Hai Nghiên Cứu Mới Củng Cố Giả Thuyết Corona Vi-rút Xuất Hiện Từ Tự Nhiên
HOA KỲ – Hai nghiên cứu mới cung cấp thêm bằng chứng cho thấy đại dịch COVID-19 thật sự bắt nguồn từ một chợ bán động vật sống ở Vũ Hán, Trung Quốc – củng cố thêm cho giả thuyết rằng vi rút xuất hiện trong tự nhiên chứ không phải thoát ra từ phòng thí nghiệm Trung Quốc, theo trang APnews đưa tin ngày Thứ Ba, 26 tháng 7 năm 2022.
Hai nghiên cứu mới được tạp chí Khoa Học công bố trực tuyến hôm Thứ Ba, 26 tháng 7, cho thấy Chợ Huanan (Hoa Nam) có khả năng là tâm chấn ban đầu của thảm họa đã giết chết gần 6.4 triệu người trên khắp thế giới. Các khoa học gia kết luận rằng vi-rút gây ra COVID-19, SARS-CoV-2, có khả năng lây từ động vật sang người hai lần riêng biệt. Chợ Hoa Nam là nơi chuyên buôn bán động vật hoang dã tươi sống tại thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.
Kristian Andersen, giáo sư khoa Miễn Dịch Học và Vi Sinh tại Scripps Research và là đồng tác giả của một trong những nghiên cứu, cho biết: “Tất cả bằng chứng chỉ ra cùng một điều: Chỉ thẳng đến ngôi chợ ở giữa Vũ Hán này. Chính bản thân tôi cũng từng bị thuyết phục về việc phòng thí nghiệm xì ra vi rút cho đến khi chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề hơn.”
Trong nghiên cứu đầu tiên tập trung vào mô hình địa lý của các ca nhiễm, kết hợp dữ liệu do các khoa học gia Trung Quốc thu thập, nhà sinh học tiến hóa Michael Worobey của Trường Arizona và các đồng nghiệp của ông đã sử dụng các công cụ lập bản đồ để ước tính vị trí của hơn 150 ca nhiễm COVID-19 được báo cáo sớm nhất từ tháng 12 năm 2019. Họ cũng lập bản đồ các ca nhiễm từ tháng 1 và tháng 2 năm 2020 bằng dữ liệu từ một ứng dụng truyền thông xã hội đã tạo ra để những người bị nhiễm COVID-19 có thể nhận sự trợ giúp.
Họ hỏi, “Trong số tất cả các địa điểm mà những người nhiễm bệnh đầu tiên đang sống, thì họ sống ở những đâu? Và khi chúng tôi có thể xem xét tường tận điều này, có một mô hình đặc biệt, nơi mà mật độ các ca nhiễm cao nhất đều sát bên hoặc tập trung ở khu chợ Hoa Nam,” Worobey nói tại một cuộc họp báo. “Quan trọng, điều này áp dụng cho tất cả các ca nhiễm trong tháng 12 và cả các ca nhiễm không có mối liên quan nào với khu chợ … Và đây là dấu hiệu cho thấy vi rút bắt đầu lây lan ở những người làm việc tại chợ nhưng sau đó cũng bắt đầu lây lan trong cộng đồng địa phương.”
Andersen cho biết họ cũng tìm thấy các cụm ca nhiễm bên trong chợ, “và cụm ca nhiễm đó tập trung rất đặc biệt ở các khu vực của chợ,” nơi buôn bán nhiều loại động vật hoang dã rất dễ bị nhiễm coronavirus.
