Hôm nay,  

Truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông – Tác phẩm của lưu dân chống lại sự sợ hãi thiên nhiên nơi vùng đất mới

21/08/202314:50:00(Xem: 2608)
Văn học

tsanh

Truyện Thạch Sanh Lý Thông lưu truyền trong dân gian dưới hình thức chuyện kể truyền miệng chắc có đã lâu, phải hiện hữu trước khi ông Dương Minh Đức đưa bản văn sáng tác của mình sang bên Quảng Đông khắc ván ‒ cũng như đã từng đưa vài chục tác phẩm khác của nhóm, nhờ đó miền Nam Kỳ Lục tỉnh có được một số tác phẩm Nôm đáng kể mà người nghiên cứu Nôm thường gọi là Nôm Phật Trấn. 
    Nhóm thực hiện các bản Nôm Phật Trấn hoạt động vài ba chục năm trước khi người Pháp đến Việt Nam. Vậy thì, ít nhứt chuyện Thạch Sanh có mặt cách nay hai thế kỷ. Ta không có chứng cớ gì về sự lưu truyền của truyện nầy trong dân gian ngoài sự suy đoán gián tiếp từ mấy nhóm chữ trên bản bản Nôm Phật Trấn. 
    (1) Dương Minh Đức Thị soạn 楊明德氏撰 và 
    (2) Duy Minh Thị đính chánh 惟明氏訂正
    Tôi hiểu nhóm chữ (1) theo nghĩa ông Dương Minh Đức – một người Minh Hương, sống ở vùng Xóm Dầu, Chợ Lớn, quận 6 ngày nay – sau khi nghe chuyện Thạch Sanh được kể trong dân gian ông đã chấp bút viết lại thành thơ. Có thể ông thêm hay bớt vài chi tiết những gì mình được nghe nhưng chắc chắn ông là người kể lại bằng văn vần đầu tiên. Trong bản nầy ông dùng nhiều từ ngữ người đương thời thường sử dụng mà người thời đại chúng ta khó hiểu hoặc không dùng nữa, học giới gọi là từ cổ. 
    Cũng vậy, nhóm chữ (2) có thể được hiểu là ông Duy Minh Thị ‒ cũng là một người Minh Hương sống ở cùng vùng với người bạn họ Dương của ông ‒ đã đính chánh lại câu văn của Dương Minh Đức cho có vẻ văn chương hơn. Cũng có thể ông nầy cắt xén một lần nữa bản văn của bạn mình trong trường hợp quá dài và sửa lại nầy nọ cho hợp lý hơn. Suy luận trên dựa trên giả thuyết Duy Minh Thị và Dương Minh Đức là hai người khác nhau. Trong trường hợp hai người là một thì kết quả sự suy luận trên không thay đổi bao nhiêu.
    Trước Dương Minh Đức không có bản Thạch Sanh nào được in ấn. Cũng không tài liệu nào ghi lại bản kể truyền miệng dầu là sơ lược chuyện Thạch Sanh. Vậy thì chúng ta tạm chấp nhận giả thuyết rằng đây là văn bản sớm nhứt của câu chuyện Thạch Sanh. Tôi gọi đây là truyện Thạch Sanh Lý Thông thế hệ 1, cho tới khi nào tìm được bản sớm hơn, đời Tây Sơn hay là đời Gia Long chẳng hạn. 
    Chúng tôi chọn bản Nôm Phật Trấn để phiên âm và giới thiệu trước, ngoài sự ra đời sớm của nó còn có những lý do khác như:
    (1) Chưa từng được giới thiệu;
    (2) Mang bản sắc của văn chương Nam Kỳ Lục tỉnh ở chỗ câu văn đơn sơ mộc mạc ‒ nhiều câu thất vận, không vần, đoạn văn chuyển tiếp thường được tác giả báo trước, và 
