Hôm nay,  

Ca Khúc Xây Dựng Nông Thôn: Một Dòng Nhạc Đặc Sắc Phục Vụ Làng Quê VNCH

05/10/202320:52:00(Xem: 1469)

XDNT2

Đoàn văn công Chí Linh trình diễn trong ngày họp mặt của Hội Ái Hữu Linh Sơn Lĩnh.



Vào ngày Chủ Nhật 24/09/2023, trong một cuộc họp mặt thường niên của Hội Ái Hữu Linh Sơn Lĩnh, một nhóm thân hữu trong bộ đồ màu đen đã lên sân khấu hát lại một số ca khúc sinh hoạt của Phòng Trào Xây Dựng Nông Thôn (XDNT) trước 1975. Một số thân hữu tham dự ngạc nhiên và thú vị khi nhận ra rằng có rất nhiều ca khúc của phong trào này có giá trị, nhưng tác giả và tác phẩm của họ không mấy người trong cộng đồng biết đến. Nhân dịp này, anh Dương Văn Loan, một nhạc sĩ của đoàn văn công Chí Linh của Chương Trình XDNT, đã kể lại một số hoạt động chính, cũng như một số nhạc sĩ, ca khúc tiêu biểu của nhóm trước 1975.

Có một ca khúc rất phổ biến mà Phong Trào Hướng Đạo Việt Nam, Phong Trào Du Ca và nhiều hội đoàn trong cộng đồng vẫn hát mỗi khi chia tay từ nhiều năm nay, đó là Bài Ca Tạm Biệt:

Gặp nhau đâу rồi chia taу
ngàу vàng như đã vụt qua trong phút giâу.
Ɲiềm hăng saу còn chưa phai,
đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầу…

XDNT1
Ca khúc Bài Ca Tạm Biệt của nhạc sĩ Viết Chung

Không có nhiều người biết rằng đây là sáng tác của cố nhạc sĩ Viết Chung, là trưởng đoàn Văn Công Chí Linh sau cùng trước biến cố Tháng Tư Đen. Đây cũng chính là ca khúc tạm biệt chính thức sau mỗi khóa huấn luyện cán bộ XDNT tại trung tâm huấn luyện Chí Linh ở Vũng Tàu. Thời đó, trước khi rời trại huấn luyện để trở về công tác tại các vùng nông thôn, các cán bộ gặp nhau tâm tình trong một Đêm Suy Tư. Rồi sáng hôm sau, họ quây thành vòng tròn để hát lời tạm biệt. Lời hai và lời ba rõ ràng là viết trong bối cảnh của trại Chí Linh của phong trào XDNT:

...Rừng linh thiêng, rừng Lam Ѕơn, rừng trầm lên tiếng gọi câу xanh Ϲhí Linh.
Về quê hương, về Ϲhi Lăng. Đường về xao xuуến lửa nung soi máu hồng…
…Ϲòn trong ta, tình bao la, cuộc tình tươi thắm bừng lên trong bao ước mơ.
Rồi suу tư, lời đêm qua, dặn lòng hãу nhớ lời уêu thương nhắn về…

Chương Trình Xây Dựng Nông Thôn được thành lập từ khoảng năm 1965, nhằm đào tạo đưa cán bộ quốc gia về vùng nông thôn để ngăn chặn ảnh hưởng của CSVN tại các làng quê Miền Nam. Tướng Nguyễn Đức Thắng là người hình thành trung tâm Huấn Luyện Chí Linh để huấn luyện cán bộ XDNT. Đoàn văn công Chí Linh được hình thành ngay sau đó, với mục đích phục vụ các khóa sinh trong các đợt huấn luyện, đồng thời xây dựng phong trào văn nghệ cộng đồng dành cho nông thôn. Trong những ngày khởi đầu, đoàn chưa có ca khúc sinh họat riêng. Nhạc sĩ Phạm Duy đã được mời về, ở trên đất trại cả tháng trời để sinh hoạt cùng cán bộ, văn công. Cũng vào thời đó, trong bộ áo bà ba màu đen, Phạm Duy đã sáng tác hai ca khúc được xem như nhạc hiệu đoàn chính thức của XDNT. Ca khúc Nông Thôn Quật Khởi xác định rõ mục tiêu của Chương Trình Xây Dựng Nông Thôn:

Đã bao năm nhân dân ta đau khổ vô cùng
Đã bao năm mang trên vai hai kẻ thù chung
Bọn cường hào ác bá nó dùng bạo quyền áp bức
Làm người dân lầm than sống trong nhục nhằn
Bọn cộng sản nằm vùng nó khủng bố người hiền lành
Làm thôn làng kinh hoàng đời sống gian nan…
…Nào vùng lên! Nào vùng lên! Ta quyết tâm xây dựng nông thôn…

Còn ca khúc Khoác Áo Màu Đen nói lên niềm kiêu hãnh về bộ đồng phục màu đen của người cán bộ XDNT:

Khoác áo mầu đen mặc mầu dân tộc
Chiếc áo mầu đen nhuộm mầu đấu tranh
Mầu đen mầu tối ám, vùng lên để chiến thắng
Dẹp tan mầu son, mầu phấn điếm đàng... 

Đoàn văn công Chí Linh ngoài nhiệm vụ phục vụ tại trung tâm huấn luyện còn đi công tác khắp các tỉnh, để hát phục vụ cộng đồng nông thôn. Đoàn cũng phụ trách các chương trình truyền hình, truyền thanh XDNT ở Sài Gòn. Được biết Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu rất hài lòng với đoàn, cho nên có dự định đưa đoàn đi lưu diễn ở nước ngoài, để cân bằng với những hoạt động tuyên truyền văn nghệ của CSVN trên trường quốc tế. Vào năm 1970, nhạc sĩ Viết Chung đã dẫn đoàn văn công Chí Linh đi trình diễn tại hội chợ quốc tế Osaka, được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt.

Số lượng nhạc sĩ sáng tác ca khúc của đoàn văn công Chí Linh không nhiều, có thể kể một vài cái tên như Viết Chung, Trần Văn Bùi, Phan Công Danh, Nguyễn Tùng, Dương Văn Loan… Cũng là nhạc cộng đồng giống như nhạc của phong trào du ca, phong trào hướng đạo, nhưng các tác giả-tác phẩm của dòng nhạc XDNT ít được biết đến hơn trong xã hội Miền Nam trước 1975. Nguyên nhân chủ yếu là vì đoàn văn công Chí Linh chủ yếu hoạt động ở vùng nông thôn, và nhắm đến đối tượng là những người sống ở làng quê chứ không phải thành phố. Một số ca khúc được sáng tác để phục vụ các chiến dịch của chương trình XDNT trong từng thời điểm. Nhưng không phải vì thế mà nhạc XDNT kém phần giá trị. Ngược lại, rất nhiều trong số đó là những ca khúc đặc sắc, với tình yêu đất nước nồng nàn, với tấm chân tình dành cho làng quê Việt Nam thắm thiết.

Đường Đi Không Khó là một ca khúc của nhạc sĩ Phan Công Danh, hiện vẫn rất phổ biến trong phong trào hướng đạo, du ca. Ca khúc ngắn ngủi này là lời nhắc nhở sự vượt khó đối với người cán bộ XDNT trên con đường phục vụ tổ quốc, dân tộc:

Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông.
Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông.
Anh em ta ơi! Đường dài còn dài, còn nhiều trở ngại, còn nhiều gian khó, kiên tâm kiên gan anh em ta ơi quyết tâm vượt qua…

Vào năm 1972, trong một lần đi công tác tại Nha Trang, khi nghe tin các phe tham chiến tại Việt Nam cùng ngồi tại Paris để đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam, nhạc sĩ Viết Chung cảm hứng sáng tác ca khúc Ngồi Chung. Ca khúc đầy tính nhân bản này thể hiện niềm khát khao hòa bình của tập thể quân dân cán chính VNCH, luôn hy vọng người dân hai miền Nam Bắc có thể ngồi lại chung với nhau như những người cùng dòng máu đỏ da vàng:

Đừng kể Bắc, đừng kể Trung, đừng kể Nam làm gì
Chỉ nên kể rằng chúng ta là Việt Nam thuần túy
Cùng sinh ra cùng máu thịt và cùng một giống da vàng
Đừng nghi ngờ, nào ngồi xuống ta cùng ngồi chung…
…Ngồi quanh đây ta ngồi quanh đây, kề đôi vai ta kề đôi vai
Non nước này còn dành chỗ cho anh và tôi
Họp nhau đây tâm tình hôm nay, cầm đôi tay lo chuyện tương lai
Trong đáy lòng rộn ràng tiếng ca vui…

Nhưng tiếc thay, những niềm hy vọng đó sớm tan biến, bởi vì hòa bình, niềm tin không thể xây dựng được từ một phía…

Đoàn văn công Chí Linh cũng trình bày những ca khúc quê hương của nhiều tác giả khác. Một trong những ca khúc mà đoàn văn công Chí Linh thường hát khi đi công tác trên khắp miền đất nước là “Những Nẻo Đường Việt Nam” của nhạc sĩ Thanh Bình. Chỉ có những ai đã từng rong ruổi trên những con đường thôn xóm Việt Nam mới có thể viết lên những lời ca chân tình, chạm sâu vào lòng người đến thế:

Những nẻo đường Việt Nam
Suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan
Ôi những nẻo đường Việt Nam (2)
Những nẻo đường về đâu?
Ánh chiều chìm rơi bờ lúa nương dâu
Ôi những nẻo đường về đâu? (2)
Ơ! ta đắp đường làng ta
Nhắc ai đi chớ quên quê nhà
Con đường về thôn vui quá
Ơ! ta bước trên đồi cao
Xóm em ánh trăng soi lối vào
Những nẻo đường gặp gỡ duyên nhau

Yêu là yêu là yêu không bờ bến rồi
Yêu là yêu là yêu những nẻo đường ơi
Yêu là yêu là yêu không bờ bến rồi
Sao người ơi đành tâm chia đường cách đôi…

Được biết, đoàn văn công Chí Linh cũng rất chú trọng đến các em thiếu nhi nông thôn. Các nhạc sĩ của đoàn đã sáng tác hàng trăm ca khúc thiếu nhi, đi đến những trường học trong thôn làng để dạy cho các em hát. Những ca khúc này cho đến nay vẫn rất ít được phổ biến tại hải ngoại.

