Câu chuyện bắt đầu, một người kể:
“Sở dĩ con kên kên sói đầu vì nó ăn mít. Nó đút đầu vào ruột trái mít đục khoét. Mủ mít dính chặt lông. Khi rút đầu ra, lông dính lại. Đầu trọc lóc.”
Người thứ hai lên tiếng:
“Nói vô lý. Kên kên ăn xác chết, ăn đồ hôi thúi. Mít có mùi thơm. Kên kên không ăn đồ thơm.”
Người thứ nhất trả lời:
“Nói có lý nhưng xét ra vô lý. Kên kên không ăn mít thường nhưng ăn Sầu riêng. Mít Sầu riêng hôi lắm.”
“Nói vô lý. Sầu riêng thơm kiểu khác. Cả triệu người ăn. Cả triệu người ghiền. Điên hay sao mà ăn đồ hôi.”
“Bà thấy thơm nhưng tui thấy hôi. Quyền tự do mà. Cả triệu người không ăn Sầu riêng. Cả triệu người thấy Sầu riêng hôi.”
“Nói tào lao. Hoa thì thơm. Phân thì hôi. Ai có thể ngửi thấy hầm lù thơm?”
“Có thể hôi thúi, nhưng ở đó lâu ngày, quen đi. Thúi cũng như thơm. Giống những người ở xung quanh Kinh Nước Đen.”
Người thứ ba xen vào:
“Hai ông bà đừng sừng sộ. Cảm nhận của đám đông và cảm nhận của một người có quyền hạn khác nhau. Thiểu số thì phục tùng đa số, nhưng những thiểu số đặc biệt độc đáo thì hướng dẫn đa số. Đối với cá nhân, thúi hay thơm tùy người đối diện. Ăn hay không tùy mỗi người. Đừng bắt nhau ăn là tôn trọng quyền tự do. Có ngưòi ăn thúi mà tưởng rằng thơm. Lại có người ăn thơm mà tưởng rằng thúi. Có người biết thúi vẫn ăn vì quyền lợi. Có người biết thơm mà không dám ăn vì sợ thiệt hại. Có người không thích cả thúi lẫn thơm, chỉ thích thủm thủm. Vâng, chỉ có loài người là phức tạp, rối rắm như vậy.”
“Nói có lý, nhưng cần phải giải thích thêm.”
“Kên kên biết rõ thứ nào thúi, thứ nào thơm. Nếu bạn lấy nước hoa, dù là loại đắt tiền nhất, xức vào mũi kên kên, một lát sau, nó sẽ tắt thở. Trong khi nước hoa làm phụ nữ thêm quyến rũ. Bạn đã có kinh nghiệm, con chó biết phân biệt rõ ràng, thấy người quen, vẫy đuôi. Thấy người lạ, sủa. Thấy ăn trộm, cắn. Không cần có lý hoặc vô lý.”
“Ý anh nói chỉ có con người mới lôi thôi tranh giành lý lẽ?”
“Bà hỏi có lý.”
“Như vậy con người thua con vật hay sao?”
“Người mà thua vật, chắc chắn là chuyện vô lý.”
“Sao vô lý? Chó trung thành hơn người. Chim không có ly dị. Con kiến sống đoàn kết hơn. Con ong biết hết lòng hy sinh tính mệnh bảo vệ tổ quốc …. Rất nhiều chuyện, con người thua xa con vật.”
“Không phải chuyện hơn hay thua. Đây là sự khác biệt giữa có hay không có trí khôn. Con vật hành động theo bản năng để sinh tồn. Không cần biết đúng sai, thiện ác, có lý hoặc không lý. Có trí khôn, con người đặt ra mức thang giá trị và đánh giá mọi hành động theo tiêu chuẩn. Những tiêu chuẩn xác định khác nhau vì mỗi người đều bị hai thế lực mãnh liệt bên trong nội tâm sai khiến. Đó là sợ hãi và thủ lợi.”
