Thỏa thuận hợp tác khoa học và kỹ thuật kéo dài hàng thập kỷ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ hết hạn vào ngày 27 tháng 8 năm 2023. Nhìn bề ngoài, một thỏa thuận ngoại giao sắp hết hạn có vẻ không có ý nghĩa gì. Nhưng trừ khi nó được gia hạn, sự kết thúc lặng lẽ của một kỷ nguyên hợp tác có thể gây ra những hậu quả tai hại cho các công trình nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ.
Sự đổ vỡ xảy ra sau khi dân biểu Hoa Kỳ Mike Gallagher, R-Wis., lãnh đạo một nhóm trong quốc hội cảnh báo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2023 hãy cẩn thận khi hợp tác với Trung Quốc. Nhóm này đề nghị để thỏa thuận hợp tác này hết hạn mà không gia hạn, cho rằng Trung Quốc đã đạt được lợi thế quân sự thông qua mối quan hệ khoa học và kỹ thuật công nghệ với Mỹ.
Bộ Ngoại giao đã trì hoãn việc gia hạn thỏa thuận này, chỉ yêu cầu gia hạn vào phút chót để “sửa đổi và củng cố” thỏa thuận.
Hoa Kỳ là một cộng tác viên nghiên cứu quốc tế tích cực và kể từ năm 2011, Trung Quốc đã trở thành đối tác khoa học hàng đầu của Hoa Kỳ, thay thế Vương quốc Anh, quốc gia từng là cộng tác viên thường xuyên nhất của Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển trong nước của Trung Quốc đang ngang bằng với Hoa Kỳ. Sản lượng học thuật trong nước ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Theo các nghiên cứu gần đây, khoa học Trung Quốc ngày càng trở nên sáng tạo, gồm nhiều bước đột phá mới.
Là giáo sư của trường đại học Ohio State University, và là nhà phân tích chính sách công, Caroline Wagner nghiên cứu về tác dụng của sự hợp tác quốc tế trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật công nghệ cũng như những tác động của nó đối với các chính sách công. Quan hệ giữa các quốc gia thường được tăng cường thông qua đàm phán và ký kết các hiệp định, và hiệp định này cũng không ngoại lệ. Thỏa thuận hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai quốc gia Hoa Kỳ với Trung Quốc đã xây dựng thành công các dự án nghiên cứu chung và lập ra các trung tâm nghiên cứu chung giữa hai nước.
Các nhà khoa học Hoa Kỳ thường có thể làm việc với các đối tác nước ngoài mà không cần có thỏa thuận chính trị. Hầu hết thậm chí còn không biết đến các thỏa thuận ngoại giao được ký kết rất lâu sau khi các nhà nghiên cứu làm việc cùng nhau. Nhưng đây không phải là trường hợp của Trung Quốc, nơi mà thỏa thuận năm 1979 đã trở thành điều kiện tiên quyết và là yếu tố khởi xướng hợp tác.
Đầu Tư Ngoại Giao 40 Năm
Thỏa thuận hợp tác khoa học và kỹ thuật công nghệ Mỹ-Trung là một phần của việc mở cửa lịch sử trong quan hệ giữa hai nước, sau nhiều thập kỷ đối kháng và đóng băng. Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào đầu những năm 1970. Tổng thống Jimmy Carter tiếp tục tìm kiếm cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc.
Trung Quốc đã tuyên bố cải cách, hiện đại hóa và mở cửa toàn cầu sau thời kỳ bị cô lập căng thẳng kể từ thời Cách Mạng Văn Hóa từ cuối những năm 1950 cho đến đầu những năm 1970. Trong số “bốn hiện đại hóa” có khoa học và kỹ thuật, bên cạnh nông nghiệp, quốc phòng và công nghiệp.
Trong khi Trung Quốc nổi tiếng về mặt lịch sử với việc phát minh ra thuốc súng, giấy và la bàn, Trung Quốc không phải là một cường quốc khoa học vào những năm 1970. Các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc coi việc trao đổi khoa học là một hoạt động ít xung đột, có thể so sánh với trao đổi văn hóa. Họ cho rằng việc bắt đầu bằng một thỏa thuận khoa học không mang tính đe dọa có thể mở đường cho các cuộc thảo luận sau này về các vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị hơn.
Vào ngày 28 tháng 7 năm 1979, Carter và Đặng Tiểu Bình đã ký một “thỏa thuận ô dù” trong đó có tuyên bố chung về ý định hợp tác trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật công nghệ, với các chi tiết cụ thể sẽ được phát triển sau.
Những năm sau đó, nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ cũng như sản lượng khoa học của nước này tăng trưởng. Khi nền kinh tế Trung Quốc mở rộng, nước này cũng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trong nước. Tất cả điều này đã thúc đẩy khả năng hợp tác khoa học của Trung Quốc – đồng thời hỗ trợ nền kinh tế của chính họ.
Sự hợp tác ban đầu theo Hiệp Đình Ô Dù năm 1979 chủ yếu mang tính biểu tượng và dựa trên trao đổi thông tin, nhưng sự hợp tác thực chất đã phát triển theo thời gian.
Một thành tựu quan trọng ban đầu đã đạt được khi hai nước công bố nghiên cứu cho thấy các bà mẹ có thể bổ sung axit folic để ngăn ngừa dị tật bẩm sinh như tật nứt đốt sống trong quá trình phát triển phôi thai. Các quan hệ hợp tác thành công khác đã phát triển năng lượng tái tạo, xét nghiệm chẩn đoán nhanh virus SARS và phương pháp sản xuất nhiên liệu hydro sử dụng năng lượng mặt trời.
Các dự án chung sau đó bắt đầu xuất hiện độc lập với các thỏa thuận hoặc viện trợ của chính phủ. Các nhà nghiên cứu liên kết với nhau vì những lợi ích chung - đây là cách hợp tác khoa học giữa các quốc gia phát triển mạnh mẽ.
Nhiều dự án trong số này được khởi xướng bởi người Mỹ gốc Hoa hoặc công dân Trung Quốc làm việc tại Hoa Kỳ hợp tác với các nhà nghiên cứu ở quê nhà. Trong những ngày đầu tiên của đại dịch COVID-19, những mối quan hệ bền chặt này đã dẫn đến quan hệ Trung-Mỹ ngày càng gia tăng nhanh chóng, hợp tác ứng phó khủng hoảng.
Thời Điểm Xung Đột
Trong suốt những năm 2000 và 2010, hợp tác khoa học giữa hai nước đã tăng lên đáng kể - các dự án nghiên cứu chung được mở rộng, số lượng sinh viên khoa học và kỹ thuật đến thăm tăng vọt và các công trình hợp tác nhận được nhiều sự công nhận hơn.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế và thành công về công nghệ kỹ thuật của Trung Quốc phát triển, các cơ quan chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ bắt đầu xem xét kỹ lưỡng thỏa thuận và kết quả của nó. Trung Quốc bắt đầu xây dựng sức mạnh quân sự và với ảnh hưởng chính trị, và với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, Hoa Kỳ e ngại về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, vi phạm bí mật thương mại và các lỗ hổng an ninh quốc gia đến từ các mối quan hệ với Mỹ.
Đạo luật gần đây của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Đạo luật Khoa học và CHIPS, là phản ứng trực tiếp trước sự bành trướng đáng kinh ngạc của Trung Quốc. Thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS, Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của mình, được coi là nền tảng để xây dựng các ngành công nghiệp trong tương lai, đồng thời tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với những tiến bộ về AI và điện tử.
Nạn Nhân của Sự Thành Công?
Một số chính trị gia tin rằng thỏa thuận hợp tác khoa học và công nghệ song phương này, được đàm phán vào những năm 1970 như là hình thức hợp tác ít gây tranh cãi nhất - và được gia hạn nhiều lần - giờ đây có thể đe dọa sự thống trị của Hoa Kỳ trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật công nghệ. Khi căng thẳng chính trị và quân sự gia tăng, cả hai nước đều cảnh giác với việc gia hạn thỏa thuận, ngay cả khi Trung Quốc đã ký các thỏa thuận tương tự với hơn 100 quốc gia.
Hoa Kỳ đang kẹt trong một thế giới dường như đã không còn tồn tại – một thế giới mà Hoa Kỳ thống trị cả về khoa học lẫn kỹ thuật công nghệ. Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về các xuất bản nghiên cứu được công nhận là công trình chất lượng cao và đào tạo ra nhiều kỹ sư hơn Mỹ. Xét về mọi mặt, chi tiêu nghiên cứu của Trung Quốc đang tăng vọt.
Ngay cả khi việc gia hạn gần đây dẫn đến một thỏa thuận được đàm phán lại, Mỹ vẫn gửi tín hiệu tới Trung Quốc về sự miễn cưỡng hợp tác. Kể từ năm 2018, số lượng ấn phẩm nghiên cứu chung đã giảm. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc ít sẵn lòng đến Hoa Kỳ hơn. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang ở Hoa Kỳ ngày càng có xu hướng trở về quê hương mang theo những kiến thức quý giá.
Liệu Hoa Kỳ có nguy cơ bị cắt đứt khỏi hàng ngũ lãnh đạo khi Trung Quốc tiến lên phía trước? Và liệu việc coi khoa học như một nguồn tài nguyên được chia sẻ toàn cầu có giúp cả hai bên tạo ra một thỏa thuận thực sự “đôi bên cùng có lợi” hay không trước căng thẳng Mỹ Trung ngày càng gia tăng.
Cung Đô biên dịch
Nguồn:” The US and China may be ending an agreement on science and technology cooperation − a policy expert explains what this means for research” của Caroline Wagner đăng trên trang mạng The Conversation.
Gửi ý kiến của bạn