Sau khi viếng thăm Corpus Christi chúng tôi trở lại thành phố Houston, thành phố lớn nhất của Texas. Trong những ngày đầu lập quốc, thành phố Houston đã từng là thủ đô tạm thời của “nước Texas”, sau đó thủ đô chính thức được dời sang thành phố Austin.
Vậy Houston là ai mà được vinh danh mang tên của thành phố này? Thêm nữa, hiểu biết về Sam Houston thật là điều cần thiết nếu ta muốn biết tường tận sự lý thú về lịch sử hình thành của tiểu bang Texas.
Sam Houston sinh trưởng ở Virginia nhưng theo gia đình di chuyển về tiểu bang Tennessee lúc còn là một cậu bé con. Ông không thích đến trường nhưng lại thích đọc sách nên có kiến thức rất rộng. Khi đủ tuổi trưởng thành ông gia nhập quân đội, trở thành sĩ quan theo đoàn quân của tướng Andrew Jackson đánh dẹp quân da đỏ Creek Indians. Houston giải ngũ, hành nghề luật sư ở Tennessee, bắt đầu tham gia chính trường năm 30 tuổi và đắc cử dân biểu liên bang đại diện cho tiểu bang Tennessee trong quốc hội ở Washington D.C. và sau đó làm thống đốc tiểu bang Tennessee. Ông có diện mạo cao khỏe, đặc biệt có nhiều điểm giống người bạn thân tức Tổng thống Andrew Jackson (1) (vị tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ) rất năng động, có tài lôi cuốn quần chúng. Người ta tin rằng ông có thể trở thành tổng thống tương lai của Hoa Kỳ.
Năm 1833, Sam Houston đến Texas để thương lượng về một số vấn đề của người da đỏ. Ông tỏ ra rất thích thú về vùng đất mới này và đã quyết định định cư ở đây, để rồi bắt đầu vận động cho một Texas tự trị vì lúc này Texas còn thuộc Mễ Tây Cơ. Đó cũng là nguyện vọng chung của toàn thể di dân đã đến đây sinh sống, nhưng chính quyền Mễ Tây Cơ từ chối mọi đề nghị của dân Texas.
Texas trở thành Tiểu bang của Hoa Kỳ
Trận chiến San Jacinto (vùng Galveston như đã kể) đã chiến thắng hoàn toàn và một nước Cộng hòa Texas độc lập đã được thiết lập. Sự độc lập của Texas kéo dài từ 1836 tới 1845 và Houston trở thành Tổng thống đầu tiên của “nuớc Texas” và Stephen Austin làm Bộ trưởng Ngoại giao. Sau đó, Texas trở thành tiểu bang thứ 28 của nước Mỹ. Houston được bầu vào chức vụ Thượng nghị sĩ của Texas trong Quốc hội liên bang tại Washington trong vòng 13 năm. Houston đã phục vụ đất nước trong suốt 50 năm. Ngày nay người Texas vinh danh ông như một anh hùng vĩ đại và là cha đẻ của nước “Cộng hòa Texas” độc lập.
Sự xin gia nhập của nước Cộng hòa Texas để trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ cũng không phải là chuyện đơn giản. Trở lại năm 1836, dân Texas chưa dứt khoát được sự lựa chọn đường hướng chính trị và ngoại giao của mình. Quốc hội Texas chia làm hai phe, một phe muốn Texas trở thành một nước độc lập nhưng liên minh với Hoa Kỳ thay vì Âu Châu; một phe trong đó có Houston muốn trở thành tiểu bang của Hoa Kỳ, vì như vậy Texas có thể buôn bán với những tiểu bang khác, lại được Hoa Kỳ bảo vệ. Cuối cùng Quốc hội Texas đồng thuận muốn Texas trở thành tiểu bang của Hoa Kỳ. Nhưng Quốc hội Hoa Kỳ đã phải tranh cãi nhiều năm mà vẫn chưa ngã ngũ ra sao. Hoa Kỳ chưa muốn nhận Texas làm tiểu bang của mình vì ngại rằng nguy cơ chiến tranh với Mễ Tây Cơ sẽ xảy ra và Texas hiện đang theo đuổi chính sách dùng nô lệ. Houston dọa Texas sẽ liên minh với Âu châu thay vì Hoa Kỳ. Lời dọa này khiến Quốc hội Hoa Kỳ phải đi đến quyết định chấp nhận Texas trở thành tiểu bang của mình với điều kiện Texas phải tự thanh toán hết những món nợ đang có, nhưng ngược lại đất đai của Texas sẽ thuộc về người Texas chứ không thuộc về Hoa Kỳ. Người dân Texas đã sửa đổi hiến pháp của mình vào ngày 4 tháng 7 năm 1845 và Quốc hội Texas đã biểu quyết để trở thành tiểu bang của Hoa Kỳ. Và Hoa Kỳ ký quyết định Texas trở thành tiểu bang của Hoa Kỳ ngày 29 tháng 12 năm 1845.