    (3) Mang nhiều từ ngữ Nam bộ không thấy ở sách vở các vùng ngoài.
    Bản Thạch Sanh nầy gồm 42 tờ hai mặt, chúng tôi theo truyền thống đánh số trang a, b. Mỗi trang thông thường gồm 10 cặp lục bát, trừ đi bài thơ và mấy dòng tên tác giả… thì toàn văn của câu chuyện còn lại 1166 câu. Về mặt hình thức thì bản khắc dễ đọc, rõ ràng. Thỉnh thoảng cũng có chữ sai nét, chữ không đúng vị trí, chữ khắc quá đơn giản khó đọc, tuy nhiên sự kiện nầy không nhiều. Điều khó nhứt là phiên âm cho chính xác với giọng Nam kỳ vì phần nhiều âm đặc biệt nầy và âm gọi là chuẩn hiện nay đều được viết bằng một ký hiệu Nôm. Cũng có trường hợp chữ viết sai hay chữ mà ta tưởng viết sai tạo cho người phiên âm sự lúng túng trong việc tìm chữ thích hợp…
    Trong việc phiên âm những tác phẩm khác trước đây, chúng tôi không dùng lại cái tựa cũ của tác phẩm Nôm mà lại đặt cho nó cái tựa mới để tạo một ấn tượng đối với người đọc, cái tựa mới nói thêm được điều gì đó, về phần chánh của truyện như Kể Chuyện Tình Buồn (U Tình Lục của Hồ Văn Trung), Mà Lòng Tôi Thương (Nam Kinh Bắc Kinh), Tội Vợ Vợ Chịu (Trương Thiện Hữu) hay phần chánh của nhân vật (Người hùng Bình Định nổi loạn Truông Mây (Văn Doan Diễn Ca), Trương Ngáo, người đi đòi nợ Phật (Trương Ngáo truyện)…
    Truyện Nôm Thạch Sanh Lý Thông chúng tôi muốn đặt cho cái tên mới là Thạch Sanh Thì Ít… theo câu ca dao thời đại “Bạn bè (rượu) mỗi lúc mỗi đông/ Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”, nhưng xét rằng cái tên Thạch Sanh Lý Thông gợi nhiều ấn tượng và đi sâu vào lòng dân gian từ lâu nay nên đành giữ lại cái tựa cũ tuy rằng lòng không thích lắm vì nó đi ra ngoài chủ trương lâu nay của mình.
    Bạn hiền là Thạch Sanh đời nào cũng ít, ít nên tên được nhắc đi nhắc lại qua thời gian như Dương Lễ, như người bạn chia vàng… nếu lịch sử có được bạn hiền nào thì người đời trân trọng và viết đi viết lại trong các tiểu phẩm để làm bài học cho người sau. Bạn xấu như Lý Thông đời nào cũng nhan nhản. Không cần nhìn đâu xa, liếc mắt vô các tin tức hằng ngày thì thấy, nào là giết bạn đoạt xe máy, đoạt điện thoại di động, nào là giết bạn vì một câu nói chạm tự ái, nào là đâm bạn chết vì giành nhau trả tiền, nào là chặt bạn ra từng khúc bỏ vào tủ lạnh vì muốn đoạt vợ bạn… Ối thôi, trăm ngàn vẻ, triệu ức cảnh, người viết tiểu thuyết không cần động não tìm cốt truyện đâu xa cũng thấy.
    Truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông nói gì trong đó?
