Hôm nay,  

Thời Sự Trong Tuần

03/06/202200:00:00(Xem: 1442)
Tin Hoa Kỳ

Little Saigon: Họa sĩ Ann Phong Triển Lãm Tranh “Hiệu Ứng Bươm Bướm”
 
Little Saigon – Trung Tâm Nghệ Thuật Đương Đại Orange County Center For Contemporary Art đã khai mạc phòng triển lãm tranh của hai họa sĩ Ann Phong và họa sĩ Beverly Jacobs vào hôm qua, ngày 2 tháng Sáu với sự tham dự đông đủ của giới thưởng lãm nghệ thuật quận Cam và quận Los Angeles. Họa sĩ Ann Phong cho biết “Tôi rất hân hạnh được OCCCA, một trong những galery lớn, triển lãm tranh đương đại, lại tọa lạc gần Little Sài Gòn, gầnvới cộng đồng người Việt ở Orange County. Tôi mong sẽ được gặp đông đủ các khuôn mặt bạn bè trong giới hội họa cũng như người Việt yêu nghệ thuật ở đây.”

Ann Phòn
Họa sĩ Ann Phong và poster về cuộc triển lãm tranh. (Hình: Ann Phong cung cấp)

Hai nghệ sĩ hội họa và điêu khắc được chọn triển lãm lần này là Họa sĩ Ann Phong với 50 bức tranh lớn nhỏ, đa dạng, và họa sĩ Beverly Jacobs triển lãm những bức tượng nghệ thuật đặc sắc.

Theo họa sĩ Ann Phong: “Chủ đề của họa sĩ Beverly Jacobs hợp với chủ đề các tác phẩm của tôi, là sự tương đồng về con người với xã hội và môi trường sống. Họa sĩ Beverly Jacobs đưa khẩu trang vào các tác phẩm điêu khắc của mình, với ý là khẩu trang có người đeo, có người không đeo, nhưng một người không đeo khẩu trang sẽ ảnh hương những người kế bên. Trong khi tác phẩm của tôi nhắm về con người và môi trường sống. Một người làm dơ cả thành phố đều dơ. Nếu mình hơi ích kỷ, ăn xong vứt bỏ chén, dĩa, túi nhựa, và các vật dụng làm bằng nhựa – những thứ để cả trăm năm cũng không tan, thì chỉ làm khổ cho con cháu đời sau.”

Hai họa sĩ có hai đường đi khác nhau nhưng đều nhắm vào mục đích là sự đa dạng giữa người với người, giữa người với trái đất. Cuộc triển lãm thể hiện sự đa dạng này. Và trong cuộc sống đa diện ngày nay, một khi hành động điều gì cần phải suy nghĩ nhiều chiều, để mọi người cùng được sống trong môi trường tốt hơn.

Ann Phong 2
Tác phẩm “20 Cái Khẩu Trang”(trái) và tác phẩm “Trên Biển” của họa sĩ Beverly Jacobs. (Hình: Ann Phong cung cấp)

Nhận xét về cuộc triển lãm, họa sĩ Juri Koll, Giám Đốc Viện Nghệ Thuật Vernice, California, và là người tuyển chọn các tác phẩm trong cuộc triển lãm này nói rằng: “Trong ‘Hiệu Ứng Bươm Bướm’ Beverly Jacobs và Ann Phong hoạt động trên các cấp độ, hình thức và phương pháp độc đáo khác nhau, trong khi cả hai đều tạo ra phong thái của riêng mình. Mỗi tác phẩm đều có giá trị riêng, rõ ràng, giàu sức gợi cảm, và hiệu quả, khi đặt kế bên nhau tạo ra sức mạnh liên kết chặt chẽ cho toàn bộ cuộc triển lãm.”

Đáp lại với mong ước của họa sĩ Ann Phong, buổi khai mạc chiều thứ Năm đông đủ các khuôn mặt thưởng lãm nghệ thuật, hứa hẹn những ngày triển lãm sắp tới thành công.

Triển lãm Hiệu Ứng Bươm Bướm sẽ tiếp tục từ nay cho đến hết ngày 25 Tháng Sáu, tại OCCCA, số 117 N. Sycamore, Santa Ana, CA 92701 (gần góc đường First/Bolsa với Sycamore). Thời gian mở cửa vào những ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật trong tuần, từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều. 
 
