Hôm nay,  

Một đêm văn nghệ, hai câu chuyện

26/07/202310:29:00(Xem: 1950)
Truyện

IMG_6515

Trại Sikiew, đêm văn nghệ mừng Năm Mới diễn ra trên Bãi Đá năm ấy có vài giọng ca gây bất ngờ. Đầu tiên phải kể đến Vân Đại Bàng với bài hát Đường Xưa Lối Cũ hay thần sầu, bà con vỗ tay rần rần.
    Nói về “đại bàng”, hổng biết các trại tỵ nạn khác có không, chớ trại tỵ nạn Thailand thuở ấy thì nhiều vô số kể. Có những “đại bàng” từ Việt Nam “tiền án nhiều hơn tiền mặt”, có những “đại bàng” lang bạt sang Cambodia, rồi theo dòng đời nổi trôi đến trại tỵ nạn tiếp tục hành “nghề”, có những “đại bàng” do thời cuộc đời tỵ nạn nhào nặn bắt buộc phải làm “đại bàng” để mưu sinh, để tồn tại. Vì Thailand sát biên giới Cambodia và Cambodia sát biên giới Việt Nam nên có thể nói trại tỵ nạn Thailand có đủ các kiểu: đại gia, đại bàng và đại ca.
    Tôi đã từng viết về đại bàng trại tỵ nạn, và chuyện đại gia trại tỵ nạn là mấy người trong đường dây nước hoa Thanh Hương Nguyễn Văn Mười Hai chạy qua trại trốn lệnh truy nã, hôm nay tôi xin kể chút xíu về đại ca cho đủ “bộ tam sên”.
    Lúc mới nhập trại, bốn đứa chúng tôi bị nhóm dân miền tây khu kế bên gọi là "bốn cô Bắc Kỳ Hải Phòng" vì giọng nói của chúng tôi khác hẳn với kiểu nói "mình ên", "cá gô nằm trong gổ" của họ.
    Bỗng một ngày kia, có một nhóm thanh niên, tướng tá khá ngầu, có người còn xăm trổ đầy mình, tìm đến nhà chúng tôi:
    – Nghe nói mấy em là dân Bắc Kỳ nên các anh đến nhận "đồng hương đồng khói" đây.
    – Úi chu choa, lộn rồi mấy anh ơi, tụi em là Bắc Kỳ 1954... 9 nút chớ hổng phải 2 nút 1975 như mấy anh đâu ạ!
    Sau vài câu thăm hỏi quê quán ngoài ấy, cuối cùng họ bảo rằng "dù sao thì chúng ta vẫn là đồng hương Bắc Kỳ, mấy nút không quan trọng".
    Từ đó, thỉnh thoảng trong trại, hễ có gặp nhau, hai bên vẫn gật đầu chào nhau, gọi nhau là "đồng hương đồng khói" rộn ràng.
    Một thời gian sau, nhóm tôi chỉ có tôi đậu thanh lọc, nhóm "hai nút" cũng chỉ có một người đậu thanh lọc, đó là Nam Đại Ca hay còn gọi là Nam Nghệ Tĩnh. Nghe nói Nam trong nhóm bộ đội Việt Nam đóng quân bên Cambodia đào ngũ chạy qua trại tỵ nạn Thailand, chẳng biết thực hư ra sao, và cũng chẳng cần tìm hiểu tại sao người ta gọi là Nam Đại Ca.
    Về trại Transit, chúng tôi ở chung lô, nhưng hầu như Nam Đại Ca ít khi có mặt ở nhà, tôi đi làm bên Cao Ủy từ sáng đến chiều về, luôn luôn thấy nhà Nam Đại Ca đóng cửa kín mít, chắc đại ca bận rộn đâu đó, có trời mới biết. Có lần hiếm hoi đụng mặt nhau, anh Nam bảo tôi:
    – Nếu trong trại có ai gây sự với em thì cho anh biết, "đồng hương đồng khói" giúp đỡ nhau, anh sẽ "nói chuyện" phải trái với họ, em đừng lo.
    Câu này quen quen vì anh Vân Đại Bàng cũng từng nói với chúng tôi như thế tại Sikiew, và tôi cũng đáp y chang:
    – Úi anh ơi, em nhát hít, nào dám gây sự với ai. Họ mà lớn tiếng là em co giò chạy trước.
    Thỉnh thoảng trời về khuya, Nam Đại Ca tụ tập vài thanh niên, dù là giờ giới nghiêm, chắc là “quen lớn” với Ban An Ninh trại, nên vẫn ngồi đàn guitar, hát nhạc mùi bolero, cả lô mọi người nằm im, nghe lại những bản nhạc vàng trước năm 1975 mà thả hồn về quá khứ mộng mơ. Riêng tôi có khi thao thức đến nửa đêm về sáng, vì những lời nhạc gợi nhớ quê hương, nhớ kỷ niệm bỏ lại quê nhà, chớ hổng phải thao thức vì ... đại ca đâu á. Sau đó, Nam Đại Ca đi định cư bên Úc, không biết bây giờ ở bên Úc, anh Nam còn là "đại ca" không nhỉ.