Người trẻ Thạch Sanh nghèo, kết bạn với Lý Thông theo lời yêu cầu của anh nầy. Khi Lý Thông có chuyện ngặt là lần đó tới phiên phải đi nạp mình cho chằn tinh ăn thịt thì đánh lừa kêu Thạch Sanh đi để thế mạng. May thay Thạch Sanh có tài hay do được tiên ông chỉ dạy trước đây nên giết được chằn. Thấy vậy Lý Thông bèn gạt bạn nói là chằn của vua, giết là bị tội, hãy trốn đi. Sau đó Lý Thông tới đền vua báo cáo là mình đã lập kỳ công nầy để được phong chức… Những cuộc gạt gẫm như vậy xảy ra trong suốt cuốn truyện: Thạch Sanh giết Mãng Xà vương, Thạch Sanh trừ Đại bàng cứu Công chúa… đều được Lý Thông mạo nhận là công cán của mình để được hiển vinh mà không đời nào nhớ tới hay muốn giúp đỡ bạn nghèo.
    Trời không phụ người ngay. Lần kia Thạch Sanh sau khi bị cáo gian ăn cắp vàng vua, sắp bị Lý Thông đem ra hành hình sớm để trừ hậu hoạn thì đã đem cái đờn thần của mình ra khảy giải buồn, cô Công chúa trước đây uất hận vì thấy Lý Thông cướp công của Thạch Sanh nên á khẩu không nói được, bây giờ nghe tiếng đàn, biết đó là tiếng đàn của Thạch Sanh nên tâu với vua cha giải oan cho họ Thạch. Cuối cùng thì người ngay mắc nạn còn có thể thoát, người gian mắc nạn như Lý Thông thoát được lưới nhân gian – do lòng nhân ái và tình bạn của người mình đã đối xử xấu – nhưng không thoát được lưới thiêng của Trời Đất, anh ta bị thiên lôi đánh chết và hồn biến thành con ảnh ương.
    Thạch Sanh có tài, đã cứu được Công chúa mắc họa đại bàng, về sau lại còn cứu quốc gia khỏi nạn binh đao khi liên quân 18 nước kéo sang vây hãm do tức giận bị làm nhục nên được vua nhường ngôi là chuyện phải đến. 
    Người ngay mắc nạn, khổ sở sau đó được truyền ngôi vua trong truyện thơ bình dân Việt Nam đầy dẫy, kể không hết. Anh hùng trừ gian đảng, trừ nịnh thần, trừ giặc ngoài… hầu như truyện nào cũng có. Tuy nhiên anh hùng trừ Chằn tinh, trừ Mãng xà vương, trừ chim lớn đại bàng, cứu người bị giam trong cũi sắt, trừ giặc bằng tiếng đờn, giặc sợ vì họ bao vây thành mà mình cứ ngồi an nhiên… chỉ có độc nhứt trong truyện Thạch Sanh. Nhà biên khảo khuynh hướng Mác-xít Trương Tửu trước đây nói là truyện Thạch Sanh chịu ảnh hưởng từ văn hóa Campuchia với hình ảnh Mãng xà. Tôi nghĩ lý thuyết nầy cần phải xét lại vì con rắn lớn trong truyện tích nước bạn là con rắn thần, rắn tốt đối với người, rắn giúp người, đó là con vật huyền thoại như rồng của Việt Nam, Trung Quốc, rắn nầy có nhiều đầu, thân dài, được coi là linh vật mà người Campuchia thường dịch là con rồng. Con rắn lớn trong truyện Thạch Sanh thì là loại rắn xấu hại người, chết rồi hồn nó còn quậy phá người hiền Thạch Sanh gần mất mạng. Đại bàng là một hình ảnh khác, một trường hợp khác thể nhưng đồng tính với Mãng xà. Chằn tinh là hình tượng xấu nhứt mà người ta có thể tưởng tượng về con người hóa thú ‒ hay thú hóa người ‒ để làm hại kẻ yếu.