Tại Sao Các Nhà Đầu Tư Ngày Càng Lo Lắng Về Suy Thoái Ở Hoa Kỳ?

tin tuc 1
Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ gần đây sụt giảm liên tiếp trong 7 tuần trước ảnh hưởng đại dịch, chiến tranh, lãi suất tăng và hoang mang lo sợ suy thoái kinh tế. (Nguồn: pixabay.com)
HOA KỲ – Theo bài “Tiên Tri và Lợi Nhuận” được đăng trong loạt bài “Các Nhà Lãnh Đạo” của tạp chí kinh tế Economist, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ năm nay bấp bênh tới mức người ta khó mà dự đoán được từ giữa tuần (hoặc thậm chí là từ trưa ngày Thứ Sáu) rằng liệu giá cổ phiếu cuối tuần sẽ tăng hay giảm. Nhưng trong tuần qua, câu trả lời là tăng: trong phiên đóng cửa ngày 27 tháng 5 năm 2022, chỉ số S&P 500 của các cổ phiếu hàng đầu của Hoa Kỳ đã phá vỡ chuỗi giảm liên tiếp 7 tuần. Cho đến nay, ít nhất nó đã tránh được mức giảm 20% từ đỉnh đến đáy, định nghĩa không chính thức của thị trường gấu (bear market - thuật ngữ mô tả một thị trường đang trong giai đoạn giá giảm liên tục). Nhưng có những dấu hiệu cho thấy thị trường của Hoa Kỳ đang bước vào một giai đoạn mới, đáng lo ngại hơn.

Từ tháng 1 đến đầu tháng 5 năm nay, giá cổ phiếu giảm có thể là do bị ảnh hưởng bởi lợi suất trái phiếu tăng, khi các thị trường thu nhập cố định phản ứng lại động thái tăng lãi suất cao và nhanh của Quỹ Dự Trữ Liên Bang (FED). Lãi suất cao hơn làm giảm giá trị hiện tại của lợi nhuận trong tương lai của hàng loạt công ty. Các cổ phiếu đã giảm giá tương ứng, đặc biệt là cổ phiếu của các công ty công nghệ có lợi nhuận có thể được dự báo xa nhất trong tương lai. Nhưng trong những tuần gần đây, giá cổ phiếu liên tục giảm, ngay cả khi lợi suất trái phiếu giảm trở lại. Sự kết hợp trên chỉ ra những lo ngại về suy thoái. Thật vậy, sự kết hợp giữa việc FED thắt chặt chính sách, GDP chững lại và chi phí sản xuất tăng cao, tạo ra cảm giác đáng lo ngại về các giai đoạn sau của chu kỳ kinh doanh. Giai đoạn mở rộng (expansion) chỉ mới được vỏn vẹn hai năm. Nhưng các nhà đầu tư đã bắt đầu lo lắng rằng lợi nhuận của công ty đang bị đe dọa.

Nền kinh tế thế giới đã phải đối mặt với những cú sốc lớn. GDP của Trung Quốc có thể sẽ giảm mạnh trong quý này, do các đợt phong tỏa được kéo dài thêm. Người tiêu dùng châu Âu đang bị siết sức mua do giá khí đốt cao ngất trời. Nền kinh tế của Hoa Kỳ thì có vẻ như đã phục hồi. Nhưng những phần trong nền kinh tế nhạy cảm với lãi suất tăng đang chùn bước, mặc dù FED hầu như chỉ mới có động thái gần đây. Các số liệu được công bố vào ngày 24 tháng 5 cho thấy doanh số bán nhà mới đã giảm gần 17% trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4. Bất kỳ dấu hiệu nào từ báo cáo của một công ty rằng nhu cầu đang giảm xuống đều bị chú ý. Trong tuần này, khi Snap, công ty đứng sau ứng dụng truyền thông xã hội Snapchat, cho biết doanh số của họ sẽ yếu hơn so với mức dự kiến ​​hồi tháng 4, giá cổ phiếu của công ty đã giảm 43%. Giá cổ phiếu của Walmart và Target cũng giảm khi hai chuỗi bán lẻ báo cáo họ còn hàng đống hàng tồn kho vì đã đánh giá sai nhu cầu của người tiêu dùng.

Tăng trưởng chậm lại là một trong những yếu tố khiến các báo cáo tính toán lợi nhuận bị thắt bớt. Một hệ quả của cơ sở chi phí ổn định nhất của các doanh nghiệp lớn là, khi doanh số tăng hoặc giảm, lợi nhuận tăng và giảm nhiều hơn thế. Hiệu ứng này đã thúc đẩy lợi nhuận đáng kể vào năm ngoái, nhưng khi GDP chậm lại, nó sẽ đảo chiều. Yếu tố khác của việc thắt bớt lợi nhuận là chi phí cao hơn. Một loạt các nút thắt chuỗi cung ứng đã đẩy giá các nguyên liệu chính, đặc biệt là năng lượng, lên cao. Các phí tổn trả nợ đang tăng lên cùng với lãi suất. Nhưng nỗi lo chính vẫn là tiền lương. Thị trường việc làm ở Hoa Kỳ đang bị thắt chặt. Do đó, việc tăng lương đã trở nên hào phóng hơn. Doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ thấy mình có một ràng buộc kép trong vấn đề này. Nếu họ tiếp tục tăng chi phí tiền lương lên cao hơn, điều này sẽ khiến lạm phát càng tăng cao và buộc FED phải tăng lãi suất mạnh hơn. Nếu các chi phí cứ tăng cao, lợi nhuận sẽ bị đè bẹp.