Trong nghiên cứu thứ hai tập trung vào dữ liệu bộ gen, các khoa học gia đã phân tích sự đa dạng bộ gen của vi rút ở cả bên trong và ngoài Trung Quốc, bắt đầu từ các bộ gen ở những ca nhiễm sớm nhất vào tháng 12 năm 2019 và kéo dài đến giữa tháng 2 năm 2020. Họ phát hiện ra rằng hai dòng vi-rút – gọi là A và B – đánh dấu sự khởi đầu của đại dịch trong Vũ Hán. Đồng tác giả nghiên cứu Joel Wertheim, một chuyên gia về sự tiến hóa của vi rút tại Trường California, San Diego, chỉ ra rằng dòng A có nhiều tương đồng hơn về mặt di truyền với các corona vi-rút ở loài dơi, còn dòng B dường như đã bắt đầu lây lan sớm hơn ở người, đặc biệt là ở xung quanh khu chợ Hoa Nam.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật gọi là “phân tích đồng hồ phân tử,” tức là dựa trên tốc độ đột biến gen xảy ra theo thời gian để xây dựng lại dòng thời gian tiến hóa (của vi rút), và nhận thấy rằng A không có khả năng sinh ra B.
Worobey cho biết: “Nếu không, dòng A đã phải tiến hóa chậm hơn so với dòng B, điều này không có ý nghĩa sinh học.”
Nhiều khoa học gia tin rằng vi rút này đã truyền từ dơi sang người, hoặc trực tiếp hoặc qua động vật khác. Nhưng vào tháng 6, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã khuyến nghị tiến hành một cuộc điều tra sâu hơn về việc liệu nguyên nhân gây ra đại dịch có phải là do một tai nạn trong phòng thí nghiệm hay không. WHO đã bị chỉ trích vì quá nhanh chóng bác bỏ giả thuyết vi rút xì ra từ phòng thí nghiệm.
Thay vào đó, một giả thuyết có thể đã xảy ra là cả hai dòng vi rút A và B đều lây từ động vật ở chợ Hoa Nam sang người 2 lần riêng biệt, vào tháng 11 và tháng 12 năm 2019. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng không có khả năng vi rút COVID-19 lưu hành ở người trước tháng 11 năm 2019.
Andersen nói: “Chúng ta đã bác bỏ giả thuyết xì ra từ phòng thí nghiệm chưa? Chưa, chúng ta chưa làm vậy. Nhưng tôi nghĩ, có những tình huống có thể xảy ra và có những tình huống hợp lý, và điều thực sự quan trọng là chúng ta phải hiểu là điều khả thi không có nghĩa là điều sẽ xảy ra.”
Nguồn gốc của đại dịch vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Một số người tin rằng khả năng vi-rút xuất phát từ phòng thí nghiệm là khả thi, trong khi những người khác thì vẫn để ngỏ cả hai khả năng.
Portland, Oregon: dân gốc Việt, gốc Á bị kỳ thị quậy phá
Tình trạng tấn công cá nhân hay tấn công phá hoại một số cơ sở thương mại của người Mỹ gốc Á gần đây đã dấy lên nỗi lo ngại về nạn kỳ thị chủng tộc đối với người gốc Á.
Cô Kimberly Dam thường cảm thấy an toàn khi làm việc tại quán cà phê của cô, Portland Cà Phê, ở phía đông nam Portland (Oregon). Nhưng cảm giác an toàn đó đã thay đổi từ tháng 2/2022: “Cánh cửa của chúng tôi đã bị phá hủy, tôi không biết liệu nó có bị đập vỡ hay ai đó đã bắn súng BB vào nó hay không.”
Đàm cho rằng vụ phá hoại này chỉ xảy ra một lần. Nhưng tiệm của cô lại bị ảnh hưởng vào tháng 5, trong Tháng Di sản của người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương. Dam cho biết Portland Cà Phê không phải là mục tiêu duy nhất: “Nhà hàng Thái Lan cách chúng tôi một cửa và họ đã đột nhập. Người đó đã ném một viên gạch qua cửa của họ và làm vỡ kính”.
