
WASHINGTON – Các chuyên gia cho biết, ngay cả khi còn là Tổng Thống, Donald Trump cũng không đủ thẩm quyền để giải mật (declassify) một tài liệu liên quan đến vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ; tài liệu này nằm trong số những tài liệu mà cựu Tổng Thống bị buộc tội lưu giữ bất hợp pháp, theo tin Reuters.
Tài liệu mật này được liệt kê ở vị trí thứ 19 trong bản cáo trạng cáo buộc Trump gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Theo Đạo luật Atomic Energy Act, nó chỉ có thể được giải mật thông qua một quy trình có sự tham gia của cả Bộ Năng Lượng và Bộ Quốc Phòng. Vậy nên, tài liệu mật về vũ khí hạt nhân là cái đặc biệt nhất trong số 31 tài liệu được liệt kê trong bản cáo trạng.
Steven Aftergood, một chuyên gia về tài liệu mật thuộc Federation of American Scientists, cho biết: “Tuyên bố về quyền giải mật tài liệu của Trump không liên quan đến trường hợp vũ khí hạt nhân, vì nó không được phân loại tài liệu mật theo lệnh hành pháp mà theo luật pháp Hoa Kỳ.”
Trump từng tuyên bố rằng ông đã giải mật các tài liệu trước khi mang chúng ra khỏi Tòa Bạch Ốc.
Tuy nhiên, tài liệu số 19 được phân loại là “FRD” (Formerly Restricted Data), đây phân loại dành cho các thông tin bí mật liên quan đến các vũ khí hạt nhân trong quân đội Hoa Kỳ. Theo bản cáo trạng, trên tài liệu không có ghi ngày tháng và tài liệu có “liên quan đến vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ.”
Theo Đạo luật Atomic Energy Act (AEA) năm 1954, Bộ Năng Lượng giám sát kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ và có quy trình riêng để giải mật dữ liệu vũ khí hạt nhân, một trong số những thông tin được bảo vệ chặt chẽ nhất của chính phủ Hoa Kỳ.
Theo hướng dẫn “Understanding Classification” của DOE, thông tin vũ khí hạt nhân nhạy cảm nhất được phân loại là “RD” (Restricted Data), bao gồm các thiết kế đầu đạn cũng như sản xuất uranium và plutonium.
Những tài liệu cần chia sẻ với Ngũ Giác Đài sẽ được Bộ Năng Lượng hạ cấp phân loại từ RD xuống FRD, nhưng chúng vẫn là tài liệu mật. Các tài liệu FRD thường bao gồm dữ liệu về quy mô kho vũ khí của Hoa Kỳ, việc lưu trữ và sự an toàn của các đầu đạn, vị trí và sức mạnh của chúng.
Các tài liệu FRD chỉ có thể được giải mật thông qua một quy trình do AEA giám sát, trong đó các bộ trưởng năng lượng và quốc phòng cùng đồng ý rằng tài liệu đó “có thể được xóa bỏ.”
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với việc Tổng Thống thiếu quyền giải mật dữ liệu hạt nhân. Vấn đề này đang làm dấy lên những tranh chấp giữa các chuyên gia.
Elizabeth Goitein, một chuyên gia luật an ninh quốc gia tại Trung Tâm Tư Pháp Brennan, cho biết Hiến Pháp Hoa Kỳ trao cho Quốc Hội quyền hạn chế quyền lực của Tổng Thống đối với đến hầu hết các vấn đề an ninh quốc gia.
Mặc dù Tổng Thống có thể yêu cầu giải mật các tài liệu của FRD, nhưng “việc đó phải thông qua cả DOE (Bộ Năng Lượng) và DOD (Bộ Quốc Phòng). Và luôn là như vậy,” Thomas Blanton, giám đốc National Security Archive cho biết.
Aftergood cho biết các tài liệu FRD phải được lưu trữ trong một không gian được bảo đảm an toàn, chứ không phải “cất trong phòng tắm.” Theo bản cáo trạng thì Trump đã cất giữ các tài liệu mật trong phòng tắm ở dinh thự Mar-a-Lago.