Hôm nay,  

Chùa Của Tôi...

23/01/202216:21:00(Xem: 1737)

Copy of VB-2014-F

 

Thật ra đúng chùa cũng không phải là của một mình tôi, chùa của thầy trụ trì, của tất cả đàn na tín thí, phật tử chung công góp sức cùng các quý thầy xây lên ngôi đại hùng bửu điện thờ cúng tam bảo, hoằng dương phật pháp.

 

Nhưng tôi là một phật tử quy y tại chùa nên tôi mau miệng nhận đó là chùa của tôi. Tôi năng lui tới đó lắm từ lúc tôi còn nhỏ tuổi, ngôi chùa đó ở Việt Nam, một ngôi chùa khá uy nghi.

 

Các em tôi cũng theo tôi năng đi lên chùa, hay là tôi theo em tôi thì đúng hơn… các em lên chùa nghe pháp, mà có ngày tán gẫu nhiều hơn lễ phật, thầy bảo hư thân là vậy.

 

Phần đông là lũ con gái rủ nhau đi, còn thằng em trai duy nhất trong nhà tôi thì nó có tơ màng chi tới chùa đâu.

 

Nó đi học, lớn lên đi lính. Lúc nào nó cũng viện cớ canh, gác, ứng chiến để khỏi bị tụi tôi rủ lên chùa, dù chùa rất gần nhà, nhà ở Tân Sơn Nhất, chùa ở Phú Nhuận…

 

Sau 30-04-1975, nó rời quân đội VN cộng hòa, phải đối diện tù đầy với cộng sản, nghe nạt nộ chửi mắng một thời gian dài… trở về nhà, không có việc gì làm, đi ra đi vào nhìn nhau riết cũng chán nản, nó nói dòm hoài bố, mẹ, anh, chị, em riết rồi cũng như dòm cái bàn, cái ghế… cha tôi im lặng, thông cảm thở dài.

 

Mẹ tôi thì cằn nhằn nói như vậy là vô hậu.

 

Nó cũng không trả lời, lặng lẽ đi lên chùa của tôi… chắc nó lên đó ăn vạ ! Nó cũng lém lỉnh tán chuyện với mấy chú điệu, rồi lấn lá làm quen với sư chú Khoan Độ, sư bác Khoan Hòa… họ cũng cảm thương thằng thất cơ lỡ vận…

 

Ngày ngày sáng chiều nó bổ củi, cắt xén lá cây vườn chùa, kéo nước giếng lên đổ đầy các chum, lu, vại… lau rửa cầu thang lối đi ra vô… chiều chiều nó lại rời Phú Nhuận đi bộ về nhà. Bác Khoan Hòa có cho nó vé xe bus, nhưng nó từ chối : bác giữ để bác dùng !

 

Phước quen đi bộ, quen chân rồi ! Trước khi rời chùa nó được ăn một bụng bobo nấu chín mềm, nó sợ về nhà, mẹ không có đủ cho nó bát cơm tối mẹ lại thở dài…

 

Nó cũng làm được bài thơ : "đêm nghe mẹ thở dài" mà lâu quá, ai cũng quên rồi…

 

Lúc nào nó cũng tìm được lý giải khá hợp tình cho những éo le của nó.

 

Có lần nó nói lúc sắp xếp lại thư viện của chùa, vì sắp bị kiểm kê văn hóa… vô tình nó đọc được một cuốn kinh in chữ lớn, có lẽ dành cho người già hay những người không có kính mắt, cuốn sách có tựa là phát bồ đề tâm của thầy Trí Thủ. Nó đọc thử thấy hay nên hay cầm ra gốc cây đọc tiếp, đọc tiếp… vậy mà sư bác khuyên nó quy y, nó từ chối, nó nói nó đã tự quy y một mình nó trước tượng phật Bổn Sư rồi…

 

Có một ngày, bà bếp của chùa đưa cho nó một bát bobo ăn trước khi ra về, luôn tiện bà nhắn nhủ :

 

- Sau mày không chịu quy y, ăn cơm chùa mòn cả chén mà không quy y là dại lắm đó con ơi !