Dam không biết liệu những cuộc tấn công này có động cơ kỳ thị chủng tộc hay không, nhưng cô ấy nghi ngờ. Cô nhanh chóng chỉ ra rằng cửa hàng đứng giữa cô và nhà hàng Thái Lan, PDX Thai Dining, thuộc sở hữu của người da trắng và nó không bị phá hoại: “Tôi không muốn nói rằng nó có động cơ chủng tộc, nhưng có vẻ như vậy.”
Câu chuyện của Dam là một phần của xu hướng gia tăng tội phạm kỳ thị và chống lại các cộng đồng da màu trên khắp Oregon. Oregon Values and Beliefs Center (OVBC), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên thu thập và nghiên cứu dữ liệu phi đảng phái, đã công bố một nghiên cứu vào tháng 5 cho thấy rằng hầu hết người dân Oregon châu Á lo sợ cho sự an toàn của họ.
Amaury Vogel, phó giám đốc điều hành của OVBC cho biết: “Các con số cho thất bất ổn. Có tới 49% người dân Oregon gốc Á nói rằng họ hoặc một thành viên trong gia đình đã từng trải qua việc ai đó sử dụng ngôn ngữ nói tục tĩu, văn hóa chủng tộc hoặc hèn hạ để chống lại họ.”
Kể từ năm 2019, Ủy ban Tư pháp Hình sự Oregon đã thu thập dữ liệu về tội phạm thiên vị và các vụ việc trên toàn tiểu bang. Ủy ban đã công bố báo cáo mới nhất của mình trong tháng này, trong đó tiết lộ rằng tội phạm thiên vị và các vụ việc đã gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là trong số những đối tượng nhắm vào người da đen và châu Á. Theo báo cáo, các vụ chống lại người châu Á đã tăng 200% vào năm ngoái và tội phạm chống lại người châu Á tăng 300% vào năm 2021.
Vào năm 2021, Dân biểu tiểu bang Khanh Pham (dân biểu Mỹ gốc Á đầu tiên và hiện là duy nhất của Oregon) đã thúc đẩy việc tài trợ thêm cho đường dây nóng sau khi một tay súng bắn chết 8 người, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á, ở Atlanta. Tay súng đã bị kết án tù chung thân không ân xá. Các quan chức Oregon thừa nhận rằng đường dây nóng sẽ không giải quyết ngay lập tức vấn đề phức tạp về phân biệt chủng tộc. Nhưng đối với Pham, đó là một phần của một giải pháp lớn hơn.
Phát hiện thi thể người Việt trong một nhà máy bỏ hoang ở Anh
(Tin VOA ) Thi thể của 4 người Việt vừa được tìm thấy trong đống đổ nát của một nhà máy bị cháy trong trận hỏa hoạn cách đây hai tháng ở Anh và cảnh sát nước này đang điều tra xem các di dân này có phải là nạn nhân của những kẻ buôn người.
Theo truyền thông Anh đưa tin hôm 26/7, cảnh sát địa phương cho biết họ đã phát hiện ra thi thể của những di dân Việt tại Nhà máy Bismarck House ở thị trấn Oldham, thuộc Greater Manchester.
Cảnh sát nói rằng họ nhận được một cuộc gọi vào hôm 21/7 nói rằng 4 công dân Việt Nam đã mất tích và cho rằng họ có thể liên quan đến vụ hỏa hoạn, theo Daily Mail, một tờ báo khổ nhỏ ra hàng ngày ở Anh.
Trước đó, các đội cứu hỏa đã mất 4 ngày để dập tắt một đám cháy lớn bùng phát tại nhà máy này ngày 7/5 và họ tin rằng không còn thi thể nào ở dưới đống đổ nát của nhà máy, theo Daily Express, một nhật báo khác của Anh.
Các thi thể di dân Việt được các công nhân tìm thấy hôm 23/7 trong khi phá dỡ nhà máy bị bị bỏ hoang từ sau vụ hỏa hoạn.
Cảnh sát cho biết họ đang điều tra xem 4 di dân gốc Việt này có phải là nạn nhân buôn người hay không.
