Truyện
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
Tôi đã sống những ngày tháng vất vưởng cô quạnh. Hằng đêm, tôi vẫn ngủ trên chiếc giường mà đã bao lần hạnh phúc ngất ngây với anh ấy. Đôi khi thức giấc nửa đêm, trong những cơn mưa tí tách trên mái nhà, tôi cứ tưởng hơi ấm của anh ấy như còn đâu đây, tôi chợt òa lên khóc và nhớ anh ấy vô ngần. Tôi vẫn sống trong căn nhà đó từ ngày mới lấy nhau, hình ảnh của chồng tôi hiện về khắp mọi nơi, mọi chỗ. Chúng tôi đã từng bên nhau trong phòng family ấm áp, cùng coi những phim hay và buồn mà hai đứa đều quay mặt đi âm thầm lau nước mắt. Anh ấy đã đứng trong nhà bếp để nếm món ăn tôi nấu, bao giờ cũng khen ngon, nhưng lại rủ đi ăn nhà hàng để chúng tôi có những giờ phút lãng mạn bên nhau! Tôi bắt đầu nghi ngờ tài nấu ăn của mình sau vài lần “lãng mạn” như thế. Chúng tôi từng ngồi bên nhau ngoài hàng hiên nhìn những nụ hoa nở rực rỡ vào đầu mùa xuân lúc trời còn se lạnh, thế mà lòng thật ấm áp. Bây giờ chỉ còn là kỷ niệm!
Anh ấy để lại cho ba mẹ con tôi vài căn nhà cho thuê, lợi tức đủ chi tiêu hàng tháng nên chúng tôi không phải lo lắng về tài chánh. Tôi chưa đến tuổi lãnh tiền hưu, dù là hưu non, nên còn tiếp tục làm nghề địa ốc bán thời gian, chỉ đi show nhà cho khách quen thôi hay khi mọi người trong văn phòng đều đang bận rộn.
Rồi cũng đến lúc tôi phải rời xa nơi tràn đầy kỷ niệm. Tôi dọn đến khu mới này, tương đối lịch sự và yên tĩnh. Đó là một khu gia cư lý tưởng, đất đai rộng rãi, nhà nào cũng có garage chứa được 3 xe, riêng biệt, với đường “Drive Way” rất dài. Ít khi thấy xe đậu ngoài đường làm cản trở lưu thông. Home Owner Association kiểm soát rất khắt khe nên nhà nào cũng giữ vườn tược ngăn nắp, sạch sẽ.
Tôi có hai người hàng xóm rất tử tế. Bên phải là một người đàn ông đứng tuổi, tóc hoa râm, tôi đoán xấp xỉ khoảng 50, tên Tim, dáng người cao thon gọn. Tôi thường thấy ông ấy mặc đồ vest, chắc làm cho một ngân hàng nào đó gần đây. Thời bây giờ ít ai mặc vest đi làm, trừ mấy ông làm nghề chào hàng hay nghề nhà băng. Ông Tim sống lủi thủi một mình, chẳng bao giờ thấy có bóng dáng một người nào khác trong nhà. Bên phải là một ông cựu quân nhân tên là Bob, đã về hưu có vợ là người Đại Hàn. Ông đi chiếc Honda cũ, còn để chiếc Cadillac mới toanh dành cho vợ. Ông có một đứa con gái, chẳng bao giờ thấy ló mặt ra ngoài. Ông thường than phiền với tôi: “Con gái đã gần 30 tuổi rồi mà chẳng chịu lấy chồng và cũng không đi làm gì cả”. Tôi chẳng biết an ủi ông ra sao. Tôi cũng it khi thấy bà ấy, còn ông chồng tối ngày cắt cỏ và chăm sóc vườn tược hoặc loay hoay với cái hồ tắm, mặc dù ít khi nghe tiếng ồn ào sau vườn bên hồ tắm. Ông Bob thường cắt cỏ nhà ông xong rồi cắt cỏ cho nhà tôi nữa, mặc dù sân cỏ nhà tôi bao giờ cũng gọn ghẽ vì tôi có mướn một ông Mễ săn sóc hàng tuần. Có lần tôi thấy bà vợ vừa lái xe đi, ông liền mang máy cắt cỏ ra cắt bên sân trước nhà tôi. Tôi ra gặp ông và nói ông không cần phải cắt cỏ cho tôi vì tôi có thuê người cắt rồi, nhưng ông nói chúng nó cắt xấu lắm làm mất vẻ thẩm mỹ. Thỉnh thoảng tôi làm chả giò, nhờ đứa con gái lớn mang biếu cho hai ông hàng xóm, cho nên họ quý mến gia đình tôi lắm. Ngày đám hỏi con gái tôi, bữa tiệc đãi khách cũng có hai ông sang dự. Cả xóm ra xem một đoàn trai gái mặc áo dài khăn đóng đội mâm hoa quả, quà cưới rất ngộ nghĩnh.
