Đang ở Thụy Điển, đang buông để tuổi già thanh thản, bình yên như cảnh mặt trời lặn trên biển chiều. Con gái Hòa Bình và thân hữu báo tin: Đến ngày 5 tháng 9, Việt Báo tròn 30 tuổi. Ngày 5 tháng 9, năm 1992 khai sinh của tờ báo. Chúng tôi bàng hoàng nhớ. Toa tầu ký ức, những toa tầu xình xịch chở nặng đi cùng với thời gian. Nặng lắm. Nặng tình nghĩa.
Xin đừng hỏi một người “Đã mất ngày tháng” như tôi, phải nhớ rõ chi tiết, tháng nào, ngày nào. Chỉ nhớ có trước, có sau.
Trước: Từ Lê Đình Điểu, bạn chúng tôi, đã bỏ nhiều công sức, thời giờ để hướng dẫn đi tới các cánh cửa công quyền giúp chúng tôi có được giấy phép ra báo. Bạn Điểu của chúng tôi ít nói, chỉ cười cười. Cười mà được việc. Từ hai cháu thân yêu Nhung Hiển, chia phòng, dọn patio rộng phía sau nhà để làm một tòa soạn nhỏ. Từ sự hỗ trợ của anh Nguyên Sa, nhà báo Hồ văn Đồng, nhạc sĩ Phạm Duy, anh chị Hoàng Văn Đức, anh Trương Quốc Hoa, anh chị Mai Kim Ngọc, hai em Tài-Mai, sự giúp đỡ chân tình của luật Sư Chistine Nga Vũ Đình, khi chúng tôi gặp rối rắm và hoàn tất giấy tờ cho chúng tôi được ở lại, làm báo. Từ chị Kiều Chinh, hàng ngày lái xe bao dặm đường đem về cho chúng tôi những quảng cáo mới. Lê Giang Trần đến với chúng tôi vào thời điểm đó, người em thi sĩ phụ trách Layout, rất mã. Và không thể nào quên anh Trần Huy Bích, người bạn, người anh, lúc nào gặp khó khăn là có anh bên cạnh.
Người anh lớn, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, một hôm bỏ San Jose, với một túi xách nhẹ hều, bước vào nhà: “Anh xuống đây làm báo, ở luôn với bọn em. Anh chỉ cần một chỗ ngủ.”
Người già thì ngủ được bao nhiêu. Viết bài tối khuya, sáng sớm cùng với cháu Hòa Bình đi bỏ báo trên chiếc xe cà rịch cà tàng. Hai bác cháu có biết bao kỷ niệm vui, buồn về nghề báo.
Ngày nào, tháng nào, không nhớ. Địa chỉ được dời tới đường Moran, khu báo chí, chỉ là một phòng nhỏ cùng ké với em Phạm Đắc Hiện, là vua stock thời đó. Hiện vui vẻ nhường cho kê một chiếc bàn để giao thiệp, gặp gỡ bạn văn và độc giả. Lúc này, Phạm Minh đã dựng được nhiều thùng báo để bán, một tờ lấy ra, bỏ vào 25 xu, nhưng đồng xu 25 thì ít, mà những miếng nắp ken cà bằng phẳng giả bỏ vào để lấy báo thì nhiều vô kể.
Chặng đường giữa còn biết bao khó khăn, vẫn được sự giúp đỡ của bạn hữu, của các thân hữu quảng cáo. Tòa soạn báo được dọn sang một khu nhà bên, lớn hơn, cạnh văn phòng nhỏ của Phạm Đắc Hiện. Việt Báo từ một tuần một số, rồi lên một tuần ba số, rồi một tuần bảy số. Lúc này, tòa soạn có thêm Viên Linh, anh Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh trở về lại San José, trấn thủ một chi nhánh Việt Báo. Có thêm sự hợp tác của anh Nguyễn Ngọc Ngạn, nhà in, cùng với những người bạn trẻ mới, Tân, Thắng. Lúc tòa soạn rời đường Moran, xuống Sullivan, có mặt chị Quyên Trần, lo về trị sự. Về kỹ thuật có thêm Khanh Nguyễn, Huy Nguyễn, chị Loan Nguyễn. Về online, có thêm Phạm Luyến… những đêm làm báo khuya có Nguyễn Hoàng Đoan đem các hủ mắm cà thịt kho Khánh Ly tiếp tế, những tô phở của Phở Tàu Bay Lý Thái Tổ, bánh trung thu Kiên Giang, thức ăn và cây xanh từ vườn cây Mimosa Nguyễn Dũng Tiến, vô số cácmón ăn ân tình… Chặng đường giữa này, chúng tôi còn có thêm được tờ Việt Báo Houston do Sông Văn và Như Băng điều hành, tờ Việt Báo Seattle, do Phú Bùi phụ trách, tờ Việt Báo San Diego, do gia đình nhà báo Nguyễn Khắc Nhân phụ trách, chúng tôi có thêm bạn hữu các địa phương. Chúng tôi có sự cộng tác bài vở của các anh Như Phong Lê văn Tiến, anh Lê Văn, bác sĩ Đặng Đức Nghiêm, nhạc sĩ Cung Tiến, nhà trồng lan Ngô Bảo, chị Bích Đào... Đặc biệt anh Doãn Quốc Sỹ, đã gần 90 tuổi, cùng với cô gái út Doãn Hương vẫn hằng ngày viết, dịch truyện cổ tích thế giới cho trang thiếu nhi. Tường Chinh, cô giáo Lan Phương Phạm, cùng hai con BảoNgọc, Quốc Nam, Julie QTran đã ghé vai với cô Nhã Ca, cùng lo trang báo cho con nít, Trương Ngọc Bảo Xuân, Trương Ngọc Anh, Mina Minh Hà, Lê Minh Hải, anh Vi Anh, anh Vũ Linh… và các bạn lo trang báo chuyên mục hàng tuần, rồi Thảo Trương, Tiffany Đoàn cùng Hằng Nguyễn lo trong lo ngoài ... Kể thì nhiều lắm, nhưng quên cũng nhiều, xin đừng giận một bà già trên 80 tuổi đã quên nhiều hơn nhớ.