Vụ việc xảy ra gần 3 năm sau khi 39 di dân Việt bị phát hiện chết trong một thùng xe tải đông lạnh ở ngoại ô London của Anh, toàn bộ là các nạn nhân của vụ buôn lậu người qua biên giới.
Đại diện cảnh sát Greater Manchester, ông Rob Potts, được BBC trích lời nói rằng cái chết của các nạn nhân trong vụ việc mới phát hiện ở Greater Manchester là ưu tiên hàng đầu trong cuộc điều tra của cảnh sát địa phương.
“Trong khi công việc xác nhận danh tính của người đã chết đang được tiến hành, chúng tôi đang liên lạc với các cơ quan đối tác để đảm bảo các thành viên gia đình nạn nhân được cung cấp thông tin và hỗ trợ đầy đủ,” ông Potts nói.
Những nạn nhân thiệt mạng trong vụ xe tải đông lạnh hồi tháng 10/2019 là những công dân Việt đến từ Nghệ An và Hà Tĩnh, nơi có ít cơ hội kiếm việc làm và trải qua thảm họa môi trường biển trong nhữ năm gần đây. Các gia đình của họ đã vay nợ để trả một số tiền lớn để sang Anh qua đường dây buôn lậu người.
Vụ việc gây rúng động quốc tế và dẫn đến các phiên tòa xét xử trong 3 năm qua, với các án tù lên đến hàng chục năm cho những người tham gia đưa các di dân Việt vào Anh một cách phi pháp.
Nhiều di dân Việt đã được các băng nhóm buôn lậu người đưa vào Anh để rồi sau đó trở thành những nô lệ thời hiện đại, bị buộc phải làm việc trong các cơ sở sản xuất cần sa, tiệm làm móng và cả mại dâm.
Quốc tế lên án Myanmar kịch liệt về vụ hành quyết 4 nhà hoạt động dân chủ
Giới quân đội cầm quyền ở Myanmar hôm thứ Ba 26/7 đã lên tiếng biện hộ về vụ hành quyết 4 nhà hoạt động dân chủ, gọi đó là "công lý cho người dân", gạt đi những lời lên án của quốc tế, kể cả của các nước láng giềng gần nhất.
Hôm 25/7, lực lượng quân đội đã chiếm quyền trong một cuộc đảo chính hồi năm ngoái tuyên bố đã xử tử các nhà hoạt động vì họ tiếp tay cho "các hành động khủng bố" của một phong trào phản kháng dân sự, đây là vụ hành quyết đầu tiên của Myanmar trong nhiều thập kỷ.
Phát ngôn viên của tập đoàn quân sự cầm quyền, ông Zaw Min Tun, nói rằng 4 người đàn ông đó đã được xét xử đúng theo thủ tục pháp lý, đồng thời khẳng định những người bị hành quyết không phải là các nhà hoạt động dân chủ, mà là những kẻ giết người đáng bị trừng phạt.
Tin tức về vụ hành quyết đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế, trong đó, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Liên hiệp châu Âu và Liên Hiệp Quốc đi đầu và đồng thanh lên án rằng chính quyền Myanmar thật tàn ác.
Các nước láng giềng Đông Nam Á của Myanmar đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt hiếm có đối với chính quyền quân sự hôm 26/7, gọi các vụ hành quyết là "rất đáng bị lên án" và có tính hủy hoại các nỗ lực trong khu vực nhằm xuống thang cuộc khủng hoảng.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên trong một tuyên bố từ nước chủ tịch Campuchia nói rằng họ "vô cùng lo ngại và hết sức đau buồn về vụ hành quyết", cũng như về thời điểm xảy ra vụ hành quyết.
"Việc thi hành bản án tử hình chỉ một tuần trước cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN lần thứ 55 là rất đáng bị lên án", bản tuyên bố viết. Tuyên bố cũng chỉ ra rằng sự việc này cho thấy chính quyền quân sự Myanmar "không hề muốn" ủng hộ kế hoạch hòa bình của ASEAN, được LHQ hậu thuẫn.
