Hôm nay,  

Đọc truyện ngắn Phạm Tín An Ninh

26/08/202309:33:00(Xem: 1701)
Điểm sách

Hình 3

Nhà văn Phạm Tín An Ninh ký tặng sách ngày phát hành ở
Nam California.


Sau khi đọc hai tập truyện ngắn của Phạm Tín An Ninh, tôi viết review và gửi cho anh thể hiện lòng hâm mộ của mình. Anh trả lời thư rất khiêm cung, giản dị và đầy tình cảm. Từ đó, chúng tôi thường liên lạc với nhau, anh coi tôi như người bạn nhỏ và tôi coi anh như một huynh trưởng của mình. Chuyện độc giả, khán giả thể hiện tình cảm với tác giả/ nghệ sĩ mình yêu mến là chuyện thường nhưng quan hệ giữa anh và tôi vượt lên cái “thường” đó. Khi biết tin tôi đến Đan Mạch vào tháng 9/2019, anh gửi email mời vợ chồng tôi đến Oslo. Chúng tôi đã đến, được anh chị và các cháu dành cho những tiếp đón chân tình. Với những bài viết về người lính, tôi xin ý kiến và được anh tận tình cung cấp những thông tin mà anh biết. Xin giới thiệu với độc giả bài review sách và cảm ơn anh chị rất, rất nhiều.
    Tôi biết đến nhà văn Phạm Tín An Ninh khi đọc truyện của anh lần đầu cách đây gần 10 năm. (Hồi đó không hiểu sao không thử gõ tên anh trên Google để tìm thêm mà sau này, đọc được một số truyện nữa mới nghĩ ra?)
    Sau đó không lâu, trang tuongtri.com được anh báo qua email cho đăng các truyện trên website chính thức của anh, báo tin hai tập truyện ngắn “Ở cuối hai con đường” và “Rừng khóc giữa mùa Xuân”vừa xuất bản ở ngoại quốc, tôi nhắn tin xin người cháu ở Mỹ. Không ngờ cháu và tác giả quen biết nhau từ trước, anh ký và viết lời đề tặng vợ chồng tôi. Tôi viết thư cám ơn. Lại nghĩ rằng, để đáp lại điều mà người xưa gọi là “duyên tri ngộ”, tôi ghi lại một số suy nghĩ về truyện anh viết dầu rằng đã có nhiều người làm việc này.
 