“Chưa thuyết phục. Con vật cũng sợ, cũng tranh nhau lợi lộc. Quăng cục xương ra, bầy chó cắn nhau. Đưa súng lên nhắm, bầy nai sợ chạy tóe khói. Khác gì đâu?”
“Lập luận có lý nhưng thiếu sâu sắc. Con vật phản ứng theo thú tính, tự động tự nhiên để sống còn. Người phản ứng theo đúng sai, thiện ác, đẹp xấu; có tiêu chuẩn nhìn từ bên ngoài, nhưng bên trong, hầu hết, do sợ hãi và thủ lợi điều khiển ý nghĩ và quyết định. Thỉnh thoảng mới có bậc thánh nhân chống trả nỗi sợ và nỗi thèm để hành động chân chính.”
“Nghe rất có lý, nhưng nghĩ lại, có phần vô lý. Con vật ăn ở với nhau, yêu nhau, vì sinh tồn; còn chúng ta yêu nhau, vợ chồng sống với nhau vì thiện ác, đúng sai, đẹp xấu?”
“Chi tiết này hay a! Tui thích chuyện tình thực tế hơn chuyện mông lung cao siêu. Có lẽ nào tình yêu con người là do sợ hãi và thủ lợi?”
“Yêu nhau có được vui sướng, đẹp đẽ, thú vị, đó là phần thưởng của hạnh phúc, nhưng cũng kèm theo hình phạt, phải không? Có ai yêu mà không bị trừng phạt? Có người chồng người vợ nào không cảm thấy mình bị hình án? Tối thiểu là tù treo? Nhưng tại sao chúng ta tự nguyện? Tự nguyện ở suốt đời? Hay tự nguyện hoặc tự chấp nhận dọc đường chia tay?”
“Chung thủy, ly dị, ly thân, chia tay… là vì để tồn tại?”
“Có lý. Trước hết, ở mức độ bản năng, yêu nhau, ăn ở với nhau vì nhu cầu sinh tồn của nhân loại, hơn nữa, chính là nhu cầu sống hàng ngày của bản thân. Không có tình yêu, bản thân mất thăng bằng, sinh ra nhiều quái tật. Có quá nhiều tình yêu khác nhau, cũng mất thăng bằng, sinh ra nhiều tật quái. Ở mức độ này, thú và người gần giống nhau. Chẳng hạn, con chó bị thiến thì hiền khô, nhưng khi cắn thì trời gầm.
Vượt lên bản năng, người khác thú ở chỗ sử dụng chân, thiện, mỹ làm tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất sống. Những tiêu chuẩn này khác nhau trong mỗi người và thay đổi theo thời gian, dù là đồng dạng hoặc tương tựa. Điều bí mật và khó giải thích tường tận là thế lực sợ và lợi tiềm ẩn, điều khiển trong nội tâm. Thế lực này thường xuyên đưa đến phản ứng cường điệu hoặc cực đoan. Cường điệu và cực đoan luôn luôn xấu, theo nghĩa không hại mình, không hại người.
Về chuyện vợ chồng, kể cả tình nhân, tôi xin giải thích theo lối đơn giản nhất: Phần thưởng nhiều hơn hình phạt thì muốn yêu thương ăn ở với nhau, chịu đựng những gì không hài lòng. Nếu hình phạt nặng hơn, đau khổ hơn phần thưởng thì ly dị hoặc ly thân để hiện sinh, tức là sống cho bản thân trong tháng ngày còn lại. Phần thưởng thuộc về lợi. Hình phạt thuộc về sợ.”
“Nói như vậy, yêu nhau, ăn ở với nhau, không liên quan đến có lý hoặc vô lý, phải không?