Không rõ vụ hành quyết đã được thi hành như thế nào và diễn ra khi nào. Người thân của các tù nhân bị kết án cho biết hôm 25/7 rằng họ không được thông báo trước về vụ hành quyết và không được phép nhận các thi thể.
Người phát ngôn của chính quyền quân sự, Zaw Min Tun, cho hay việc trao trả các thi thể tùy vào quyết định của giám đốc nhà tù.
Những người đàn ông bị hành quyết nằm trong số hơn 100 người mà các nhà hoạt động nói rằng đã bị kết án tử hình trong các phiên tòa bí mật của các tòa án do quân đội điều hành kể từ sau cuộc đảo chính.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah hôm 26/7 nói rằng nước ông coi vụ hành quyết là tội ác chống lại loài người.
Ông cũng cáo buộc chính quyền Myanmar đã cười nhạo vào kế hoạch hòa bình của ASEAN và nói rằng cần phải cấm Myanmar cử đại diện chính trị đến dự bất kỳ cuộc họp quốc tế nào từ cấp bộ trưởng trở lên.
Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền ở Myanmar, Tom Andrews, cho biết ông lo ngại rằng việc hành quyết các đối thủ của chính quyền sẽ không chỉ diễn ra một lần.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 25/7 rằng: “Có mọi dấu hiệu cho thấy giới quân đội có ý định tiếp tục hành quyết những người bị án tử hình, cùng lúc chính quyền tiếp tục ném bom các ngôi làng và giam giữ những người vô tội trên khắp đất nước”.
Tình Hình Chiến Tranh Ukraine
(Tin tổng hợp) Chi phí năng lượng tăng vọt và nỗi lo về nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế Chiến Thứ Hai, hiện đã bước sang tháng thứ sáu, chưa có giải pháp khả quan nào trong tầm mắt.
Nga vào trung tuần tuyên bố cắt giảm hơn nữa nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, một đòn giáng mạnh vào các quốc gia ủng hộ Kyiv trong lúc vừa có hy vọng rằng xuất khẩu ngũ cốc bị chặn của Ukraine sẽ trở lại trong tuần này.
Bất chấp một cuộc không kích vào cuối tuần, những con tàu đầu tiên từ các cảng Biển Đen của Ukraine có thể ra khơi trong vài ngày tới theo thỏa thuận được đồng ý vào ngày 22/7, Liên Hiệp Quốc cho biết. Điều này sẽ giúp xoa dịu một cuộc khủng hoảng lương thực quốc tế, mặc dù sự ngờ vực và nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn.
Trên tiền tuyến, quân đội Ukraine báo cáo rằng các cuộc pháo kích của Nga tràn lan ở miền đông trong đêm và cho biết quân đội Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào Bakhmut, một thành phố trong khu vực công nghiệp Donbas.
Quân Ukraine cũng cho biết, Nga đã không kích vào các khu vực phía nam Biển Đen của Ukraine như Odesa và Mykolaiv, phóng phi đạn vào các tòa nhà tư nhân và cơ sở hạ tầng hải cảng. Người phát ngôn của không quân Ukraine cho biết các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Nga và các máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35 đã thực hiện các cuộc tấn công từ Biển Đen.
Putin hồi đầu tháng đã cảnh báo phương Tây rằng các chế tài có nguy cơ gây ra đợt tăng giá năng lượng lớn trên toàn cầu. Ngày 25/7, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, trích hướng dẫn từ một cơ quan giám sát cho biết dòng khí đốt đến Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 sẽ giảm xuống còn 33 triệu mét khối mỗi ngày kể từ ngày 27/7.
Đó là phân nửa nguồn cung cấp hiện tại, vốn đã chỉ bằng 40% công suất bình thường. Trước chiến tranh, châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 30% dầu từ Nga.
