Mùa thu này, Lãnh Đạo Đảng Dân Chủ Thượng Viện Chuck Schumer dự kiến sẽ dẫn đầu một nhóm TNS lưỡng đảng của Hoa Kỳ công du đến Trung Quốc. Theo kế hoạch, chuyến công du này cũng sẽ giống như những chuyến thăm Trung Quốc gần đây của các viên chức cấp cao của Hoa Kỳ: nhằm mục đích cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung.
Những nỗ lực cải thiện quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế ngày càng gia tăng. Song song với đó là những nỗ lực nhằm tăng cường mối quan hệ của Hoa Kỳ với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Vừa qua, tổng thống Joe Biden đã có chuyến công du tới Ấn Độ dự Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 và tới Việt Nam vào tháng 9 năm 2023, và trọng tâm thảo luận chủ yếu xoay quanh sự cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Trong chuyến công du tới Châu Á, Biden đã ký một số thỏa thuận về khoa học, công nghệ và vấn đề an ninh của chuỗi cung ứng, củng cố mối quan hệ của Hoa Kỳ với Ấn Độ và Việt Nam.
Biden nói với các phóng viên tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 9 năm 2023, ngay sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam: “Tôi không muốn kiềm chế Trung Quốc.”
Một ngày sau đó, các DB Hoa Kỳ Mike Gallagher và Raja Krishnamoorthi cũng lặp lại những quan điểm tương tự trong một sự kiện do Council on Foreign Relations tổ chức tại Thành phố New York.
Nhưng ngay cả khi Hoa Kỳ không đặt mục tiêu hạn chế ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, thì các thỏa thuận gần đây với Ấn Độ, Việt Nam và các nước khác vẫn có thể sẽ thực hiện điều đó.
Các thỏa thuận G20 có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc?
Hoa Kỳ đang tích cực tìm cách mài mòn một trong những công cụ gây tầm ảnh hưởng sắc bén nhất của Trung Quốc: các khoản vay quốc tế.
Trong Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 từ ngày 9-10 tháng 9 tại New Delhi, Hoa Kỳ đã cam kết sẽ hỗ trợ cải cách World Bank và International Monetary Fund để giúp các cơ quan này linh hoạt hơn trong việc cho các nước đang phát triển vay tiền đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển các cơ sở hạ tầng quan trọng. Biden cam kết khoản chi đầu tiên là 25 tỷ MK để thực hiện những cải cách đó và các khoản bổ sung từ các quốc gia khác với tổng trị giá 200 tỷ MK tài trợ cho các nước đang phát triển trong thập niên tới.
Hoa Kỳ cũng đã ký một thỏa thuận với Liên Minh Châu Âu, Saudi Arabia và Ấn Độ nhằm giúp kết nối Trung Đông, Châu Âu và Châu Á thông qua các tuyến đường sắt và bến cảng. Gọi đây là một “thỏa thuận thực sự lớn,” Biden cho biết thỏa thuận phát triển đường sắt và đường thủy sẽ giúp ổn định và hội nhập Trung Đông.
Những kế hoạch này nhằm cung cấp một giải pháp thay thế cho Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường của Trung Quốc. Sáng kiến này là chương trình cho vay phát triển cơ sở hạ tầng quốc tế của Trung Quốc. Trong thập niên qua, các cơ quan chính phủ, ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc đã cho vay ở nước ngoài hơn 1 ngàn tỷ MK, và hiện nay có 60% các quốc gia nhận khoản vay đang mắc nợ các thực thể Trung Quốc này. Hoa Kỳ và các nước khác từ lâu đã chỉ trích BRI là “ngoại giao bẫy nợ” (debt trap diplomacy). Theo một nghiên cứu, chính phủ và các cơ quan bán chính phủ của Trung Quốc đã cho nhiều nước vay các khoản vay vốn cơ sở hạ tầng trị giá hàng ngàn tỷ MK, và thường trở thành những núi nợ mà các nước đi vay không thể trả nổi.
Khi Trung Quốc đang đau đầu vì nền kinh tế trong nước đang chững lại, các công ty Trung Quốc sẽ khó có thể tiếp tục rót vốn cho các dự án lớn ở nước ngoài. Các thỏa thuận mới do Hoa Kỳ dẫn đầu được đưa ra từ G20 sẽ lấp đầy khoảng trống sắp tới.
