Cách đây chừng chục năm, một ông anh họ là thạc sĩ ngành xây dựng từ Việt Nam sang Mỹ chơi. Khi đi trên xa lộ, ông thắc mắc tại sao giải phân cách ở giữa hai chiều xe ngược nhau trên xa lộ lại chừa rộng đến như vậy. Tôi giải thích rằng đó là chỗ để mở rộng xa lộ trong tương lai. Bây giờ dân số còn thưa, lượng xe đi lại ít. Chừng vài chục năm nữa xe cộ đông đúc hơn, thì cứ việc xây thêm những làn xe mới vào phần đất trống ở giữa này. Anh ta thán phục, và nói rằng chính quyền Mỹ khi qui hoạch đất nước có tầm nhìn dài hạn quá!
Chuyện xây dựng xa lộ chỉ là một ví dụ nhỏ cho tầm nhìn dài hạn của chính quyền Mỹ. Những người sống ở Việt Nam như ông anh tôi ước ao “phải chi chính quyền Việt Nam chỉ cần có 1/10 tầm nhìn xa như Mỹ…” thì đất nước hình cong như chữ S đã không bị tụt hậu đến như ngày hôm nay. Không khó khăn lắm để chứng minh tầm nhìn rất ngắn hạn của giới lãnh đạo Việt Nam. Chuyện ai cũng nhớ là chuyện phá rừng. Sau 1975, những cánh rừng già của rặng Trường Sơn, cao nguyên Trung Phần bị tàn phá khủng khiếp để lấy gỗ xuất khẩu. Tiền xây dựng đất nước thì không bao nhiêu, vào túi quan tham là chính. Chỉ sau chừng 20 năm, những cánh rừng thông ở quanh thành phố Đà Lạt biến mất; những cánh rừng bạt ngàn trên những cung đường đèo lên Ban Mê Thuộc, Pleiku… biến thành những khu núi đồi trọc. Hậu quả là nhiệt độ của thành phố du lịch mộng mơ Đà Lạt tăng gần giống với khí hậu của vùng đồng bằng; các tỉnh ven biển Miền Trung phải chịu đựng những trận lũ lụt ngày càng thảm khốc hơn do rặng Trường Sơn nay không còn những cánh rừng thượng nguồn ngăn lũ.
Một ví dụ khác nữa là chuyện du lịch. Việt Nam nổi tiếng với những bãi biển ở Miền Trung thuộc hàng đẹp nhất thế giới: những bãi cát trắng bên bờ biển trong xanh, với những hàng thuỳ dương trải dài, phong cảnh hữu tình. Nếu được qui hoạch và khai thác hợp lý, Việt Nam đã trở thành thiên đường du lịch sinh thái biển nhiệt đới thu hút hàng chục triệu du khách hằng năm mà Thái Lan không thể sánh kịp. Nhưng nhiều Việt Kiều trở về nước du lịch từ thập niên 2000s nhận ra rằng các vùng biển Việt Nam đã bị bóc lột bởi một chính quyền có tầm nhìn cực kỳ ngắn hạn. Những khu nhà bê tông xây dựng bừa bãi trên bãi biển; không có kế hoạch chế biến nước thải cho các resort nằm sát bãi biển dẫn đến tình trạng ô nhiễm, phá hoại cảnh quan thiên nhiên, các dịch vụ chủ yếu nhắm phục loại du khách rẻ tiền như Trung Cộng, Nga… Kết quả là ngành du lịch Việt Nam đã tự giết chết đi một ngành công nghiệp không khói để làm giàu dài hạn cho đất nước. Giới lãnh đạo làm giàu liền trước mắt, còn hậu quả thì để thế hệ sau gánh chịu. Thật là đáng buồn cho một quốc gia tự hào là giàu tài nguyên “tiền rừng, bạc biển, dân tộc cần cù” như Việt Nam!
Ông anh họ của tôi và nhiều người Việt Nam nước chắc đã tin rằng chính quyền Mỹ có tầm nhìn dài hạn, còn chính quyền Việt Nam có tầm nhìn ngắn hạn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây có những điều xảy ra khiến người dân xứ cờ hoa cũng nghi ngờ về tầm nhìn của giới lãnh đạo đất nước. Đó là những vấn đề liên quan đến khí hậu, môi trường.
