
Hôm Thứ Ba, 6 tháng 6 năm 2023, con đập Kakhovka đã bị vỡ và gây lũ lụt ở nhiều khu vực. Vụ việc này có khả năng gây thiệt hại cho hệ sinh thái và sức khỏe của con người trong thời gian dài. (Nguồn:YouTube)
Dù là tại ai, thì việc con đập bị phá hoại là một diễn biến đáng lo ngại. Nó có khả năng gây thiệt hại cho hệ sinh thái và sức khỏe của con người trong thời gian dài. Quý vị có thể tìm đọc thêm các bài viết trên trang TheConversation, liên quan đến nguy cơ hạt nhân, rủi ro đối với cơ sở hạ tầng dân sự, và nguy cơ đối với các kế hoạch chiến tranh của Ukraine.
1. Nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân
Đây không phải là lần đầu tiên người ta lo ngại về số phận của Nhà Máy Điện Hạt Nhân Zaporizhzhia (Zaporizhzhia Nuclear Power Station) trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Nhà máy này là cơ sở hạt nhân lớn nhất ở Châu Âu, nhưng chiến tranh đã và đang đẩy nó vào một vị trí đặc biệt dễ bị tổn thương.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8 năm 2022, sau khi nhà máy bị hư hại do pháo kích, Najmedin Meshkati, một chuyên gia an toàn hạt nhân tại Trường University of Southern California, đã nêu ra những mối lo ngại, bao gồm cả trường hợp xấu nhất là một hỏa tiễn rơi trúng ngay lò phản ứng hạt nhân, phá hoại nó và giải phóng các chất phóng xạ vào khí quyển. “Đó có thể là một Chernobyl khác,” anh nói.
Vụ vỡ đập có thể gây ra nguy cơ gián đoạn dòng nước làm mát.
Meshkati từng nói: “Ngay cả khi đã tắt các lò phản ứng, nhà máy vẫn sẽ cần nguồn điện bên ngoài để chạy hệ thống làm mát khổng lồ nhằm loại bỏ nhiệt dư trong lò phản ứng và đưa nó vào trạng thái đóng nguội (cold shutdown). Luôn cần phải có dòng chảy của nước làm mát để đảm bảo số nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng (spent fuel) không bị quá tải nhiệt (overheat). Các bể chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cũng cần dòng nước lưu thông liên tục để làm mát, và cần phải làm mát như vậy trong suốt vài năm trước khi có thể cho chúng vào thùng.”
Sau vụ vỡ đập, Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế (International Atomic Energy Agency – IAEA) cho biết chưa có rủi ro tức thời nào đối với Nhà máy Zaporizhzhia. 5 trong số 6 lò phản ứng ở nhà máy đã được đóng nguội, nên cũng không cần nhiều nước lắm. Lò phản ứng thứ sáu được làm mát bằng nước từ một hồ ở gần đó. Hồ này cạn nước thì mới nguy hiểm.
Có thể những lo ngại này sẽ thúc đẩy những lời kêu gọi về việc thiết lập một khu vực phi quân sự xung quanh nhà máy hạt nhân.
Meshkati nhấn mạnh: “Chiến tranh mới là kẻ thù tệ hại nhất cho vấn đề an toàn hạt nhân.”
2. Rủi ro đối với cơ sở hạ tầng dân sự
Nga hoàn toàn không nhận trách nhiệm trong vụ vỡ đập này. Nhưng vào tháng 10 năm 2022, Benjamin Jensen, một chiến lược gia về quốc phòng tại School of International Service của American University, đã cảnh báo về nguy cơ các cơ sở hạ tầng dân sự bị nhắm mục tiêu nhiều hơn khi chiến tranh tiến triển.
Ông giải thích, để ‘xả giận’ trước những thất bại trên chiến trường, “Nga tăng cường các cuộc tấn công ở Ukraine, nhằm vào mọi thứ, từ nhà máy điện, đê đập, cho đến đường sắt, đường ống và cảng,” đồng thời cho biết thêm, “Những cuộc tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự không phải là ngẫu nhiên. Thay vào đó, chúng cho thấy sự tính toán ngấm ngầm vẫn gắn liền với lý thuyết quân sự hiện đại của Nga. Trong hơn 20 năm, các tạp chí quân sự của Nga đã nhấn mạnh rằng sự cần thiết của chiến tranh không tiếp xúc (noncontact warfare) và việc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng.”
Nó hình thành một phần của “chiến lược cưỡng chế” mà theo đó, Nga cố gắng thao túng kẻ thù thông qua áp lực kết hợp giữa chính trị, kinh tế và quân sự.
Sau khi kế hoạch chiến tranh ban đầu bị kháng cự khắp nơi bởi Ukraine nhờ sự hậu thuẫn từ phương Tây, Moscow quay sang tăng cường các cuộc tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng, phù hợp với chiến lược cưỡng chế này.
Jensen viết: “Mặc dù trước đây các chiến dịch quân sự thường nhắm vào cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, nhưng Nga đã đi xa hơn. Để đối phó với cuộc phản công từ Ukraine, các biện pháp cưỡng chế của Nga đã leo thang, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu vào các đập lớn. Vào giữa tháng 9 năm 2022, Nga đã cố phá hoại con đập bên ngoài Kryvyi Rih, một thành phố có nửa triệu dân.”
3. Rủi ro đối với các kế hoạch của Ukraine trong cuộc chiến
Bất kể ai làm vỡ đập, vụ việc cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc chiến.
Stefan Wolff và David Hastings Dunn, từ University of Birmingham ở Anh, đã chú ý đến thời điểm đập bị vỡ: ngay khi Ukraine có vẻ như sẵn sàng phát động một cuộc phản công lớn.
Họ viết: “Trận lụt khổng lồ mà nó gây ra có thể tàn phá các khu vực rộng lớn ở cả hai bờ sông Dnieper phía nam Crimea. Nó sẽ gây khó khăn cho các hoạt động tấn công của lực lượng bộ binh Ukraine trong khu vực này, có thể là trong nhiều tháng, mà không làm suy yếu các tuyến phòng thủ của Nga. Hơn nữa, nó cũng sẽ khiến các lực lượng Ukraine khó tiến xa hơn về Crimea.”
Nếu đây thật sự là mục đích, thì nó sẽ đánh dấu “một giai đoạn mới trong cuộc chiến này,” theo Wolff và Hastings Dunn. Họ giải thích thêm: “Nó cho thấy nỗ lực của Moscow trong việc kiểm soát chuyện ai sẽ chịu trách nhiệm cho những hành động tàn ác nhất trong cuộc xung đột, sau nhiều tháng tràn ngập các thông tin tin tiêu cực về việc Nga tiến hành chiến tranh.” Còn với việc hy sinh năng lượng thủy điện và nước uống cho Crimea, động thái này cho thấy “sự nhẫn tâm và coi thường dân Crimea, nhiều người trong số họ là người Nga.”
Wolff và Hastings Dunn viết: “Bất kể Điện Kremlin đã đơm đặt những lời hoa mỹ gì, vụ việc này cho thấy Nga không mấy quan tâm đến việc giải phóng Ukraine khỏi chế độ lãnh đạo hiện tại, mà chỉ chăm chăm muốn phá hủy khả năng hoạt động như một quốc gia có chủ quyền của nước này.”
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “Kakhovka dam breach: 3 essential reads on what it means for Ukraine’s infrastructure, beleaguered nuclear plant and future war plans” của Matt Williams, được đăng trên trang TheConversation.