Hôm nay,  

Kẻ thù của Andy

27/08/202312:15:00(Xem: 2128)
Truyện

bullies istock 17814358 xlarge 682x408

Từ xa, Andy đã nhận ra ông Phillip trong bộ đồng phục lính cứu hỏa. Ông Phillip là người dẫn học trò qua đường. Ngã tư nầy không có đèn giao thông mà chỉ có những chữ STOP sơn màu đỏ to tướng trên mặt đường ở bốn hướng chỗ giao lộ. Vừa thấy Andy, ông Phillip liền đứng dậy, băng qua đón nó. Chân phải của ông hơi cà nhắc.
     Andy nhỏ nhẹ, lễ phép:
    – Chào ông. Ông khỏe không? Chân ông có đau lắm không?
    Ông Phillip cười:
    – Cám ơn con. Mọi sự Ok. Sao bữa nay con về trễ? Sao hổm rày con thay đổi đường về?
    Andy bối rối, cà lăm:
    – Dạ… không không không… có gì… chỉ tại vì vì vì con … thích thích thích con đường nầy.
    Ông Phillip nhìn trước nhìn sau, nhìn bên phải bên trái rồi một tay giơ cao tấm bảng nhỏ có chữ STOP, một tay dắt Andy.
    Vừa tới lề đường bên nầy, Andy vội vàng:
    – Cám ơn ông! Chúc ông buổi chiều tốt lành.
    – Hây! Đợi chút!
    Ông Phillip ngồi xuống chiếc ghế nhỏ đặt dưới bóng cây, chăm chú nhìn Andy:
    – Trông con có vẻ không ổn. Việc học của con thế nào?
    – Dạ tốt... Um… Con phải về nhà ngay bây giờ. Chào ông.
    Ông Phillip thở dài:
    – OK! Nếu có gì lo lắng hãy nói với ta. Ta rất vui nếu giúp được con  điều gì đó. Con là đứa trẻ ngoan hiền nhất trên đời nầy. Ta rất thương con.
    – Con cám ơn ông. Chào ông.
    – Chào con. Gặp lại con sáng mai.
    – Dạ.
    Andy vội bước đi. Nó vừa giấu được ông Phillip cái cục u bầm tím trên trán bằng cách giả vờ khum bàn tay che nắng. Hồi trưa, trong giờ chơi, nó đang đứng một mình chỗ bức tường sau lớp thì nhóm thằng Jose xộc tới. Jose phồng mang nạt nộ Andy:
    – Ê! Mở to mắt ra coi!
    – Mắt tao nhỏ mặc kệ tao. Còn mầy hãy về nhà ăn đậu đi!
    Thằng Steven cười sằng sặc:
    – Andy bữa nay ngon quá ta!
    Jose nhìn quanh quất, không thấy ai để ý, liền đấm vào trán Andy:
    – Tao ăn đậu thì mầy ăn chuối.  OK?
    Raymond gầm gừ:
    – Mầy méc với bất kỳ ai, tụi tao sẽ giết em gái mầy!
    Em gái của Andy là Betty. Betty đang học lớp ba tại trường tiểu học cạnh nhà. Betty vẫn được mẹ đưa đón đi học mỗi ngày nhưng dù sao Andy cũng lo sợ. Chuyện là tối qua, hai anh em đang ngồi học bài, Betty khoe:
    – Bữa nay con Brenda lầm bầm rằng em là đồ ngu đần. Em liền hỏi to: “Này, mầy vừa nói gì đấy?” Nó chối: “Ơ… tao có nói gì mầy đâu!” Con Mariana khen em: “Bạn giỏi lắm. Mình sẽ bắt chước bạn mỗi khi Brenda ăn hiếp mình.”
    – Ai dạy Betty cách làm như vậy với Brenda?
    – Cô giáo Davis. Cô bảo nếu mình bị ăn hiếp, mình phải làm gì đó, chẳng hạn nhìn thẳng vô mắt đứa ăn hiếp mình, la lên, hoặc thưa với thầy cô, hoặc nói với cha mẹ. Cô bảo mình đừng sợ nó, hễ càng sợ, nó càng ăn hiếp mình. Cô dặn dò nhiều lắm nhưng em chỉ nhớ bấy nhiêu thôi hà.
    Andy  đăm chiêu:
    – À há. Betty cừ lắm!
    – Có lần cô Davis nhờ Brenda phát bài kiểm tra nhưng em không nhận được, em biết ngay là nó ghét em nên giấu bài của em.
    – Sau đó thì sao?
    – Cô giáo không tìm được bài của em. Cô xin lỗi em. Cô nói đã ghi điểm em vào sổ rồi. Em cứ mím môi, chăm chăm nhìn nó. Nó liền quay mặt chỗ khác.
    Betty đã thành công khi phản ứng lại Brenda nhưng Andy thì không.  Andy đưa tay xoa xoa cục u. Nắm đấm của Jose đã cảnh báo nó. Cảm giác đau đớn, tủi nhục, xấu hổ trào lên làm cổ Andy như vướng phải cục đá nhọn. Tuần rồi, sau vụ xả súng kinh hoàng tại trường tiểu học ở Newtown, tiểu bang Connecticut, nhà trường cho học trò thực hành việc chống trả kẻ tấn công với tất cả những gì học trò có thể xử dụng, chẳng hạn cặp sách, giày dép… Cô giáo Beverly trấn an học trò:
    – Rất khó có chuyện tương tự xảy ra tại trường chúng ta, nhưng chúng ta thử tưởng tượng rằng nếu có, rằng trong tình thế bắt buộc, trong tình thế không có sự chọn lựa nào khác, chúng ta phải biết cách tự bảo vệ chúng ta.