Đối diện nhà tôi là một gia đình chắc là đông người vì thấy có tới 4 chiếc xe đậu trên drive way. Đôi khi đậu cả ra ngoài đường nữa. Thỉnh thoảng gặp ông chủ nhà đang sửa xe tôi có chào ông ta “Hello” nhưng chẳng nghe ông trả lời. Riết rồi tôi cũng tảng lờ mỗi khi tình cờ gặp nhau. Mấy đứa con tôi gọi ông ta là “Redneck”. Chắc bạn cũng hiểu Redneck là mấy anh chàng nhà quê da trắng hay kỳ thị chủng tộc. Buổi sáng tôi thường ra trước nhà tưới cây và làm cỏ dại trong mấy luống hoa, như một thú tiêu khiển của người nhàn rỗi. Mỗi lần ông Tim lái xe đi làm gặp tôi, thường xuống xe hỏi thăm vài câu xã giao, tôi cũng chỉ mỉm cười và trả lời bâng quơ cho qua chuyện. Một buổi sáng còn đang tưới cây trước cửa nhà, tôi nghe tiếng kêu cứu ”Help! Help! Help!” từ bên nhà đối diện. Tôi vội vàng chạy qua, thấy ông “Redneck” đang bị chiếc xe truck của ông tuột dốc sắp đè qua người. Tôi vội vàng chạy về nhặt một cục đá, loại đá sắp dọc theo mấy luống bông trước nhà cho đẹp ấy mà, mang qua chặn sau bánh xe truck. Tôi chạy vội qua nhà ông Bob đập cửa kêu cứu, cả một con đường, ai còn ở nhà cũng chạy ra, kể cả con gái ông Bob nữa. Thế là nguyên một đám hàng xóm tiếp tay nhau đẩy chiếc xe truck cho ông “Redneck” chui ra. Đa số là đàn bà con gái, vì giờ đó đàn ông chẳng còn ai ở nhà cả, trừ ông Bob già. Từ đó ông Redneck rất thân thiện với tôi, có lần còn mang cả thịt BBQ cho tôi với lời cám ơn rất chân tình.
Thằng con tôi vừa xong đại học, xin làm cho một cơ quan của chính phủ Liên Bang, họ đòi hỏi phải có hai người giới thiệu. Tôi dẫn thằng bé qua nhờ hai ông hàng xóm, cả hai đều vui vẻ viết thư giới thiệu cho cháu. Từ đó thằng con tôi trở thành thân quen với hai ông hàng xóm. Họ luôn hỏi chuyện về mẹ nó, thằng con ngờ nghệch của tôi, ruột để ngoài da, nên hai ông ấy biết tôi như hai ông bố ruột vậy.
Lễ Thanksgiving ai cũng có gia đình đoàn tụ, chỉ riêng ông Tim vẫn lui cui một mình. Tôi mời ông ấy qua chung vui với chúng tôi. Ông ấy mừng lắm, thế là từ đấy chúng tôi làm giao kèo miệng: Chiều đi làm về ông ấy qua nhà tôi ăn cơm, có gì ăn nấy, cuối tuần ông sẽ mời chúng tôi đi ăn tiệm. Tội nghiệp ông Tim, đôi khi theo lời yêu cầu của thằng con, tôi làm mấy món ăn Việt Nam khoái khẩu của nó, nhưng người hàng xóm của tôi cố gắng nuốt vài miếng, rồi nói chữa là hôm nay ăn trong sở lửng bụng rồi, nên không ăn được nhiều. Tôi cũng hiểu, nên làm sẵn mấy cái chả giò cho ông ấy mang về nhà.
