Hôm nay,  

“Anh Hùng và Giáo Sư Nguyễn Văn Bông” – trích từ cuốn “Nguyễn Mạnh Hùng, khoảnh khắc nhìn lại” của Đinh Quang Anh Thái

01/09/202300:00:00(Xem: 3203)


diem sach


Lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX, XXI có nhiều khúc quanh nghiệt ngã, và thân phận của hàng chục triệu người Việt cũng chìm nổi theo những thăng trầm của đất nước. Nhưng có những người đã luôn cố gắng hết sức để làm những gì có thể làm được cho đất nước, xã hội Việt Nam, cho dù khi còn đang ở tại quê hương, hay khi đã rời nước ra đi, với tâm niệm “cần phải sống yên ổn với lương tâm của mình, cần phải làm điều mà mình tin là đúng và công bằng trong hoàn cảnh lúc ấy…” Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhân vật chính trong cuốn sách “Nguyễn Mạnh Hùng, khoảnh khắc nhìn lại” là một con người như vậy.
 
Đọc “Nguyễn Mạnh Hùng, khoảnh khắc nhìn lại” còn để thấy bao nhiêu tâm huyết, tham vọng muốn xây dựng một thể chế thành công hơn, một tương lai chung tốt đẹp hơn của những người trí thức miền Nam tài giỏi đã tan vỡ khi VNCH sụp đổ vào ngày 30/4/1975. Nhưng càng ngày chúng ta càng tin rằng, một nền cộng hòa tự do, dân chủ, tam quyền phân lập đã từng manh nha ở miền Nam, chắc chắn phải là con đường đi tới của đất nước này, dân tộc này. Và trước khi cái ngày ấy đến thì trong gần nửa thế kỷ qua, biết bao nhiêu người Việt Nam nặng lòng với quê hương vẫn thầm lặng làm những công việc của mình, không bỏ lỡ ngày nào, để giữ cho sự thật lịch sử không bị tẩy xóa và để bắc những cây cầu trong lòng người hướng tới tương lai, trong đó có Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, và cả tác giả của cuốn sách, nhà báo Đinh Quang Anh Thái. 

Xin mời quý độc giả đọc phần trích chương “Anh Hùng và Giáo sư Nguyễn Văn Bông” của cuốn sách.

***

Anh Hùng và Giáo Sư Nguyễn Văn Bông

Giáo Sư Nguyễn Văn Bông bị ám sát chết buổi trưa ngày 10 Tháng Mười Một, năm 1971. Tin ông chết gây chấn động chính trường miền Nam.
Lúc ấy, tôi là đứa học trò 17 tuổi, học lớp Đệ Nhị Trung Học Hồ Ngọc Cẩn, không biết gì về chính trị, chỉ sáng ra ngửa tay xin tiền mẹ mua nắm xôi ăn trước khi đến trường, chiều tối quanh quẩn ở nhà hoặc thỉnh thoảng tụm năm tụm ba với đám bạn ngang tuổi nói chuyện “trên trời-dưới đất” với nhau. 
Vậy mà tôi cũng biết và chú ý đến tin vụ Giáo Sư Bông bị ám sát. 
Một ngày sau khi xảy ra biến cố này, tôi và hai tên bạn ngồi uống cà phê tại một quán cóc trên lề đường Nguyễn Du; chúng tôi đem chuyện Giáo Sư Bông bị giết ra nói với nhau. Trong lúc đứa nói thế này - đứa nói thế kia thì chúng tôi thấy mấy đứa bé trạc ngoài 10 tuổi, tay cầm một chồng đủ các loại nhật báo, miệng ơi ới “Báo mới đây, báo mới đây; tin nóng hổi, Giáo Sư Bông bị nổ bom chết!”
Đối với đồng bào sống ngoài Bắc trước năm 1975 và cả nước sau thời điểm đó cho tới nay, hẳn rằng rất lạ lẫm với hình ảnh các cậu bé bán báo rong ơi ới rao các tin nóng hổi như thế. Giản dị: vì miền Bắc không có báo chí tư nhân, chỉ có báo do đảng cầm quyền kiểm soát; trong khi miền Nam được hưởng thể chế dân chủ, báo chí tự do, dù có những lúc cũng bị kiểm duyệt; và chủ các sạp báo biết rõ tin nào “ăn khách” nhất để bảo các cậu bé bán báo rong quảng cáo. 
Đã 52 năm sau cái chết của Giáo Sư Bông. Lúc lớn lên và nhất là khi sống tại Mỹ, tôi cũng đọc “đây một chút, kia một chút” về Giáo Sư Bông; mãi đến những ngày cuối Thu 2023, khi được phỏng vấn Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, tôi mới biết nhiều về vị giáo sư “lẫy lừng” này của miền Nam mà nay đã không còn nữa. 