Liệu có chút vớt vát nào trong tấm nhìn các nhà đầu tư không? Một số “thầy bói” dự đoán sắp sửa tới đợt bật lên của thị trường gấu. Lý thuyết cho điều đó là nếu bây giờ có nhiều nhà giao dịch đã bán ra cổ phiếu rồi, thì trong tương lai sẽ có ít người bán hơn để có thể đẩy giá xuống. Nhưng đợt tăng giá dựa nhiều vào cân bằng kiểu đó sẽ không làm thay đổi nhiều bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn hiện nay của giá trị cổ phiếu.

Nếu có gì có thể an ủi trong thời điểm hiện nay, thì đó là thực tế là các thị trường tài chính đã thực hiện rất nhiều nỗ lực, từ sự nâng đỡ của FED. Kể từ đầu năm, lợi suất trái phiếu đã tăng mạnh; lãi suất thế chấp đã tăng mạnh; chênh lệch giữa các trái phiếu doanh nghiệp đã mở rộng; đồng đô la đã tăng giá; và giá cổ phiếu đã sụt giảm. Ở một thế giới phản thực tế, trong đó các thị trường tài chính đã xem nhẹ hai lần tăng lãi suất của FED cho đến nay, rủi ro về một cuộc hạ cánh cứng (hard landing) cho nền kinh tế sẽ lớn hơn một cách nghịch lý. Áp lực lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng. Nhưng khi mọi thứ ổn định, lãi suất có thể không phải tăng quá cao như chúng hoàn toàn có thể sẽ tăng. Giữa những ngày tồi tệ của thị trường chứng khoán, đây không phải là một niềm an ủi tuyệt vời. Nhưng mọi điều nhỏ nhặt đều hữu ích.
  
Chiến Tranh Ukraine
 
Chính quyền thành phố Kherson của Ukraine dự định trở thành một phần của Liên bang Nga trong tương lai gần, theo lời Phó chủ tịch Kirill Stremousov, Trưởng ban quân sự-dân sự của khu vực, nói với thông tấn Nga TASS hôm thứ Ba. Trước đó, Stremousov đã tiết lộ kế hoạch của chính quyền khu vực để kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu trở thành một phần của Nga. “Thành phố Kherson là của Nga,” Stremousov tuyên bố vào thời điểm đó, giải thích rằng kế hoạch là chuyển đổi hoàn toàn sang luật pháp Nga vào cuối năm nay.

-Trong khi đó, một tòa án Ukraine hôm trung tuần đã kêu án 2 tù binh Nga, mỗi người 11 năm rưỡi tù giam vì các tội ác chiến tranh ở Ukraine. Alexander Bobikin và Alexander Ivanov đều thừa nhận là một phần của đơn vị pháo binh đã nã pháo vào các ngôi làng của Ukraine và bắn vào các mục tiêu ở khu vực Kharkiv, trước khi bị bắt ở tuyến đầu.  Thẩm phán Evhen Bolybok nói: "Tội lỗi của Bobykin và Ivanov đã được chứng minh đầy đủ." Đầu tháng này, Tòa án quận Solomyansky ở Kiev đã kết án người lính Nga Vadim Shishimarin tù chung thân vì giết một thường dân không vũ trang.

Ukraine đã xác định được hơn 600 nghi phạm tội phạm chiến tranh người Nga và đã bắt đầu truy tố khoảng 80 người trong số họ, theo lời Tổng công tố Ukraine Iryna Venediktova cho biết hôm thứ Ba. Venediktova đã nói chuyện cùng với Công tố Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan và những người đồng cấp khác sau cuộc họp tại The Hague để thảo luận về các cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh bị cáo buộc ở Ukraine. Bà cho biết các quan chức quân sự cấp cao, chính trị gia và "đặc vụ tuyên truyền của Liên bang Nga" nằm trong số hơn 600 nghi phạm người Nga.

Tại phía Nam Ukraine, một con tàu đã rời cảng Mariupol. Đây là con tàu đầu tiên khởi hành kể từ khi Nga chiếm thành phố, theo lời nhà lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự phong, người thay mặt chính quyền Nga phát biểu. Denis Pushilin cho biết trên Telegram rằng, tàu RM-3 chở "2.500 tấn tấm thép cuộn" đang hướng đến Rostov ở miền tây nước Nga.

Bản tin khác từ Phòng báo chí của Cộng hòa Nhân dân Donetsk cho biết con tàu đã được chất hàng lên dưới sự bảo vệ của lính lực lượng đặc biệt và hải quân Nga. Ukraine đã nhiều lần cáo buộc Nga cướp bóc các sản phẩm như ngũ cốc và kim loại từ nước này.