Hầu như tất cả các nhà khoa học trên thế giới đều đang báo động đỏ về hiện tượng trái đất nóng dần lên, gây ra những thảm họa về thiên tai khắp nơi trên thế giới. Ở nước Mỹ trong năm nay, hiện tượng cháy rừng không còn là “đặc sản” của Cali, mà còn lan rộng ra nhiều tiểu bang khác ở vùng Trung Tây. Riêng Cali đang bước vào đợt hạn hán nặng nề nhất tính từ hơn một ngàn năm trước! Trong khi đó, tình trạng bão lụt nghiêm trọng lại đang đe dọa các tiểu bang vùng Trung Nam. Đợt lũ lụt lịch sử cũng tính từ ngàn năm xảy ra vào cuối tháng Bảy ở Kentucky đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 15 người tính đến ngày 29/07. Nguyên nhân cũng được các nhà khoa học thế giới chỉ ra rõ: hiệu ứng nhà kính, do khí CO2 thải ra từ việc tiêu thụ nguyên liệu dầu mỏ đã làm nhiệt độ trái đất tăng đến mức báo động. Phương cách duy nhất để làm chậm lại nguy cơ này là phải giảm việc tiêu thụ dầu mỏ.
Trước tình hình nguy cấp cho hành tinh xanh của loài người, chính phủ Hoa Kỳ lại có những hành động trái ngược. Vào năm 2017, ngay sau khi nhậm chức, cựu Tổng Thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Ước Paris Chống Biến Đổi Khí Hậu của nhiều nước trên thế giới mà cựu Tổng Thống Obama đã ký trước đó. Ông Trump và các chính khách Cộng Hòa lý luận rằng quyền lợi nước Mỹ là trên hết, và việc giảm khai thác dầu mỏ sẽ làm suy yếu nền kinh tế Hoa Kỳ.
Cũng ngay sau khi lên nhậm chức, Tổng Thống Joe Biden lại cam kết đưa Hoa Kỳ trở lại với thỏa thuận này, và trở lại những chính sách giảm việc khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thay thế bằng những nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, khi tình hình giá xăng tăng, lạm phát tăng thời gian gần đây làm ảnh hưởng đến đời sống người dân Hoa Kỳ, ông Biden đã bị các chính khách Cộng Hòa chỉ trích nặng nề. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh Youtube N10Tv ngày 6 tháng 7, cả Thị Trưởng Trí Tạ và nữ Dân Biểu Liên Bang Michelle Steel đều cho rằng cần phải khoan thêm dầu trở lại tại Mỹ để Hoa Kỳ tự chủ hơn về năng lượng, và có thể xuất khẩu dầu mỏ như thời cựu Tổng Thống Trump.
Tất nhiên, những quyết định và lý luận kể trên đúng hay sai tuỳ vào quan điểm cá nhân. Người dân Mỹ hơn hẳn người dân Việt Nam ở quyền có tiếng nói với chính quyền thông qua quyền tự do bầu cử. Ở Việt Nam chính phủ làm sai, người dân cứ phải cắn răng gánh chịu hậu quả từ đời này sang đời khác. Ở Mỹ, ai thích khai thai dầu để nước Mỹ hùng mạnh thì bầu cho Cộng Hòa, ai thích bảo vệ môi trường thì bầu cho Dân Chủ.
Trong vấn đề về dầu mỏ Vs. môi trường cũng cho thấy tính dài hạn và ngắn hạn của các chính đảng Hoa Kỳ. Những vị dân cử chọn dầu mỏ xem nhẹ môi trường là khuynh hướng tầm nhìn ngắn hạn. Ngược lại những chính khách chọn bảo vệ môi trường và hạn chế dầu mỏ cho thấy tầm nhìn dài hạn trong chính sách. Đành rằng giá xăng rẻ, kinh tế phát triển thì ai cũng muốn. Nhưng nếu những thứ mình được hưởng ngày hôm nay sẽ để lại cho thế hệ con cháu một môi trường sống bị hủy diệt, thiên tai khốc liệt thì cũng nên suy nghĩ lại. Mà hậu quả đâu cần đến thế hệ con cháu mới thấy, hậu quả đang nhãn tiền rồi đây!
Người dân Mỹ thường có biểu hiện chỉ đánh giá chính phủ qua những gì diễn ra trước mắt, mà không nhìn xa theo luật nhân quả. Hầu hết các cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ lấy tiêu chuẩn về kinh tế là quan trọng nhất trong các kỳ bầu cử. Hễ kinh tế trì trệ, giá cả tăng ảnh hưởng đến túi tiền người dân, thì chính phủ đương nhiệm khó lòng mà giữ ghế. Nếu trong năm 2020 không xảy ra đại dịch Covid-19 làm nền kinh tế Mỹ tê liệt, rất có thể cựu Tổng Thống Trump đã thắng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Điều này cũng có thể sẽ xảy ra trong kỳ bầu cử tháng 11 2022 sắp tới, và xa hơn nữa là kỳ bầu cử tổng thống 2024. Chưa đoán điều gì sẽ xảy ra. Liệu người Mỹ sẽ chọn một giải pháp giài hạn cho môi trường, hay giải pháp ngắn hạn cho kinh tế?
Hãy chờ xem!
Dân Việt