***
 
Truyện ngắn đầu tiên của Phạm Tín An Ninh tôi đọc được là “Về cái chết oan khuất của nhạc sĩ Minh Kỳ”, tác giả của hai bài hát về Nha Trang mà tôi say mê từ những năm trung học. Tôi đọc đi đọc lại không biết bao lần. Từ đó, tên tác giả hằn trong tâm trí tôi với sự quý mến đặc biệt vì bài viết vừa mang tính thông tin vừa chia sẻ tâm trạng.
    Tiếp tục tìm đọc các truyện ngắn khác của anh, tôi gặp được nhiều truyện rất ấn tượng mà hai trong số đó là “Cậu bé đánh giày người Nghĩa Lộ” và “Ở cuối hai con đường” liên quan đến những năm tác giả ở tù ngoài Bắc. Có hai tập truyện trong tay, càng tìm thấy nhiều truyện hay, đánh động sâu sắc lên tâm hồn mình mà ít có nhà văn nào, kể cả những nhà văn nổi tiếng tôi đọc nhiều từ trước đến nay được như vậy. Tôi nghĩ cái chính là do điều mà tôi gọi là “chia sẻ tâm trạng”. Truyện của anh đánh động tâm tưởng mình vì nội dung xoay quanh vết thương tâm hồn của người lính VNCH, quanh niềm căm phẩn vì người bạn đồng minh phản bội để những người lính kiêu hùng của quân đội phải buông súng một cách bất ngờ và đầy tức tưởi. Truyện của anh cũng, nơi này nơi khác, lúc này lúc khác kể về tâm trạng những người Việt Nam xa xứ, mơ một ngày về lại quê hương nhưng quệ hương ngày càng mịt mù và xa tít vì không thấy sự hòa giải dân tộc như nhà nước tuyên truyền trong khi tuổi tác những người vượt biển và đến Mỹ theo diện HO đều trên 70, 80 (“Những đàn chim thiên di”), (“Những điều mơ ước”).
     PTAN không viết theo đơn đặt hàng của những người chống cộng ở ngoại quốc mà viết để bộc bạch tâm tư, kể lại những trăn trở của mình trong những tháng năm cầm súng mà “Tổ quốc – Danh dự – Trách nhiệm” luôn là lý tưởng hàng đầu, về những tháng năm tù tội và cả sau này, khi sinh sống ở vùng đất tự do. Suốt những tháng năm đó, tình bạn nổi lên rõ nét bao nhiêu thì niềm căm thù của người lính đối với sự phi nhân của cộng sản sau khi chiếm miền Nam cũng rõ nét bấy nhiêu. Tình bạn trong chiến đấu của Trần Công Lam, Đặng Trung Đức, Phùng trong “Người con gái Phú Hòa”, với Lê Minh Thống trong “Đà Lạt trời mưa”, với Di trong “Chiếc nhẫn”, với Lâm Ni trong “Chuyện người bạn học” và bàng bạc trong một số truyện khác đều đẹp vô ngần. Tình bạn giữa Narziss và Goldman trong “Đôi bạn chân tình” của Herman Hess hay tình bạn giữa các nhân vật trong “Chiến hữu” (Les Camarades) của Erich Maria Remarque cũng chỉ đến thế.
    Tôi cũng rất cảm phục tấm lòng của một viên hạ sĩ, là tài xế (của Di) đối với của viên sĩ quan chỉ huy ngày xưa của mình trong “Chiếc nhẫn”. Ở đời, rất khó kiếm một người trung thành như Lắm, tên anh, sống ở Cần Thơ nơi có ông chủ nhà giàu Hồng Hương là cơ sở “cách mạng”. Anh đã ba lần giúp đỡ “ông thầy” của mình, lần đầu khi Di vừa bị bắt đưa đến nhà giam, lần tiếp theo khi dắt Hồng (vợ Di) tìm đến trại thứ hai thăm Di, giúp lần thứ ba là ra đến Nha Trang tìm Nguyệt, em gái của Di rồi đón Nguyệt và mẹ vào Cần Thơ để xin đứa con của Di về. Những giúp đỡ trên cùng với việc giấu Hồng, đưa lên Rạch Giá tìm cách để cô ấy vượt biên đã đưa đến cho Lắm một kết cục bi thảm: bị bắt và tra tấn đến chết!
     Đọc PTAN, độc giả còn thấy một sự giằng co, giành giật giữa lằn ranh Quốc-Cộng mà nạn nhân là những nông dân hiền hòa do sự phản bội hiệp định Genève 1954 của chính quyền miền Bắc. Đó là trường hợp của chị Ngà, một lòng sắt son với chồng trong “Chị Ngà”, của gia đình ông bác Hai, vừa nhận bằng liệt sĩ chưa bao lâu thì lo chôn người con cả là sĩ quan QLVNCH về hưu chết vì đói và sốt rét trong tù (“Giòng sông tuổi thơ” tr. 111). Một người khác là ông Năm Giăng có lúc là bác sĩ của cụ Hồ, về thăm quê, chở anh Cả đi thăm mộ của cha mẹ, gia đình, thắp nhang và khấn vái trước cả mộ thằng cháu mới chết. “Đứng trước các mộ bia, ông đều thì thầm với người đã khuất. Nhưng không ai nghe được là ông đã nói điều gì, nhất là với anh em con cháu đã chết dưới tay những đồng chí của ông”. (sđd, tr.111)