    Rồi cô hướng dẫn học trò ném đồ vào kẻ tấn công (một hình nộm đặt trước cửa lớp). Ngay lập tức Andy lại là một nạn nhân của đám thằng Jose. Lúc cô giáo hô: “Bắt đầu”, chúng liền la ó và nhảy dựng lên như điên, rồi giả vờ vô ý ném giày vào chân Andy. Rồi chúng lại giả vờ xin lỗi Andy trước mặt cô giáo. Thằng  Bob lúc đó đang đứng cạnh Andy, tỏ vẻ nghi ngờ đám Jose. Bob nhẹ nhàng cầm tay Andy như để an ủi. Andy đau điếng nhưng cố gượng, cố không trào nước mắt, cố né tránh cái nhìn hả hê giễu cợt của chúng. Andy không muốn đón nhận ánh mắt thương hại của các bạn trong lớp, đặc biệt là Anita, cô bé ngồi cạnh nó.  Anita đã nhiều lần muốn làm thân với nó nhưng nó chỉ lịch sự ậm ừ cho qua chuyện. Thỉnh thoảng thằng Scott, thằng Antonio ở dãy bàn bên kia tới bắt chuyện với Andy nhưng Andy  phải né tránh vì bọn thằng Jose đã dọa: “Mầy không được phép chơi với bất kỳ đứa nào trong lớp, hiểu không?”
    Gia đình Andy mới chuyển về thành phố nầy.  Do đó, anh em Andy cũng phải chuyển trường. Ngay ngày đầu tiên vào lớp, Andy đã là một mục tiêu cho trò đùa cợt của bọn thằng Jose:
    – Ê, thằng mắt hí!
    – Ê, thằng lùn!
    – Tụi bây ơi, thằng Andy mặc áo của bố nó kìa.
    Steven hét to:
    – Không, đó là áo của ông homeless vẫn đứng ở góc đường Beach và đường
số 9. Tối qua tao thấy ổng mặc cái áo đó.
    Ba thằng reo lên:
    – À há! Chính xác! Rồi ông ấy đã vứt đi, rồi thằng mắt hí nhặt về.
    Ngày đầu tiên đó, Andy đã sợ hãi đứng im, hổ thẹn cúi gầm mặt. Bọn Jose cao lớn, vạm vỡ. Đặc biệt là Jose, có vẻ như đầu đảng, mới mười hai tuổi mà hình như nặng trên  một trăm sáu chục pounds, cao hơn năm feet. Còn Andy thì nhỏ con, lại gầy gò ốm yếu. Không bao lâu sau, Andy biết đám Jose sống trong chung cư cạnh nhà khi tụi nó làm rơi trái banh qua sân Andy. Chính Betty đã nhanh nhẹn tung quả banh qua cho tụi nó. Những chiều tan học, trên đường về nhà thực là cực hình cho Andy, bọn Jose hầu như vây lấy nó, chọc ghẹo nó. Và chúng rất ranh ma, hễ tới chỗ ngã tư, chúng giả bộ vui vẻ thân mật với Andy để che mắt ông Phillip, do đó cả tuần nay Andy phải thay đổi đường về.
    Andy đẩy cổng sau vào nhà. Ở một góc sân, mẹ nó đang ngồi trên chiếc ghế bành hút thuốc. Khói thuốc trắng xám bay lờn vờn trước mặt bà. Những tàn thuốc vứt bừa bãi, dày đặc như trải thảm quanh đó; vài vỏ rượu lăn lóc    –  hình ảnh nầy đã trở nên rất quen thuộc. Mẹ Andy chăm chăm nhìn cái chấm đen trên mái nhà kho, lảm nhảm những câu rời rạc:
    – Tôi đã mất tất cả… mất tất cả… Con mèo đen kia! Cút ngay khỏi nhà tao!
    Andy tới bên mẹ, nhỏ nhẹ:
    – Mom ơi, đừng hút nữa!
    Mẹ nó đứng bật dậy, nhìn nó với cặp mắt vô hồn.
    – Môi của Mom cháy đen rồi kìa.
    – Nhưng Mom cần thuốc lá để giảm căng thẳng.
    Betty từ nhà chạy ra, chui vào giữa mẹ và Andy, mũi hít hít:
    – Mom hôi quá hà.
    Người mẹ ngồi phịch xuống ghế:
    – Các con thông cảm cho mom... Không có thuốc lá, Mom chết mất.
    Sau khi ly dị, mẹ chúng bắt đầu hút thuốc uống rượu, ngày càng nặng. Bà thường ngồi như bức tượng với điếu thuốc đang cháy dở cùng gói thuốc và chai rượu trên đùi. Cứ điếu nầy sắp tàn, mẹ chúng lại mồi nối tiếp điếu khác. Và anh em Andy đã quen với việc mẹ không còn quan tâm tới chúng nữa. Bữa sáng, bữa trưa chúng được ăn trong trường. Tối, chúng thường ăn mì ly.