***

Giáo sư Nguyễn Văn Bông, Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh
(2/4/1929 -10/11/1971)

Anh Hùng kể, hôm ông Bông bị ám sát, ông Nguyễn Văn Hảo là người đầu tiên báo tin cho anh và bảo anh đến ngay bệnh viện Đô Thành. Ông Hảo và anh yêu cầu đươc xem xác ông Bông. Khi nhân viên bệnh viện mở ngăn để xác ông Bông ra thì thấy xác ông bị đốt cháy phồng lên không nhận ra khuôn mặt. “Chúng anh ở đó cho đến nửa đêm thì đi theo xác ông Bông về trụ sở Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến mà ông Bông làm chủ tịch,” anh Hùng nói.

Trong mắt anh Hùng, ông Bông là người giỏi, can đảm, đáng phục. Tôi hỏi, một số dư luận cho rằng Giáo Sư Bông “kỳ thị Nam-Bắc” điều đó có không? Anh Hùng nói, anh là người Bắc, làm việc với ông Bông, anh không hề thấy ông kỳ thị anh. Mà còn tín nhiệm anh là khác. Những lần đi gặp các phái đoàn Mỹ, nhất là khi các vị dân biểu, nghị sĩ Mỹ sang thăm Việt Nam, bao giờ ông cũng rủ anh đi cùng. Nhiều lần anh đi cùng với ông Bông thăm các sinh viên hành chánh ở địa phương và đến những vùng Cao Đài-Hòa Hảo, ở đó các giới chức lãnh đạo giáo phái tỏ ra rất kính trọng và rất mến ông Bông. 

Một thí dụ về sự tin cậy của ông Bông đối với anh Hùng, anh kể, khi anh vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh năm 1965, truờng không có Ban Cao Học Ngoại Giao. Năm 1973, trường được phép mở kỳ thi tuyển 10 sinh viên cho Ban Cao Học Ngoại Giao. Những người này, sau khi tốt nghiệp, sẽ đương nhiên trở thành các tham vụ ngoại giao. Kỳ thi gồm ba môn: Nghị Luận Tổng Quát, tiếng Anh và tiếng Pháp. Thí sinh phải vượt qua được kỳ thi Nghị Luận Tổng Quát, rồi mới được chấm điểm hai môn kia. Chỉ có hai người chấm bài thi môn Nghị Luận Tổng Quát, ông Bông chọn anh là người thứ hai để cùng với ông chấm bài thi môn này. Ông cũng chọn anh để chấm thi môn Anh văn cùng với một giáo của trường Đại Học Văn Khoa.

Anh Hùng cho biết, năm 1963, ông Bông được chính quyền Ngô Đình Diệm mời về dạy trường Luật. Mở đầu năm học, người ta chọn một giáo sư mới vào đọc “diễn văn khai khóa” (inaugural speech) để “trình làng” và chứng tỏ tài năng. Diễn văn khai khóa của ông Bông đề cập đến nhu cầu phải có đối lập chính trị để tránh những “con chuột chính trị” ăn ruỗng nền móng của xã tắc, làm sụp đổ chế độ. Về sau, chính ông Bông lãnh đạo một đảng chính trị đối lập. Theo anh Hùng, “ông không những can đảm mà còn trung thành với lý tưởng và nguyên tắc của mình.”

 

Học-viện-Quốc-Gia-Hành-Chánh-Việt-Nam-Cộng-Hòa

Giáo Sư Nguyễn Văn Bông đọc bài  diễn văn khai khóa vào ngày 1 Tháng Tám, 1963 với đề tài “Vấn Đề Đối Lập Trong Chánh Thể Dân Chủ.” Bài diễn văn rất dài, chỉ xin trích một vài đoạn sau đây:

-…“Tầm quan trọng của đối lập đã đến một mức độ mà nó không còn là một trong những vấn để trọng đại, nó đã trở thành tiêu chuẩn của chánh thể dân chủ…”

-…“Là một sự bất đồng về chánh kiến, có tính cách tập thể, đối lập phải hợp pháp nữa. Có thể vì một lý do mà một đoàn thể chánh trị phải dùng võ lực. Có thể vì một lý do mà một chánh đảng phải hoạt động âm thầm trong bóng tối. Những hành động ấy chỉ được xem là những cuộc âm mưu, cuộc phiến loạn hay kháng chiến, nó không phải là đối lập. Vì đối lập chỉ hoạt động trong vòng pháp luật…”

-“…Trong chánh thể dân chủ thật sự, hiện diện của đối lập là một điều hết sức chánh đáng. Chánh đáng vì thừa nhận đối lập tức là thừa nhận tự do chánh trị...”

-“…Hạn chế và kiểm soát chánh quyền, đó là một trong những hoạt động cốt yếu của đối lập ở bất cứ lúc nào trong cuộc sinh hoạt chánh trị…”

-“…Đối lập là chánh phủ của ngày mai, đối lập tượng trưng sự tin tưởng vào định chế quốc gia, đối lập duy trì sự liên tục của chánh quyền.”