Kremlin nói vụ gián đoạn khí đốt là kết quả của các vấn đề bảo trì và các chế tài của phương Tây, trong khi Liên hiệp Châu Âu cáo buộc Nga sử dụng biện pháp tống tiền năng lượng.
Đức cho biết họ không thấy có lý do kỹ thuật nào cho đợt giảm nguồn cung mới nhất. Brussels kêu gọi các nước thành viên “thắt lưng buộc bụng,” xài khí đốt tiết kiệm và dự trữ cho mùa đông, vì lo ngại rằng Nga sẽ cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp để trả đũa các lệnh trừng phạt đối với cuộc chiến Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cảnh báo rằng Kremlin đang tiến hành một cuộc “chiến tranh khí đốt” chống lại một châu Âu thống nhất.
Các chính trị gia ở châu Âu đã nhiều lần nói rằng Nga có thể cắt khí đốt vào mùa đông này, một bước đi có thể đẩy Đức vào suy thoái và dẫn đến giá cả tăng vọt đối với người tiêu dùng vốn đã phải đối mặt với chi phí năng lượng cao.
Trong khi đó Moscow vẫn một mực nói rằng họ không nghĩ tới chuyện ngưng hẳn hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Với vũ khí phương Tây tiếp tế cho quân đội Ukraine, quân Nga đang có những bước tiến chậm nhưng họ được cho là đang sẵn sàng cho một nỗ lực mới ở phía đông.
Ukraine vào trung tuần thông báo các lực lượng của họ đã sử dụng hệ thống hỏa tiễn HIMARS do Mỹ cung cấp để phá hủy 50 kho đạn của Nga kể từ khi nhận vũ khí vào tháng trước.
Bộ Quốc phòng Nga thì nói rằng lực lượng của họ đã phá hủy một kho đạn cho các hệ thống HIMARS.
Không thể kiểm chứng độc lập tuyên bố của cả hai phía.
Dân Hà Nội phản đối kế hoạch tái tục loa phường
Tin RFA - Chính quyền thành phố Hà Nội vừa đưa ra một kế hoạch đầy tranh cãi liên quan đến ‘loa phường’, biểu tượng một thời của các đô thị miền bắc Việt Nam.
Những chiếc loa phường từng đóng vai trò quan trọng trong những năm 60 và 70 vào thời chiến tranh khi nó loan tin chiến trận và báo động để mọi người vào hầm trú ẩn khi có máy bay. Sau đó, vào những năm sau chiến tranh, nó đóng vai trò tuyên truyền đường lối, chủ trương của chính quyền địa phương.
Vai trò của dụng cụ tuyên truyền này được cho đã kết thúc khi ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tuyên bố hồi năm 2017 rằng “loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử”.
Sau tuyên bố trên của ông Nguyễn Đức Chung, chính quyền thành phố đã ban hành đề án điều chỉnh hoạt động của hệ thống truyền thanh, từ việc phát sóng hàng ngày sang chỉ phát sóng khi có tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, với chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 vừa được Ủy ban thành phố Hà Nội ban hành, thì số phận của những chiếc loa phường sẽ lại ‘tái sinh’.
Cụ thể, Hà Nội dự kiến sẽ tái trang bị loa phường trên địa bàn toàn thành phố tới tận đơn vị tổ dân phố, khu dân cư, từ nay cho đến năm 2025.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Hà Nội vừa có tân chủ tịch, và ngay lập tức đã nhận phải làn sóng phản đối của người dân.
Nhiều ý kiến phản đối đã xuất hiện trên mạng xã hội, cũng như ở phần bình luận của các bản tin do báo chí chính thông đăng tải.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Nguyễn Sơn, một người dân Hà Nội, cho biết ông cảm thấy “kinh ngạc” trước quyết định khôi phục loa phường:
“Nói chung khi nghe tin này thì tôi thấy khá ngỡ ngàng, bởi vì phải mất rất nhiều công sức, dư luận, và nhiều vấn đề thì mới có thể bỏ được loa phường ở Hà Nội. Chưa hiểu vì lý do gì mà họ lại ngay lập tức muốn cho hệ thống loa phường quay lại. Thực ra cảm giác đầu tiên là cảm giác khá là kinh ngạc”.