Thời gian bà ngoại còn ở đây, anh em Andy được chăm sóc rất chu đáo. Ngoại kêu Andy là thằng cu An, Betty là con bé Ty. Ngoại nấu thức ăn ngon ơi là ngon. Anh em Andy mê nhất món phở của ngoại. Ngoại còn nấu bò kho, làm bánh xèo, chiên chả giò… Từ lúc vắng ngoại, nhà cửa dơ bẩn, bếp núc lạnh tanh. Betty phải tự tắm nên tóc ít khi được suôn vì gội qua loa. Andy thì có khi mấy ngày không thay quần áo khiến cô giáo phải nhắc.  Hồi đó, hễ rảnh ngoại dạy tiếng Việt cho hai đứa. Ngoại nhắc nhở phải luôn nói tiếng Việt khi ở nhà. Nhờ vậy anh em Andy đã nói và viết được tiếng Việt khá rành. Mẹ Andy đã bảo lãnh bà ngoại sang đây nhưng được một năm ngoại quay về Việt Nam. Nghe đâu ngoại giận mẹ vì mẹ không  nghe lời ngoại, lại còn to tiếng với ngoại.
    Mỗi cuối tuần, ba Andy tới chở anh em nó đi đâu đó. Tuần rồi, ba cho hai anh em đi Knott’s Berry Farm chơi cả ngày. Ba phàn nàn Andy nhát gan quá. Trò chơi ngồi thuyền gỗ trượt nước chẳng có gì đáng sợ mà Andy nhắm tịt mắt lại, trong khi Betty mở to mắt, vỗ tay hò reo thích thú. Với các trò chơi cảm giác mạnh như những chiếc đu quay khổng lồ cuộn tròn lao vù vù tối tăm mặt mũi, những cầu vượt cao vút, hoặc tàu xoay nhiều vòng xoắn ốc uốn lượn lộn nhào… thì có lẽ Andy không bao giờ dám.
    Sáng thứ bảy, như thường lệ, mẹ đưa Andy và Betty đến nhà bà Mai để học tiếng Việt. Bà Mai là bạn thân của bà ngoại tụi nó. Ngoại đã gửi gắm chúng cho bà  Mai trước khi trở về Việt Nam. Mong ước của bà ngoại là anh em Andy giỏi tiếng Việt.
    Nhà bà Mai gọn gàng sạch bong. Anh em Andy sẽ được học chung với Vivian và Diane, hai đứa cháu của bà Mai. Vivian đang học lớp sáu.  Diane học lớp ba. Bà Mai đã chuẩn bị bữa ăn sáng ngon lành cho bốn đứa nhưng  Andy tỏ vẻ hững hờ. Trông nó ủ rủ, mỏi mệt, chán chường.
Bà Mai vui vẻ:
    – Kìa Andy! Ăn đi con?  Con phải ăn nhiều vào cho khỏe. Xem mấy đứa con gái ăn ngon lành nè.
    Betty ríu rít trò chuyện với chị em Vivian. Betty cảm tưởng như chị em Vivian sống ở một thế giới nào đó khác hẳn thế giới của nó. Nầy nhé, chị em Vivian luôn mặc quần áo đẹp, luôn sạch sẽ thơm phức. Hai đứa đều có mái tóc suôn mượt, dài tới tận eo, thường được thắt bím, đánh con tít, kẹp nơ rất đẹp. Nầy nhé, chị em Vivian có cái ipad, mà quan trọng là trong đó có vô số hình ảnh gia đình  đi du lịch nhiều nơi như Hawaii, Big Bear, Lake Tahoe, Grand Canyon… Nhiều lắm lắm. Chị em Vivian thường được dự tiệc tùng. Cả nhà họ lúc nào cũng cười tươi ơi là tươi. Betty thấy phát thèm.
    Bà Mai kiểm tra bài tập ở nhà của bọn nhỏ. Bỗng bà lặng người khi đọc dòng chữ bằng tiếng Anh dưới góc vở của Andy, được viết một cách cẩu thả, chểnh mảng: “I am gonna die.” Bà bần thần một lát. Tại sao? Tại sao một đứa trẻ mới mười hai tuổi lại có ý nghĩ đó? Bà xót xa nhìn anh em Andy. Nhói lòng thấy Andy buồn rầu, xanh xao, quá bé nhỏ so với độ tuổi của nó. Bà hiểu rõ hoàn cảnh gia đình tụi nó nên bà rất thương.
    Chiều, mẹ Andy tới rước con, bà Mai thầm thì gì đó với mẹ chúng.
   Ông già Phillip, tay cầm cái bảng STOP, khập khiễng băng qua đường đón Andy. Ông Phillip làm việc ở chỗ nầy đã hơn năm năm. Nhà ông gần đây nên khá tiện.
    – Andy! Trông con không được khỏe. Vai con rũ xuống kìa. Đầu con như muốn ngả chúi về phía trước kìa. Ta có thể giúp gì cho con?
    Andy cà lăm:
    – Dạ… Con con con… vẫn khỏe khỏe khỏe mà.
    Sang bên nầy đường, ông Phillip ngồi xuống ghế, trầm giọng, dịu dàng:
    – Đừng giấu ta. Ta biết con đang có vấn đề. Việc học thế nào? Bạn bè  đâu? Sao con không cùng đi với nhóm hàng xóm Jose, Steven, Raymond?