Chúng tôi đã bắt đầu tiến vào ranh giới của thành phố Houston. Thành phố Houston mang đủ tính chất của một thành phố lớn của nước Mỹ. Hệ thống xa lộ chằng chịt, xe cộ tấp nập và những cao ốc vươn cao. Có nhiều công nghiệp nặng, kể cả ngành hàng không lẫn y khoa ... kỹ thuật cao (high tech.), nhưng nổi bật nhất vẫn là “công nghiệp năng lượng” đứng hàng đầu thế giới, đặc biệt là “kỹ nghệ dầu hỏa” và những phó sản của nó, hoặc những kỹ nghệ khác có liên quan đến những trang thiết bị, tầu chuyên chở phục vụ cho kỹ nghệ này.
Sinh hoạt của cộng đồng người Việt ta rất sầm uất, đặc biệt là những sinh hoạt về thương mại, chính trị, văn hóa và nghệ thuật khá nhộn nhịp. Tất nhiên là Houston có những khu chợ Việt Nam với “thứ gì cũng có”, nhưng không tập trung vào một chỗ mà lại chia ra nhiều khu, có lẽ vì bị ảnh hưởng bởi sự chia thành năm khu vực kinh doanh cách xa nhau vốn có sẵn của thành phố Houson.
Thú thực, chúng tôi chỉ ghé thành phố Houston trong một thời gian hai ngày ngắn ngủi, lại dành quá nhiều thời giờ cho người thân trong gia đình và bạn bè sinh sống ở đây nên sự hiểu biết về thành phố này thật chẳng là bao. Trọng tâm chuyến ghé thăm Houston kỳ này của chúng tôi, có thể nói, tập trung cả vào chuyện ăn uống và rong chơi “thăm dân cho biết sự tình” trong các khu chợ của người Việt mà phần lớn nằm dọc theo hai bên đại lộ Bellaire, còn mang tên là đại lộ Sài Gòn. Lác đác vài con phố cắt ngang với đại lộ Bellaire ở khu vực này, tôi còn bắt gặp vài con phố mang tên Việt như phố Lê Nguyên Vỹ, phố Hồ Ngọc Cẩn, chắc còn thêm nữa.
Với sự đãi ngộ của người thân và bạn bè, chúng tôi được hưởng nào sáng phở, trưa cơm nhà hàng, chiều tối cũng lại nhà hàng, chưa kể la cà quán uống cà phê ăn bánh “bầy nhầy” (beignet) trong tiệm Chez Beignets hay một vài tiệm để thưởng thức “mấy món ăn chơi”. Cái bụng không có dịp để đói.
Khu Hồng Kông Plaza là khu thương mại lớn nhất của người Việt Nam ở thành phố này. Trước mặt tiền của Plaza là tượng đài chiến sĩ to lớn, uy nghi để vinh danh người lính Mỹ lẫn Việt Nam trong trận chiến Việt Nam vừa qua, họ đã cùng sát cánh bảo vệ nền tự do, dân chủ ở quê nhà khi xưa. Và với cả tượng đài thuyền nhân dành cho người vượt biển. Tôi vào một tiệm sách Việt bên trong khu chợ Hồng Kông mua mang về một ít sách. Sách ở đây có nhiều và rẻ hơn ở California như Westminster hay San Jose mà tôi được biết.
Chúng tôi được nghe, thành phố Houston có nhiều chỗ để đi thăm thú và nhiều thắng cảnh đẹp thu hút du khách, như ta có thể đi thăm Bảo tàng viện lịch sử Texas (The Museum of Texas History), Bảo tàng Nghệ thuật (Museum of Fine Art) trưng bầy những tác phẩm nghệ thuật của Ai Cập, Hy Lạp, La Mã và Châu Âu, được mở cửa từ năm 1924, và nó cũng là Bảo tàng nghệ thuật đầu tiên của Texas. Ta cũng có thể đi thăm “Khu chợ cổ” (Old Market Square) hay “Sở thú” (The Houston’s zoo) và nhất là, thật thích thú biết bao khi ta tới thăm “Trung tâm Không gian Houston” để xem những phi thuyền và hiểu biết phương cách làm sao những phi hành gia có thể sống và làm việc trên không gian. Nhiều và còn nhiều lắm những nơi chốn để ta tới xem trong thành phố Houston. Xin hẹn chuyến đi sau.
Chúng tôi từ giã Texas để trở lại thành phồ Shreverport, Louisiana. Và từ đó chúng tôi đáp máy bay về lại San Jose nơi chúng tôi đang sinh sống. Khi đặt chân tới San Jose, cảm giác đầu tiên của tôi là được trở về nhà để tiếp tục mọi sinh hoạt hàng ngày một cách thoải mái hơn sau những ngày lang thang dù cuộc đi chơi xa nhà nào cũng mang cho tôi nhiều thích thú.
Nói chung, Texas là nơi đất lành chim đậu, đặc biệt đối với người Việt tị nạn chúng ta. Vội ghi lại vài hàng những kỷ niệm nhớ nhớ quên quên của tuổi “chớm già”. Thương nhớ Texas nhiều.
– Nguyễn Giụ Hùng