Đến ngày nay, những người còn lại của đoàn văn công Chí Linh đã bước qua ngưỡng tuổi cổ lai hy. Khi những mái đầu bạc có dịp ngồi lại, họ vẫn hát với nhau với một trái tim đầy nhiệt huyết với quê hương, dân tộc từ hơn nửa thế kỷ trước. Chỉ có điều, những sáng tác của họ vẫn chưa được lưu trữ, phổ biến rộng hơn để xứng tầm với giá trị của chúng. Hy vọng những ca khúc của chương trình XDNT sẽ được lưu truyền cho những thế hệ trẻ Việt Nam trong tương lai, tương tự như những dòng nhạc có giá trị khác của nền âm nhạc Miền Nam trước 1975.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tại Tu Viện Đại Bi số 13852 Newland ST; Thành Phố Garden Grove, Nam California vào lúc 4 gio 30 chiều Thứ Bảy ngày 2 tháng 12 năm 2023, Hội Đồng Hoằng Pháp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức lễ tưởng niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN, Chủ Tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng lâm Thời, Cố Vấn Hội Đồng Hoàng Pháp GHPGVNTN.
Trước chánh điện Chùa Bảo Quang vào lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy ngày 2 tháng 12 năm 2023, một buổi lễ giới thiệu Tân Chủ Tịch Hội Đồng Quản trị và Trụ Trì Chùa Bảo Quang đã được long trọng tổ chức với sự tham dự chứng minh của hàng trăm chư tôn đức Tăng Ni và đồng hương Phật tử, một số các cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí
Trong những năm qua, xuyên qua nhiều bài viết được phổ biến trên các trang mạng Việt Báo Online, Diễn Đàn Thế Kỷ, Văn Hóa Nhật Báo, v.v. tôi đã giới thiệu đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại, hầu như ai cũng biết Phạm Xuân Tích, một nhà chính trị, môt nhà văn hóa, nhà thơ, một nhà viết kịch, môt nhạc sĩ Hồ cầm...
10 giờ sáng, thứ bảy ngày 2/12/2023, tại chùa Bảo Quang, thành phố Santa Ana, hàng trăm Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, ni sư, sư cô và Phật tử tham dự lễ tấn phong Hòa Thượng Thích Thông Hải làm tân trụ trì của chùa Bảo Quang. Thật ra mấy tuần nay, nhiều Phật tử cũng đã biết Hòa Thượng Thích Thông Hải đã về chùa rồi...
Tại chánh điện chùa Bát Nhã, văn phòng thường trực Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ (HĐĐHGHPGVNTNHK) do Hòa Thượng Thích Nguyên Trí Phó Chủ Tịch Nội Vụ HĐĐHGHPGVNTNHK , Viện Chủ Chùa Bát Nhã tọa lạc số 4714 W 1St Santa Ana, Nam California đã long trọng tổ chức Lễ Tưởng Niệm Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN, Chủ Tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Cố Vấn Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN đã thuận thế vô thường thâu thần thị tịch tại chùa Phật Ân, Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai, Việt Nam vào lúc 16 giờ ngày 24 tháng 11 năm 2023.
Là người gốc Việt có khả năng làm truyền thanh dòng chính nên khi Việt Nam mở cửa chào đón du khách phương Tây, anh đã về làm phóng sự về sinh hoạt đời sống, về những thay đổi đang diễn ra trên quê hương nguồn cội sau ngày có chính sách “Đổi mới”. Loạt phóng sự đem đến cho anh giải thưởng xuất sắc của Overseas Press Club. Anh cũng còn là một nhà bình luận trong chương trình “All Things Considered” trên hệ thống truyền thanh National Public Radio.
EMS họp báo với chủ đề nhận diện những vấn đề về sắc tộc trong quá khứ, kỳ thị chủng tộc trong hiện tại, và hướng đến tương lai.
Khởi đầu từ một sáng kiến vào tháng Tư năm 2000 –gần một phần tư thế kỷ đời người đã trôi qua với biết bao thăng trầm, Giải Thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ vẫn trụ lại, bền bỉ thắp sáng dưới bầu trời chữ nghĩa những câu chuyện người Việt lưu vong xuyên thế hệ. Câu chuyện người Việt thế hệ chúng ta, thế hệ lưu vong thứ nhất, và câu chuyện thế hệ con cái chúng ta, chỉ có chúng ta biết. Chuyện thật, người thật, những mảnh đời bắt đầu lại từ sau Tháng Tư Đen, những mảnh đời tiếp nối, mất mát, gầy dựng, thất bại, thành công, biết bao biến cố, chúng ta làm sao không kể không viết không góp chuyện vào những trang sách.
Tại phòng họp TBC & VietLife TV số 15609 Beach Blvd, Thành Phố Westminster vào lúc 10 giờ sáng thứ bảy, ngày 18 tháng 11 năm 2023, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam tổ chức cuộc gặp gỡ giới truyền thông Việt ngữ và đại điện một số đoàn thể cộng đồng để công công bố Báo Cáo Nhân Quyền tại Việt Nam 2022-2023 và kết quả Giải Nhân quyền Việt Nam 2023.
Thư mời ra mắt Kỷ yếu tri ân Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.