    Andy lại cà lăm:
    – Dạ dạ dạ… Con con con… không sao…
    Ông Phillip nói chậm rãi, tha thiết, dỗ dành:
    – Hãy nói ta biết. Ta hứa sẽ giữ bí mật nếu con muốn.  Andy, ta rất yêu con. Ta rất muốn giúp con. Hãy cho ta cơ hội làm gì đó cho con.
    Andy do dự:
    – Nhưng…
    – Nhìn kìa! Buổi chiều đẹp quá phải không con?
    Hai ông cháu cùng ngước nhìn bầu trời mênh mang, xanh biêng biếc, không hề vướng một gợn mây. Trên sợi dây điện gần đó, bầy chim sẻ đang ríu ra ríu rít. Những bông hồng trong sân các ngôi nhà hai bên đường đang nở rộ, thoang thoảng hương thơm. Ông Phillip hít hà:
    – Ồ, mùi thơm thật dễ chịu. Nào Andy, chuyện gì đó đang xảy ra với con, phải không?
    Andy chần chừ:
    – Nhưng… ông phải hứa là ông không nói với bất kỳ ai…
    – OK, ta hứa.
    Andy bỗng ngồi bệt xuống đất, khóc òa lên:
    – Ông ơi, bọn thằng Jose dọa, nếu con nói với bất kỳ ai, tụi nó sẽ giết em con. Ông ơi, con không muốn đi học nữa. Con chán tất cả. Con chỉ muốn chết quách đi cho rồi. Con sợ tụi nó lắm ông ơi. Có phải tại con là người Việt Nam duy nhất trong lớp nên bị chúng bắt nạt? Chúng thường kêu con là mắt hí, thằng cà lăm, dân ăn chuối.
    Ông Phillip xoa vai Andy, vỗ về:
    – Vậy là ta đã đoán đúng. Chúng hà hiếp con dữ lắm phải không?  Có điều… mắt hí đâu phải là mắt xấu. Thậm chí ta thấy đôi mắt con rất đẹp, rất hiền từ. Còn chuối thì rất tốt cho sức khỏe. Bác sĩ vẫn khuyên ta ăn chuối mỗi ngày. Hơn nữa trong lớp con còn nhiều bạn là người Đại Hàn, người Trung Quốc, người Nhật, Thái Lan… phải không? Thực ra bọn nhóc Jose không phân biệt rõ các dân tộc châu Á đâu. Cà lăm ư? Con chỉ cà lăm chút xíu khi con không tự tin, phải không?  Cà lăm chút xíu chẳng sao cả! Ta nghĩ chúng bắt nạt con vì lý do khác.
    – Lý do gì? Thưa ông.
    Ông Phillip chăm chú nhìn Andy, miệng vẫn nở nụ cười hiền từ:
    – Vì con sợ hãi chúng! Vì con quá nhút nhát!
    Andy lí nhí:
    – Dạ… đúng vậy! Con rất sợ chúng nó. Mà… ông phải hứa là giữ bí mật cho con về chuyện tụi nó nhé!
    – Ta hứa! nhưng ta muốn con phải xé toang nỗi sợ hãi trong con ngay lập tức. OK?  Rồi con phải làm cái gì đó để chúng không dám bắt nạt con nữa.
    Andy lại cà lăm:
    – Con con con… rất rất rất… lo lo lo… cho Betty, em em em của của… con.
    – Andy, con thực sự là chàng trai tốt. Bọn thằng Jose thật đáng trách. Nhà Jose cùng dãy với nhà ta.  Ba nó nghiện rượu, thường đánh đập mẹ nó. Mới tối qua cảnh sát chở ba nó đi rồi.
    – Ba nó có đánh nó không hả ông?
    – Làm sao khỏi? Chính nó gọi 911 đó.
    – Ông ơi, nhóm Jose còn hút thuốc nữa! Bữa nọ tụi nó đưa điếu thuốc bắt con hút, con không chịu, chúng bèn đè con xuống, nhét điếu thuốc vào miệng con làm con ho sặc sụa.
    Ông Phillip thở dài.
    – Chà, mấy đứa đó hư quá rồi!
    Suy nghĩ một lát, ông nói:
     – Bây giờ… thế nầy nhé Andy! Trước hết con phải tập đi cho thẳng. Nào, hãy đứng dậy để ta tập cho con đi. Con phải thẳng lưng! Phải ngẩng đầu lên! Một hai ba! Chưa được, lưng con vẫn còn khom và đầu con vẫn còn chúi về phía trước… Cố lên Andy! Đi tới đi lui cho ông coi nào. Một hai ba…  OK, vậy đó con. Dễ ợt mà. Trước hết con chỉ cần làm như vậy. Hiểu chưa? Đi tới lui nhiều lần cho ta xem nào. Tốt! Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, ngay từ bây giờ, con hiểu không.  Phải tập đi, phải sửa dáng. Tốt! Con đi như vậy trông con cao lớn và khỏe mạnh hơn hẳn. Ồ! Con đã có dáng đi đẹp rồi đó.
    Andy cười sung sướng:
    – Cám ơn ông. Nhưng đi như vậy để làm gì?
    Ông Phillip cười ha hả:
    – Để con không bị bọn thằng Jose ăn hiếp nữa. Hiểu không? Dáng đi trước đây của con khiến đám Jose tưởng con yếu đuối nên bắt nạt con.
    – Chỉ vậy thôi sao?
    – Ừ, có thể nhóm thằng Jose bị ảnh hưởng bởi phim ảnh và những game bạo lực, hoặc bị ảnh hưởng từ gia đình… Ông tin, nếu được dạy dỗ đàng hoàng, chúng sẽ không làm những điều tồi tệ như vậy đối với con hoặc có thể với nhiều đứa khác nữa.