Loay hoay chẳng mấy chốc mùa Christmas lại đến, ông Tim mời hai mẹ con tôi ăn ở một nhà hàng sang trọng bên hồ Woodlands. Thằng con tôi bận đi chơi với mấy người bạn trong sở, nên tôi đi một mình với ông Tim. Buổi chiều ăn xong, chúng tôi đi dạo bên bờ hồ dọc theo River Walk. Trời đổ lạnh bất thường với những cơn gió từ miền bắc thổi xuống từng đợt. Ông Tim cởi áo khoác và choàng lên vai tôi. Tôi chợt rùng mình, vì chồng tôi cũng hay làm như vậy những lần cùng đi bách bộ. Đi ngang công viên, chúng tôi ngồi nghỉ chân bên nhau, ngắm nhìn dòng nước lững lờ trôi, yên lặng. Được một lúc, ông Tim rụt rè nắm tay tôi và nói ông ấy muốn xin cưới tôi làm vợ. Sự bất ngờ làm đầu óc tôi quay cuồng, choáng váng, cố suy nghĩ làm sao để nói cho ông ấy hiểu hoàn cảnh của tôi mà không làm tổn thương trái tim đang tràn đầy hy vọng của ông ấy. Tôi bảo chúng ta chưa hiểu về nhau nhiều lắm, tôi có thể làm bạn với ông ấy nhưng chung sống vói nhau như vợ chồng tôi thật sự chưa sẵn sàng. Trong thâm tâm, tôi không muốn cảnh cha ghẻ, con ghẻ cãi nhau, thù ghét nhau, tôi làm mẹ làm vợ phải giải quyết sao đây. Tim ôm lấy vai tôi với cặp mắt van xin, khiến tôi không thể từ chối được nụ hôn đầu tiên. Tôi nhẹ nhàng đẩy Tim ra một cách yếu ớt. Tiếng thì thầm bên tai trong hơi thở dồn dập “Anh yêu em!”. Chúng tôi, như những thửa ruộng khô hạn đã lâu, chỉ chờ một cơn mưa để những hạt mầm tình yêu đâm chồi nẩy lộc. Từ nay tôi đã có thể gọi “Anh Ấy”, tiếng “Anh Ấy” êm ái, ngọt ngào mà tôi thường dùng để kể về chồng tôi với bạn bè thân quen. Anh ấy tâm sự với tôi, hồi còn đi học ở với cha mẹ ở Chicago. Ra trường và bắt đầu sự nghiệp ở đó, vài năm sau cưới vợ và có một đứa con. Những năm đầu đi làm vất vả, lại phải đi công tác thường xuyên cho nên vợ chồng có những xích mích không thể hàn gắn được. Hai người chia tay và bà vợ mang đứa con nhỏ, theo người tình mới. Anh ấy vẫn nghi ngờ đứa con đó không phải là con của mình, vì bà vợ nói trước khi chia tay: “Đứa con này không phải của anh, nên đừng ra tòa tranh tụng”. Từ ngày hai người xa nhau, chẳng còn liên lạc gì nữa. Chán cảnh đời đen bạc nên vẫn cu ki một mình. Tôi nghe cũng thấy chua xót.
Chúng tôi vẫn thường xuyên đến với nhau, tình cảm ngày càng thắm thiết. Đôi khi đi cruises đến những vùng xa xôi bên Âu Châu hay Nam Mỹ. Đó là những ngày hạnh phúc tuyệt vời. Chúng tôi sống vội vã và yêu thương nồng cháy như đôi trẻ mới lớn, bởi vì cả hai đều hiểu thời gian không còn nhiều. Đôi khi vì một lý do nào đó phải xa nhau vài ngày đã thấy nhớ nhung vô hạn. Thỉnh thoảng anh ấy vẫn nhắc đến việc chung sống với nhau nhưng tôi thoái thác:”Chưa đến lúc”. Anh ấy hứa sẽ chờ đợi tôi mãi mãi và tặng cho tôi một chiếc nhẫn cưới rất đẹp như một lời thề. Tôi muốn chờ đến khi thằng con tôi lập gia đình và ra ở riêng một thời gian cho tôi yên lòng. Đó là cách trả ơn cho chồng tôi, đã cho tôi hai đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo và biết vâng lời.