- Con chỉ quy y khi nào sư bác để cho con tự đặt pháp danh cho con…

- Này, dở hơi lắm, khi quy y thì bổn sư truyền giới đặt pháp danh cho, chớ mày đòi hỏi pháp danh theo ý mày là vô duyên… mà con ơi, mày thích pháp danh là gì ?

- Thích thịt chó !

 

Bà bếp giật nẩy mình, lùi lại :

 

            - Ý, trời phật ơi, coi chừng miệng lưỡi, đồ khùng, thầy trụ trì mà nghe mầy nói vầy, là mày văng ra xa con ơi !

 

            - Không, thầy từ bi mà.

            - Từ bi ! Nhưng mà thầy nào chịu được cái pháp danh phàm tục quái gở… điên vừa thôi…

 

            - Phật tổ họ Thích, mình là con phật, mình thích cái gì thì mình nói cái đó… chứ chết ai đâu.

            - Mày điên quá rồi… thôi ăn lẹ lẹ đi.

            - Con không có điên mà, vì con có một con chó, bị họ lén ăn cắp, giết nó, treo thịt nó lên bán ở cửa hàng bách hóa hợp tác xã dân phố "thâm giao"… con biết rõ, đó là chó của con. Giờ nó không còn là một con nữa. Nó chỉ còn là những miếng thịt thui treo toòng teng… và con thích thịt chó.

 

            - Thôi ăn đi rồi về… mà ngắm thịt chó, đồ vớ vẩn, lẩn thẩn…

 

            Phước, tên nó là Phước, nó biết bà bếp không thể hiểu tâm sự của nó, nó thở dài, uống cạn bát nước mưa trong mát, rồi ra về…

 

Hôm sau đó, Phước trở lại thư viện chùa, cẩn thận bọc kỹ những kinh sách quý mang cất dấu sau phòng hậu liêu.

 

Đến quá trưa, nó lại gặp bà bếp, mỉm cười, và bà trao cho nó một tô đồ ăn đầy, bà còn đủng đỉnh mời Phước :

 

- Này, "Thích thịt chó" phần ăn của mày đây ! Nó vừa đưa tay đỡ chén cơm từ tay bà, cám ơn, thì bà lại hỏi nó thêm :

 

- Hôm nay, này, mày là Thích thịt gì ?

- "Thích thịt gà" ! Phước đáp rõ ràng, không ngần ngại. Người cho cơm như muốn giựt lại cái tô trên tay nó, bà tá hỏa :

- Hôm qua là "Thích thịt chó" nay mày là "Thích thịt gà" ngày mai, chắc mày sẽ là "Thích thịt người" ?

… Không, không, chỉ "Thích thịt gà" và thôi … nó bệu bạo bào chữa !

 

- A Di Đà Phật, ở cửa bụt, mà nó nói lung tung như vầy, con ơi, con phải sám hối 1000 cây nhang không đủ… tội nghiệp quá.

 

… Để tao đi mời sư chú Khoan Độ đến chứng cho mày sám hối, mà ăn đi, ăn cho xong bữa đi !

……………….

Phước đã kể với sư bác và với bà thủ quỹ nghe nguyên do "Thích thịt gà" ra sao ?

 

… Hồi đó, hồi trước khi việt cộng tràn vô, nó là lính truyền tin đi theo sư đoàn tác chiến và đóng ở Quảng Trị, Đông Hà. Rồi nó đã bị bắt tại trận cùng một số anh em…

 

Ngày 30-04-1971 nó cùng một số đồng đội tập trung cải huấn trong rừng sâu, thật sâu trên đất Ai-Lao. Trong rừng đại ngàn bát ngát, bát ngát… toàn cây và lá cây… hổ báo có lẽ sợ súng đạn đã bỏ đi đâu hết, rừng suối hoàn toàn yên tĩnh… một con suối chẩy xuyên qua rừng, nước róc rách trong veo, sỏi đá vụn như được rửa sạch lay động vài cánh rong tươi mát…

 

Mỗi khi đi lao động vất vả "chém tre đẵn gỗ trên ngàn" về… mệt nhoài, bụng đói meo, Phước cùng đồng bạn ngừng bên nước mát thở khoảng 15 phút, nhìn vu vơ trước khi về nơi tập trung.