    Trở lại chuyện đêm nhạc có anh chàng Vân Đại Bàng ca bài Đường Xưa Lối Cũ.Tôi thích bài này lắm, nhưng tôi đâu có “số má” mà được quen biết  với “đại bàng” để hỏi chép giùm bài hát.
    Một tuần sau, Vân Đại Bàng sau chầu guýnh lộn say xỉn, bị bắt giam. Tôi có đi theo bà boss Cao Ủy vào lập danh sách tù nhân. Tôi được dịp trò chuyện với Vân Đại Bàng, khen anh hát Đường Xưa Lối Cũ thật truyền cảm, và ngỏ ý muốn có bài hát ấy. Vân Đại Bàng vui vẻ, kêu tôi đưa giấy bút, vài ngày sau anh gửi bài hát ra cho tôi, và ngoài sự mong đợi, anh ấy viết lời bài hát trên nền một bức tranh, có “trăng treo trên đồi”, có “bóng tre che thôn nghèo” mơ màng, rất đẹp. Nét chữ lả lướt, tranh vẽ cũng lả lướt bằng nét bút chì, dưới góc phải ký tên Vân, đó là cả một tác phẩm chan chứa tâm hồn nghệ sĩ, tôi say sưa ngắm bài hát trên bức tranh, quên hẳn anh ấy là... “đại bàng”! (Tôi sẽ có một bài viết riêng về cuộc đời Vân Đại Bàng).
    Cũng trong đêm văn nghệ ấy, còn có tiết mục “Sài Gòn Đẹp Lắm” do chú Sanh trình bày. Nếu Vân Đại Bàng hát Đường Xưa Lối Cũ ngọt ngào, thiết tha làm mọi người thổn thức, thì chú Sanh khuấy động cả trại với điệu chachacha vui nhộn, giọng hát đầy nội lực, khán giả reo hò nhún nhảy theo.
    Chú Sanh là hàng xóm dưới lầu chung lô. Sáng nào chú cũng mặc quần shorts áo thun ra bãi đá đánh tennis. Buổi trưa chú hay ngồi trước nhà, đeo mắt kiếng đọc sách báo hoặc uống trà với vài người quen, nói chung là cuộc sống rất nề nếp.
    Trước khi làm việc cho Cao Ủy, tôi từng là nhân viên bưu điện trong trại, chú Sanh là người thường xuyên lên lãnh thư bảo đảm có tiền thân nhân nước ngoài gửi đều đặn, thành ra tôi cũng gọi là có chút quen mặt với chú ấy.
    Nói hổng phải khoe (mà thực sự cũng là ... khoe), hồi đó nhân viên bưu điện có giá lắm, vì mỗi ngày có hàng trăm người xếp hàng chờ lãnh thư, ai cũng biết mặt.
    Mỗi chiều đi làm về, ngang qua các lô nhà, bà con chào hỏi thân thiện, luôn kèm theo câu hỏi: “ngày mai tui có thư không cô Loan?” (chả là mỗi cuối giờ trưa, bưu điện đón nhận cả một xe thư, chúng tôi đổ các bao bố đựng thư ra, phân loại, rồi ghi vào list, sáng hôm sau dán list cho người tỵ nạn đến dò thư ). Có vậy thôi, nhưng là đem niềm vui đến trước, dù chỉ một đêm, mà bà con ghi nhớ và…thương mến.
    Chị Hảo nhóm chúng tôi nghe chú Sanh ca “Sài Gòn Đẹp Lắm” là mê tơi, muốn có bài hát đó để tập múa cho mấy em trong Thiếu Nhi nhân dịp Lễ và văn nghệ của Nhà Thờ, nên chạy đến chú Sanh nhờ chép giùm bài này, nhưng đã bị chú từ chối thẳng thừng, tôi nghe tin mà chưng hửng! Dẫu biết chú Sanh là người khó tính và sống khá xa cách với mọi người xung quanh, nhưng chỉ là chép lời một bài hát thôi mà, Vân “Đại Bàng” còn nhận lời chép cái rụp không nghĩ suy, có sao!?
    Bỗng nhiên, chị Hảo reo lên:
    – Loan ơi, chỉ có em mới giúp chị chuyện này.
    – Em giúp được ư?
    Chị nhìn tôi, mắt long lanh:
    – Chúng ta đành phải áp dụng “mỹ nhơn kế”, ý lộn, nói chính xác là “Loan bưu điện kế”, chắc chắn với cái uy bưu điện của em, chú Sanh sẽ nhận lời.
    Hà và Quyên, hai nàng còn lại trong nhóm cùng vỗ tay, tán thành “tuyệt chiêu” của chị Hảo. Gì chớ, bốn đứa ăn ở chung với nhau nên họ rành lắm cái “uy” của tôi.