-“…Một sự đối lập hữu hiệu là một lực lượng tích cực. Càng phải nhận định rằng đối lập không phải là lực lượng luôn luôn chống đối chánh quyền. Đối lập và chánh quyền là hai yếu tố căn bản của thế quân bình chánh trị trong chánh thể dân chủ…”

…“Một trong những quyền hạn của đối lập là quyền không thể bị tiêu diệt…”

…“Một trong những nghĩa vụ của đối lập là thừa nhận quy luật đa số. Nghĩa vụ thứ hai của đối lập là hoạt động một cách ôn hòa, xây dựng và có tinh thần trách nhiệm…”

***

Hai thí dụ khác cho thấy cá tính cán đảm của giáo sư: “Khi phong trao đấu tranh của Phật Giáo lên cao điểm, xảy ra biểu tình và phá phách, ông Bông viết báo chống sự lạm quyền của Phật Giáo, mà trường Quốc Gia Hành Chánh lại nằm ngay bên cạnh Viện Hóa Đạo. Ông Bông cũng công khai chống việc quân đội nắm quyền khi các tướng lãnh dẹp bỏ chính quyền dân sự,” anh Hùng nói. 

Từ trước đến giờ, tôi chỉ biết - và có thể một số người khác nữa - Giáo Sư Bông bị ám sát chết năm 1971. Mãi đến khi được anh Hùng nói, tôi mới biết Giáo Sư Bông đã từng bị ám sát vào cuối năm 1968, nhưng may mắn thoát chết. 

Anh Hùng kể: “Trước kia, sau khi dạy học xong, anh thường ngồi cái ghế trước bàn giấy của ông Bông để bàn chuyện. Nếu anh ngồi đó vào đúng lúc xảy ra vụ ám sát năm 68 thì không biết sống chết ra sao. Nhưng hôm xảy ra vụ ám sát, anh đang học quân sự tại quân trường Quang Trung. Nghe tin, anh vội về thăm ông Bông trong bệnh viện. Câu hỏi đầu tiên của anh là ông có bị thương ở đầu không và ngay lúc ấy ông có tỉnh táo không. Ông tỉnh táo trả lời không bị thương, anh yên tâm lắm. Thông thường, một người bị ám sát hụt mà không chết, họ thường không muốn tiếp tục việc đang làm nữa. Ông Bông thì khác. Ông không chùn bước. Ông tiếp tục công việc của mình. 

“Có lần trong một cuộc khủng hoảng về vấn đề Phật Giáo, lúc đó ông Bông đang công du ngoại quốc, Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ đánh điện gọi ông về, nhưng ông không về. Ông không muốn tham gia chính quyền trong giai đoạn ấy. Sau này, khi chính quyền của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu muốn tạo đoàn kết với các đảng phái, ông Bông mới nhận lời làm thủ tướng. Ngày công bố việc ông Bông làm thủ tuớng là ngày ông bị ám sát chết.

Tang lễ Giáo sư Nguyễn Văn Bông ở Sài Gòn năm 1971 (anh Hùng mặc bộ vest xanh nhạt)

Hỏi, hôm Giáo Sư Bông bị ám sát chết, anh đang ở đâu và tâm trạng của anh khi nghe hung tin này, anh Hùng nói: 

“Hôm ấy là ngày mà các giáo sư trong trường tụ họp nhau tán chuyện. Ông Bông cũng đến nhưng về sớm, nói là để đi chơi tennis ở nhà ông Phát, tổng giám đốc Điện Lực. Anh cũng tùng đến đó nhiều lần và thường ngồi với ông Bông trên chiếc xe công xa Falcon của ông. Hôm ấy, ông Bông không rủ anh đi cùng, và anh thoát chết.

“Xế trưa, anh Hảo gọi điện thoại cho anh và nói ‘Hùng ơi, Bông chết rồi! Toa chạy ra ngay bệnh viện Đô Thành đi.’ Lúc anh đến, anh Hảo đòi mở cái ngăn lạnh chứa thi thể để xem mặt ông Bông.  Anh không nhận được nhân dạng ông Bông nữa, vì thi thể bị cháy phồng lên. 

“Đêm hôm đó, một số người ở lại bệnh viện để canh thức ông Bông. Nhưng càng khuya số người bỏ về càng nhiều. Anh Hảo bảo với anh ‘Bông cũng ít bạn nhỉ.’

“Anh Hảo và anh cùng một số người nữa đêm đó đưa thi hài ông Bông về trụ sở Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (là tổ chức ông Bông làm chủ tịch). Đoàn xe đi qua Dinh Độc Lập, anh nói với anh Hảo, chẳng biêt ông Bông có nhớ gì tới chỗ này ‘của mình’ không. 

“Đêm canh quan tài, bà mẹ của ông Bông tụng kinh gõ mõ suốt đêm. Bà cụ khóc thảm thiết. Bà than thở ‘con ơi con, suốt đời con làm việc chỉ vì muốn giúp nước thôi vậy mà bây giờ người ta giết con.’