    – Ông ơi, nếu ngày mai chúng trêu ghẹo con, con phải làm sao?
    – Con phớt lờ chúng. Làm ra vẻ không thèm quan tâm tới chúng. Quan trọng là con hãy đi như ta đã dạy.
    – Nhưng… nếu chúng xông vào đánh con…
    – Ừm… Con cố đừng để chúng có cơ hội. Ví dụ lúc nào con cũng ở chỗ đông người, hay ít nhất có vài người.
    – Nhưng… đâu phải lúc nào con cũng có ai đó bên cạnh…
    – Ừm… thế nầy nhé, nếu chỉ mỗi mình con với chúng, rồi chúng đánh con. Coi nào! Con hãy thả cặp xuống đất. Rồi con thẳng người, ưỡn ngực, nhìn trừng trừng vào mắt chúng như thể muốn ăn tươi nuốt sống chúng, như thể muốn nghiền nát chúng. OK?  Rồi con hét to thiếu điều bể phổi, rồi con xông tới tấp vào chúng. Con vừa la hét vừa xông vào. Nếu chúng đè lên con, con vùng vẫy với hết sức lực của mình. Ông tin con sẽ thắng.
    Andy băn khoăn:
    – Nhưng… lỡ cảnh sát bắt con vì con đánh bạn…
    – Không bao giờ cảnh sát lại ngây ngô đến nỗi cho rằng một mình con có thể bắt nạt được ba thằng to xác kia. À, điều quan trọng là con không được dùng bất kỳ vũ khí gì. Hiểu không? Nhớ nhé! Không được dùng bất kỳ vũ khí gì! Đôi mắt con sẽ thiêu cháy chúng. Cái miệng con sẽ hét vỡ mặt chúng. Cái đầu của con sẽ húc bể bụng chúng. Chân tay con sẽ đấm đá túi bụi vào chúng, cho xương chúng nát vụn ra. OK?
    Andy hồi hộp:
    – Thực vậy hả ông? Nghĩa là con sẽ thắng chúng?
    Ông Phillip chậm rãi, quả quyết:
    – Chắc chắn con sẽ thắng chúng nếu con không còn sợ hãi, nếu con dám chống trả với tất cả sức lực của con. Andy! Con biết kẻ thù của con là ai không?
    – Là bọn Jose.
    Ông Phillip cười ha hả:
    – Không phải! Kẻ thù của con đang nằm ngay trong con. Đó là nỗi sợ hãi, là sự nhút nhát của con.
    Andy ngẩn ngơ hồi lâu. Trông nó có vẻ suy nghĩ lung lắm. Ông Phillip mỉm cười theo dõi diễn biến trên nét mặt Andy. Bỗng Andy ôm chầm ông Phillip, xúc động:
    – Ông ơi, con cám ơn ông nhiều lắm.
    – Ta cũng cám ơn con, bởi con đã tin cậy ta và cho ta niềm vui được giúp con. Nào! Hãy nhớ những gì ta đã dặn dò. Ta tin chắc con sẽ vượt qua được nỗi sợ hãi trong con. Và đương nhiên con sẽ thắng được đám hư hỏng kia.
    – Dạ con cám ơn ông. Chào ông.
    Ông Phillip nhìn theo Andy, gật gù hài lòng. Tuy còn lúng túng vụng về nhưng Andy đã bước được những bước chân khá dài, khá vững chãi, lưng thẳng, đầu ngẩng cao.
    Ngày hôm sau, khi Andy bước vào trường với dáng đi mà ông Phillip đã dạy, bọn thằng Jose tinh quái ngay lập tức phát hiện ra. Lúc lên bảng làm toán, thằng Raymond cố tình đi ngang Andy, gầm gừ đủ cho Andy nghe:
    – Bữa nay mầy làm bộ làm tịch dữ ha?
    Andy phớt lờ, coi như không nghe không thấy. Lúc về chỗ, Raymond cố tình va vào bàn Andy, rồi đâm mạnh đùi Andy bằng cây bút chì gọt nhọn:
    – Cái mặt mày kênh kênh trông ngứa mắt quá.
    Tan học, Andy hòa vào dòng học trò đi ra cổng. Và như cả tuần nay, Andy nhìn quanh quất không thấy bọn Jose, liền lao nhanh ra con đường nhỏ ở hướng ngược lại để tránh bọn chúng. Không ngờ, khi Andy vừa tới chỗ khúc quanh vắng vẻ, bộ ba Jose, Raymond và Steven bỗng ùa ra, đập Andy tơi bời. Thằng Steven đè Andy xuống, bịt miệng Andy. Hai thằng kia đấm đá Andy tới tấp. Ngay lúc ấy có chiếc xe chạy tới, ba thằng bỏ chạy. Sự việc chỉ xảy ra trong thoáng chốc. Andy ngồi bật dậy, nhìn theo chúng, nghiến răng căm phẩn cùng cực. Không muốn để ông Phillip thấy mình trong tình cảnh nầy, Andy tìm đường khác xa gấp ba lần để về nhà. Mẹ Andy vẫn đang ngồi như tượng ở góc vườn, hút thuốc, uống rượu. Hình như bà không thấy đứa con trai mở cổng bước vào.