Tôi và anh ấy sống với nhau kiểu “Già nhân ngãi, non vợ chồng” như các cụ nhà mình thường nói. Tôi luôn bắt chước Ý Lan ca bài “Hãy Cứ Là Tình Nhân” và rất thích thú thấy mình đã đi đúng con đường phải đi. “Để được chiều chuộng, để ngày nhớ đêm mong, rất thích thú háo hức”.
Vào những năm kinh tế bị trì trệ, ngành địa ốc hầu như phá sản, anh ấy đã giúp tôi vay ngân hàng mua được thêm vài căn nhà nữa với giá rẻ mạt. Bây giờ tôi đã có một tài sản đáng kể, không to tát gì lắm nhưng cũng đủ sống nốt cuộc đời một cách thoải mái. Có lần anh ấy bàn với tôi hay là cứ làm giấy hôn thú để tôi được hưởng tiền trợ cấp hưu bổng và được bảo hiểm sức khỏe từ công ty của anh ấy, nhưng tôi nhất quyết từ chối. Anh ấy cũng đề nghị chúng tôi có thể kết hôn, chỉ cần có một bữa tiệc nhỏ với những người thân trong gia đình. Bên phía anh ấy giờ chẳng còn ai, bên tôi chỉ có gia đình bà chị và mấy đứa em. Sau khi kết hôn ai ở nhà nấy cho được thoải mái tự do. Tôi vẫn từ chối, từ đó anh ấy không còn nhắc đến chuyện đó nữa. Chúng tôi vẫn êm đềm sống bên nhau như hai mà một, như một mà hai!
Một buổi sáng thứ bảy tôi còn nằm nướng trên giường, thằng con ngốc nghếch của tôi mở cửa leo lên giường và ôm hôn tôi, miệng nói con thương mẹ quá, sống cô đơn một mình không buồn sao mẹ. Tôi cú đầu nó, hỏi muốn vòi vĩnh gì đây, có phải đang bị con nhỏ nào lấy mất trái tim rồi không. Nó lại hôn tôi và nói:
“Đâu có ai đâu, hay là mẹ lấy chồng đi, con và chị hai “Approve” rồi đó, mà mẹ chỉ được lấy “Uncle Tim” thôi nhá.”
Tôi bật cười, làm như nó là bố tôi không bằng, “Chấp Thuận” cho tôi lấy chồng. Tôi nhẹ nhàng gỡ tay nó ra và đuổi nó ra ngoài. Thằng ngốc bò ra khỏi giường còn nói với theo:
“Con nói thật đấy”
Tôi nói với nó:
“Nếu con muốn mẹ đi lấy chồng thì qua bàn thờ thắp nhang cầu bố con đi”.
Thằng ngốc cười ré lên rồi chạy ra khỏi phòng. Tôi hoang mang có phải ông bố của thằng ngốc mang anh ấy lại cho tôi hay không, dù sao tôi cũng cám ơn bố nó đã cho tôi một thằng con khờ khạo mà dễ thương như vây, nó biết quan tâm tới sự an vui, hạnh phúc của tôi. Đôi khi nó thấy tôi ngồi thẫn thờ một mình, lại chạy tới ôm hôn tôi và hỏi:
“Sao Mẹ buồn thế?”
Tôi trả lời:
“Mẹ không sao, chỉ là nhớ bố con thôi.”
Có lần nó hỏi tôi:
“Sao lâu nay không thấy Uncle Tim chở Mẹ đi chơi, bộ giận nhau rồi hả Mẹ?”
Tôi nói:
“Ông ấy phải đi công tác xa 2 tuần lễ.”
Ông Bob hàng xóm cũng hỏi tôi một câu như vậy. Thì ra ít nhất tôi cũng có hai người quan tâm tới mình. Thằng ngốc nói:
“Con không muốn ông ấy làm Mẹ buồn.”