“Ông Bông yêu dân, yêu nước vì thủa nhỏ, như lời ông nói với anh, ông từng đi chăn trâu nên ông thấu hiểu cái khổ của dân nghèo. Ông có tuổi thơ như thế mà có ý chí học hành phấn đấu lấy được bằng thạc sĩ và tạo dựng được uy tín cho tới chết.”

Tôi hỏi anh Hùng về cá tính Giáo Sư Bông, anh Hùng nói, ông Bông là người rất bình dị và kiên nhẫn. Và anh nêu một thí dụ: “Một hôm, ông Bông và anh vào gặp ông Trương Ngọc Giàu, tổng thư ký Phủ Thủ Tướng. Với cái thế của ông Bông, anh tưởng ông Giàu sẽ đon đả tiếp ngay, nhưng thư ký của ông Giàu yêu cầu chúng anh ngồi chờ. Trong khi anh rất sốt ruột thì ông Bông thản nhiên và kiên nhẫn ngồi chờ cho đến khi được tiếp. 

“Với tư cách viện trưởng Trường Quốc Gia Hành Chánh, ông Bông thường đi kinh lý tới các tỉnh. Đi với ông Bông những chuyến đi các tỉnh miền Tây hay lên Đà Lạt,… anh thấy mọi người đều mến phục ông, có lẽ ngoài tư thế chính trị, ông là người hiền hòa, bình dị, và nể vợ. Thỉnh thoảng vợ chồng anh ăn cơm ở nhà ông Bông. Bà Bông kể với vợ anh rằng những ngày giáp Tết khi người làm về quê ăn Tết, bà Bông bảo ông lau nhà, ông cũng lau!”

Giáo Sư Bông có trong nhóm Liên Trường không ạ, thưa anh Hùng?

“Cái đó anh không biết.” 

Anh có giả thuyết nào về biến cố ông Bông bị ám sát đúng vào ngày lẽ ra ông lên làm thủ tướng? 

“Anh có người bạn làm phụ tá tổng ủy trưởng Trung Ương Tình Báo và rất thân với ông Bông. Hôm ông Bông bị ám sát, anh gọi anh bạn đó và chờ đợi một câu trả lời xác thực. Anh bạn bảo: ‘Việt Công giết ông Bông; đó là một hành động có tính cách chiến luợc, tạo ra một khoảng trống chính trị ở miền Nam.’ Nghe nói thế, anh giận anh ta nhiều tháng trời.” 

Lý do anh giận bạn anh là gì ạ?

Vì anh nghĩ anh ta đang nắm chức vụ cao cấp trong ngành tình báo nên phải theo lập trường chính phủ mà không nói thật với anh. Ngay cả khi Tướng Nguyễn Ngọc Loan họp báo để trình diện những tên đặc công Việt Cộng bị bắt vì ám sát ông Bông, anh cũng không tin.” 

Thế anh nghĩ ai giết ông Bông?

Anh nghĩ rằng quân đội giết ông Bông. Mãi sau 75 khi sang Mỹ, đọc cuốn sách “Giải Phóng: The Fall and Liberation of Saigon” của nhà báo phản chiến người Ý Tiziano Terzani, anh mới tin là Việt Cộng giết ông Bông. Ngày 30/4/1975 Terzano ở lại Sài Gòn, phỏng vấn Nguyễn Hữu Thái, và Thái nhận mình là thủ phạm vụ giết ông Bông. Nhưng sau này Cộng Sản Hà Nội nói không phải Thái giết, mà là Vũ Quang Hùng và Lê Văn Châu trong tổ trinh sát võ trang Ban An Ninh ném chất nổ giết ông Bông. Anh nhớ trước đó ít lâu vợ chồng ông Bông và vợ chồng ông Phạm Văn Liễu đến nhà anh ăn cơm. Trong bữa ăn, ông Liễu bảo năm nay ông Bông 43 tuổi ta, ‘phải coi chừng’ vì đúng vào tuổi ấy, ông Liễu bị đầu độc gần chết. Ông Bông bảo chưa chắc vì còn phải tính đến số của vợ, số hai người ‘xẹt qua xẹt lại’ mới ra kết quả.”

Vậy là Việt Cộng chọn đúng ngày ông Bông lên làm thủ tướng để ra tay?

“Anh nghĩ đó chỉ là sự tình cờ. Việt Cộng muốn ám sát ông lâu rồi, nhưng ngày hôm ấy ông Bông lơ là. Thường ngày ông Bông có hai nhân viên bảo vệ an ninh chạy xe Honda kè theo xe của ông. Nhưng hôm đó ông Bông lại cho hai nhân viên đó về nhà đón con, mà xe của ông Bông gặp đèn đỏ, phải ngừng lại, nên bọn Việt Cộng mới ra tay được. Đúng là số phận. Cũng như nếu hôm đó mà anh đi cùng xe đi đánh tennis với ông Bông như mọi khi thì anh cũng chết rồi.” 