Giám đốc Truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Altun hôm thứ Ba cho biết chính phủ Phần Lan không coi trọng những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ về sự hiện diện của các tổ chức khủng bố ở quốc gia Bắc Âu này. Theo email gửi tới tờ báo Phần Lan Helsingin Sanomat, Altun tuyên bố rằng Helsinki phải quyết định xem việc gia nhập NATO hay việc bảo vệ các tổ chức như vậy là quan trọng hơn. Ông nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu sự giám sát của các tổ chức người Kurd cũng như dẫn độ các nhà hoạt động của họ đã được phép tị nạn ở Phần Lan.

Đầu tháng này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng Ankara sẽ không ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vì họ đang "tiếp tay cho các tổ chức khủng bố ở nước mình [Phần Lan và Thụy Điển]".
Andrii Zakrevskyi, Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Ukraine, cho biết Ukraine đang ở trong tình trạng “sốc giá” nhiên liệu và hiện đang “hoàn toàn phụ thuộc” vào nhập cảng nhiên liệu sau khi nhà máy lọc dầu lớn nhất của nước này ở Kremenchuk bị phá hủy bởi phi đạn Nga vào tháng trước. “Hiện chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào nhập cảng nhiên liệu. Chuỗi cung ứng đường sắt cũng chịu nhiều áp lực. Có những người xếp hàng dài ở biên giới, và nếu bạn thêm 3.000 xe tải chở nhiên liệu, gánh nặng cho các tuyến đường tiếp liệu sẽ tăng lên,” Zakrevskyi nói.

Ông cho biết chiến tranh đã làm giảm mức tiêu thụ [xăng, dầu] trên toàn quốc khoảng 30-40%, nhưng vẫn thiếu 4-5 triệu tấn nhiên liệu mỗi năm. Ông cho biết trước chiến tranh, 75% nhiên liệu đến từ Belarus.

Trong khi đó, Ấn Độ thừa cơ hưởng lợi, mua dầu Nga với giá rẻ, trong khi phương Tây trừng phạt Nga bằng các biện pháp trừng phạt chưa từng có. Theo ước tính của nhà cung cấp dữ liệu thị trường tài chính Refinitiv, dòng dầu thô của Nga đến Ấn Độ sẽ đạt 3,36 triệu tấn trong tháng 5. Con số này cao hơn gần chín lần so với mức trung bình hàng tháng của năm 2021 là 382.500 tấn.

Refinitiv cho biết thêm, tổng thể, quốc gia này đã nhận được 4,8 triệu tấn dầu đại hạ giá của Nga kể từ khi chiến tranh Ukraine bắt đầu. Dầu Urals của Nga hiện giao dịch ở mức khoảng 95 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu trên 119 USD/thùng.

Cuối cùng thì Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen đã thông báo rằng các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được thỏa thuận cấm Liên Âu mua dầu của Nga, mà bà tuyên bố sẽ cắt giảm khoảng 90% lượng dầu nhập từ Nga vào cuối năm nay. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng lệnh cấm sẽ ngay lập tức bao gồm hơn 2/3 lượng nhập cảng từ Nga. Theo ông Michel, quyết định của khối được đưa ra nhằm tăng cường sức ép kinh tế để buộc Nga ngưng cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, lệnh cấm này miễn trừ đối với dầu đang chuyển qua đường ống, cho phép các quốc gia phụ thuộc tiếp tục nhập dầu Nga.

Hội đồng châu Âu đã sẵn sàng cấp cho Ukraine chín tỷ euro (khoảng 9,6 tỷ đô la), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã tweet vào tối thứ Hai. Dòng tweet của ông được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo Liên Âu gặp nhau tại Brussels vào thứ Hai để thảo luận về gói trừng phạt thứ sáu chống lại Nga và đồng ý về lệnh cấm một phần nhập dầu của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị tổ chức hòa đàm giữa Nga, Ukraine và LHQ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai, đã đề nghị tổ chức hòa đàm giữa Nga, Ukraine và LHQ tại Istanbul. Erdogan nhấn mạnh với Putin rằng "cần phải có những bước đi nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc chiến" và tái lập hòa bình giữa Nga và Ukraine "càng sớm càng tốt", theo bản tin. Các phái đoàn Nga và Ukraine gặp nhau lần cuối để hội đàm tại Istanbul là ngày 29/3/2022.

Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảng ngũ cốc không bị cản trở từ các cảng của Ukraine với sự phối hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, theo thông báo của Điện Kremlin về cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Nga và Ukraine cùng chiếm 29% lượng lúa mì xuất cảng toàn cầu, chủ yếu qua Hắc Hải, và chiếm 80% lượng dầu hướng dương (sunflower oil) xuất cảng toàn cầu. Ukraine cũng là một nước xuất cảng bắp ngô lớn. Hiện chưa rõ Putin nói đến cảng nào của Ukraine. Các cảng xuất cảng ngũ cốc chính của Ukraine bao gồm Chonomorsk, Mykolaiv, Odesa, Kherson và Yuzhny.