Trong các ý kiến phản đối thì lo ngại về vấn nạn ô nhiễm âm thanh được nhắc đến thường xuyên, trong bối cảnh Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn ở Việt Nam vấn được biết đến có nạn ô nhiễm tiếng ồn trầm trọng.
Trao đổi với đài RFA, ông Bùi Quang Thắng, một người dân sinh sống ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết quan điểm của ông:
“Người dân ở các đô thị hiện nay đã có rất nhiều công cụ để lấy thông tin như truyền hình, internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh. Loa phường lâu nay là nỗi ám ảnh với nhiều người, là một trong những nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại các đô thị. Nhiều người dân rất dị ứng với hình thức tuyên truyền này.”
Còn ông Nguyễn Sơn thì cho rằng việc bỏ loa phường trước đây đã khiến cuộc sống của người dân trở nên yên bình hơn, và nếu tái triển khai sẽ khiến người dân bất bình:
“Bây giờ mình sẽ phải nghe cái loa phường nó phát thanh trở lại thì mới thấy được giá trị của việc không có loa phường. Đang không có mà có trở lại thì sự khó chịu sẽ trở lại.”
Ngoài ra, tính hiệu quả cũng là vấn đề được người dân đặt dấu hỏi, bởi ngày nay người dân đã có nhiều cách thức để tìm kiếm thông tin hơn trước đây.
Anh Lê Trung Hiếu, một người đến từ Hà Nội nhưng hiện đang sinh sống ở Châu Âu, cho Đài Á châu Tự do biết rằng Việt Nam là nước duy nhất sử dụng loa phường trong các quốc gia mà anh từng lui tới, và khẳng định phương tiện này đã không còn hiệu quả ở xã hội hiện đại:
“Ngày xưa thì mình chỉ có một là TV, hai là báo giấy và ba là loa phường, hoặc là bốn là trực tiếp từ những người ở tổ dân phố. TV thì nhiều khi giờ phát cũng không được nhiều, rồi báo giấy hoặc gặp trực tiếp cũng hạn chế, cho nên loa có thể tiếp cận được một số lượng người dân nhất định.
Nhưng mà bây giờ là thế kỷ 21 rồi, bây giờ có TV là chuyện mặc định trong gia đình, lại phát sóng 24/24. Bây giờ mình còn có internet, laptop, điện thoại nữa. Facebook hoặc là các kênh giải trí rất đa dạng. Thì tôi nghĩ rằng việc truyền thông qua loa trong thời điểm này không còn hiệu quả như ngày xưa nữa.”
Các dự án đầu tư công ở Việt Nam thường bị người dân đặt dấu hỏi về vấn đề chi phí, với việc loa phường đã không còn tính hiệu quả, lại gây ô nhiễm tiếng ồn cho nên việc bỏ kinh phí để đầu tư một dự án như vậy khiến nhiều người bất bình.
Bày tỏ quan điểm đối với về vấn đề này, ông Bùi Quang Thắng cho hay:
“Việc tiếp tục đầu tư trang bị, nâng cấp hệ thống loa phường chắc chắn sẽ gây lãng phí ngân sách nhà nước, trong khi nhiều lĩnh vực khác đang cần ưu tiên đầu tư hơn như y tế, giáo dục, và bảo vệ môi trường.”
Phóng viên Đài Á châu Tự do đã gửi email cho văn phòng Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội để ghi nhận phản hồi về việc người dân không đồng tình với dự định phục hồi loa phường, nhưng không nhận được trả lời.
Gửi ý kiến của bạn