Nó thật là “Thằng con trai của mẹ” như người Mỹ thường nói. Tôi lau vội hai hàng nước mắt trên má, sợ thằng ngốc quay trở lại, tôi sẽ không biết phải trả lời nó như thế nào. Đôi khi tôi lo lắng, mai mốt nó lấy vợ chắc là bị vợ ăn hiếp rồi, nhưng cũng tự an ủi, chỉ có Trời mới giúp được nó thôi, “Trời đãi kẻ khù khờ”.
Cậu em tôi ở Denver mời hai mẹ con tôi đi dự đám cưới của thằng cháu. Tôi dặn Tim coi chừng nhà cửa, chúng tôi sẽ đi chơi chừng 1 tuần lễ thôi. Gần trưa ngày thứ hai ở Denver, điện thoại reo liên hồi, có tiếng lạ hoắc từ đầu giây bên kia:
“Xin lỗi có phải bà Lê không ạ? Tôi là thư ký của ông Tim Ryan, Vice President of WoodForest Bank, có tin khẩn cấp ông ấy nhắn cho bà.”
“Tôi nghe, xin cứ nói.”
“Ông Ryan có dặn tôi, nếu có chuyện khẩn cấp, hãy gọi cho bà vì bà là người thân duy nhất của ông ấy.”
“Ông ấy có làm sao không ạ.”
“Bà nên đến bệnh viện gấp, ông ấy đã được xe cứu thương đưa đi khoảng 10 phút rồi, tôi vội vàng gọi cho bà ngay theo chỉ thị của ông ấy trong trường hợp khẩn cấp. Tôi sẽ gởi tin nhắn trong điện thoại của bà, địa chỉ và số điện thoại của nhà thương.”
“Vâng cám ơn cô, tôi đang ở Denver, nhưng sẽ về ngay.”
Tôi vội vàng gọi hãng máy bay đổi lại chuyến bay sớm nhất để về nhà, đồng thời gọi vào nhà thương. Anh ấy bị ngã bất tỉnh trong phòng làm việc, nhưng chở vào bệnh viện kịp thời nên còn cứu kịp. Hôm sau về đến nhà tôi vào bệnh viện ngay, anh ấy vẫn còn thiêm thiếp ngủ. Tôi nắm tay anh ấy, chàng chỉ hé mắt một tí, nhếch mép như muốn nói điều gì. Tôi an ủi anh ấy, cố tĩnh dưỡng cho khỏe lại, có tôi ở đây săn sóc cho anh. Tôi cầu trời cho anh ấy qua cơn hiểm nghèo, đừng bỏ tôi lại một mình như bố thằng nhóc đã từng bỏ tôi. Tôi rùng mình nghĩ lại thời gian trước đây đã từng trải qua cùng hoàn cảnh như thế, bên giường bệnh của người thương yêu nhất đời mình, mong rằng có một phép lạ nào đó xảy ra. Nhưng trên đời này mấy khi được thấy phép lạ.
Qua hôm sau, Tim vẫn còn nửa thức nửa tỉnh, nhưng mặt mày có vẻ tươi tắn hơn. Ông luật sư riêng của anh ấy cũng vào thăm, do cô thư ký nhắn tin. Ông luật sư hỏi tôi có phải là bà Lê không ạ, mời tôi ra ngoài nói chuyện một chút. Ông dẫn tôi vào phòng khách của bệnh viện rồi nói:
“Thưa chuyện này với bà, kể ra còn quá sớm, nhưng theo lời dặn của ông Ryan bà là người thân duy nhất mà ông ấy nhắc đến, hậu sự của ông ấy đã lo chu tất với nhà quàn và có để lại trong chúc thư mọi thứ cho bà. Đến lúc cần xin bà cứ ghé lại văn phòng tôi, chúng ta sẽ bàn sau.”
“Tôi cám ơn ông đã lo liệu cho anh Tim Ryan. Tôi có một chuyện muốn nhờ ông lo gấp giúp tôi.”
“Bà cứ cho biết, tôi là luật sư riêng của ông ấy, cả về phần công cũng như tư, có nghĩa là đại diện cho ông ấy về mặt pháp lý, kiện tụng trong công việc của ông ấy nữa.”