Hình ảnh vệ tinh mới cho thấy một con tàu Nga chở ngũ cốc - được cho là lấy cắp từ các trang trại của Ukraine - đã đến cảng Latakia của Syria.

Trong một thông báo hôm thứ Hai, Bạch Ốc cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Jake Sullivan đã nói chuyện qua điện thoại với Ibrahim Kalin, người phát ngôn và là cố vấn chính của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Theo Bạch Ốc, Sullivan “bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đàm phán trực tiếp với Thụy Điển và Phần Lan để giải quyết những lo ngại về việc họ xin gia nhập NATO, mà Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ”, trong khi hai người “thảo luận về sự hỗ trợ liên tục của họ đối với Ukraine khi đối mặt với Nga tiếp tục gây hấn, cũng như những nỗ lực tương ứng của họ để cho phép xuất cảng nông sản của Ukraine tiếp cận thị trường toàn cầu."
 
Tin Việt Nam và Á Đông
 
Viện Kiểm sát Hà Nội ra cáo trạng về vụ 'bay lắc' tại Bệnh viện Tâm thần TƯ I

tin tuc 2
Chụp lại hình ảnh, Bị can Đỗ Thị Lưu và Nguyễn Xuân Quý
  
Theo bản tin BBC ngày 31 tháng 5, tổng số 10 người, trong đó có bốn cán bộ bệnh viện, bị truy tố bị can liên quan tới vụ án 'bay lắc' bị phát hiện tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I hồi đầu năm 2021.

Những người này đã lần lượt bị khởi tố với các tội danh khác nhau kể từ khi vụ việc do bị can Nguyễn Xuân Quý cầm đầu bị phát hiện hồi tháng 3/2021.
Nay, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội chính thức hoàn tất, ra cáo trạng sau quá trình mở rộng điều tra kéo dài.
 
'Bệnh án tâm thần' và bản án về tội danh liên quan tới ma túy
 
Được biết Nguyễn Xuân Quý bị xác định là có tiền sử bệnh tâm thần, bị buộc đưa vào Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền của bệnh viện từ 11/2018 theo quyết định của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, người này nói ông ta không bị tâm thần nhưng vào điều trị để né tránh việc phải thi hành một bản án về tội liên quan đến ma túy, cáo trạng của Viện Kiểm sát Hà Nội nói.

Không chỉ vậy, cáo trạng nói bị can này, với sự giúp đỡ của kỹ thuật viên Nguyễn Anh Vũ và một số cán bộ khác của bệnh viện, vào khoảng cuối năm 2020 đã tự ý sửa phòng điều trị bệnh nhân thành ba phòng nhỏ được trang bị phù hợp cho việc 'bay lắc', trong đó có phòng cách âm, dàn loa, đèn trang trí...

Trong số các 'khách hàng' tới phòng bệnh nhân để sử dụng ma túy trái phép có cả một số người là cán bộ bệnh viện này, cáo trạng viết, gồm Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Thị Minh Huệ, Bùi Thị Hạt. Ba người này thậm chí có lần còn tới chỗ Quý lấy ma túy về sử dụng, theo cơ quan điều tra công an.

Hai bệnh nhân Bùi Chí Hải và Nguyễn Văn Ngọc đảm nhận vai trò bán lẻ ma túy theo yêu cầu của Nguyễn Xuân Quý.

Tuy nêu rõ việc mua bán, sử dụng ma túy đã diễn ra trong nhiều lần, với nhiều người từ bên ngoài vào, nhưng cáo trạng chỉ kết luận bị can Quý và các đồng phạm tổ chức thành công 3 lần sử dụng ma túy tại bệnh viện.

Bị can Quý khai đã nộp cho trưởng khoa Đỗ Thị Lưu mỗi tháng từ 6 đến 10 triệu đồng để được tự do đưa người từ ngoài vào sử dụng ma túy.

"Nếu không nộp tiền hàng tháng, bác sĩ Lưu dọa sẽ nhận xét vào bệnh án là sức khỏe tốt phải đi trả án hoặc không được tiếp tục điều trị tại khoa," báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh trích lời bị can Quý, nói.

Tuy nhiên, bị can Đỗ Thị Lưu bác bỏ, nói chỉ nhận tiền bốn lần thay mặt cho cả khoa, với tổng số là 8,5 triệu đồng.
Khởi tố
 
Sau khi vụ việc bị phát hiện, với lượng khoảng 6kg ma túy các loại thu được tại hiện trường, Nguyễn Xuân Quý cùng bốn người khác bị khởi tố với tội danh "mua bán, tàng trữ, Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy", trong lúc Nguyễn Anh Vũ bị khởi tố về tội "không tố giác tội phạm".

Đến ngày 8/7/2021, cơ quan điều tra khởi tố thêm hai cán bộ bệnh viện, là y tá Nguyễn Thị Minh Huệ và điều dưỡng viên Bùi Thị Hạt, tội "tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy".

