Tưởng gì chớ làm báo và viết báo thì tôi rành rẽ (lắm) ngay từ lúc thiếu thời. Toàn là những chuyện không vui, hay những kinh nghiệm rất buồn.
Bài viết đầu tiên của tôi xuất hiện trên tạp chí Phổ Thông năm 1967. Dù có ghi rõ ngay ở trang đầu “lấy nhuận bút” nhưng tôi không nhận được đồng xu cắc bạc nào ráo trọi, báo biếu hay thư cảm ơn (suông) cũng khỏi có luôn. Đúng là một “cái tát” đầu đời, dành cho một mầm non văn nghệ, ở tuổi 15! Từ đó thỉnh thoảng tôi lại nhận được thêm vài “cái tát” nữa của quí vị chủ nhiệm/chủ bút, hay… chủ chợ!
Suốt những năm của thập niên 1980, khi vừa mới chân ướt chân ráo đến California, tôi cùng vài người bạn hì hục làm báo và nhà xuất bản Nhân Văn. Độc giả dài hạn không nhiều, khoảng năm bẩy trăm thôi, tiền mua báo chỉ vừa đủ chi trả cho ấn phí và bưu phí. Chúng tôi cũng kiếm thêm được chút đỉnh nhờ vào quảng cáo, và sách báo bán ngay tại địa phương. Còn số gửi đi những thành phố khác và tiểu bang xa thì kể như mất trắng. Hiếm có ông bà chủ tiệm, hay chủ chợ, nào sòng phẳng lắm.
Tôi viết báo bị chạy tiền (liền liền) và làm báo bị giật tiền (liên miên) nên nói chuyện sách báo không khỏi cảm thấy đôi chút ngại ngần hay cay đắng. Tâm cảm buồn phiền này chỉ mới hoàn toàn biến mất trong những ngày qua, sau khi tôi tình cờ được biết qua về tờ báo Hợp Đoàn, phát hành từ Trại Trừng Giới A20, ở Phú Yên.
Sao lại làm báo trong tù, và cách nào hả Trời?
Một trong những nhân vật chính trong cuộc, A-20 Nguyễn Chí Thiệp (tác giả Trại Kiên Giam – nxb Sông Thu 1992) cho hay:
Trao đổi ý kiến với Trần Danh San và Vũ Văn Ánh, chúng tôi đồng ý với nhau cần phổ biến rộng rãi hơn những hiểu biết ít ỏi về chế độ Cộng sản, về những vấn đề trọng đại của thế giới, để cùng nhau có những cái nhìn xa hơn và sẵn sàng chấp nhận một thời gian tù đày lâu dài, có một niềm tin là chế độ Cộng sản sẽ sụp đổ…
Đúng như tên Hợp Đoàn do anh Vũ Văn Ánh đặt cho tờ báo, Hợp Đoàn thể hiện được phần nào sự đoàn kết, nó không thuộc tổ chức chính trị nào. Ánh, tôi và các em sĩ quan trẻ như Nhì, Ngọc, Cường, Hải… và hai em sinh viên Vũ Văn Dũng và Nguyễn Thanh Nhàn trên lập trường Quốc gia chống Cộng sản.
Không ai tham gia một tổ chức chính trị nào, chỉ có anh Trần Danh San, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền, đảng viên Duy Dân, những bài viết của anh trên lập trường chính trị đó, Ánh và tôi đồng ý là tờ Hợp Đoàn sẽ đăng tất cả các bài vở của tất cả các quan điểm chính trị Quốc gia nếu họ đóng góp, dĩ nhiên là trên lập trường chống Cộng.
A-20 Phạm Đức Nhì cho biết thêm :
Đó là một quyển vở học trò khoảng 60, 70 trang bị cắt ngang mất non nửa; giấy trắng tinh, bóng láng, đươc khâu lại cẩn thận. Trang bìa là 2 chữ Hợp Đoàn khổ lớn, được trình bày rất khéo và đẹp. Lật qua vài tờ thì thấy tờ báo được viết tay, chữ đẹp và rõ ràng, dễ đọc, trình bày trang nhã, bắt mắt.
Nội dung các bài viết đều là những vấn đề thời sự nóng bỏng hấp dẫn ở trong trại và ngoài đời. Tôi đọc ngấu nghiến một lúc là hết. Hết mà vẫn thòm thèm, cứ tiếc là tờ báo không dầy thêm vài chục trang nữa. Có thể nói giọng văn truyền cảm và các đề tài thiết thực của tờ báo đã chinh phục tôi hoàn toàn…
Cứ thế, trong khoảng hơn 5 tháng, Vũ Ánh đã cho ra lò 3 số Hợp Đoàn; số sau đẹp hơn, hay hơn số trước. Khi phong trào chống đối ở trong trại lên cao; những người tù đã đồng lòng chây lười (một cách hợp nội quy) khi đi lao động; khi họp hành, học tập thì miệng câm như hến; khi cần phát biểu thì chỉ trích chế độ ăn uống quá thiếu thốn, lao động quá nặng nhọc mà chế độ thăm nuôi, quà cáp quá khắt khe.
Đúng lúc ấy, một số người tù bị coi là ‘nguy hiểm’ lần lượt đi vào xà lim mà không có lý do gì hết. Vũ Văn Ánh là người đầu tiên trong số họ xỏ chân vào cùm. Tờ Hợp Đoàn mất Sáng Lập Viên kiêm Chủ Bút, kiêm Tổng Thư Ký Tòa Soạn tạm thời đình bản…
Sau đó, do độc giả yêu cầu tha thiết quá, anh San, anh Thiệp, Ngọc Đen, Hải Bầu, Vũ Mạnh Dũng đề nghị tôi làm Thư Ký Tòa Soạn. Nhiệm vụ của tôi là đọc, sửa chữa, sắp xếp bài vở rồi giao cho Hải Bầu lên khuôn. Tôi biết kiến thức, khả năng của mình còn chưa tương xứng với công việc có trách nhiệm lớn lao như vậy, nhưng lúc đó tôi bị liệt hai chân, không phải đi lao động nên có điều kiện thuận lợi hơn các anh em khác. Thêm nữa, cái máu liều của thằng lính nhảy dù trong tôi vẫn còn nóng hổi nên tôi đã không từ chối. Hợp Đoàn tiếp tục một cách an toàn được 2 số nữa.
Cái giá phải trả cho năm số báo Hợp Đoàn, tất nhiên, không rẻ. Lần lượt từ ban biên tập, cộng tác viên phát hành (và cả độc giả nữa) đều bị vô cùm hết ráo. Kẻ vài ba tháng, người sáu bẩy năm.
A-20 Nguyễn Thanh Khiết cảm thán :
Sáu năm biệt giam
ba muỗng nước, ba muỗng cơm
chưa lần lung lay ý chí
một đời anh - một đời sĩ khí
bước thấp, bước cao cắn nhục mà đi
ngọn bút hiên ngang
thay làn tên mũi đạn
giữa trại thù nét mực chưa phai
Thế đâu đã thôi!
Làm báo chui trong một xã hội theo chế độ toàn trị đã là một chuyện động trời rồi, nói chi đến việc phát hành một thứ underground press giữa một trại tù được mệnh danh là Thung Lũng Tử Thần:
Tôi không biết có phải do ảnh hưởng của việc Hà Nội thỏa thuận chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích hay chương trình nhân đạo đưa những cựu tù nhân cải tạo đi tái định cư ở Hoa Kỳ hay không mà một số anh em chúng tôi được chuyển về một trại gần Saigon hơn, đó là trại Z-30A Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh, một trại mà cuộc sống của tù nhân cải tạo tương đối thoải mái hơn so với A-20… Nhóm chúng tôi gồm T.D.S, N.C.T và Ng. “đen” lại bị di lý về nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu trước cửa chợ Bà Chiểu năm 1986 để ra tòa vì công an Saigon đã nắm được bằng chứng chúng tôi bí mật cho ra tờ Hợp Đoàn ở A-20.
Nhưng khi hỏi cung xong và có bản cáo trạng đòi án chung thân đối với 4 người chúng tôi và theo kế hoạch nhà cầm quyền dự tính đưa ra xử trước tòa ngay sau vụ xử nhà văn Doãn Quốc Sỹ và Dương Hùng Cường, nhưng vào giờ chót Viện Kiểm Sát lại quyết định không truy tố nữa … (Vũ Ánh. Thung Lũng Tử Thần. Người Việt Books: 2014).
Cái quyết định bất ngờ này, theo thiển ý, chả phải vì “chương trình nhân đạo” nào cả mà chỉ vì nhà đương cuộc Hà Nội (“vào giờ chót”) bỗng chợt nhận thức được rằng khoác thêm cái bản án chung thân cho những con người đã trải qua gần hết đời mình trong những trại biệt giam (mà không hề nao núng) chả phải là chuyện khôn ngoan.
Thêm một phiên tòa dành cho tờ Hợp Đoàn chỉ giúp cho công luận thấy được rõ hơn sự tàn bạo của chế độ hiện hành, cùng tính chất bất khuất và can trường của những kẻ thuộc bên thua cuộc mà thôi.
Chỉ có điều đáng tiếc là cái tinh thần Hợp Đoàn đã không “nở hoa” nơi vùng đất tự do, theo như lời “phàn nàn” của chính người chủ xướng, nhà báo Vũ Ánh:
Sống trong một cộng đồng mà lúc nào cũng nghe những lời kêu gọi đoàn kết để chống Cộng nhưng ngược lại lúc nào cũng chỉ nghe thấy, đọc thấy những tranh cãi về một chuyện rất nhỏ nhặt chẳng hạn như con số người đến tham dự một buổi sinh hoạt nào đó, tổ chức này không ngồi chung hay đứng chung với tổ chức kia, không những thế lại còn ngáng chân nhau, chỉ trích nhau thậm tệ, liệu có ai là không thấy ngượng không?
Thế mới biết tự do cũng giống y như thời giờ và tiền bạc vậy, hễ cứ có thừa là thế nào cũng bị lạm dụng hay phung phí. Cái gì hiếm thì mới quí!
– Tưởng Năng Tiến