    Tác giả không nói thẳng nhưng qua những truyện đọc được, dầu đã qua bốn mươi năm, hình ảnh người sĩ quan VNCH, cách riêng, những người xuất thân trừ trường Võ Bị QGVN luôn được nhắc đến với niềm kính phục sâu sắc. Sự kính phục về tư cách, năng lực, tinh thần chiến đấu và nhất là lý tưởng quốc gia nơi họ. Khi mô tả trại tù ở Thượng Sơn, Nghĩa Lộ tác giả viết: “…Và cũng là nơi đã từng nhốt nhiều tù cải tạo từ miền Nam chuyển ra, từ anh binh nhì TQLC bị bắt trận Hà Lào, cho đến hơn ba mươi tướng lãnh mà đa số đã không bỏ rơi đồng đội mình vào giờ thứ hai mươi lăm” (“Thằng bé đánh giày…” tr.141) Đặc biệt, truyện ngắn “Những cánh đại bàng qua cơn bão lửa” là bằng chứng hùng hồn nhất về tấm lòng tác giả đối với lớp người này nhân dịp dự họp mặt “Bảy mươi tuổi đời – Năm mươi tuổi lính” của những cựu sĩ quan VBQGVN khóa 17.
    Anh PTAN nhiều lần nói với bạn bè, kể cả trong email gửi cho tôi rằng anh không có tham vọng trở thành nhà văn. Điều này có lẽ rất thật. Anh viết như kể chuyện, như ôn lại những quá vãng cả đớn đau lẫn vàng son của mình, không than van, ít trách cứ, cứ như một người ở xa nhìn vào hơn là người trong cuộc dầu cái đớn đau gặm nhắm tâm hồn anh không ít và vết thương quá khứ lâu lâu lại tấy lên mỗi khi có điều kiện tái hiện. Văn anh không trau chuốt, không dụng công như của những nhà văn chuyên nghiệp làm người đọc có cảm giác như anh bất ngờ gặp lại một đồng đội cũ, kéo nhau vào một quán cóc ven đường kể chuyện ngày qua hơn là nghe anh đọc diễn văn trước hội nghị. PTAN rất thật và độc giả gốc lính luôn như thấy mình có mặt trong những trận chiến anh kể. Và có lẽ chính điều này, chính sự tự nhiên, mộc mạc cùng với những tình tiết bất ngờ, hấp dẫn và lôi cuốn độc giả để cứ muốn đọc hết truyện này qua truyện khác mà không thả sách xuống được.
    Tôi cứ ao ước những tên như (bà) Vương Chu Khánh Hà, anh Nguyễn Văn Thà, nàng “Sylvie Vartan” Jacqueline Cuvéro Gauthier, Giáng Vân… là tên những con người thật, kể cả hai nhân vật tác giả đã tự đổi tên theo yêu cầu của họ: Nhất Anh, Nhị Anh là có thật. Có thật để cuộc đời này đẹp hơn, để những người trải lòng với cuộc đời được nhận từ cuộc đời những tưởng thưởng xứng đáng, để người đọc, dầu chưa hề quan tâm gì đến giáo lý nhà Phật thấy được lẽ nhân quả báo ứng, lý vô thường và thuyết nhân duyên. “Trời đất bao la” không dễ gì tác giả gặp lại mộ người yêu xưa khi xe hỏng trong một chuyến đi ngang qua nước Pháp!. Và chỉ có tấm lòng đối với Người bán sách trên bãi biển Nha Trang mà tác giả tìm lại mộ An Bình, cô em gái mà những lần tìm trước ngỡ như vô vọng. Những cơ duyên, những trùng hợp quá bất ngờ để khó tin là thật.
    Từ câu nói ngây ngô của Thằng bé đánh giày: “Bạn đồng đội của chú chắc là những người tốt”, từ lời hứa – rất trịnh trọng – với tác giả là ba thằng sẽ thường xuyên rủ nhau đến nghĩa trang quân đội Biên Hòa khi bốn người ghé thăm trên đường đi Vũng Tàu về, tôi nghĩ đây là một chi tiết tác giả cố ý đưa vào, rất tài tình, làm nên giá trị thật của truyện này. Xếp sách lại, tôi cứ mong rằng, trong một ngày không xa, bản dịch sang tiếng Anh của hai tập truyện sẽ được phát hành rộng rãi để các thế hệ F1, F2 của người Việt ở ngoại quốc hiểu thêm về một thời kỳ đau buồn trong lịch sử Việt Nam, đất nước mà ông bà cha mẹ các cháu phải bỏ đi dầu biết trước phải đối đầu với muôn vàn khó khăn, kể cả cái chết.
    Một số kết cục trong các truyện là buồn, tất nhiên, nhưng với lời ghi cuối truyện, như là nói về tâm trạng của mình, tác giả đã giúp người đọc vơi đi những cảm thương lẫn bức xúc. Nhờ đó, truyện của Phạm Tín An Ninh đi vào lòng người nhẹ nhàng, thoải mái và độc giả luôn mong chờ những sáng tác mới của anh..
 