Trưởng khoa Đỗ Thị Lưu bị đình chỉ công tác từ 1/4/2021, và bị bắt, khởi tố về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" từ 16/9/2021.
Việc có hồ sơ bệnh sử tâm thần để tránh thi hành các bản án hình sự khác không phải là điều chưa từng xảy ra ở Việt Nam.

Tuy nhiên, việc 'bệnh nhân tâm thần' tổ chức bán, tổ chức sử dụng ma túy cho chính nhân viên y tế ở ngay phòng bệnh của bệnh viện tâm thần trong thời gian dài có lẽ đây là vụ đầu tiên.

Cuối tháng 5/2021, Bộ Y tế Việt Nam nói đã quyết định cách chức Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, ông Vương Văn Tịnh, do buông lỏng quản lý.
 
Philippines phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông

tin tuc 3

Tàu hải cảnh Trung Quốc tìm cách chặn tàu của Philippines vào Bãi Cỏ Mây hôm 29/3/2014, Nguồn, chụp lại từ RFA


Tin RFA - Bộ Ngoại giao Philippines hôm 31/5 cho biết Bộ này vừa có một công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông kéo dài hơn ba tháng từ ngày 1/5 đến ngày 16/8. Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng lệnh cấm này bao trùm cả vào vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Philippines.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines viết rằng lệnh cấm của Trung Quốc “không có sơ sở pháp lý, phá hoại lòng tin giữa hai bên và sự tôn trọng vốn cần có trong quan hệ song phương.”

“Philippines kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nghĩa vụ của mình theo luật quốc tế và dừng ngay các hoạt động phi pháp, bao gồm cả việc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá ở các khu vực vượt quá chủ quyền của Trung Quốc”.

Theo AP, giới chức Bộ Ngoại giao Philippines hôm 30/5 cũng cho biết Bộ này đã gọi một nhà ngoại giao Trung Quốc đến hồi đầu tháng tư để phản đối hành vi quấy nhiễu của tàu hải cảnh Trung Quốc với một tàu nghiên cứu của Philippines.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, sự việc xảy ra vào tháng ba vừa qua ở Bãi Cỏ Mây và Bãi Cỏ Rong nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.
 
Hoa Kỳ điều tra sản phẩm tủ gỗ VN do nghi sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc

tin tuc 4
Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Nguồn: vneconomy – chụp lại từ RFA
Cũng theo bản tin RFA, các doanh nghiệp và hiệp hội xuất khẩu sản phẩm tủ gỗ Việt Nam cần rà soát các hoạt động xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang thị trường Hoa Kỳ.

Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công thương đưa ra khuyến nghị trên trong ngày 31/5 sau khi đơn vị này nhận được thông tin Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vào ngày 24/5 đã khởi xướng điều tra, xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Hoa Kỳ.

Nguyên nhân được DOC đưa ra là do DOC nghi ngờ các sản phẩm tủ gỗ của VN và Malaysia sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc phạm vi áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm tương tự của Trung Quốc.

Theo Cục phòng vệ thương mại, với quy định của Hoa Kỳ, các bên có liên quan có thời hạn 30 ngày kể từ ngày khởi xướng để nộp bản bình luận và cung cấp thông tin phản biện tới cơ quan điều tra Hoa Kỳ.

Theo đó, dự kiến, DOC sẽ đưa ra kết luận cuối cùng trong vòng 120 ngày kể từ ngày khởi xướng (có thể gia hạn thêm 180 ngày nếu có lý do hợp lý).

Cũng theo Cục phòng vệ thương mại, DOC vẫn đang tiếp tục cân nhắc việc khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm tủ gỗ của VN theo đề nghị của một số doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Trước đó, hôm 6/5, Cục Phòng vệ Thương mại VN có công văn gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết DOC sẽ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam vào cuối tháng 5.

Theo thống kê, trong bốn tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ ước đạt 3,3 tỷ USD, chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch hàng nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam xuất sang thị trường này.
 
Đài Loan điều máy bay nghênh cản máy bay Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không

Taiwan F15
 
Theo bản tin VOA, Đài Loan hôm thứ Hai 30/5 cho hay không quân Trung Quốc bay một số lượng máy bay nhiều nhất kể từ tháng Một vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Bộ Quốc phòng hòn đảo cho biết họ đã điều chiến đấu cơ của họ lên nghênh cản và cảnh báo 30 máy bay của Trung Quốc trong đợt gia tăng căng thẳng mới nhất này.

Đài Loan, đảo mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình, phàn nàn rằng trong khoảng hai năm qua không quân Trung Quốc lặp đi lặp lại việc bay máy bay gần đảo Đài Loan, thường ở phía tây nam của vùng nhận dạng phòng không của họ, hoặc ADIZ, gần với Quần đảo Pratas do Đài Loan kiểm soát.
Đài Loan gọi các hoạt động quân sự lặp đi lặp lại này của Trung Quốc là "chiến tranh vùng xám", được thiết kế để vừa làm hao mòn lực lượng của Đài Loan bằng cách khiến Đài Loan phải liên tục điều máy bay nghênh cản, vừa để kiểm tra phản ứng của Đài Loan.