    Sáng, Andy lững thững mang ba lô tới trường. Từ xa, thấy ông Phillip đang dắt học trò qua đường, Andy liền vươn vai, ưỡn ngực, ngẩng đầu lên mà đi. Nó tự trách rằng chỉ có việc đi cho đẹp mà cũng quên. Rồi không hiểu sao, Andy bỗng quay hướng khác, tìm con đường khác để tránh mặt ông Phillip. Vừa bước vào trường, Andy đã thấy đám Jose đang đứng trước cửa lớp. Chúng nhìn Andy, cười một cách giễu cợt, khoái trá. Andy tảng lờ như không thấy chúng, tỉnh queo đi vào chỗ ngồi. Ra chơi, Andy với dáng đi mà ông Phillip đã dạy, tiến tới chỗ bọn thằng Jose. Ba thằng đang ăn chip. Andy vừa mỉm cười một cách khó hiểu, vừa nói rõ ràng và chậm rãi:
    – Ê! Tụi bay có dám đánh nhau với tao không?
    Ba thằng trố mắt kinh ngạc như thể trông thấy người ngoài hành tinh:
    – Cái gì? Mầy vừa nói gì hả thằng mắt hí?
    Vẫn giữ nụ cười khó hiểu, Andy dằn từng tiếng, rất chậm và rất rõ:
    – Tụi bay có dám đánh nhau với tao không? Hẹn nhau đánh đàng hoàng. Đừng
đánh lén! Hèn lắm!
    Thằng Raymond xông tới sát Andy:
    – Mầy gài bẫy tụi tao hả?
    – Không! Tao không thèm làm những việc hèn. Nầy nhé, cũng chỗ hôm qua. Khi tan học. OK?
    Ba thằng kia nhìn nhau, lưỡng lự một thoáng rồi đồng thanh:
    – OK!
    Thằng Raymond vừa nhai nhồm nhồm, vừa nói:
    – Ê thằng điên, hãy nhớ rằng nếu mầy méc với bất kỳ ai về tụi tao, mầy và con Betty sẽ bị giết, OK?
    Andy lại dằn từng tiếng, giọng lạnh lùng đến nỗi chính nó cũng kinh ngạc:
    – Dĩ nhiên tao nhớ. Tao luôn luôn nhớ tất cả, tất cả những gì chúng mầy đối xử với tao.
    Rồi Andy bỏ đi. Đi một cách tự tin với dáng đi ông Phillip đã dạy. Thêm nữa, Andy còn nắm chặt hai bàn tay lại, nghiến răng: “Tao quyết sống chết với tụi bay! Tao thà chết chứ không sợ tụi bay nữa. Dù sao, nếu tao phải chết thì tụi bay sẽ không đòi giết Betty nữa!”
    Andy làm đúng như lời ông Phillip dạy. Nó húc. Nó đấm. Nó đá. Nó hét.  Nó gào. Nó la.  Lồng ngực của nó như phình to lên, muốn vỡ tung ra.  Nó cào. Nó cấu. Nó gầm. Nó thét. Nó vung chân đá loạn xạ ngầu... Mắt nó hừng hực đổ lửa. Hai tay nó múa may quay cuồng như dại như điên. Lúc đầu ba thằng kia có vẻ hơi hoảng sợ nhưng chỉ trong thoáng chốc, ba thằng quật ngã Andy. Có điều chúng không khóa được miệng Andy. Andy tha hồ thét gào. Tha hồ gầm rống. Có lẽ nó thét gầm không phải để thị uy, mà để trút bỏ hả hê tất cả nỗi đau đớn nhục nhằn, tất cả lòng căm giận dồn nén bấy lâu nay. Nó dồn tất cả sức lực để gầm thét một cách sung sướng, khoái trá, đã đời. Hình như nó đã hoàn toàn mất cảm giác với những cú đấm đá kinh người của bọn Jose.
    Bỗng có tiếng còi xe cảnh sát rú lên. Nhóm Jose bỏ chạy nhưng không kịp. Thế là cả đám bị đưa vào xe.  Riêng Andy được nằm trong xe cấp cứu. Nó vẫn tiếp tục gào lên như điên như dại với cái miệng đầy máu, với cái mặt đầy máu. Rồi nó không còn hay biết gì nữa.
    Andy mở mắt ra. Quanh nó là ba mẹ nó, Betty, ông Phillip và bà Mai. Con Betty chùi nước mắt, thút thít:
    – Anh Andy đừng chết nha!
    Ba nó vỗ vỗ bàn tay nó, nhìn nó với ánh mắt ấp áp yêu thương. Mẹ nó hôn nó:
    – Mom xin lỗi con. Mom quả thực là người mẹ xấu nhất trên đời nầy. Mom xin lỗi…
     Andy rất muốn nói với mẹ rằng, Mom không có lỗi gì hết, chính con mới có lỗi nhưng nó không thể.  Bữa nay mẹ không hôi mùi thuốc lá, mùi men rượu. Hương tóc mẹ thơm phức. Andy nghe ê ẩm khắp cả người. Nó cố nở nụ cười yếu ớt. Ông Phillip cúi xuống thì thầm vào tai Andy:
     – Con thực sự là một anh hùng! Không thấy con về nên ta đi tìm. Từ xa ta đã nghe tiếng thét của con. Tình thế buộc ta phải gọi cảnh sát.  
    Andy không thể lên tiếng, họng nó đau buốt.
