Tạp chí Army Times, số ra ngày 29-1-2001, cùng một trang, loan hai bản tường trình về quan điểm của hai vị Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, sắp bàn giao cho nhau. Ô. William Cohen của Dân chủ và Ô. Donald Rumsfeld của Cộng hoà cùng nói một lời, việc phòng chống phi đạn là tối cần thiết cho nền an ninh quốc gia Mỹ. Cốt lõi của giá trị và sức mạnh của nền dân chủ Mỹ nằm ở chỗ đó. Hễ vấn đề nào liên quan đến an ninh nước Mỹ và quyền lợi nhân dân Mỹ, hai đảng Cộng hòa, Dân chủ vẫn một lòng.
Mười ngày trước khi bàn giao Bộ Quốc phòng cho vị tân bộ trưởng, Ô. William Cohen phổ biến một bản tường trình báo nguy, vũ khí phi qui ước (nguyên tử, sinh học, và hóa học) đang hăm dọa nền an ninh Mỹ. Ô. Donald Rumsfeld, người sắp nhận bàn giao, nhấn mạnh hơn mối đe dọa ấy trong thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Theo Ô. Cohen việc phổ biến và giao nhận vũ khí giết người hàng loạt nói trên đang trở thành một sự thật phải chấp nhận. Một số nước rất thèm muốn thủ đắc số vũ khí của Liên sô. Và, với hiện tượng tài chánh bị lũng đoạn của Nga bây giờ, những vũ khí nguy hiễm ấy dễ bị lọt ra chợ đen. Rất nhiều những chuyên viên vũ khí tài ba, kinh nghiệm của Liên sô cũ nay không được trả lương hay hưu liễm; kinh nghiệm và kiến thức của họ sẽ là những món hàng không ít các nước đang cần. Do vậy nguy cơ phổ biến vũ khí phi qui ước gia tăng, trở nên trầm trọng.
Theo bản tường trình của Ô. Cohen có năm nước khả năng sản xuất vũ khí giết người hàng loạt, có thể gây nguy hại cho Mỹ.
Thư nhứt là Bắc Hàn. Nước này có đủ chất plutonium để sản xuất ít nhứt một loại vũ khí nguyên tử và có thể đang sản xuất lén theo nhận xét của nhiều viên chức Mỹ. Bắc Hàn cũng đủ khả năng sản xuất vũ khí vi trùng từ thập niên 60 và có thể đang sỡ hữu nhiều hóa chất cho vũ khí hóa học.
Trong tiến trình hòa đàm với Nam Hàn, Bắc Hàn khăng khăng đòi hỏi thời hạn một năm để thử nghiệm hỏa tiễn tầm xa.
Ngày 17-1 vừa rồi, Mỹ đồng ý cho Nam Hàn thiết trí hỏa tiễn tầm xa 200 dặm, nặng tối đa 1.100 pounds, bắn tới hầu hết các thành phố của Bắc Hàn. Trước đó, từ 1979, Mỹ chỉ đồng ý cho Nam Hàn sử dụng hỏa tiễn tầm 100 dặm.
Thứ hai, Trung Quốc, qua tuyên bố của các nhà lãnh đạo, nói rõ khả năng nguyên tử và tầm xa của hỏa tiễn là yếu tố chánh tạo uy tín và sức mạnh của nước này. Nhiều giới chức Mỹ tin rằng Trung quốc hiện có vũ khí hóa học, vi trùng, và trễ nhứt là năm 2015, sẽ có hàng chục hỏa tiễn bắn tới Mỹ.
Thư ba, Ấn độ và Pakistan đã có vũ khí nguyên tử và đang phát triễn phi đạn tầm 1000 dặm. Mỹ phải tăng cường ngoại giao nhiều mới mong ngăn cản được.
Thứ tư, Iran đang sản xuất phi đạn tầm trung, dựa trên kiểu của Bắc Hàn và với sự trợ giúp to lớn của Nga và Trung quốc.