
LONDON – Thủ tướng Anh Boris Johnson đã vượt qua cuộc biểu quyết tín nhiệm tại Hạ Viện với tỷ lệ ủng hộ ông là 59%, theo trang CNBC đưa tin ngày Thứ Hai, 6 tháng 6 năm 2022.
Cuộc biểu quyết được tổ chức hôm Thứ Hai, 6 tháng 6 năm 2022, sau khi có hơn 54 nghị sĩ Đảng Bảo thủ cầm quyền yêu cầu tổ chức biểu quyết tín nhiệm đối với Thủ tướng Johnson. Tổng số phiếu là 359 phiếu. Khoảng 211 (59%) nghị sĩ Đảng Bảo thủ đã bỏ phiếu ủng hộ giữ lại thủ tướng, so với 148 phiếu bất tín nhiệm (41%).
Dù rằng ông Johnson cần sự ủng hộ của đa số 180 nghị sĩ để giành chiến thắng, nhưng số phiếu bất tín nhiệm lên tới 148 phiếu là tệ hơn nhiều người mong đợi. Nó còn tồi tệ hơn kết quả của một cuộc bỏ phiếu tương tự mà bà Theresa May từng đối mặt vào năm 2018. Bà từ chức thủ tướng chỉ 6 tháng sau đó.
Với tỷ lệ thắng rất hẹp, có khả năng ông Johnson sẽ phải đối mặt với một cuộc biểu quyết tín nhiệm khác trong tương lai gần.
Thông thường, ở Anh, nếu một nhà lãnh đạo chiến thắng trong một cuộc biểu quyết tín nhiệm, họ sẽ không bị đối mặt với một cuộcbiểu quyết tín nhiệm khác trong 12 tháng. Tuy nhiên, đã có báo cáo rằng các quy tắc có thể được thay đổi - và ‘chiến thắng hẹp’ hôm thứ Hai có thể khiến điều này có nhiều khả năng xảy ra hơn.
Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban năm 1922 của Đảng Bảo Thủ, cho biết mặc dù “về nguyên tắc,” các quy tắc có thể được thay đổi, “quy tắc hiện nay là sẽ có một khoảng thời gian ân hạn” trước khi xảy ra một cuộc bỏ phiếu khác.
Ông Johnson cũng có thể tự từ chức, nhưng bất chấp những bất bình trước đó của các nghị sĩ Đảng Bảo Thủ về vai trò lãnh đạo của Johnson, ông không có dấu hiệu sẽ từ chức.
Phát biểu với các phóng viên sau kết quả, Johnson nói rằng ông “chẳng mảy may quan tâm” đến việc thúc đầy một cuộc biểu quyết khác trước thời hạn. Ông nói: “Tôi rất biết ơn các đồng nghiệp và sự ủng hộ mà họ đã dành cho tôi ... Điều chúng ta cần làm bây giờ là tập hợp lại với tư cách một chính phủ và một đảng.”
Những lời kêu gọi cho một cuộc biểu quyết tín nhiệm đã được thúc đẩy sau vụ bê bối tiệc tùng “Partygate” mà ông Johnson tổ chức tại phòng làm việc và tư dinh vào thời điểm nước Anh áp đặt các lệnh phong toả nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Vụ bê bối khiến ông phải đối mặt với sự chỉ trích từ nội bộ đảng và công chúng.
Một báo cáo đầy đủ của Sue Grey, người điều tra các buổi tiệc tùng được tổ chức tại Phố Downing trong thời gian đại dịch COVID-19, đã được công bố vào 2 tuần trước. Báo cáo đổ lỗi cho “lãnh đạo cấp cao” đã tạo ra văn hóa vi phạm pháp luật, cho phép tổ chức tiệc tùng trong thời gian chính phủ thực hiện các biện pháp phong tỏa để phòng chống COVID-19. Hàng chục nghị sĩ trong Đảng Bảo Thủ đã bày tỏ lo ngại rằng Johnson đã đánh mất quyền lực điều hành đất nước, vốn đang đối mặt với nhiều vấn đề như nguy cơ suy thoái, giá nhiên liệu và thực phẩm gia tăng.
Cuộc biểu quyết tín nhiệm được tiến hành sau khi 15% các nghị sĩ Đảng Bảo Thủ (tương đương 54 trong số 359 nghị sĩ Đảng Bảo Thủ hiện nay) gửi thư bất tín nhiệm cho Sir Brady. Lãnh đạo Đảng Lao Động đối lập Keir Starmer đã kêu gọi các nghị sĩ Đảng Bảo Thủ hãy “tiến bộ lên, thể hiện vai trò lãnh đạo và loại bỏ ông ta.”
Yếu tố quyết định đối với nhiều nghị sĩ Đảng Bảo Thủ có thể là liệu ông Johnson có khả năng giúp Đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, sẽ được tổ chức trễ nhất vào tháng 1 năm 2025 hay không. Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Berenberg Kallum Pickering cho biết, chiến thắng của Johnson không có nghĩa là chính phủ của ông quay trở lại bình thường. Ông nói: “Mặc dù hôm nay Johnson đã trụ lại được, nhưng thật khó để ông có thể phục hồi được sự ủng hộ ban đầu của các nghị sĩ. Trừ khi Johnson đạt được cải thiện đáng kể trong các cuộc thăm dò trong những tháng tới. Vậy nên có khả năng Johnson sẽ phải đối mặt với những thách thức mới đối với vai trò lãnh đạo của mình.”