Anh và Giáo sư Bông có mối quan hệ thân tình như thế, vậy trong những lúc nói chuyện riêng tư chỉ giữa hai người, có khi nào Giáo sư Bông khuyên anh điều gì đặc biệt không?

Có. Qua các buổi họp của Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế - một tổ chức ở Việt Nam rập khuôn theo Council on Foreign Relations của Hoa Kỳ - anh có dịp gặp bà Luật sư Tăng Thị Thành Trai và bà Luật sư Huỳnh Ngọc Anh. Bà Trai ngỏ ý muốn anh tham gia văn phòng luật sư của bà ấy. Anh về kể lại với ông Bông; ông Bông bảo “nghề  luật sư bây giờ ‘phức tạp lắm. Tôi với anh nên làm việc khác’.”

Giáo Sư Bông là người miền Nam, ông có thể hiện tính “xởi lởi” rộng rãi, dễ dãi, tốt bụng không, tôi hỏi anh Hùng?

“Ông Bông kín tiếng lắm, một đức tính của người làm chính trị. Khi ông Bông sang Mỹ, anh dàn xếp để ông Bông, anh Trần Như Tráng và Tướng Nguyễn Chánh Thi gặp nhau. Thế mà khi về, ông không kể lại và anh cũng không hỏi. Ông cũng nói nhiều về anh với ông Hảo, nhưng anh chỉ biết việc ấy do anh Hảo nói sau khi ông Bông đã chết. Ông được mời làm thủ tướng và đề cập đến tên anh, tin đó mãi sau này khi sang Mỹ, anh Hoàng Đức Nhã nói với anh chứ ông Bông không nói cho anh biết.”

Xin trích bốn đoạn trong email của ông Hoàng Đức Nhã đề ngày 24 Tháng Giêng,  2005 gửi cho anh Hùng. Email viết bằng tiếng Anh, tôi cố dịch sát nguyên văn, nhưng vì đây là trao đổi riêng tư giữa ông Nhã và anh Hùng nên ông Nhã hay dùng chữ có tính cách đại ngôn và đùa giỡn:

1. “Tôi rất thích ông ta (GS Bông - Thái chú thích), và như phần lớn người Việt Nam, rất ấn tượng trước người đỗ hai bằng tiến sĩ (Kinh Tế và Chính trị học) của trường Đại Học Sorbonne, lại còn đoạt được chức giáo sư thạc sĩ danh giá! Tôi đã theo rõi xem ông ta thay đổi Học Viện Quốc Gia Hành Chánh ra sao từ khi tôi ngồi lên ghế ‘tiểu vương’ đầu năm 1969.”

2. “Với việc Tổng Thống Thiệu quyết định tiến hành cuộc bầu cử, ông ấy và tôi nghĩ rằng nên có một chính phủ mới sau khi cuộc bầu cử chấm dứt. Tôi lập luận rằng đây là lúc phải đem đối lập vào chính quyền, đặc biệt Giáo Sư Bông, một nhân vật có khả năng và trong sạch. Đó là nguyên nhân tại sao tôi vận động với Giáo Sư Bông để ông lãnh đạo chính phủ ngay sau khi có kết quả bầu cử - chúng tôi còn dự định thông báo việc này trong ngày Lễ Quốc Khánh (National Day), 1/11/1971. Tôi đến nhà họp với ông Bông nhiều lần để bàn không những chính quyền sẽ được tổ chức ra sao mà cả tên các ứng viên cho các bộ,  bộ nào ông ấy muốn và bộ nào dành cho tổng thống. Chúng tôi làm viêc trong tiếng động ồn ào cùa các con ông Bông và dưới sự chú tâm của Jackie. (vợ ông Bông - Thái chú thích).

“Không ai biết việc chúng tôi làm. Bông còn hỏi tôi về những người của học viện mà ông ấy muốn đem vào hoặc là Phủ Thủ Tướng hoặc với tư cách bộ trưởng. Tôi nhớ rõ ông ấy nêu tên anh , Giáo Sư Lê Công Truyền và Giáo Sư Hoàng Xuân Hào. Ông ấy hỏi tôi có biết ai trong số ba người ấy. Tôi trả lời tôi biết anh học ở Mỹ về và lái chiếc xe Traction bóng loáng, nhưng không biết Giáo Sư Hào và Giáo Sư Truyền. Ông ấy cười khi tôi nói đến cái xe Traction của anh.”

3. 
“Tổng Thống Thiệu cũng thích Giáo Sư Bông, mặc dầu ông anh Nguyễn Văn Kiểu luôn luôn vận động cho Nguyễn Ngọc Huy (Kiểu là đảng viên Đảng Đại Việt, rồi sau này là Tân Đại Việt). Chúng tôi hóa giải bằng cách mời Huy tham dự Hội Đàm Paris.”    