 

Rồi có một hôm nọ, đi ngang suối và Phước vô tình thấy, trời ơi, một khúc xương cánh gà… ai ăn xong vứt dưới suối, nó nằm lay động nhẹ theo sức nước chẩy lăn tăn !

 

Trên đường về trại, đồng bọn nói chuyện… mà Phước có nghe đâu, nó tơ tưởng mãi miếng xương cánh gà dưới nước ! Nó thèm vì ăn uống thiếu thốn đói khổ đã lâu, quên phứt đi là xong, Phước tự nhủ lòng, nhưng…

« tình lỡ đã quên đi,

nhưng rồi bỗng lại về »

                                    T.C.S

 

Sau cùng Phước tự một mình quay lại bờ suối, anh lội bùm xuống nước, vớt lẹ miếng xương gà lên, đưa lên miệng rít rít chút nước không… mà cứ tưởng là mùi thịt gà, thơm và ngon lạ lùng… bỗng có tiếng quát tháo sau lưng :

 

Anh kia, làm gì ờ đây ? Dơ tay lên !

Phước theo phản xạ dơ tay qua khỏi đầu, bàn tay vẫn không buông rơi cái vật khắc khổ.

 

Người cán bộ quản giáo lại gần, giựt lấy từ tay anh, miệng hét :

- Về trại, mau, lúc nào cũng chỉ nghỉ đến ăn, toàn là quân chết đói…

 

Phước tủi thân… nghĩ mình sắp chết đói thiệt… anh lầm lũi trở về trại giam, lủi thủi như một cái xác vô hồn biết đi…

 

Sư bác, sư chú, bà bếp nghe xong bài sám hối của Phước, họ bần thần… như vừa bị tra tấn tâm linh !

Xin lỗi…

Nếu cứ kể chuyện buồn thì buồn hoài mà chùa của tôi cũng có nhiều chuyện vui…

… Cái hôm đấy năm nào cũng là dịp lễ phật đản, chùa Bửu Đà vui lắm, ăn mừng lễ lớn, đọc kinh cũng to giọng vang vang… vang vang như chùa Xá Lợi tụng kinh Dược Sư !

 

Các em Oanh Vũ múa và hát thích chí hơn ăn, dù là ngày đó có nhiều bánh kẹo…

 

Tâm An, Thúy Hiền, Diệu Tâm, Chúc Nhã, Chúc Hạ, Chúc Toàn, Chúc Diệu… tất cả trong ban vũ tí hon sửa soạn màn vũ cúng dường phật ra đời. Các em súng sính trong quần, giầy, áo dài mới do cô Quỳnh Hạnh may tặng…

 

Các em đã tập dượt nhiều lần, hồi hộp chờ sắp ra trình diễn.

 

Bất chợt bé Tâm An lúng túng, loay hoay và hét lên, vì bé bị đứt dây thung quần !

 

Lạy phật cứu con!

 

A, thì ra bé này mò nghịch, kéo ra kéo vô cái lưng quần mới, bất chợt nó sút ra, cái quần tụt xuống, may quá ai cứu với, nó túm được hai bên quần, cả hai bên áo chạy ra khỏi hàng nước mắt lưng chòng, sợ hãi, chới với.

Cô Quỳnh Chi, đứng ngay bên, hiểu ý, vội đón ngay, nắm tay em kéo vô bếp :

… Đừng sợ, vô đây, cô sửa cho, sửa quần cho… chỉ 10 phút là may xong.