– Nguyễn Hoàng Quý

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lịch Sử của Một Cộng Đồng – Giới thiệu cuốn “Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Hải Ngoại” và “Communities of Vietnamese Refugees Overseas” – Viện Nghiên Cứu Lịch Sử Và Văn Hoá Việt Nam
Bài đọc thơ Tùy Anh này đã được viết xong bốn ngày trước khi anh Nguyễn Hòa, Pháp Danh Nguyên Trí, bút hiệu Phù Vân và Tùy Anh, cựu Chủ Bút Tạp Chí Viên Giác do Hòa Thượng Thích Như Điển làm Chủ Nhiệm, đã từ giã cõi đời vào ngày 18 tháng 8 năm 2023 tại Đức. Vì vậy, bài này được đăng để tưởng niệm nhà thơ Tùy Anh và cầu nguyện Hương Linh Anh sớm về cõi Phật.
Lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX, XXI có nhiều khúc quanh nghiệt ngã, và thân phận của hàng chục triệu người Việt cũng chìm nổi theo những thăng trầm của đất nước. Nhưng có những người đã luôn cố gắng hết sức để làm những gì có thể làm được cho đất nước, xã hội Việt Nam, cho dù khi còn đang ở tại quê hương, hay khi đã rời nước ra đi, với tâm niệm “cần phải sống yên ổn với lương tâm của mình, cần phải làm điều mà mình tin là đúng và công bằng trong hoàn cảnh lúc ấy…” Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhân vật chính trong cuốn sách “Nguyễn Mạnh Hùng, khoảnh khắc nhìn lại” là một con người như vậy.
DUST CHILD/ Đứa Con Bụi, một thiên truyện của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai, vừa được nhà xuất bản Algonquinn Books of Chapel Hill cho ấn hành...
Vợ chồng nhà báo Ngọc Hà & Du Miên rất quen thuộc với cộng đồng người Việt tị nạn gần nửa thế kỷ qua trong ngành truyền thông Việt ngữ vừa ấn hành sách “Việt Eden, Địa Đàng Hạ Giới” vào Hè 2023...
Khởi viết từ năm 2013, sách Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời vừa hoàn tất và được Ananda Viet Foundation ở Nam California xuất bản, Amazon phát hành...
Với tư cách một công dân, nhà văn Khuất Đẩu đã, ít nhất, không hổ thẹn là một người cầm bút...
"Một Tuần Một Đời", tác phẩm thứ bảy của Đặng Mai Lan, là một truyện dài hai trăm trang. Theo lời tâm sự của tác giả, truyện được hoàn tất chỉ sau vài tháng. Tác giả đã viết như được ai cầm tay ghi lên giấy...
Bản dịch Việt ngữ dựa trên nguyên bản Anh ngữ bài điểm sách ‘Wild Dances’ puts consequences of a long-ago, faraway conflict at center (NPR May 9, 2023) của Đinh Từ Bích Thúy...
Một buổi ra mắt sách thực hiện dưới hình thức buổi trà đàm tại Quán Cành Nam trong Viện Viêt Học hôm thứ Năm 13 tháng 7/2023 đã trình bày một hình thức mới của văn học Việt Nam: một tuyển tập dịch sang Anh văn 3 truyện kể từ 3 nhà văn Phạm Thành Châu, Phạm Tín An Ninh, Phan Nhật Nam do dịch giả Kim Vũ thực hiện nhằm cho thế hệ trẻ gốc Việt chỉ đọc dược tiếng Anh hiểu được sự thật lịch sử tại quê nhà Việt Nam, nơi cha anh của họ đã rời nước ra đi. Chương trình dịch sang tiếng Anh các chuyện kể sẽ được dịch giả Kim Vũ thực hiện liên tục, và dự kiến sẽ có thêm hỗ trợ từ Tiến sĩ Đinh Xuân Quân.