4. “Chúng tôi cũng lo rằng Việt Cộng tìm cách sát hại ông Bông vi ông ấy là một ngôi sao sáng chính trị và là một người quốc gia chân chính. Quả bom nổ trong phòng ông ấy năm 1969 luôn luôn là một sự nhắc nhở những gì mà Việt Cộng và những người ‘gọi là’ đối lập có thể làm.”

Dưới đây là bản chụp lại 3 đoạn trong email của ông Hoàng Đức Nhã gửi anh Hùng:

3 ĐOẠN LÁ THƯ HOÀNG ĐỨC NHÃ GỬI ANH HÙNG

Trở lại cuộc phỏng vấn anh Hùng, tôi hỏi, lúc được tin ông Bông bị ám sát chết, lý do nào anh đoán là quân đội chủ mưu mà không phải là cộng sản?
“Anh đoán vậy vì ông Bông từng viết bài chống việc quân đội cầm quyền.” 

Có bao giờ Giáo Sư Bông tỏ ra thái độ kỳ thị Nam-Bắc không ạ?

“Không. Những lần đi gặp các nghị sĩ dân biểu Mỹ tại Tòa Đại Sứ Mỹ, lần nào ông ấy cũng rủ anh đi cùng. Ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. ông đối xử với anh rất tốt, rất thân là đằng khác. Bản Cương Lĩnh của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, ông Bông cũng giao cho anh dịch ra tiếng Anh. Anh dịch tên của phong trào là National Progressive Movement thay vi Progressive Nationalist Movement, để nhấn mạnh đến tính cách cấp tiến, chứ không phải tính cách quốc gia như một chủ thuyết. Ông Bông cũng bằng lòng luôn cách dịch đó, không đòi sửa gì cả. Trong nhiều năm sinh hoạt với ông Bông, anh không có bằng chứng nào tỏ ra ông có tinh thần kỳ thị Nam-Bắc.

Thế hệ của tôi lúc rời Việt Nam khó có cơ hội để biết về các đảng phái, các phong trào hoạt động thời trước 1975. Chỉ biết có Đảng Cần Lao của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu thời Đệ Nhất Cộng Hòa; Đảng Dân Chủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thời Đệ Nhị Cộng Hòa và đọc sách báo thì biết có các đảng Quốc Gia như Quốc Dân Đảng, Đại Việt. Còn Duy Dân Đảng, Dân Xã Đảng, mãi sau này tôi mới nghe nói đến. Và càng không biết là có Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Thành ra, trong cuộc phỏng vấn Giáo Sư Hùng, tôi mới được anh giảng cho nghe về phong trào này.

“ Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến là sự phối hợp của đảng phái và trí thức. Ông Bông là đại diện cho trí thức vì được nhiều trí thức ủng hộ. Ông Nguyễn Ngọc Huy lá lãnh tụ của Đảng Tân Đại Việt. Nghĩa là làm việc ở địa phương thì có cán bộ Tân Đại Việt, còn ông Bông đóng vai trò biểu tượng để thu hút công chức, trí thức và chuyên viên tham gia Phong Trào. Cột trụ của phong trào là cả hai người này.

Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến có một chủ tịch đoàn, mà anh là một thành viên. Sự đóng góp của anh không nhiều. Việc đầu tiên là soạn cương lĩnh. Ông Huy là người soạn, sau đó một ủy ban ba người gồm có anh, anh Nguyễn Tuờng Bá và anh Tạ Văn Tài được cử ra để nghiên cứu và bổ khuyết. Còn dịch bản cương lĩnh đã hoàn chỉnh sang tiếng Anh thì anh dịch. Sau một thời gian, với sự đồng ý của ông Bông, anh ít can dự vào hoạt động của phong trào. 
Lý do nào Giáo Sư Bông đồng ý để anh ít can dự vào hoạt động của phong trào?

Anh Hùng: “Thiên cơ bất khả lậu.” 

“Mục tiêu của phong trào là chống độc tài, xây dựng dân chủ cho Việt Nam, tóm là đối lập với ông Thiệu và muốn thay thế ông Thiệu,” anh Hùng cho biết. 

Thời ông Thiệu làm tổng thống, dường như ông không “mặn mà” với đối lập. Anh có biết ông Thiệu nghĩ gì về ông Bông không ạ? 

“Một lần, trong bài diễn văn ông Thiệu đọc tại trường Quốc Gia Hành Chánh, ông nói, đối lập phải như ông Bông, nghĩa là đối lập một cách đứng đắn. Điều này cho thấy ông Thiệu trọng thị ông Bông.” 

Đọc lịch sử chúng ta thấy, đảng nào cũng thế, chính phủ nào cũng thế, ngay cả các công ty tư nhân, và thậm chí các ban nhạc - như The Beatles chẳng hạn - khi chưa thành công thì “canh lành - cơm ngọt” với nhau, nhưng đến khi có quyền, có tiền, có danh, người ta đâm ra “mặt nặng mặt nhẹ” với nhau và tệ hơn có thể triệt hạ nhau. Anh có nghĩ về tình huống đó không, khi làm việc với Giáo Sư Bông?