    Tôi giải thích mấy việc trừ Chằn tinh, trừ Mãng xà, trừ Đại bàng, phá cũi cứu người bị giam giữ là những ước vọng trừ khử những thú dữ khi người lưu dân tiến vô rừng thiêng, vô khai phá đầm lầy của vùng đất mới phải đối phó với những khó khăn của vùng đất mới có cư dân lần đầu, đầy hùm beo rắn rít, voi tượng hữu hình và sự cô đơn sợ hãi khi đêm tối hoặc giông bão, bịnh tật là những thú dữ vô hình dễ dàng đem đến chết chóc…
    Người lưu dân phải sống còn khi Nam tiến. Đến đất mới thì phải đối đầu với những khó khăn đang chờ chực, họ cầu mong sao cho có một người hùng bằng xương bằng thịt sống bên cạnh để cứu khổ cứu nạn. Từ đó câu chuyện Thạch Sanh dần dần được kể lại như là chuyện có thiệt để người ta lấy đấy làm điểm tựa cho lòng can đảm bật dậy mà sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã của vùng đất chưa khai hoang, còn lạ lẫm.
    Thập niên năm mươi miền Bắc lý giải người hùng Thạch Sanh là hình tượng người lao động cần cù rộng lượng vị tha, là người tốt do sống bằng sức làm việc của mình. Sự tổng quát hóa một nhân vật thành biểu tượng của một giới không thể nào có giá trị khoa học. Nó chỉ được dùng để đáp ứng nhu cầu chánh trị của giai đoạn, giai đoạn đó đã qua, lý giải đó chẳng còn đáng bàn tới.
    Tiếng đàn thần Tam Kỳ và nồi cơm thần ăn hoài không hết. Hai thứ nầy là nhu cầu cần có của người di dân Việt khi bước chân rụt rè vào vùng đất Thủy Chân Lạp của thế kỷ 17, 18. Tiếng đờn giải tỏa những buồn bực, tiếng đờn kết tình anh em với người chung quanh có thể là người bản xứ khác tộc có con mắt chẳng bao nhiêu thiện cảm, xoa dịu khổ đau buồn bực do hoàn cảnh, tiếng đờn là nhu cầu giải trí cần thiết của người xa xứ. Từ mơ ước có tiếng đờn réo rắt để làm nhẹ đi những cực nhọc của thực tế, người kể chuyện đã thăng hoa nó thành tiếng đờn thần tạo được sự thông cảm giữa người đờn và người nghe, giữa người đờn và địch thủ. Việc phát triển sự kiện đờn ca tài tử để biến thành một nghệ thuật đặc biệt được ưa chuộng của Miền Nam cũng là do những nhu cầu nói trên của lưu dân và hậu duệ.
    Nồi cơm Thạch Sanh mà Hầu Đôn khổ sở ăn hoài không hết rõ ràng là ước mơ dư ăn dư để ngàn đời của dân ta nói chung và lưu dân vào Nam nói riêng đứng trước sự khó nhọc phải có đủ thực phẩm để sanh tồn. Ta nên nhớ rằng thời lưu dân đường giao thông không tiện lợi, việc trao đổi hàng hóa vì vậy chỉ ở mức tối thiểu, người dân sống trong trạng thái tự cung tự cấp. Thiếu thốn do đó mà ra. Ước vọng vì miếng ăn cũng do đó mà có.
    Cái cung thần và những phép tiên do Thạch Sanh sở đắc chẳng qua được tạo thành từ những ước vọng có được phương tiện bảo vệ hữu hiệu trước những khó khăn do hoàn cảnh mà thôi, không có gì khác.
 
