháp họp để nghe cập nhật các tin tức mới về sức khỏe Ôn. Chúng tôi đồng ý rằng trong lúc theo dõi bệnh tình của Ôn sẽ phát hành một tuyển tập gọi là Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.
Ban Chủ Biên gồm Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng và Thượng Tọa Thích Hạnh Viên. Ban Biên Tập Kỷ Yếu gồm: Thị Nghĩa - Trần Trung Đạo, Nguyên Đạo - Văn Công Tuấn, Tâm Huy - Huỳnh Kim Quang, Tâm Quang - Vĩnh Hảo, Quảng Diệu - Trần Bảo Toàn, Tâm Thường Định - Bạch Xuân Phẻ. Một ban kỹ thuật với Nguyên Túc - Nguyễn Sung, Quảng Pháp - Trần Minh Triết, Nhuận Pháp - Trần Nguyễn Nhị Lâm làm việc ngày đêm để thiết kế hình thức và nội dung kỷ yếu.
Với sự tận tụy của các anh trong Ban Biên Tập cuối cùng Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ được ra đời. Ban kỹ thuật trong nước vội vã tìm cách in vài cuốn để trình lên Ôn. Ôn có khi khỏe khi mệt. Khi khỏe Ôn đọc vài trang và cứ thế đọc xong cuốn kỷ yếu dày trên 500 trang của gần 70 tác giả.
Sau đó, Cư Sĩ Tâm Thường Định lên đọc điện tín phân ưu, chia buồn với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Phật tử Việt Nam của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và Tòa Tổng Lãnh Sự Pháp tại Việt Nam.
Tiếp theo Cư Sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải đại diện Cư Sĩ lên có lời phát biểu, trong bài phát biểu thật cảm động có lúc ông nghẹn ngào khi nhắc đến tên HT. Thích Tuệ Sỹ, trong bài phát biểu có đoạn ông nói: “… Thầy Tuệ Sỹ đã từng nhiều lần lui vào ẩn dật, sống lặng lẽ như voi trở về hang, ngồi dịch những ngàn trang lời Phật dạy, nhưng rồi lại bước ra trước mắt chúng con để làm sáng tỏ Chánh Pháp, để lấy hành hoạt thân giáo hiển lộ cho chúng con học và sống theo Chánh Pháp. Lời dạy xưa nói rằng, hãy y pháp, bất y nhân, và trước mắt chúng con, chính Thầy đã trở thành pháp: Thầy Tuệ Sỹ đã trở thành một tượng hình Chánh Pháp sinh động. Khi đã nhìn thấy hình ảnh Thầy ngồi Thiền trên giường bệnh nửa đêm, làm sao chúng con có thể làm biếng được nữa. Khi đã nhìn thấy Thầy nằm trên giường bệnh, và đưa tay ra gõ lên chiếc iPad để chú giải bản văn về Thành Duy Thức Luận của một môn đệ gửi tới, làm sao chúng con có thể tiếp tục nằm ngủ sớm và thức dậy trễ.
Hãy hình dung như thế này: sau khi Đức Phật tuyên thuyết Chánh Pháp, khắp các cõi đểu chấn động. Và rồi hơn hai ngàn năm sau, âm vang lời Đức Phật đã hội tụ về lại nơi mảnh đất Việt Nam đầy đau khổ, để trở thành một nhà sư có tên là Tuệ Sỹ. Một nhà sư đúng nghĩa trong Kinh Phật, một tỳ kheo sống với giới định huệ, và đó là hình ảnh đẹp nhất trong các cõi trời người. Tất cả các chữ khác của thế gian không nói được phần nào của cái đẹp này: một nhà sư, sống như một con voi chúa để dìu dắt đàn voi lội qua dòng sông sinh tử....”
Tiếp theo phần nghi thức lễ tưởng niệm, mở đầu với phần Hô Chuông Cầu Nguyện, Niệm Hương Bạch Phật, Lễ Thọ Tang và Cung Tiến Giác Linh.
Sau đó là Thắp Nến tưởng niệm, trong lúc nầy mọi người đều cầm trên tay một ngọn nến, trong sự im lặng dưới ánh nến bập bùng qua lời đọc bài Dâng Nến của Ni Sư Thích Nữ Huệ Thảo, mọi người không dấu được niềm cảm xúc sâu xa khi tưởng nhớ đến Thầy, một người đã hiến trọn đời mình cho Đạo Pháp và Dân Tộc.
Tiếp đến là lời cảm tạ của ban tổ chức, trong lúc nầy, Hòa Thượng Thích Minh Dung mời tất cả quý vị trong ban tổ chức cùng lên đảnh lễ, cảm tạ chư tôn thiền đức tăng, ni và tất cả chư vị quan khách và đồng bào Phật tử, các vị lãnh đạo cộng đồng, các vị dân cử, quý cơ quan truyền thông đã quan tâm tham dự, cầu nguyện cho cố Trưởng Lão HT.Thích Tuệ Sỹ cao đăng Phật Quốc. sớm hội nhập Ta Bà tiếp tục những công trình còn dang dở.
Kết thúc chương trình ban tổ chức mời quý chư tôn đức, quý vị quan khách cùng đồng hương Phật tử chụp hình lưu niệm.
Trước khi ra về chúng tôi thấy mọi người đều cầm trên tay một cuốn kỷ yếu, được biết số người ra sau không còn vì số kỷ yếu hôm đó chỉ có 500 cuốn.
Gửi ý kiến của bạn