Vụ mới nhất của Trung Quốc bao gồm 22 máy bay chiến đấu, các máy bay tác chiến điện tử, máy bay chống tàu ngầm, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết.
Theo bản đồ mà Bộ này cung cấp, máy bay đã bay ở khu vực phía đông bắc quần đảo Pratas, mặc dù cách xa Đài Loan.

Bộ này cho biết Đài Loan đã điều máy bay chiến đấu lên nghênh cản và cảnh báo máy bay Trung Quốc, trong khi các hệ thống tên lửa được triển khai để theo dõi.

Đây là vụ xâm nhập lớn nhất kể từ khi Đài Loan báo cáo có 39 máy bay Trung Quốc ở ADIZ của họ vào ngày 23 tháng 1.

Không có bình luận ngay lập tức từ Trung Quốc. Trước đây Bắc Kinh nói rằng các hoạt động này là các cuộc tập trận nhằm bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Quân đội Trung Quốc tuần trước cho biết gần đây họ đã tiến hành một cuộc tập trận xung quanh Đài Loan như một "lời cảnh báo nghiêm trọng" chống lại "sự thông đồng" của họ với Hoa Kỳ.

Điều đó xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden khiến Trung Quốc tức giận khi dường như báo hiệu sự thay đổi trong chính sách "mơ hồ chiến lược" của Hoa Kỳ đối với Đài Loan bằng cách nói rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công hòn đảo này.

Trung Quốc đã tăng cường sức ép buộc Đài Loan phải chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Chính phủ Đài Loan cho biết họ muốn hòa bình nhưng sẽ tự vệ nếu bị tấn công.