***
 
Văn chương trong Thạch Sanh Lý Thông đơn giản mộc mạc, không có bao nhiêu chữ khó, không có điển tích Tàu, có thể mất vần, có thể cà kê dê ngỗng, có thể lặp đi lặp lại một số từ ngữ không cần thiết… Đó không là khuyết điểm. Đó là đặc điểm của văn chương Nam Kỳ, một vùng đất mới từ lúc lưu dân đến lập nghiệp cho đến hết thời cử nghiệp cũ chỉ có hai người đỗ Tiến sĩ, người đỗ Cử nhân, Tú tài do đó ta cũng biết rằng chẳng có bao nhiêu. Văn chương đối với một nhúm ít người biết chữ Hán Nôm vì vậy chắc chắn không lóng lánh, chẳng đài các kiêu sa tới khó hiểu như Kiều, cũng chẳng ai oán não nùng như Cung Oán Ngâm, Chinh Phụ Ngâm, Ai Tư Vãn. Thạch Sanh Lý Thông có chỗ đứng riêng của nó: đơn giản mộc mạc để đáp ứng nhu cầu giải trí cấp bách cho người ít học lại sinh hoạt gần như cô độc trong vùng ít người của rừng thiêng, của đầm lầy chưa được khai phá. Với những người nầy, truyện Kiều là cô gái cực đẹp lại quá thông minh mà họ với tay không tới. Cung Oán Ngâm, Chinh Phụ Ngâm, Ai Tư Vãn là những cô gái buồn vương đến cả cỏ cây làm mềm lòng người nên họ không muốn tiếp xúc. Thạch Sanh là người hùng họ mong được có bên cạnh nên văn chương phải được viết sao cho họ hiểu ngay. Câu văn càng gần với lời nói bên ngoài càng tốt, lặp lại nhiều lần cũng chẳng sao, chỉ là nhắc cho người đọc khỏi quên chi tiết quan trọng. Tôi cho rằng nhu cầu sống còn của người dân cần thiết phải có những bản văn đơn giản và tất cả truyện thơ Nôm Phật Trấn đã được sinh thành theo nhu cầu đó nên ở trong khuôn mẫu đó. 
Xin trích mấy dòng đầu của bản văn để thấy sự mộc mạc của nó:
 
    Con thời chẳng có nối truyền,
    Vợ chồng khấn nguyện nó mà không con.
    Nào là quan Bộ chép biên,
    Xét tra số nó có con chăng là.
    Thôi bà Vương mẫu tâu qua,
    Nó đà khấn nguyện, số mà không con.
    Ngọc Hoàng nghe nói héo don,
    Tấm lòng phới động tư lương cho người. 
 
Ta thấy văn chút nào đó không thỏa sự kỳ vọng của ta: (1) chữ dùng thường quá (nó mà, nào là, nó đà, chăng là, số mà, thôi bà…); (2) không vần ở nhiều chỗ, khi có vần lại là vần lưng; (3) lời văn và ý văn lặp đi lặp lại… Biết sao! Văn chương bình dân, thứ văn chương dùng làm nhu cầu tinh thần cho người lưu xứ nơi vùng đất mới sanh tồn trong sự cực nhọc đối đầu cùng thiên nhiên chưa thuần hóa, không có trường học, chẳng đủ lương thực, phải tự túc mọi thứ, phải đối phó với sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, không có gì giải trí trong môi trường buồn bã chung quanh…
    Tuy nhiên bản văn lại giá trị ở chỗ mang nhiều từ ngữ của thế kỷ 17, 18 không phải dễ tìm. Cách diễn tả cũng vậy, nhiều lúc phù hợp với lời nói thường ngày, với văn xuôi hơn là văn vần. Xin trích ra một vài từ ở phần đầu tác phẩm: Kính nắm, héo don, cả tài, nhuốm nên nhâm thần, chửa nghén, nước mắt ngùi ngùi, mãn tháng đủ no, những mảng, mỏi mệt bỏ cưng, khóc chuyển vang dậy trời, cận ngày sanh đẻ, những mảng tư lương, nằm đất ăn chay, nhẫn từ trong bụng mồ côi, nhúm rau mớ ốc, châu lệ đượm đầy chứa chan, mặt nhìn lơ láo trợn tròng con ngươi, sao mà đi đứt, làm thầy âm táng, mồ cha mả mẹ, đói no đỡ dạ, xăm xăm bước tới, cất tiếng hỏi rày, dạy thí công, ngồi thời xếp bằng, bồ nhìn, búa sắt lao xao, hỉ hả hi ha, hóa phép dầm trời, ha hả vỗ tay, nước kia muốn chảy mà mương chưa đào, hề chi, cái giải, chích bóng, suối đờn líu lo, lai láng tợ sông giang hà, đầu chằn bèn bỏ trước sân đùng đùng, (hồn về) nhát anh, giấy tiền vàng bạc, mất vía, nói nhát, tâu dộng, có phép ngoan, dưỡng lưng cho lớn, quở, tốt nên là tốt, vào nhắp hàng da…
 