“Anh biết, khi ông Bông và phong trào có cơ hội nắm quyền thì mâu thuẫn có thể xẩy ra, nên anh nói trước với ông Bông rằng ‘khi mình chưa thành công thì bạn bè có nhiệm vụ khuyến khích và nâng đỡ mình. Nhưng khi mình có quyền, sẽ có nhiều kẻ xua nịnh tâng bốc thì lúc ấy bạn bè có nhiệm vụ của bạn bè phải là phê bình, chỉ trích mình. Nếu lúc ấy mà mình không chịu được những lời phê bình ấy thì chỉ cần nói ông ơi, ông có thái độ tiêu cực quá, ông ra chỗ khác chơi đi,’ thì anh đi ngay.”

Nếu cần nói thật ngắn trong một câu về Giáo Sư Nguyễn Văn Bông, anh sẽ nói gì ạ?  

Anh Hùng: “Ông Bông là người can đảm, tài giỏi; anh thấy trong ông toát ra một sự hiền lành, nhũn nhặn và chân thật.”

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hiếm có một tiểu thuyết như Đường về thủy phủ của Trịnh Y Thư. Không phải là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, nhưng lại làm người đọc phải bâng khuâng nghĩ về những chặng đường đã trải qua của dân tộc. Không phải là một tiểu thuyết diễm tình, nhưng lòng độc giả sẽ chùng xuống khi khép trang sách lại và ngậm ngùi cho những mối tình tan vỡ. Bạn có thể đọc xong, tuần sau đọc lại, vẫn còn thấy có những gì như cần đọc nữa. Chữ của Trịnh Y Thư như dường không cũ tí nào, vì nó luôn luôn gợi tới những gì sâu thẳm trong tim mỗi người, những ước mơ về một mối tình rất mực kỳ ngộ, rất mực dị thường.
“Ở Phía Đông Âm Phủ” là một trong hai truyện tạo thành tập truyện có cùng tựa đề “Ở Phía Đông Âm Phủ” của nhà văn Nguyễn Viện. Sách dày 184 trang do Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2024. Ở âm phủ, dĩ nhiên, để bị trừng phạt và đền tội, nếu vậy, ngụ ý của tác giả là tội gì, đối với các nhân vật trong truyện, những lãnh tụ có thật đưa vào hư cấu, mang máu lịch sử, tạo ra những khúc quanh lớn cho dân tộc, chôn hàng hà sa số xương thịt của người dân, dù có ý định tốt đẹp? Đối với lãnh đạo, lý tưởng và hành động là hai bạn đồng hành, nếu họ yêu nhau, chuyện tốt đẹp sẽ xảy ra; nếu họ phản bội nhau, chuyện xấu xa sẽ xuất hiện sau mặt nạ son phấn của tuyên truyền.
Sách mới "Ở PHÍA ĐÔNG ÂM PHỦ" của Nguyễn Viện, do NXB Tiếng Quê Hương (Mỹ) ấn hành, 2024. Gồm 2 truyện kịch: VÀ, HẮN ĐÃ ĐẾN & Ở PHÍA ĐÔNG ÂM PHỦ. Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng nhận định: “Ở phía đông âm phủ” độc đáo ở chỗ tác giả không miêu tả trực tiếp nhân vật, mà để cho họ nói năng như trên sân khấu, như trong một vở kịch. Hình thức tiểu thuyết - kịch rất hiếm trong văn học Việt Nam… Những quan sát của anh sắc bén, và trong một ngôn ngữ đẹp, giản dị, tinh tế, dí dỏm, tôi thiết nghĩ anh đã thành công trong việc đánh thức ý thức lịch sử và xúc cảm cá nhân nơi người đọc. Nhà nghiên cứu lý luận Ngu Yên đúc kết: Trên con đường văn chương Việt, Nguyễn Viện trở thành một trong số ít nhà văn phiêu lưu, dọ dẫm vào miền văn học lạ lẫm.
Kề từ khi bệnh tật tận tình thăm hỏi, Khánh Trường đã cho ra đời: Truyện ngắn Khánh Trường (2016), Chuyện Bao Đồng (tạp bút, 2018) và các tiểu thuyết: Tịch Dương (2019), Dấu Khói Tàn Tro (2020), Bãi Sậy Chân Cầu (2020), Có Kẻ Cuồng Điên Khóc (2020), Xuyên Giấc Chiêm Bao (2021), Đừng Theo Dông Bão (2021). Nắng Qua Đèo (2021), Năm Tháng Buồn Thiu (2023), Cùng Nhau Đất Trời (2024) và cuối cùng là tập Thơ Khánh Trường (2024). Số tác phẩm đồ sộ này, ít ai, kể cả những tác giả sung sức nhất, làm nổi. Đúng là…kỳ vĩ! Cuốn “Cùng Nhau Đất Trời” này có chút khác với các cuốn trước vì tác giả ghi ngay ngoài bìa sách là “du ký tiểu thuyết”. Chuyện mới à! Mới nhưng truyện của Khánh Trường chằng bao giờ thoát ra khỏi tình. “Cùng Nhau Đất Trời” cũng vậy, đây là một truyện tình. Nhân vật chính không còn trẻ, đã 38 tuổi, chưa chồng con. Ông bố sốt ruột: “Cô tưởng cô còn trẻ lắm sao? Kén cá chọn canh mãi, mai mốt thành gái già, hối không kịp”.