Không thể quên những thân tình của các vị dành cho Việt Báo: Đức ông Trần văn Hoài, Hòa thượng Geshe la Tsultim Gyeltsen, H.E Zong Rinpoche la, các chư tăng và phái đoàn Tây Tạng từ Ấn Độ, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Mãn Giác, Hòa thượng Thích Nhật Thiện, Hòa thượng Thích Tâm Châu, Hòa thượng Thích Như Điển, hòa thượng Thích Trí Chơn, giáo sư Tenzin Dorjee thường ghé thăm, cầu nguyện.
Sau: là tưởng nhớ những người anh đã ra đi: Anh Hồ Văn Đồng, anh Nguyên Sa, anh Nguyễn Sỹ Tế, anh Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Phí Ích Bành.
Và rồi, tiếp tục: nhiều thân hữu đến, rồi đi như Nguyễn Ngọc Minh, Ngân Nguyễn, Nguyễn Hiền phóng viên, Phụng Linh, Nguyễn Chí Khả, Phí Ích Bành, biên tập, anh Nguyễn Hữu Hiền, bảo trợ… dù ở hay đi, vẫn luôn là thân hữu, khi cần, vẫn đến với nhau. Nhà văn Thảo Trường, khi sang tới Mỹ, không rời bạn hữu cùng tờ báo. Không thể thiếu Nguyễn Xuân Nghĩa, báo ngày, báo Xuân, bất kể ngày đêm, mặc áo giáp chủ biên báo xuân Việt Báo chăm sóc tờ báo xuân trong nhiều năm, với các bạn góp bài văn nghệ và thơ xuân hàng năm như Du Tử Lê, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Lương Vỵ, Quỳnh Giao... Bà Trùng Quang với giải thưởng Trùng Quang của Viết Về Nước Mỹ. “Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ” hằng năm, những tác giả đoạt giải, những người viết, đã gắn bó với giải thưởng, với tòa soạn. Nhóm thân hữu Việt Bút, đã luôn luôn chia xẻ ngọt bùi, góp sức, họp mặt mỗi lần phát giải. Nhóm NTM, đầu tàu là Thân Nguyễn và Bích Liên, luôn sát cánh và hỗ trợ Việt Báo trong các chương trình. Một người mà chúng tôi rất biết ơn, anh TP, ở San Diego, không bao giờ muốn được nhắc, đã âm thầm giúp đỡ giải thưởng VVNM hằng năm. Luật sư Nguyễn Hoàng Dũng và Thụy Trinh, là MC trường kỳ trong các buổi phát giải thường niên, anh Nguyễn Hoàng Linh vẫn hàng năm với Xe Đò Hoàng đưa các tác giả từ bắc xuống nam... Ngoài các chủ khảo kỳ cựu như anh Giao Chỉ Nguyễn Văn Lộc, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Xuân Nghĩa, Bồ Đại Kỳ, một số đoạt giải trong “VVNM” đã trở thành giám khảo như Trương Ngọc Bảo Xuân (rồi lại vác thêm trách nhiệm chánh chủ khảo), Trần Nguyên Đán, Nguyễn Viết Tân, Phạm Hoàng Chương (đã mất), Bồ Tùng Ma (đã mất), Lê Tường Vi, Khôi An, gần đây nhất là Anne Khánh Vân….
Thật tệ, đầu óc tôi. Phan Tấn Hải đến với chúng tôi năm nào, không nhớ. Nhưng với tôi thì lâu lắm, như từ đầu, như mãi mãi về sau. Rồi Huỳnh Kim Quang, Trịnh Y Thư, Thanh Huy, Hưng Doãn, thi sĩ Ngu Yên, Hằng Nguyễn. Còn phải nhớ Trúc Hồ của STBN, lại cho dọn về chung trụ sở của mình, để trở thành anh chị em một nhà. Và điều đáng trân quí biết bao, khi chúng tôi đã mệt, đã nghỉ, tất cả vẫn còn cùng với Hòa Bình giữ tờ Việt Báo, cho đến hôm nay, cùng nhau kỷ niệm Việt Báo 30 năm.
30 năm, biết bao vui buồn. Chúng ta đã xem nhau như anh chị em, như cùng một gia đình. Con tàu vẫn chạy, trẻ hơn, mạnh mẽ hơn. Nặng thêm tình nghĩa.
Xin cám ơn tất cả, anh chị em trong gia đình Việt Báo, các thân hữu, các thân chủ quảng cáo, các mạnh thường quân cùng với lời chúc mừng gửi tới tương lai.
Nhã Ca
Chủ Nhiệm Sáng Lập