“Tôi muốn nhờ ông, bằng cách nào tùy ông, kiếm ra thằng con của ông ấy, nghe đâu trước kia ông ấy ở vùng Chicago. Lệ phí bao nhiêu tôi sẽ hoàn trả cho ông.”
“Bà đừng lo, tất cả dịch vụ văn phòng chúng tôi đã có giao kèo với ông Ryan và hãng của ông ấy rồi. Hình như trong hồ sơ tôi có ở văn phòng, có cả copy tờ ly hôn nữa. Tôi không chắc, nhưng sẽ nhờ một văn phòng tìm người mất tích, họ sẽ kiếm ra nhanh chóng thôi. Tôi chưa bao giờ nghe ông ấy nhắc đến một người con nào cả.”
“Vậy thì cám ơn ông nhiều lắm, tôi chờ đợi tin mừng của ông.”
Trước khi chia tay, ông luật sư trao cho tôi danh thiếp. Hai ngày lặng lẽ, mệt mỏi trôi qua, anh ấy đã từ từ hồi phục, đã có thể ăn uống, nói chuyện. Anh rất cảm động vì luôn có tôi bên cạnh cả ngày lẫn đêm, mỗi khi anh chợt tỉnh giấc. Sáng hôm sau ông luật sư gọi, xin tôi bỏ chút thời giờ ghé văn phòng ông ấy. Tôi vội vàng dặn cô y tá:
“Làm ơn coi chừng anh ấy, tôi ra ngoài một chút rồi sẽ quay lại ngay.”
Đến văn phòng, ông luật sư giới thiệu với tôi một thằng nhóc tên Tom Ryan. Thoạt nhìn, tôi biết ngay là con của Tim, không cần thử DNA. Hai khuôn mặt giống nhau như đúc. Tôi được giới thiệu là người bạn thân của cha nó. Thằng bé lí nhí chào hỏi tôi rất lễ phép, có lẽ ông luật sư đã nói với nó về tôi. Tôi hỏi nó rất nhiều về hoàn cảnh của nó bây giờ, gia đình mẹ nó với người cha ghẻ, học tới lớp mấy rồi, tại sao lâu nay không đi tìm cha, vân vân
Ôi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Mục đích cuộc nói chuyện xem tính tình nó thế nào, xem nó có quan tâm đến người cha đã lâu lắm rồi không gặp? Ông luật sư vẫn ngồi yên, lắng nghe chúng tôi nói chuyện. Cuối cùng, tôi cũng có một khái niệm về thằng bé: Tính tình ngoan ngoãn, lễ phép, nhưng khi nói về mẹ và cha ghẻ nó, thằng bé tỏ ra bất mãn, buồn rầu. Cha ghẻ cũng chẳng quan tâm về nó, chỉ săn sóc 3 đứa con riêng của ông thôi. Nó luôn cảm thấy cô đơn, buồn bực, cho nên hay chống đối mẹ và cha ghẻ nó. Mỗi lần hỏi về cha nó, mẹ nó đều nói ông ấy đã chết rồi! Nhiều lần nó đã muốn đi bụi đời, nhưng bản chất nhút nhát nên không biết đi đâu. Tôi nhờ ông luật sư, thay mặt Tim điều đình với mẹ nó để cho nó được sống gần gũi cha. Ông luật sư nhận lời.