    – Đừng nói gì hết. Con gào thét thiếu điều muốn rách cả bầu trời với cái cổ họng bé nhỏ mỏng manh của con.
    Bà Mai cũng hôn nó, chúc nó mau khỏe để bà dạy tiếng Việt cho. Andy đâu biết rằng sau khi đọc dòng chữ đáng sợ của Andy, bà Mai đã lặng lẽ theo dõi nó và bà đã có mặt kịp thời.
    Hôm sau, cô Beverly vào thăm Andy. Cô xin lỗi nó. Cô lặp đi lặp lại rằng cô rất tiếc, rất tiếc đã không biết để ngăn chặn sự việc tồi tệ nầy xảy ra. Andy viết lên giấy: “Em cám ơn cô. Cô không có lỗi. Em mới là người có lỗi.” Cô giáo tròn mắt ngạc nhiên. Andy tiếp tục viết: “Lỗi của em là quá nhút nhát, quá sợ hãi.”
    – Ồ, Andy! Em thật tuyệt vời! Cô không thể hiểu nỗi tại sao em có được suy nghĩ như thế? Nhưng dù sao cô cũng đã có lỗi.
   Andy nhoẻn cười, viết: “Ông Phillip dẫn đường đã dạy em như vậy.” Cô Beverly mang cho nó một con gấu bông trắng thiệt bự và tấm thiệp chi chít tên của các bạn trong lớp kèm theo những chúc tốt lành. Đầu tiên là các bạn ngồi gần nó như Anita, Michelle, Ryan, Kevin, Minjae, Aya…  Rồi dưới cùng có cả tên Jose, Raymond và Steven.

 

– Trương thị Kim Chi

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cô người Nha Trang, lớn lên và đi học ở đó. Cô sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, mẹ cô đi dậy học, ông thân cô cũng là hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Phú Yên. Năm 22 tuổi, cô học năm cuối đại học văn khoa Huế thì gặp gỡ chú Hiếu trong một dịp hội thảo sinh viên do các biến động thời cuộc miền Trung bắt đầu nhen nhúm. Chú Hiếu lúc đó đang theo cao học luật. Họ thành đôi bạn tâm giao tuổi trẻ, sau thành đôi uyên ương. Ba năm sau khi Trang vừa 25 tuổi, Hiếu đã nhậm chức chánh án tòa thượng thẩm.
Nhà trẻ kế bên bệnh xá. Trong góc một trại giam. Nhà trẻ có sáu đứa con nít. Bệnh xá có mấy bệnh nhân già. Coi bệnh xá là một tù nam nguyên là y tá ngoài đời. Coi nhà trẻ là một tù nữ án chung thân. Coi cả hai nơi ấy là một công an mà mọi người vẫn gọi là bác sĩ! Sáu đứa con nít đều là con hoang. Mẹ chúng nó là nữ tù bên khu B, đừng hỏi cha chúng đâu vì chúng sẽ không biết trả lời thế nào. Cũng đừng bao giờ hỏi mẹ chúng nó về chuyện ấy vì rằng đó là chuyện riêng và cũng là những chuyện rất khó trả lời. Thảng hoặc có ai đó được nghe kể thì lại là những chuyện rất tình tiết ly kỳ lâm ly bi đát… chuyện nào cũng lạ, chuyện nào cũng hay
Thăm nuôi năm thứ mười: trại Z30D Hàm Tân, dưới chân núi Mây Tào, Bình Tuy. Cuối năm 1985, mấy trăm người tù chính trị, trong đó có cánh nhà văn nhà báo, được chuyển từ trại Gia Trung về đây. Hồi mới chuyển về, lần thăm nuôi đầu, còn ở bên K1, đường sá dễ đi hơn. Cảnh trí quanh trại tù nặng phần trình diễn, thiết trí kiểu cung đình, có nhà lục giác, bát giác, hồ sen, giả sơn... Để có được cảnh trí này, hàng ngàn người tù đã phải ngâm mình dưới nước, chôn cây, đẽo đá suốt ngày đêm không nghỉ. Đổi vào K2, tấm màn hoa hòe được lật sang mặt trái: những dãy nhà tranh dột nát, xiêu vẹo. Chuyến xe chở người đi thăm nuôi rẽ vào một con đường ngoằn nghoèo, lầy lội, dừng lại ở một trạm kiểm soát phía ngoài, làm thủ tục giấy tờ. Xong, còn phải tự mang xách đồ đạc, theo đường mòn vào sâu giữa rừng, khoảng trên hai cây số.
Ông Hải đứng trước của nhà khá lâu. Phân vân không biết nên mở cửa vào hay tiếp tục đi. Tâm trạng nhục nhã đã ngui ngoai từ lúc nghe tiếng chim lạ hót, giờ đây, tràn ngập trở lại. Ông không biết phải làm gì, đối phó ra sao với bà vợ béo phì và nóng nảy không kiểm soát được những hành động thô bạo.