 

Tâm An sợ hụt màn múa, thút thít khóc. Cô Quỳnh Chi vội trở ra sân khấu, nói nhỏ với Phước, Phước có chút tài lẻ, đang dạo đàn… chờ… ngay, Phước cứ đàn và tự biên tự diễn đi nhe… »

 

Phước hiểu ý, lỗi kỹ thuật, cười thông cảm, bình tĩnh dạo vài nốt đàn « tủ » vừa đi qua đi lại hát nhẹ nhẹ, cũng hay với cái giọng đặc mùi café hát :

 

« … Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối ! » chỉ có một câu giáo đầu bài trăng mờ bên suối mà nó ca đi ca lại, hát tới hát lui, 5,7 lần. Thầy Bổn Đạt, thầy Trí Kính, chú Khoan Độ, rồi bà bếp ngẩn ngơ ngó nhau, rồi cùng cúi xuống cúi xuống cười mím chi…

 

Gớm cái thằng "Thích thịt gà" cũng văn nghệ ! Bất chợt có ai đó, hình như là sư bác Khoan Hòa thì phải, lên tiếng nhận xét :

 

- Ôi, nếu mà tác giả Lê Mộng Nguyên mà nghe được nó hát bài "trăng mờ bên suối" của ổng lúc này, thì ổng phải dơ cả hai tay lên cao qua đầu mà thở ra : ô hô, ai tai !

 

Rồi cái quần của bé Tâm An cũng được may lại, màn múa tiếp theo ngoạn mục, nhiều màu sắc, nhiều ý nghĩa rất cảm động :

 

« … Đã bao đời đã hằng thiên niên kỷ

Đạo pháp ngài, gieo hạt giống từ bi

Trượng pháp ngài, tỏa hào quang hỷ xả

Lưu dấu muôn đời, muôn kiếp đức từ tôn. »

 

Múa xong, các Oanh Vũ đứng vây quanh tượng phật, thầy trụ trì nhìn các em trìu mến :

 

- Các con thấy phật chỉ một ngón tay xuống khay trái cây không ? Rồi còn một tay chỉ lên cao không?

 

- Bạch thầy, tụi con thấy…

- Thấy gì nào..?

- Thì người ta bầy trái cây lễ cúng phật…

- Cúng xong rồi, phật biểu các con bê đĩa này (chỉ xuống) rồi mang lên phòng trên lầu (chỉ lên) phật cho các con mang lên đó chia nhau ăn. Coi chừng chạy lẹ đi mau sút áo sút quần nhe…

 

Mọi đứa cười vui mừng hớn hở, chồm tới!

 

X

X          X

 

Đó là chùa của tôi ngày xưa.

Chùa của tôi, bây giờ, ở đây, là không ở Việt Nam, vì tôi đã đi xa quê nhà 39 năm rồi.

 

Ở đây tôi cũng có chùa. Chùa của tôi ở đây cũng trang nghiêm, cũng thân mến và đông vui không kém chùa của tôi khi xưa.

 

Chùa có thầy viện chủ, thầy trụ trì, nhiều sư thầy khác hay đăng đàn giảng pháp, có sư cô giảng kinh kệ và đánh trống rất oai nghi!

 

Đặc biệt có ban ẩm thực làm bếp rất ngon. Cũng có một bác vừa làm quản lý vừa là thủ quỹ trông coi thu vén mọi việc trong ngoài chùa… nhất là chỉ huy việc nấu nướng, bà ấy thường rất hiền và đôi khi cũng rất dữ… đó là vị hộ pháp thứ hai của chùa. Chùa còn rất may có chị Diệu Thảo ở đâu đến từ lâu, đến ở chùa, coi như phụ tá của bác thủ quỹ. Chị Diệu Thảo, người như tên, rất từ tốn và dễ thương bên cạnh bà chef của chị. Cũng có nhiều chị khác đến làm công quả mà tôi không nhớ tên rõ lắm.

 

Chị Diệu Thảo hay ở cạnh bác bếp, khi bác bếp có chuyện không vui với ai đó, lập tức chị ra tay dập lửa liền:

 

- Vâng, dạ, dạ… bác, hay anh chị hoan hỉ cho, bác bếp có khó chút vậy là lo cho chùa việc gì cũng chu đáo… nếu không có bác, có lúc mọi sự sẽ rối beng…

 

Một ngày kia có một bà mang đồ làm bếp (không biết là cũ hay mới) nào nồi, niêu, soong, chảo, đủ cỡ đến biếu chùa, bác bếp khoác tay:

 

- Này, đây không phải là nhà kho chứa đồ đâu nha, mang đi chỗ khác, cám ơn.