Nhận được cuốn tiểu thuyết Đường về thủy phủ của nhà văn Trinh Y Thư, nghiền ngẫm đọc mấy hôm và suy nghĩ viết đôi lời cảm nhận cho tác phẩm của ông...
Tôi đã đọc bản thảo “Dòng Đời” khá là chậm. Đôi khi tôi đọc lại môt số đoạn, một số trang. Khi đọc lại toàn văn bản thảo lần thứ nhì, tôi lấy giấy ra ghi chú về các nhân vật, các mốc thời gian, những chuyển biến khi các nhân vật dời đổi từ bên dòng sông này qua thị trấn miền núi kia. Tất cả như một cuốn phim về một quê nhà đang tìm hướng đi trong thời kỳ hậu thực dân Pháp, nơi lối rẽ của tranh chấp để con sông trở thành đôi bờ và rồi người lái đò (trong tiểu thuyết này là người có tên là ông Ba Đò) trở thành người hai mặt, bị buộc cung cấp tin cho cả hai lực lượng thuộc hai ý thức hệ khác nhau.
Ngôn Ngữ đặc biệt về “tác giả tác phẩm”, cuốn này hân hạnh được giới thiệu đến quý bạn đọc, một cây bút tài danh đã viết và thành công trong hầu hết trong nhiều bộ môn văn học nghệ thuật qua bốn thập niên. Tác giả đó là nhà văn Trịnh Y Thư. Ông tên thật Trịnh Ngọc Minh, sinh ngày 11 tháng 2 năm 1952 tại Hà Nội, trưởng thành tại Sài Gòn, du học và hành nghề điện tử viễn thông tại Hoa Kỳ cho đến khi hưu trí vào năm 2018. Như đã thượng dẫn, Trịnh Y Thư là một người đa tài, chúng tôi xin giới thiệu đại khái về từng bộ môn ông đã sinh hoạt. Trong bộ môn văn, ông đã viết và phổ biến rộng qua sách in từ truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dịch, khảo cứu, nhận định văn học, tùy bút, tạp bút, tạp luận. Với bộ môn thi ca, ông có một số ít bài theo phong cách vần điệu nhưng không cùn mòn. Chúng tôi nghĩ ông rất hứng thú và chuyên về trường ca, hoặc những bài viết có số lượng câu không quá ngắn hoặc quá dài, và ông cũng sử dụng cả lối thơ Hokku với chỉ 3 câu cho từng khổ.
Trong số truyện ngắn của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” trong tập truyện Gìn Vàng Giữ Ngọc có lẽ là tác phẩm được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Dựa trên câu chuyện cơ cực có thật của chính gia đình mình trong thời toàn quốc kháng chiến chống Pháp, Doãn Quốc Sỹ đã kể lại với một cách nhìn nhân bản, kết thúc với đoạn văn được những người hâm mộ trích lại nhiều nhất: “…Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành…”
"Dòng Đời", tác phẩm thứ sáu của nhà văn Lê Lạc Giao, lấy cảm hứng từ sự tuôn chảy của một dòng sông để phác họa nhiều dòng chảy khác sâu kín, phức tạp, đa chiều trong nội tâm của Hiểu, nhân vật chính trong tiểu thuyết. Hiểu lạc trôi theo vận nước, bước qua những tàn tích của lịch sử, qua những bóng ma quá khứ, những khoảnh khắc cô đơn tuyệt vọng để tìm lại bản thân, hội nhập, đối diện với những thử thách mới trong hiện tại và tương lai.
Suy nghĩ về thơ, Đặng Toản đã viết: “ ... Thơ chấp nhận mọi sự đẽo gọt và không đẽo gọt, từ vi tế đến thô ráp, từ dân gian đến bác học và các thành phần tham gia vào chiếu thơ có mặt phu xe và tể tướng, gã ăn mày và đại phú hộ...” ( Nghĩ về thơ, trang 258). Do đó sẽ càng thú vị hơn, khi ta bắt gặp những hình ảnh thơ, những câu thơ với những ngôn ngữ “nghề nghiệp” song cũng đầy mới lạ và ấn tượng của “gã thợ tiện’ bên những tia laser cắt... ống sắt!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.