Vuốt lại tấm khăn trải giường cho thẳng. Xoay chiếc gối cho ngay ngắn. Xong xuôi, hắn đứng thẳng người, nhìn chiếc giường kê sát vách tường. Có cái gì đó thật mảnh, như sợi chỉ, xuyên qua trái tim. Hắn vuốt nhẹ bàn tay lên mặt nệm. Cảm giác tê tê bám lên những đầu ngón tay. Nệm giường thẳng thớm, nhưng vết trũng chỗ nằm của một thân thể mềm mại vẫn hiện rõ trong trí. Hắn nuốt nước bọt, nhìn qua cái bàn nhỏ phía đầu giường. Một cuốn sách nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Một tờ giấy cài phía trong đánh dấu chỗ đang đọc. Hắn xoay cuốn sách xem cái tựa. Tác phẩm dịch sang tiếng Việt của một nhà văn Pháp. Cái va li màu hồng nằm sát vách tường, phía chân giường. Hắn hít không khí căn phòng vào đầy lồng ngực. Thoáng hương lạ dịu dàng lan man khứu giác. Mùi hương rất quen, như mùi hương của tóc.
Biết bao nhiêu bài viết về Mẹ, công ơn sinh thành, hy sinh của người Mẹ vào ngày lễ Mẹ, nhưng hôm nay là ngày Father’s Day, ngày của CHA, tôi tìm mãi chỉ được một vài bài đếm trên đầu ngón tay thôi. Tại sao vậy?
Hôm nay giống như một ngày tựu trường. Đơn giản, vắng một thời gian không ngồi ở lớp học, nay trở lại, thế là tựu trường. Ngày còn bé, mỗi lần nghỉ hè xong, lên lớp mới, trong lòng vừa hồi hộp vừa vui sướng. Có bao nhiêu chuyện để dành chờ gặp bạn là kể tíu tít. Nhưng bên cạnh đó là nỗi lo khi sắp gặp các thầy cô mới… Mỗi năm đều có ngày tựu trường như vậy, nói chung là khá giống nhau, trong đời học sinh. Nhưng cái ngày tựu trường này thật quá khác. Người ta nhìn nhau không dám cười, không dám chào hỏi. Sự e dè này, dường như mỗi người đã được tập luyện qua một năm. Một năm “học chính trị” trong cái gọi là hội trường mà tiền thân là cái rạp hát.
Cái tên Michelin không xa lạ gì với chúng ta. Vỏ lốp chiếc xe tôi đang dùng cũng mang tên Michelin. Sao hai thứ chẳng có liên quan chi lại trùng tên. Nếu tôi nói chúng tuy hai mà một chắc mọi người sẽ ngây người tưởng tôi… phiếm.
Phi là một người bạn đạt được những điều trong đời mà biết bao người không có. Là một tấm gương sống sao cho ra sống để chết đi không có gì hối tiếc. Là một niềm hy vọng cho sự tử tế vốn ngày càng trở nên xa xỉ ở nước Mỹ mà tôi đang tiếp tục sống.
Có một lần đó thầy kể lại chuyện rằng, thầy có một phật tử chăm chỉ tu học, đã hơn 10 năm, theo thầy đi khắp nơi, qua nhiều đạo tràng, chuyên tu chuyên nghe rất thành kính. Nhưng có một lần đó phật tử đứng gần thầy, nghe thầy giảng về phát bồ đề tâm, sau thầy có đặt một vài câu hỏi kiểm tra coi thính chúng hiểu bài tới đâu? Cô vội xua xua tay, “bạch thầy, những điều thầy giảng, con hiểu hết, con hiểu hết mà. Con nhớ nhập tâm. Nhưng đừng, thầy đừng có hỏi, bị là con không biết trả lời làm sao đâu.” Có lẽ là cô hiểu ý mà cô chưa sẵn sàng hệ thống sắp xếp thứ tự lại các ý tưởng.
Ở xứ ấy, người ta ngủ đến trưa mới dậy. Chàng nhớ thế khi nghĩ về mùa xuân, mùa hạ, mùa thu khi còn bé, mỗi lần nghĩ thế, đều lấy làm ngạc nhiên, và lấy làm ngạc nhiên về sự ngạc nhiên ấy. Thế mà giữa một thành phố châu Âu, chàng lại gặp chúng. Trên nền tường trắng và mặt biển xanh, giữa những màu xanh và trắng, chỉ hai màu ấy, đôi khi xanh và đỏ, chàng gặp lại chúng, hồ hởi, tưng bừng, nó và chàng như hai thằng bạn thời mặc quần xà lỏn nay gặp nhau
Lơ đảng nhìn mây trời và đèn đường, tôi từ tốn chuyển xe sang tuyến trái để cua. Cha tôi thường nói, “Con phải tập bỏ tính lơ đểnh, nếu không, sẽ có ngày gặp phiền phức.” Nhưng lơ đểnh là nơi nghệ sĩ lang thang, ngẫu hứng tìm thấy những sáng tạo không ngờ. Chợt thoáng trong hộp kính nhìn lui, thấy chiếc xe đen nhỏ bắn lên với tốc độ nguy hiểm, tôi chuyển xe về lại bên phải, sau gáy dựng lên theo tiếng rít bánh xe thắng gấp chà xát mặt đường, trong kính chiếu hậu, một chiếc xe hạng trung màu xám đang chao đảo, trơn trợt, trờ tới, chết rồi, một áp lực kinh khiếp đập vào tâm trí trống rỗng, chỉ còn phản xạ tự động hiện diện. Chợt tiếng cha tôi vang lên: “đạp ga đi luôn.” Chân nhấn xuống, chiếc xe lồng lên, chồm tới như con cọp phóng chụp mồi. Giữa mơ hồ mất kiểm soát, tử sinh tích tắc, tôi thoáng nhận ra trước mặt là thành cây cầu bắt qua sông.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.