Tôi đưa thằng nhỏ vào nhà thương, đến trước cửa phòng bệnh nhân và dặn nó chờ ở đó. Tôi lấy khăn lau mặt cho Tim rồi nói: “Có người muốn gặp anh, hãy giữ bình tĩnh và nhắm mắt lại, em sẽ dẫn người ta vào gặp anh”. Tôi dẫn thằng bé vào, rồi bảo Tim mở mắt ra. Tôi thấy sự hân hoan lẫn ngạc nhiên trong mắt anh ấy. Hai cha con đã nhận ra nhau chẳng cần giới thiệu. Thằng bé ôm choàng lấy cha nó, hai hàng lệ chảy trên đôi má Tim. Tôi bỏ ra ngoài mà không cầm được nước mắt. Mặc cho cha con họ tâm sự và cảm nhận được giây phút thiêng liêng của sự trùng phùng. Họ đã xa nhau lâu lắm rồi, ai cũng tưởng như người kia không còn hiện diện trên cõi đời này nữa. Bao nhiêu cô đơn, dằn vặt, ray rứt trong lòng đã trôi theo dòng nước mắt. Thằng nhóc ra mời tôi vào, bảo cha nó muốn nói với tôi vài điều. Tôi đến bên giường bệnh, Tim nắm tay thằng nhóc đặt trong tay tôi và xin tôi săn sóc cho nó, chỉ có tôi anh ấy mới yên lòng. Tôi hứa sẽ săn sóc, yêu thương nó như tôi đã làm với thằng bé nhà tôi. Thằng nhóc chợt nắm lấy hai tay tôi, hai mắt nó nhìn tôi như cầu khẩn và gọi tôi một tiếng “MẸ”. Tôi ôm đầu nó: “Yên tâm đi, mẹ sẽ không bỏ con đâu!”
Tim được ra khỏi bệnh viện và nghỉ phép 1 tháng, khi có chuyện khẩn cấp cô thư ký mang hồ sơ về tận nhà. Buổi tối cả nhà quây quần bên phòng ăn, rồi ra phòng gia đình nói chuyện dóc, coi TV. Thật ấm cúng.
Một thời gian sau, Tom đã nói được tiếng Việt kha khá, con nít học cái gì cũng mau! Nó cũng thích ăn đồ ăn Việt Nam như thằng John. Chủ nhật nào tôi cũng dẫn tất cả đi nhà thờ La Vang. Hai đứa nó đều tham gia các sinh hoạt cộng đồng và nhà Thờ. Chúng sống hòa thuận vui vẻ bên nhau như hai anh em ruột. Dù sao thằng John cũng sanh đẻ và lớn lên trên đất Mỹ, nó chẳng khác thằng Mỹ con là mấy. Còn thằng Tom đã bị Việt hóa mất rồi. Mỗi lần ở trường học thằng Tom có chuyện gì rắc rối, tôi cũng đến để can thiệp cho nó, nói chuyện với thầy cô. Nó cảm thấy được chăm sóc, bảo vệ như con gà con trong cánh ấp ủ của gà mẹ, nên càng kính yêu tôi hơn. Nó bắt chước thằng John mỗi khi về đến nhà đều đến bên tôi khoanh tay “Thưa Mẹ”, tôi ôm và hôn lên trán nó để an ủi và san sẻ tình thương cho nó.
Với tôi, cuộc đời thật hạnh phúc, thật tuyệt vời! Ông Trời rất công bằng, lấy cái này của mình thì sẽ cho lại cái khác, hoặc là cho mình cái này sẽ lấy đi cái khác. Các bạn không tin hãy nhìn chung quanh mình mà xem.
Tôi nói với anh ấy hãy sửa lại di chúc, tôi có đầy đủ rồi không cần anh ấy để lại gì cho tôi, tôi cũng sẽ để một phần gia tài cho Tom, dù sao cũng nhờ anh ấy tôi mới có cuộc sống sung túc ngày hôm nay.
Bên ngoài, với mọi người, chúng tôi vẫn là hàng xóm tốt bên nhau, thường xuyên qua lại. Trong nhà là một gia đình ấm cúng 4 người. lễ lạc như Thanksgiving, Christmas, không còn ai lạc lõng cô đơn nữa.
Cuối tháng hai trời còn se lạnh, nhưng trong lòng tôi thật ấm áp. Mùa xuân đã kéo đến trước cửa nhà. Mấy bụi cúc nở vàng rực, hai hàng đỗ quyên trồng trước nhà nở đỏ tươi thật là đẹp, hoa đào, hoa mai cũng khoe sắc sân sau nhà. Ông Trời đã giúp tôi quá nhiều, an ủi tôi những ngày tháng cuối cuộc đời, sống an nhàn, hạnh phúc, cho tôi những đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo. Cám ơn Ông Trời.
– Nguyễn Thạch Hãn & Lê Nguyên Hằng
Gửi ý kiến của bạn