    Còn nhớ thời kỳ cao điểm ở trại, hàng tuần đều có hàng trăm người tỵ nạn nhập trại, cả đường bộ lẫn đường biển, dân số gia tăng chóng mặt, nên trại phải mở thêm trại mới bên kia con đường, cách nhau hai lớp hàng rào kẽm gai. Lúc này, trại bắt đầu giải quyết cho những trường hợp người thân của hai bên qua lại thăm nhau, sáng đi chiều về, nhưng phải xin giấy phép từ văn phòng cộng đồng. Người ta nườm nượp xếp hàng dài, vì mỗi tuần chỉ có một chuyến vào ngày chủ nhật, mỗi chuyến cỡ chục người, có ban An Ninh dẫn đầu, đi qua cổng lính Thái, băng qua con lộ lớn, đi một đoạn vào con đường đất đỏ, là tới cổng trại mới, trình giấy tờ cho lính Thái, xong tha hồ rong chơi, đến 4 giờ chiều tập trung lại ngay cổng để đi về.
    Tôi thuộc loại… ham vui, cũng muốn qua bển xem nó tròn méo ra sao, nhưng chưa có lý do chính đáng. May quá, lúc đó nghe tin một chị “bà con” xa lắc xa lơ mới nhập trại, tôi bèn mạnh dạn đến gặp chú trưởng trại người Việt, chú hỏi:
    – Cô đi thăm ai? Nên nhớ là bây giờ chỉ ưu tiên cho người thân, họ hàng thôi nhé.
    – Dạ, con có… bà con xa.
    – Xa như thế nào, nói nghe coi.
    – Dạ, đại khái… rằng… thì… là, mẹ của chị ấy là… chị dâu của… anh rể con.
    – Trời, hiểu chết liền! Cô nói rõ cho dễ hiểu chút đi.
    – Hay nói cụ thể hơn nè chú: Bố của chị ấy là anh ruột của anh rể con, hay có thể nói gọn hơn là, chị ấy gọi chị ruột của con là Thím. Nghe có gần hơn hông chú?!
    Chú trưởng trại lắc đầu nguây nguẩy:
    – Thôi cô càng nói tôi càng nhức đầu, nhưng vì cô làm nhân viên bưu điện, tôi ưu tiên giải quyết lần này thôi nhe.
    Tôi cám ơn chú rối rít và trong bụng cũng cám ơn cái job “nhân viên bưu điện” của mình biết bao. Có lần, một anh chàng lạ hoắc nói giọng rặt miền Tây nam bộ đến nhà tôi:
    – Chiều mai mời chị đến nhà em ăn vịt nấu chao nha, con vợ em nó nấu ngon lắm, ăn quên sầu luôn.
    – Mà có gì sao em mời chị?
    – Dạ, ngày giỗ ba em đó chị, nhà em ở lô bên kia, em mời chị tại vì chị làm…bưu điện!
    Cho nên, được sự tin tưởng của cả nhóm, tôi mạnh dạn hớn hở đến nhà chú Sanh vào buổi sáng chúa nhật đẹp trời, chú đang thong thả bên ấm trà và đọc sách.
    Tôi giả lả:
    – Chào chú Sanh, chú đọc sách gì vậy cà?
    Chú tháo cặp mặt kiếng, nhận ra tôi, cũng mỉm cười:
    – À, cuốn Hợp Lưu bạn bè bên Mỹ gửi.
    Rồi chú nhìn tôi như biết được “ý đồ” của cuộc thăm viếng bất ngờ này:
    – Cô Loan đến tìm tôi có chuyện gì không?
    Đã thế thì tôi chẳng cần rào trước đón sau nữa:
    – Chú ơi, hôm bữa chú ca bài “Sài Gòn đẹp lắm” hay quá chừng luôn, nhờ chú chép lại cho tụi con tập múa cho mấy em trong nhà thờ, nhé?
    Sắc mặt chú thay đổi, có vẻ không vui, rồi nhìn ra ngoài sân:
    – Tui ca đại chớ hổng nhớ lời!
    – Ủa, bữa đó chú ca ngon lành suông sẻ lắm mà?
    – Thì nhớ gì ca nấy, chớ có bài bản gì đâu!
    Tôi cố tiếp tục:
    – Dạ, chú nhớ sao thì chép cho tụi con vậy cũng được.
    Lần này thì chú nghiêm mặt, dứt khoát:
    – Thôi cô đừng năn nỉ mất công, tôi đã nói với cô Hảo rồi, khi nào nhớ ra tui sẽ chép cho.
    Tôi tiu nghỉu bước ra về, lần đầu tiên trong đời... tỵ nạn, cái uy “Loan bưu điện” chẳng có kí lô nào. Về tới nhà, cả nhóm đang chờ, nhìn tôi với những cặp mắt hy vọng, miệng chúm chím chuẩn bị những nụ cười rạng rỡ. Tôi đi thẳng ra sau nhà, vẫn kịp liếc chị Hảo một cái, rồi hờn mát (hờn ai, hổng biết!):
    – Ối, còn thiếu gì bài hát hay để múa, cần gì “Sài Gòn Đẹp Lắm”?! Chị lo kiếm bài khác mà tập cho mấy đứa nhỏ, chú ấy sẽ không bao giờ… nhớ ra đâu!