Máy bay Trung Quốc đã không bay vào không phận của Đài Loan, nhưng trong vùng ADIZ của họ, một khu vực rộng lớn hơn mà Đài Loan giám sát và tuần tra nhằm giúp họ có thêm thời gian để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
(SEOUL, ngày 28 tháng 4, Reuters) – Bắc Hàn chính thức thừa nhận đã điều binh lính tới giúp Nga trong cuộc chiến với Ukraine, theo mệnh lệnh trực tiếp từ Kim Jong Un. Bình Nhưỡng còn khẳng định lực lượng này đã “góp công lao không nhỏ” vào việc giành lại các vùng lãnh thổ của Nga bị Ukraine chiếm giữ.
(WASHINGTON, ngày 27 tháng 4, Reuters) – Theo Cơ Quan Bài Trừ Ma Túy Hoa Kỳ (DEA), cảnh sát liên bang đã bố ráp một hộp đêm ở Colorado Springs, bắt giữ hơn 100 di dân lậu.
WESTMINSTER (PTH/VB) – Buổi ra mắt sách “Những Người Ở Lại” của tác giả LU Thuy hôm Chủ Nhật 27/4/2025 tại Westminster cũng là dịp để tác giả tâm sự về lý do vì sao viết sách này, cũng là dịp để nghe anh Võ Văn Thiệu, một sinh viên du học tại Ý từ trước năm 1975, kể về không khí thân cộng của các sinh viên từ Miền Nam VN du học tại Pháp
- Bến cảng cho tàu hàng vắng hơn: phí bảo hiểm hàng tăng, giá cước vận chuyển container từ TQ giảm. - Báo động: tăng hủy chuyến tàu hàng từ các công ty vận chuyển vì chờ thuế quan - Các nhà bán lẻ Walmart, Home Depot và Target áp lực Trump: thuế quan làm thiếu hàng, giá tăng.
Michael Gloss, 21 tuổi, con trai Phó giám đốc CIA tử trận ở Ukraine tháng 4/2024 trong khi tình nguyện chiến đấu trong quân đội Nga. Thân phụ là cựu lính chiến nói cậu con tâm thần. CIA coi sự ra đi của Michael là chuyện riêng của gia đình Gloss. - Wisconsin: FBI bắt Thẩm phán Hannah Dugan tại tòa Milwaukee vì chỉ đường cho luật sư dẫn 1 di dân lậu thoát ngõ bên hông, trong khi ICE mai phục, bố ráp
Ngày 25/4, chính quyền Trump bất ngờ thông báo sẽ tạm thời khôi phục hồ sơ của sinh viên quốc tế trong hệ thống SEVIS, cho phép họ tiếp tục duy trì tình trạng hợp pháp để học tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các viên chức di trú nhấn mạnh rằng đây chỉ là tạm thời, và họ vẫn có thể tiếp tục chấm dứt tình trạng hợp pháp này trong tương lai, bất chấp làn sóng pháp lý, theo The New York Times.
(WASHINGTON, ngày 25 tháng 4, Reuters) – Từ việc đưa ra cảnh báo không nên rời khỏi Hoa Kỳ cho đến hướng dẫn cách hoàn thành chương trình học giữa tình hình rối ren, bất ổn, nhiều trường đại học Hoa Kỳ đang chủ động hỗ trợ sinh viên quốc tế tìm cách ứng phó với chính sách di trú cứng rắn của Tổng thống Donald Trump.
Đôi khi bạn rơi vào một diễn đàn Phật pháp trên Internet, bất ngờ lại thấy tranh cãi bộ phái, rằng chuyện Nam Tông thế này và Bắc Tông thế kia , rằng chuyện Thiền Tông bên ni và Tịnh Độ bên nớ, và những chuyện tương tự... khi người này nói rằng chỉ có họ đúng và người khác hẳn phải là sai. Ngay cả đôi khi bạn mở truyền hình ra xem, cũng bất ngờ khi thấy một vị sư hay một cư sĩ Phật tử nói những chuyện tương tự. Những tranh cãi hiện ra bất kể rằng họ cùng thờ Đức Phật, cùng công nhận các pháp ấn, cùng tu pháp Bát Chánh Đạo, nhưng một khác biệt nào đó đã được xem là lệch nghĩa. Dò lại kinh điển, chúng ta thấy rằng Đức Phật nói rằng người trí sẽ không thấy gì để tranh cãi nữa, vì tâm họ đã xa lìa cõi này.
Nếu một di dân nhập cư có thể bị trục xuất mà không cần thủ tục tòa án hợp pháp, chỉ cần bị gán mác băng đảng là xong, thì có gì bảo đảm rằng điều đó sẽ không xảy ra với công dân Mỹ? Câu hỏi tưởng chừng như không tưởng này lại đang làm dấy lên làn sóng tranh luận trong giới luật gia, sau khi Trump úp mở ý tưởng trục xuất những công dân Mỹ bị kết án tội bạo lực sang El Salvador.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump được cho là đang xem xét ban hành một sắc lệnh hành pháp cho phép tích trữ các kim loại được khai thác từ đáy Thái Bình Dương. Kế hoạch này nằm trong chiến lược giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn khoáng sản quan trọng từ các nước khác, như đồng, cobalt và lithium. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang bàn bạc để xây dựng một “lộ trình” chung nhằm kiểm soát các hoạt động khai thác khoáng sản biển sâu (deep-sea mining) trong vùng biển quốc tế. Nếu Mỹ quyết định tiến hành kế hoạch hỗ trợ khai thác khoáng sản ở Thái Bình Dương, thì họ sẽ tự làm mà không cần xin phép Cơ Quan Quản Trị Đáy Biển Quốc Tế (International Seabed Authority, ISA), cơ quan liên quốc gia có trách nhiệm giám sát mọi hoạt động khai thác ở vùng biển quốc tế.
TQ đã chính thức thông qua kế hoạch xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới, bắc ngang qua dòng sông Yarlung Tsangpo tại vùng Tây Tạng. Khi được hoàn thành và đưa vào vận hành, công trình này không chỉ là một cột mốc kỹ thuật mà còn trở thành nhà máy phát điện lớn nhất thế giới, có quy mô vượt xa bất kỳ dự án nào từng có trước đó. Tuy nhiên, đằng sau sự vĩ đại ấy là vô vàn nỗi lo. Nhiều người e ngại rằng con đập sẽ buộc cộng đồng dân cư tại địa phương phải di dời, đồng thời gây ra những tác động sâu rộng đến môi trường tự nhiên. Mối quan ngại này đặc biệt nghiêm trọng đối với Ấn Độ và Bangladesh – hai quốc gia nằm ở khu vực hạ lưu, nơi dòng sông được gọi là Brahmaputra.
Sau hàng trăm nghìn năm sống trên Trái đất, con người có thể nghĩ rằng họ đã nhìn thấy tất cả các màu sắc trong tự nhiên. Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Berkeley lại cho rằng điều đó chưa chắc đã đúng. Trong một thí nghiệm mới, họ đã khám phá ra một màu sắc mà trước đây chưa ai từng nhìn thấy, theo The Guardian
Chư Vị Lãnh Đạo Tôn Giáo: ● Linh Mục Rev. Ronald J. Gripshover, Jr., Chánh xứ Nhà thờ St. Lawrence The Martyr, Alexandria, Virginia ● Linh Mục Rev. Maurice Mei Akwa, Giáo xứ St. Lawrence The Martyr, Alexandria, Virginia ● Đức Ông Msgr. Patrick Dempsey, Giáo xứ St. Lawrence The Martyr, Alexandria, Virginia ● Linh Muc Rev. Sunny Joseph, Giáo xứ St. Timothy, Chantilly, Virginia ● Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, Auckland, Tân Tây Lan
Mời tham dự buổi thuyết trình Tư Tưởng Tích Cực Trong Bài Học Tứ Thánh Đế do gia đình Thiền Thực Nghiệm tổ chức vào ngày 4 tháng 5 năm 2025
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.