 

Chị Diệu Thảo vội chạy ra bảo họ tạm mang về cất đi, đợi cho một tuần lễ, chị kiểm điểm lại đồ trong nhà bếp đã.

 

Rồi sau đó một hồi lối 1, 2 giờ, một phật tử quen, anh Thành, lối 30 tuổi, anh cũng lui tới chùa thường, anh làm việc cho một hãng cung cấp các loại hộp plastique để đựng đồ ăn làm sẵn, kiểu mua mang đi, food to go, khá tiện lợi.

 

Anh sịch đậu xe, mở cửa, mang vô chùa, 5, 6 lố hộp nhựa để chuẩn bị cho những ngày lễ sắp tới.

 

Bác bếp thấy vội chạy ra:

- Nhà chú bộ không có chỗ chứa đồ sao?

- Có chỗ chứ, mà đây là cháu biếu chùa khi cần dùng làm food to go.

 

Anh cứ đi thẳng vô bếp, gác lên cao, rồi trở ra xe, mang vô thêm lần nữa, lần thứ hai, bác không hỏi mà chỉ nhìn lườm lườm.

 

- Vâng, còn đây là ly, muỗng, nĩa… vì mình không phải là dân ăn bốc, cũng không phải là "rệp!"

 

Thầy dư biết mọi việc, cũng phải để cho bà kỷ luật thu xếp công việc, vì chùa ít người, kham không hết việc… kiếm được người quán xuyến như bà cũng không phải dễ.

 

Hoa, bánh, chè, xôi, trái cây trên các bàn thờ, bà lo mua bán trưng bầy. Dĩ nhiên do tiền thầy đưa.

 

Ngày lễ vía, tết nhất, cúng quẩy, ẩm thực, một tay bà lo mua bán, chỉ huy người khác làm việc y luật nhà binh, không thiếu không thừa, hay có thừa là thừa chút chút…

 

Nấu chè thì bà tự nấu, bà chuyên lượm chuối chín ở các bàn cao kệ thấp xuống, bà nấu chè chuối bột báng, nước dừa… bà vẫn tuyên bố: bác nấu chè là rẻ nhất thế giới!

 

Mua một tí bột báng và mấy hộp đường, 3 hộp dừa, là cúng đủ nơi, cả làng ăn không hết… ngon ơi là ngon, mà không hao tốn tiền…

 

Hoa thì thường phật tử mang lại cúng rất nhiều. Còn mùa nào khan hiếm hoa, thì bà bảo cứ áp dụng kiểu cắm hoa Nhật Bản là ra chợ mua vài ôm hoa về cắm tràn lan ra nhiều bình. Nếu có ai muốn hỏi thầy về tang sự, mà lỡ thầy đi phật sự vắng, bà bếp góp ý ngay, làm cách nào… hỏa tang, thổ tang, thủy tang… cách nào rẻ nhất là hay nhất, đúng nhât. Rồi 49 ngày và thất tuần, mỗi tuần nhớ về nhà cúng, 100 ngày nhớ về chùa cúng, cúng xả tang luôn, xong ngay!

 

Bạn của Thành là Tiến, kém Thành 10 tuổi, theo Thành đi chùa công quả lau bàn ghế, kê bàn, dọn đồ đạc nặng nề.

 

Bên cạnh Tiến, có Tú, pháp danh Quảng Đức. Cả hai đứa Tiến và Tú biết ý bà thủ quỹ khó chịu, chúng hay kiếm cớ vặt chọc ghẹo bà. Một hôm Quảng Đức vừa thắp 3 cây nhanh cắm vô lư hương ngoài cửa lớn, Tú tính lùi lại lạy phật mẫu Quan Âm, thì bà ở đâu tới, lớn tiếng:

 

- Này Quảng Đức, chỉ thắp một cây nhang thôi…

- Không, cháu thắp ba cây là Giới, Định, Tuệ…

- Giới Định Tuệ… thì mang về nhà mà làm, ở đây khói um lên, đông người ai chịu nổi… đúng lúc đó, bên trong, ban văn nghệ đang tập dượt, cô Quỳnh Hạnh vừa dạo đàn vừa hát kiểu hát quan họ Bắc Ninh… hơi véo von:

 

"… Anh hùng, mà sánh với thuyền quyên…" Tiến cười cười hỏi Tú, anh hùng thì "moi" biết… còn "thuyền quyên" là cái gì nhỉ…

 

Tú đang đứng giữa tiến và bà thủ quỹ, Tú cố xích người gần bên bà hơn một chút xíu, rồi mới trả lời Tiến cao một chút nữa…

 

… Thuyền quyên là gì ? Là cái con khỉ già khó chịu !