– Kim Loan

(Edmonton, Tháng Bảy 2023)

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
Ngày 30 tháng 4 năm nay, 2024, đánh dấu 49 năm ngày Sài Gòn thất thủ vào tay cộng sản Bắc Việt (30 tháng 4 năm 1975). Biến cố này đã mở ra một tương lai đen tối cho dân tộc Việt Nam mà một trong những hệ lụy thảm khốc nhất là hàng triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó có khoảng hơn 400,000 người chết thảm giữa lòng biển cả. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài trong 20 năm đã khiến cho hơn 950,000 bộ đội và thường dân miền Bắc chết và khoảng 600,000 lính cộng sản bị thương. Trong khi đó, có khoảng hơn 700,000 thường dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, cùng với 1,170,000 lính VNCH bị thương. Phía Hoa Kỳ có 58,281 binh sĩ tử thương và 303,644 lính bị thương. Đó là chưa kể số thương vong của binh sĩ các nước tham chiến ở hai miền Nam-Bắc, theo www.en.wikipedia.org.
Thế giới đang bùng nổ nhiều cuộc chiến tranh, và đang ngún lửa ở nhiều nơi khác: Trung Đông, Ukraine, Miến Điện, Đài Loan, Biển Đông… Một thời Việt Nam cũng đã trải qua nhiều cuộc binh lửa. Khi đọc kỹ Tam tạng Kinh điển, chúng ta cũng sẽ thấy có những cuộc chiến. Bản thân Đức Phật khi mới lớn cũng học kỹ thuật kiếm cung. Trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật, khi còn ở cương vị Bồ Tát, cũng đã từng ra trận. Nhiều hình ảnh ẩn dụ trong kinh điển cũng cho thấy dấu tích chiến tranh: ngựa chiến, voi chiến, áo giáp, mũi tên… Và rồi tận cùng, Đức Phật nói trong Kinh SN45.7 rằng chiến thắng vinh quang nhất chính là nhiếp phục tham, sân, si – nơi đó chính là Niết Bàn. Đó là mặt trận lớn nhất, gian nan nhất.
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.