***
 
Tóm lại: Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông xuất phát từ nhu cầu thực tế của lưu dân từ Trung vào Nam trong giai đoạn Nam tiến qua vùng Đồng Nai đất đỏ tới vùng sông rạch đất thấp, nơi có nhiều rừng rậm, nơi sấu, cọp, voi còn lởn vởn quanh nhà (Đại Nam Nhứt Thống Chí, Lục Tỉnh Nam Việt). Người ta sợ hãi thú rừng, người ta cần giải trí để vui sống, người ta ước ao sống không thiếu ăn; từ đó nhảy ra người hùng Thạch Sanh trong trí tưởng tượng của người dân, từ đó có sự huyền diệu của tiếng đờn thần, từ đó có cung tên thần bắn được đại bàng, bắn nát cũi sắt mà người bị giam bên trong không hề hấn gì, từ đó có nồi cơm Thạch Sanh ăn không bao giờ hết…
    Việt Nam chưa có tác phẩm nào được sinh ra từ ước vọng của số đông dân chúng bình dân bằng truyện Thạch Sanh Lý Thông. Được đón nhận nồng hậu nên Thạch Sanh có nhiều bản Nôm, nhiều bản quốc ngữ và có cả bản chèo… những phó phẩm chỉ được tạo thành từ những tác phẩm rất được ưa thích như Đoạn Trường Tân Thanh, Lục Vân Tiên ngày xưa, như Lá Ngọc Cành Vàng trước đây, như Tha La Xóm Đạo của nền Văn chương Tranh đấu Miền Nam.
    Trong việc phiên âm và chú giải chúng tôi chủ trương phiên âm thật đúng theo bản văn, không phải đúng với ý mình. Cũng đưa ra trình làng bản văn Nôm mà mình có duyên khám phá được sau cả trăm năm nó nằm im trong Thư Viện Quốc Gia Pháp. Phiên âm tác phẩm gốc Nam coi vậy mà khó, nhứt là lần đầu tiên vì văn pháp và từ ngữ lạ lẫm. Sự sai sót thường thấy trong các bản phiên âm tuồng hát bội Sơn Hậu, Đinh Lưu Tú và Trần Trá Hôn của Phủ Quốc Vụ Khanh trước đây là một thí dụ, sự bỏ trống từ hay phiên không chính xác trong các bản của ông Durand là hai thí dụ. Chúng tôi do đó thấy có chữ nào ngờ ngợ trong cách đọc đều báo để bậc cao minh góp phần suy nghĩ sau nầy… Chú giải dầu đơn sơ cách mấy cũng cực nhọc cần phải suy nghĩ, tôi thông cảm vì sao ông Trương Vĩnh Ký ngày xưa trong rất nhiều bản chuyển sang quốc ngữ, chỉ phiên âm mà không chú giải. Trong chiều hướng đó, sự chú giải nhằm nhắm về việc giúp đỡ người đọc có trình độ trung bình về văn học Việt Nam hơn là nhắm về mặt trình bày kiến thức sách vở của người làm sách. Người đọc theo dõi những chú thích chắc chắn sẽ nắm vững hơn giá trị của tác phẩm mà mình đương đọc.
 
***
 
Căn bản truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông là ước vọng của lưu dân đứng trước hoàn cảnh khó khăn khi đến đất mới, tuy nhiên truyện cũng có những điều đáng ghi nhận bên lề ngoài điều căn bản kể trên. Đó là tình trai gái tự nhiên, không e dè của người bình dân Nam Kỳ lục tỉnh. Cô Công chúa, nghĩ mình đã hứa hôn với Thạch Sanh nên sau thời gian dài không gặp, tới chừng gặp lại thấy tỏ tường đó là Thạch Sanh thì chạy ra ôm lấy mừng rỡ, than thở “Bấy lâu anh chịu lao tù, anh bị tội oan chi rày. Bây giờ mới thấy anh đây…” Ta có thể giải thích rằng Công chúa vui mừng nên không chú trọng đến sự phân cách vị thế, chẳng dè chừng chuyện giới hạn cần có giữa trai-gái đã chạy ra, đã ôm lấy, đã thân thiết bày tỏ sự hân hoan của mình, đã xưng hô bằng hai từ của người yêu nhau: anh, em. Nhưng đó là giải thích về tâm lý nhân vật trong tác phẩm, bước ra ngoài tác phẩm ta thấy rằng văn chương bình dân thường có cảnh nầy. Văn chương bác học thì không, Nguyệt Nga bị Vân Tiên ngầy: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra” khi muốn bước ra khỏi kiệu thi lễ cảm ơn ân nhân cứu tử; Kiều nhắc khéo Kim Trọng: “Sợ lần khân quá e sàm sỡ chăng?” Một đàng phóng túng theo tình cảm đương có, một đàng câu thúc theo phong tục lễ nghi. 
    Theo dõi chi tiết toàn truyện ta thấy được nhiều sinh hoạt văn hóa của thời tác phẩm xuất hiện, thế kỷ 19, như:
    Bói toán vào cả trong triều đình, ma chay với nhiều chi tiết (làm thầy âm táng, làm sãi bó ma), mồ cha mả mẹ có thể chôn ở trước sân nhà, bịnh nặng, câm chẳng hạn, thầy pháp được rước đến chữa trị, (tương tợ những chi tiết trong thơ Lục Vân Tiên), đặt tên con khi đầy tháng với sự giúp đỡ của bà mụ, người quyền thế khi cần thiết thường cất rạp hát bội cho dân chúng xem cầu vui, xóm giềng thân thiết xúm lại giúp đỡ người lâm cảnh khó, người ta gánh rượu đi bán rong trong xóm (Chắc dân thời đó tiêu thụ rượu đế do người Pháp tạo điều kiện cũng bằng dân ta ngày nay được cổ động để tiêu thụ bia!)
    Con người thời nầy tương đối hiền lương, tin tưởng thần thánh, thường làm phước, xây cầu đắp đường thí nước, gặp ai cần chuyện gì thì giúp không nghĩ đến chuyện lợi lộc có được từ hành động của mình, tin tưởng rằng con người, kể cả các loài thú hay chằn tinh khi chết thì phần hồn còn lại cần phải được cúng quải, lập miếu thờ, tin tưởng ở sự tống gió để hồn người chết thảm được siêu thoát… “Cá cơm rượu thịt sẵn bày, tiểu thuyền một chiếc tống rày đưa xa”.
    Khi làm việc với bản văn ta gặp chữ ca (ở ca nội đền, trấn ca mộ tiền, ở ca một mình) suy đoán văn cảnh phối hợp với chữ ca tìm thấy trong truyện Phạm Công Cúc Hoa xưa, ta có thể hiểu là trong, ở trong, ở tại… Từ làm song cũng hiện diện vài ba lần, nhưng ta khó đoán nghĩa… Từ mấy chữ quá cổ đó ta có thể an tâm kết luận rằng quyển Thạch Sanh Lý Thông nầy ra đời trễ nhứt là hai ba thập niên đầu của thế kỷ 19 nhưng không thể sớm hơn thời gian lên ngôi của Nguyễn Ánh.
    Mặc dầu làm việc cẩn thận và cật lực, tôi không dám chắc mình không để lỗi nào khi phiên âm, chuyện sai sót chắc hẳn là phải có. Trong thời gian làm việc, tôi đã nhờ người bạn học, GS Nguyễn Hiền Tâm, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sàigòn góp ý cách đọc một số từ cho hợp với giọng Nam, xin bạn nhận nơi đây lòng biết ơn của tôi. 
 
– Nguyễn Văn Sâm 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nữ sĩ Linh Bảo kỷ niệm sinh nhật 98 tuổi hôm chủ nhật April 14, 2024 và vừa mất sáng sớm hôm qua, April 22, 2024 tại tư gia ở Westminster, nam Cali...
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.