Bà nhướng cặp lông mày vẽ rất đậm nhìn hai đứa oắt con, theo ý bà, rồi ngoe nguẩy đi ra ngoài…

 

Khi nào tới giờ ăn, bà nhắc nhở mỗi đứa ăn nhiều thì cũng hai đĩa thôi nhe !

 

Nhưng bọn nhỏ cứ nháy mắt nhau, lên lấy lần thứ ba, dù lần này xin rất ít… kẻo bị bà rầy, ăn hung tợn ăn cho sập chùa !

 

Có khi thầy đứng đó, nói nói cười cười với phật tử chúc ăn no đi, ăn ngon miệng !

 

Bà cũng nể thầy, chẳng nói năng chi, chỉ nhìn mấy đứa ăn nhiều… lườm lườm…

 

Hết ăn cơm thì ăn chè, mỗi người chỉ một ly thôi, mà mấy đứa rắn mắt, hiên ngang đi qua đi lại, mỗi đứa lấy hai ly chè, mỗi tay một ly… chúng còn hô hoán lên :

 

- Oh, chè chuối ngon hết sẩy !

- Yêu tinh…

 

Chú Khoan Độ chắp tay sau lưng, cười thật tươi, "ô hôm nay, chùa mình có nhiều vị khách lạ đến viếng quá nhỉ… có anh hùng, có thuyền quyên… có khỉ già và có cả yêu tinh nữa !"

 

Kỳ tết khoảng hai năm trước, trước khi xẩy ra dịch bệnh covid 19 chùa làm lễ và ăn uống thật rôm rả… bàn nào, bàn nấy, ngoài các món thường lệ, có thêm ba món nấu :    Canh măng khô hầm, canh miến tàu hũ nấm mèo, Cary thập cẩm đủ loại rau.

                         

Ngày này, nhiều việc bận rộn, không ai canh chừng các mâm cỗ bầy sẵn, mấy cô bé chú bé con 3, 4 tuổi theo cha mẹ đi lễ chùa , thấy cỗ bàn nhiều và đẹp quá, chúng rủ nhau pha chế, chúng táy máy lấy muỗng để sẵn trên bàn, chúng múc nước canh măng đổ qua canh miến… múc nước cary đổ qua các đĩa mì xào dòn… chúng múc nước ở những tô quá nhiều chia cho những tô cạn nươc, khô nước… chúng đang hào hứng lắm… vô phúc cho chúng, bà thủ quỹ chợt phát giác ra , bà nhẩy dựng ngược lên, rồi run rẩy, rồi hét tê tê :

 

- Úy trời đất ơi ! Con ai cháu ai mà không coi chừng, chúng phá tan nát hết cỗ bàn rồi… mấy đứa nhỏ sợ quá, chạy tuốt vô núp trong các nhà vệ sinh, khóa trái lại cửa bên trong.

 

Bà làm dữ, la lối hơi to tiếng, phụ huynh xám xanh mặt, xin lỗi…

Thầy thấy không ổn, vội tươi cười xuống chữa cháy:

- A Di Đà Phật!

Không có sao đâu không thích, (Không Thích là pháp danh của bà) bình tĩnh đi, nghe thầy nói này: chúng ta cứ yên tâm vì
Chúng ta làm cỗ chay

Chúng ta cúng cỗ chay

 và        Chúng ta ăn cỗ chay

Thì món nào cũng gần giông giống như món khác…

Trộn ăn chung cũng ngon, có sao đâu, chấp chi con nít nhỏ mà… nó không phá là nó không khỏe ! … nhưng rồi giông bão nào cũng qua đi… qua một thời gian sám hối, mọi người lại ngồi lại cùng nhau, chuyện trò cởi mở, vui vẻ như không hề, chưa hề có chuyện gì đã xẩy ra.

 

Chùa của tôi là vậy… là thế…

 

Bác bếp vẫn ở đó, vẫn thu vén vẫn răn đe, chu toàn… và mọi việc vẫn bình thường !

 

Bẵng đi bao nhiêu tháng dịch bệnh covid 19 nguy hiểm lan tràn, tụi tôi không được về chùa, nhớ phật, nhớ thầy, nhớ cảnh, nhớ người, nhớ bạn đạo… và cũng nhớ luôn bác bếp khó chịu.

 

 Năm nay, tháng tư vừa rồi, ngày phật đản sanh, chùa chúng tôi cũng như bao chùa khác, được phép mở cửa làm lễ kỷ niệm ngày phật ra đời. Lễ phật, rồi lễ tắm phật, tưng bừng diễn ra rất vui vẻ và cảm động… tuy là còn giản cách xã hội.

 

Theo lệnh nhà nước, mỗi người đi lễ phật chỉ nên làm một vòng vào cửa trước ra cửa sau rồi về, không vòng lại đi lung tung trong chùa như trước khi có dịch…

 

Chúng tôi lên lối ngoài, vô chánh điện, lễ phật, dự lễ tắm phật rồi ra về cửa sau luôn, thì làm sao trở lại đằng trước lấy giầy dép như mọi khi ?

 

Nhưng rồi ban tổ chức và bác bếp cũng nghĩ được cách giải quyết ổn và đẹp mắt !

 

Thoạt đầu mới vô chùa, chúng tôi, mỗi người đều được phát thuốc sát trùng rửa tay, xong nhận được một đôi bao giầy ở chân bằng nylon, khỏi phải tháo dép giầy nữa, cứ thế đi lẹp xẹp vô bàn phật, lễ lạy, đảnh lễ xong, chào, ra cửa sau, xuống thang cũng lẹp xẹp với giầy, dép bao bao nylon rồi ra về luôn.

 

Bác bếp ngồi ngay cửa sau chùa, bác bếp ngồi đó đặng phát tặng cho mỗi người một hộp đồ ăn chay của chùa, mang về nhà ăn… khỏi lấy 2, 3 lần mất công qua lại hấm hứ nhau !

 

… Cửa vô chánh điện lại không bị tồn ứ đọng một lố giầy dép, chồng chất lên nhau, như mọi ngày trước, coi lịch sự và trang nghiêm hơn !

 

Chúng tôi cũng được phát mỗi người một chai nước suối uống, thêm một chai nước suối để tự mình rót ra làm lễ tắm phật như gột rửa lòng mình hay suy nghĩ vẩn vơ, lạc ra ngoài chánh niệm… cảnh quang không lùm sùm múc lên múc xuống như mọi năm trước đây…

 

A Di Đà Phật

« Trang nghiêm đài sen ngự tòa

Đại hùng tù phụ Thích Ca…

…………………………………………..»

 

Hôm sau buổi lễ, chúng tôi rủ nhau trở lại chùa, tính phụ thu dẹp… bàn ghế, nồi soong, chén bát v.v…

 

Vừa đặt chân vô cổng hẹp, chúng tôi đã nghe chị Diệu Thảo khoe:

- Nè, bác bếp thủ quỹ được giấy khen của mairie đấy… nhờ bác khéo tổ chức đại lễ đản sinh đức phật hôm rồi. Đại lễ gọn gàng mà không kém phần trang nghiêm, lại đúng tiêu chuẩn phòng ngừa đại dịch covid.

 

- Xạo, xạo, ba xạo… vừa thôi nhe, tụi này đoán ra rồi. Giấy khen là mairie họ gửi khen thầy, mà thầy tẩy tên thầy đi, ghi tên Không Thích vô, cùng họ nguyễn cả… dễ ợt hà!

Chùa của tôi… vui là thế.

A Di Đà Phật
Mùa Phật Đản 2021

Chúc Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.