“Mấu chốt là ở chỗ này. Có lý hay vô lý là do lý luận từ sự hiểu biết và do thói quen đã chấp nhận tiêu chuẩn, mức độ đúng hay sai. Có lý và vô lý thuộc về “chân”, không thuộc về “Thiện” và “Mỹ”. Không cần chân lý để yêu nhau và vợ chồng chung sống với nhau. Bạn có thể có mối tình vĩ đại hay tồi tệ, hoặc mối tình lưng chừng, mà không cần có lý do. Bạn có thể có người vợ lẳng lơ hoặc hung dữ, mà vẫn kề cận sát bên dù bầm mình hoặc tâm hồn thương tích. Bạn có thể có ông chồng phản bội hoặc bất tài, thậm chí, xấu trai, mà bạn vẫn không chia tay, vẫn tự an ủi: dù sao ván đã đóng thuyền. Lý do trong tình yêu thường dùng để thuyết phục, biện minh, bào chữa, đổ lỗi hoặc ca ngợi, không liên can đến bản chất chân thật của tình yêu. Chúng ta đều biết, khi thật tâm yêu người nào, sẽ muốn sống với người đó suốt đời. Khi sống chung được rồi mới nảy sinh lý do tại sao ở và tại sao đi.”
“Ý của ông là tình yêu không thuộc về chân lý nhưng thuộc về thiện và mỹ?”
“Chữ ‘tình’ trước chữ ‘yêu’ là tình cảm. Yêu thuộc về tình cảm trước khi cặp kè với lý trí. Tình cảm là phản ứng của tâm lý đối với hay, dở, đẹp, xấu, …vân vân… mà ý nghĩ chỉ đến sau đó. Người ta thường nói, mối tình đẹp, mối tình buồn, mối tình hạnh phúc, hoặc bất hạnh. Mấy ai khen chê mối tình có lý hoặc vô lý.”
“Nhưng có mối tình lành, mối tình dữ, phải không? Như vậy, tình yêu liên quan gì đến thiện ác?”
“Có lẽ, tôi nên nói về một suy nghĩ riêng. Tình thì có chung thủy, nhưng yêu thì không thể.”
“Ông nói nghe sao lạ lùng, không có lý gì cả. Yêu không chung thủy, làm sao tình chung thủy?”
“Hầu hết mọi người tưởng tình yêu là một. Không. Tình yêu là hai. Tình là danh từ, Yêu là động từ. Bạn có nói: “anh tình em” bao giờ không? Không. Bạn chỉ nói: “anh yêu em,” phải không? Tình là một loại cảm nhận-cảm giác có độ dài. Không ai biết dài bao nhiêu, bao lâu nhưng dài hơn yêu, dài nhất là hết một đời người. Trong khi yêu là loại tình cảm ngắn thường bất ngờ và đột kích. Chủ yếu của yêu là cao độ. Đặc tính của yêu là đam mê. Khi bắt đầu, hoặc bất ngờ, yêu, đam mê nhanh chóng nhảy lên đỉnh chót vót, có khi trở thành mê sảng, nhưng rồi từ từ tụt xuống, nhất là khi đã sở hữu được tình. Chung thủy là tình chạy dài đều đều nhưng yêu thì lúc lên lúc xuống, thỉnh thoảng lạc đường rồi vội vã quay trở lại. Không ai có thể đam mê ở mức độ cao mãi mãi dù vợ là hoa hậu toàn cầu, hay chồng là anh hùng thế giới.
Bí quyết của những người yêu thông minh là biết lúc đam mê lên cao phải giữ ở đỉnh thật lâu nếu có thể, rồi khi đam mê tụt dốc thành bình thường hoặc nhàm chán, phải biết kéo hoặc bơm nó lên, lên cao trên đỉnh. Yêu là một hành trình leo lên leo xuống: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát giang cũng lội, thập cửu đèo cũng qua”, ca dao đó ý nghĩa như thế.”
“Chúng tôi học ở nhà trường, biết tình yêu là danh từ, Bây giờ, ông nói là hai: một danh từ và một động từ ghép lại. Nhưng “em yêu”, yêu là tính từ? “Em là người đáng yêu,” yêu là bổ túc từ? “Em rất yêu kiều,” yêu chắc chắn là tính từ.”