Các kế hoạch của G20 bổ sung cho các sáng kiến kinh tế hiện có của phương Tây nhằm cạnh tranh với BRI, bao gồm các hiệp định thương mại của Hoa Kỳ dành cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Châu Mỹ, Global Gateway của EU và Partnership for Global Infrastructure and Investment của G7.
Thỏa thuận của Hoa Kỳ với Ấn Độ có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc?
Trong cuộc gặp bên lề G20, Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đồng ý tăng cường hợp tác để phát triển lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi, như điện toán lượng tử và thám hiểm không gian, cũng như mạng lưới viễn thông 5G và 6G. Điều này sẽ giúp Ấn Độ cạnh tranh với Trung Quốc trên lĩnh vực công nghệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Phần viễn thông có đề cập cụ thể đến chương trình ‘Rip and Replace’ của Hoa Kỳ, nhằm giúp các công ty viễn thông nhỏ hơn loại bỏ sản phẩm công nghệ từ các công ty Trung Quốc như Huawei hay ZTE và thay thế chúng bằng thiết bị mạng từ phương Tây.
Hoa Kỳ đã cấm sử dụng các thiết bị của Huawei và ZTE trong mạng viễn thông của chính phủ vì lo ngại về rủi ro an ninh quốc gia. Cam kết hỗ trợ chương trình ‘Rip and Replace’ của Hoa Kỳ dành cho Ấn Độ là một đòn phản công trực tiếp đối với mộng bành trướng công nghệ viễn thông của Trung Quốc.
Thỏa thuận của Hoa Kỳ với Việt Nam có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc?
Tại Việt Nam, Biden đã nâng tầm quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện, mở rộng mối quan hệ trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục đến công nghệ tại một quốc gia vẫn luôn coi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu.
Hoa Kỳ sẽ cung cấp 2 triệu MK để tài trợ cho các phòng thí nghiệm, công việc giảng dạy và các khóa đào tạo về lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn.
Một công ty ở Arizona và hai công ty ở California đã cam kết thành lập các nhà máy bán dẫn và trung tâm thiết kế tại Việt Nam. Công ty trí tuệ nhân tạo Nvidia cũng sẽ giúp Việt Nam đưa kỹ thuật AI vào các hệ thống xe cộ và chăm sóc sức khỏe.
Với những khoản đầu tư này, Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn nữa đối với các công ty Hoa Kỳ và phương Tây, vốn đang muốn tìm những nguồn cung ứng khác ngoài Trung Quốc. Khi Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong thị trường bán dẫn, thị phần cũng như lợi thế công nghệ của Trung Quốc trong khu vực sẽ bị thu hẹp.
Hoa Kỳ cũng đồng ý cung cấp gần 9 triệu MK để giúp Việt Nam tuần tra các vùng biển xung quanh biên giới và tăng cường an ninh bến cảng, cũng như tăng cường nỗ lực chống lại các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp (illegal, unregulated and unreported fishing – còn gọi tắt là IUUF). Dù không nêu đích danh nhưng có thể thấy Trung Quốc là mục tiêu của sáng kiến này; Trung Quốc và Việt Nam thường phát sinh các tranh chấp đối với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, và các tàu đánh cá công nghiệp Trung Quốc thường là thủ phạm lớn nhất của IUUF trên toàn thế giới.
Qua việc ký kết các thỏa thuận với Ấn Độ và Việt Nam tại G20, Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tròn đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để có thể đối trọng với Trung Quốc.
Cùng với những thành tựu ngoại giao tương tự của Phó Tổng thống Kamala Harris tại Hội Nghị Cấp Cao ASEAN mới đây ở Indonesia; các mối quan hệ đối tác an ninh như AUKUS, giữa Hoa Kỳ, Australia và Anh; và Quad, giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản; tăng cường bán và huấn luyện quân sự cho Đài Loan; và cuộc gặp gần đây tại Camp David với Nhật Bản và Hàn Quốc, Hoa Kỳ đang xây dựng quan hệ đối tác trên toàn Châu Á.
Những hành động này nhằm mục đích kiềm chế sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự của Trung Quốc, dù các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ không nói rõ ràng đó là ý định của họ. Bởi vì hoa mỹ cỡ nào cũng chỉ là lời nói, mà nói thì dễ hơn làm!
Nguồn: “India and Vietnam are partnering with the US to counter China − even as Biden claims that’s not his goal” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn