Nhớ có lần tôi ngủ trọ một đêm trong căn nhà nhỏ ở Sài Gòn. Bởi vì lúc đó tôi là kẻ trôi sông lạc chợ nên căn nhà nằm sâu trong hẻm Thành Thái, tuy đơn sơ, bình dị nhưng ấm áp và yên lành. Ngày tháng ngủ bờ ngủ bụi tôi không làm sao yên giấc, bù lại dưới mái nhà yên tĩnh này đã cho tôi giấc ngủ bình an, dù chỉ một đêm. Thật ra, nửa đêm có lúc tôi giựt mình thức giấc để nhìn thấy những mảng sáng tối lờ mờ trong căn phòng trông giống như từng phiến tâm tư của tôi ghép lại. Đêm càng về khuya, từng phiến đêm bềnh bồng đó như ứa ra những tiếng thở dài. Tôi vốn sợ bóng đêm trên nhành cây, dưới gầm cầu hay trong ống cống tôi từng ngủ trọ. Nhưng mặc cho mưa đời đánh lòng tôi tơi tả, đêm dưới mái nhà Thành Thái vẫn cứ trọn lòng thành, dịu dàng trải bình yên xuống giấc ngủ tôi.
Buổi sáng, giã từ căn nhà, tôi lầm lũi bước đi. Tôi đi hoài đi mãi đi suốt 43 năm trời vẫn không làm sao quay trở lại căn nhà xưa đó, căn nhà nhỏ mà tình nghĩa thì mênh mông.
Lưu lạc chốn quê người, có đêm trằn trọc ôm nỗi buồn riêng, lòng chợt nhớ căn nhà xưa vô kể. Một đêm thôi mà sao lòng cứ nhớ hoài.
Thưa, đó là tâm tư tôi khi nhận được cuốn sách SÁNG NAY MÙA XUÂN của Doãn Gia vừa ấn hành gởi tặng. Doãn Gia tức gia đình họ Doãn, trước 1975 từng cư ngụ trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm Thành Thái, nơi tôi ngủ trọ một đêm giữa năm 1979.
Sáng Nay Mùa Xuân được hình thành đầu năm 2022 bởi sự kết hợp công phu của nhiều cây bút trong và ngoài nước để mừng bách tuế cụ Sỹ, tức nhà văn Doãn Quốc Sỹ.
Cuốn sách mở đầu bằng Đôi Dòng… của Doãn Ngọc Thanh, con gái đầu lòng của ông bà Doãn Quốc Sỹ: "Có một thủa bóng tối và cái ác đổ xuống miền Nam Việt Nam." Ngần ấy chữ thôi đủ để máy động lòng lòng người. Mất nước là một thảm họa, vượng khí của non sông đến hồi mạt vận. Bạo lực của chế độ mới làm sụp đổ nền Cộng Hòa, đẩy con đỏ đi vào cuộc sống nghẽn lối.
Ngoài Doãn Ngọc Thanh, bảy người em trong Doãn Gia, cháu ngoại Thảo Chi, Liên Chi và các thân hữu cũng góp mặt, nhất là cô Doãn Thị Quý, em của cụ Sỹ cũng góp sức làm nên tác phẩm Sáng Nay Mùa Xuân đầy tình tự. Tựa đề như thế khiến người đọc cầm cuốn sách trên tay lại có cảm tưởng như cầm được sắc xuân óng ả hương mùa. Ở vào thuở an bình, thân tâm sảng khoái, sự có mặt của Sáng Nay Mùa Xuân với mục đích riêng tặng bách niên của cụ Sỹ, hầu hết những trang sách đều hết lòng cởi mở.
Thơ Doãn Quốc Vinh khéo léo xáo trộn vòng đời làm mới câu thơ mượn ý từ Bát Nhã nhuốm đầy thiền vị Bắc truyền với những câu minh chú sắc bất dị không, không bất dị sắc:
tâm xuân về mênh mông
đồi núi mây bềnh bồng
bình yên đôi cánh hạc
theo gió chiếu thong dong
ông mỉm cười nhìn núi
núi mỉm cười nhìn ông
chấp trụ hề sắc có…
vô trụ hề sắc không…
vàng hoa, xanh cỏ, đỏ đồng
ông đi chở chút nắng hồng trên vai.
(Vô Đề, tr.11)
Còn gì quý hơn tình anh em khởi từ ngày xửa ngày xưa đến tận ngày nay vẫn không hề chia cách. Ta gặp ở đây cái đẹp trong câu viết sau đây: "Ngày ấy người em 13 tuổi, người anh vừa tròn 27 tuổi. Hôm nay người anh vừa tròn 100 tuổi, người em đã tròm trèm 86 tuổi. Hai anh em vẫn có nhau..."
Còn nữa: "Em muốn anh sống 100 tuổi trở lên để em được ngồi bên cạnh ăn trưa và tối với anh, hằng ngày rót nước lọc và đưa ly nước vào tận tay anh (nếu không anh sẽ đứng lên đi thơ thẩn và quên uống nước)…"
Đoạn văn Ngày Xửa Ngày Xưa tả chân trên (tr.17) là của cô Doãn Thị Quý, em ruột của bố Sỹ, vô cùng giản dị, mộc mạc mà vang động tận đáy lòng ta. Hồi di cư năm 1954, bố Sỹ dắt theo cô Quý vào Nam, từ đó đến nay, hai anh em vẫn không hề rời xa nhau.
Một điểm son nữa, của Sáng Nay Mùa Xuân, là hai mầm non văn nghệ Nguyễn Đình Thảo Chi và Nguyễn Đình Liên Chi của cụ Sỹ. Văn học là nguồn sáng tạo không ngừng tiếp nối, cách tân và chuyển hóa. Thảo Chi và Liên Chi, chịu ảnh hưởng văn chương của ông Ngoại và của bố mẹ cũng hồn nhiên hạ bút.
Thảo Chi làm thơ Anh ngữ "Your Work On Earth Is Done" tặng cho bà Ngoại (bà Doãn Quốc Sỹ) lúc qua đời.
Liên Chi hành văn Việt chỉ để tặng… "cái bàn làm việc của Bố", ví cái bàn như là xứ sở thần tiên "Wonderland" để con cháu vẫn luôn quanh quẩn xung quanh cái bàn.
Cụ Sỹ vốn là nhà mô phạm và là cây đại thụ đầy uy tín trong làng văn học miền Nam đã trở thành cái bóng quá lớn và quá mát trùm lên cuộc sống gia đình. Cô Tư Liên, con gái của cụ Sỹ, đại khái nói như thế. Cô còn phây phây tuyên bố: "Bố ở tù về, chúng tôi lớn hơn, nhiều hiểu biết hơn, thế là bố con thành bạn." Hết ý.
Chính cô Tư Liên, tức Doãn Cẩm Liên cùng chồng là Nguyễn Đình Hiếu, năm xưa thấy tôi lang thang không nhà không cửa đã đưa tôi về nhà Thành Thái ngủ trọ một đêm, dù thời buổi khó đang trùm lên cuộc sống người dân miền Nam.
Ngoài hình ảnh và ngôn từ, Sáng Nay Mùa Xuân còn "in" cả tiếng hát trong ngần, cao vút của Doãn Thanh Hương, cô út của Doãn Gia trong những trang nhạc của các nhạc sĩ du ca.
Anh Hai Lộc, tức Trần Đại Lộc, tác giả của ca khúc Sáng Nay Mùa Xuân viết tặng các em Doãn Gia, tuy không còn nữa, nhưng lúc nào cũng ở trong lòng các em. Như Tấn, như Nguyễn Quyết Thắng sau cả chục năm xa cách, gặp lại nhau là ấm cúng như ruột thịt, như chị Hai Doãn Ngọc Thanh nói.
Rồi Doãn Quốc Thái, Doãn Kim Khánh, Doãn Quốc Hưng, Doãn Quốc Hiển, rể Nguyễn Đình Hiếu không ngừng thể hiện tài năng phong phú qua các trang thơ văn, tiếng đàn. Họ tha thiết nói lên tấm lòng hiếu thảo của người con đối với bậc sanh thành.
Ta từng biết "Văn là người. Chương là vẻ sáng". Văn học nghệ thuật là ý lực tự do bật lên vẻ sáng trên đầu ngọn bút. Ngoài những cây bút Doãn Gia, các thân bằng quyến thuộc của bố Sỹ mẹ Thảo như Trần Bích Ngọc, Trần Phương Hà, Nguyễn Hoàng Hà, Vũ Thái Hòa, Dương Ngọc Hưng, Ngô Thùy, Bồ Khánh An, cũng như các thân hữu Vũ Dung, Hà Bạch Trúc, Ngô Thụy Chương, Đoàn Khoa, Trần Thanh Phi, Trần Đức Quân, trong Sáng Nay Mùa Xuân, mặc dù chưa nói hết khúc nôi của lòng, song những ưu ái qua triết luận nghệ thuật của họ cũng thể hiện ngắn gọn, xúc tích, sinh động những câu chuyện đời, chuyện nước non, tình tự như những bản trường ca tràn đầy chân tình, sâu lắng.
Về phương diện ngôn ngữ, vì xuất phát từ lý trí, đóng góp của họ gợi lên vẻ đẹp của tình đời, tình người.