“Không sai. Yêu là một thứ gì lạ lùng bí mật huyền diệu. Nó có mặt khắp nơi, xuất hiện bất ngờ, Tấn công trái tim không kịp thở. Danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, liên từ, bổ túc từ, không từ … nó là tất cả. Không có yêu, đời thiếu niềm vui, nhưng muốn giữ cho vui lâu dài phải nhờ chữ tình. Tôi nghiệm ra một điều: Đời người trước sau gì cũng khổ. Khổ vì tình yêu sướng hơn khổ không có tình yêu.”
“Như vậy, chung thủy liên quan đến tình mà không căn cứ vào yêu?”
“Nói về nghĩa tự thì đã minh bạch. Chung là đuôi. Thủy là đầu. Chung thủy không kể khúc ở giữa. Yêu nhau lúc ban đầu, có nhau lúc tắt thở là đủ. Nếu tính luôn khúc giữa, phải nói là ‘chung trung thủy’ mới đúng. Nói về kinh nghiệm sống, tôi chứng kiến nhiều đàn ông lạng quạng tình nhân, nhưng lãng tử hồi đầu, về với vợ con, cũng được bằng chung thủy dù không đậu ưu hoặc tối ưu.”
“Trở lại quan niệm của ông, tình là con đường dài, yêu là con đường zích zắc chạy lên chạy xuống xuyên qua đường tình, thỉnh thoảng lạc quẻ không đáng kể. Miễn đường tình không đứt, tình yêu vẫn là chung thủy.”
“Đúng như vậy.”
“Nhưng dường như ông chưa giải thích gì về chuyện thiện ác liên hệ với tình yêu?”
“Thiện và ác cũng có ý nghĩa tương tựa đẹp và xấu, đúng và sai. Có ý nghĩa và giá trị khác biệt giữa cá nhân và đại chúng. Nhưng nếu thiện được hiểu là lòng tốt, lòng thương người thì dễ có căn bản để xác định.”
“Lòng tốt, không có nghĩa là hành động và hậu quả có kết cuộc tốt.”
“Đúng. Giết người là xấu, nhưng giết người để cứu người là tốt, nhưng giết người tốt để cứu người xấu là xấu. Không dễ gì phân định rõ ràng. Tuy nhiên lòng tốt là nguồn. Miễn nước nguồn trong là tốt, còn giữa dòng, cuối sông, dơ hay đục là chuyện khác.
“Ý của ông là sao?”
“Ý tôi muốn nói, chữ thiện trong nghĩa ‘lòng tốt.’ Bất kể tình dài hoặc yêu ngắn, đều có đẹp xấu, đúng sai, lẫn lộn. Người có lòng thiện sẽ chịu đựng được cái xấu, điều sai, để hưởng dụng cái đẹp, điều đúng. Căn bản lòng tốt là lòng thương người. Không muốn cho chồng hoặc vợ và con cái bị tổn thương.”
“Không hẳn. Chịu đựng có nghĩa là không hài lòng. Người có lòng tốt là người có mức độ thông cảm nhạy và cao, vì vậy, họ dễ tha thứ hoặc chấp nhận. Do đó, không phải họ bất mãn hoặc khó chịu, ngược lại, thông cảm thường thường mang đến niềm vui và bình an trong tâm hồn. Cuối cùng là gì?
“Ông nói đi.”
“Đúng sai, đẹp xấu, thiện ác, đều có thời gian tính. Khi vượt qua được, nỗi khổ, chuyện buồn, khi đã trở thành quá khứ, thì đường đời chỉ là những khúc quanh co. Chẳng có một ai đi đường thẳng hoài. Chẳng có một ai sống trơn tru suốt kiếp. Vợ chồng không nhất thiết phải cần “yêu”, có được đương nhiên là quá tốt, nhưng chắc chắn là cần tình thương, vì vào lúc tuổi già, lúc hấp hối, tình thương lớn gấp mấy lần tình yêu.”
Ngu Yên
Gửi ý kiến của bạn