Hôm nay,  

Những Ngày Sống Bên Cạnh Thi Hào Bùi Giáng

03/10/202111:50:00(Xem: 3128)

"Đêm đêm đội nón lên chùa
Hỏi thăm Phương Trượng một mùa mưa xuân"


Bùi Giáng

Khi nhà xuất bản An Tiêm cho phát hành Lời Cố Quận, tác phẩm của triết gia Đức Martin Heidegger giảng giải thơ Hoelderlin do Bùi Giáng dịch. Một bữa nọ, có lẽ từ nhà xuất bản về, Bùi Giáng cho tôi một bản đặc biệt, rồi ông nói với tôi: "Tao có trích một bài thơ của mày trong đó". Bùi Giáng vẫn thường gọi tôi "mày" và xưng "tao" với tôi như vậy. Tất nhiên tôi rất hãnh diện vì được Bùi Giáng đã xem tôi như người rất thân của ông. Cầm quyển sách trong tay, tôi cứ nghĩ là Bùi Giáng chỉ nói vậy cho vui thôi, vì tôi thì chỉ biết đọc thơ chứ đã làm được bài thơ nào đâu mà trích với dịch. Biết vậy, nhưng tôi vẫn lật từng trang để tìm thử, thì quả là có bài thơ đề tên tôi thật. Bài thơ ấy cho đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ, bài thơ như thế này:

Giọt mù sương cố quận
Bước chân về dặm xa
Xa vời bóng Thích Ca
Con đi từ ngõ hẹp
Con đi từ nhớ mong
Một con đường đi vòng
Đến bên chân rừng núi
Con ngồi bên bờ suối
Kính tặng một bài thơ

Sau 1975 vì phải dời đổi chỗ ở nhiều lần, nên sách Bùi Giáng của tôi gần như thất lạc hết, trong đó có quyển Lời Cố Quận. Bởi vậy nên hiện giờ tôi cũng chẳng còn nhớ bài thơ đó nằm ở trang mấy nữa, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, dù có sách của Bùi Giáng ở bên mình hay không thì cũng chẳng quan trọng gì mấy. Vì Bùi Giáng vẫn hiện diện sẵn đó, trong tâm hồn sâu thẳm của tôi, không phải chỉ tác phẩm thôi, mà còn cả chính cuộc đời của ông nữa, một cuộc đời có thể nói là đã hiến dâng trọn vẹn cho thi ca, cho cái đẹp của cuộc đời vậy.

Dưới bài thơ, tôi còn nhớ Bùi Giáng viết: "Đó là bài thơ tuổi nhỏ phát Bồ Đề tâm thăm thẳm và hy hữu của Đại đức Thích Phước An". Tôi đọc chậm rãi từng câu và xúc động vô cùng. Xúc động không phải vì mình được đứng tên một bài thơ không phải do chính mình làm ra, cũng không phải vì được Bùi Giáng lưu tâm, mà xúc động vì qua bài thơ đó, Bùi Giáng đã mở mắt cho tôi thấy tuổi thơ cũng như con đường tôi đang bước đi thơ mộng và cao đẹp biết chừng nào. Vậy mà dường như tôi đã vô tình quên mất, để chạy theo cái đẹp phù phiếm bên ngoài.

Tôi nhớ có một lần Bùi Giáng đã hỏi tôi sanh ở thôn quê hay thành thị? Đi tu hồi mấy tuổi? Tôi hơi ngạc nhiên, vì nghĩ rằng ở vào địa vị của ông thì ông bận tâm chi đến chuyện riêng tư của người khác, nhất là người đó còn nhở và chưa làm được chuyện gì ra hồn cả. Nhưng vì thấy ông hỏi rất nghiêm chỉnh chứ không hỏi cho có hỏi, nên tôi khai thật với ông rằng, vì mồ côi cha từ hồi mới sanh, nên được ông chú đang Trù trì một ngôi chùa tại vùng quê hẻo lánh ở Bình Định đem đi tu tận hồi 7, 8 tuổi gì đó. Khi nghe tôi nói sanh ở thôn quê thì Bùi Giáng gật đầu: "Vậy là được rồi". Tôi không nghĩ là Bùi Giáng nói để an ủi tôi, mà ông nói rất thật theo quan niệm của ông, vì có một lần ngồi uống cà phê sáng với ông ở một cái quán gần chợ Trương Minh Giảng, quán có rất đông người. Bùi Giáng nhìn đám đông có vẻ hơi bực bội rồi ông nói với tôi:

"Bọn làm văn nghệ văn gừng suốt cả đời chỉ chạy lui chạy tới mấy cái quán cà phê mắc dịch ở Sài Gòn này, chẳng bao giờ bọn chúng nhìn thấy núi cao biển rộng hay sông dài, thì chúng làm được cái trò trống gì chứ?"

Và Bùi Giáng cũng đã nhiều lần kể cho tôi nghe, hồi thời kháng chiến chống Pháp, ông đã từng một mình mang ba lô trên vai đi bộ từ Huế ra đến Hà Tĩnh. Bùi Giáng đến Hà Tĩnh vào một buổi chiều có nắng rất đẹp. Nhưng ông nói, người dân ở xứ ấy nghèo khổ quá, phải thay trâu bò mà kéo cày, nhưng ông cho rằng, chính từ cái nghèo khổ ấy nên mới tạo ra những thiên tài vô song của Hồng Lĩnh (Bùi Giáng muốn nói đến Nguyễn Du ở thế kỷ 18 và Huy Cận bây giờ). Về sau ý này được ông viết lại trong bài viết về Huy Cận trong tập Đi Vào Cõi Thơ, một tác phẩm bình thơ nổi tiếng của ông.

Cũng thế, phải được sinh ra và lớn lên từ một vùng quê nghèo khổ ở miệt nhà quê Quảng Nam thì Bùi Giáng mới làm được những câu thơ chết người như thế này:

Ruộng đồng không mọc lúa mùa
Từ hôm cánh mỏng cò lơ tiếng buồn
Đêm nào nhỏ giọt khe mương
Đêm nay rớt hột mù sương bây giờ

Chắc chắn có một số người nghĩ rằng thơ là một thứ gì rất vô ích, chỉ để dành cho những người vô công rỗi nghề ngồi mơ mộng vớ vẩn. Nhưng chắc chắn có một số người sẽ nghĩ ngược lại rằng thơ có một sức mạnh lạ lùng, sức mạnh ấy có thể làm thay đổi triệt để tâm hồn cũng như cách nhìn của con người đối với cuộc đời.

Với tôi, hễ mỗi lần đọc bốn câu thơ trên của Bùi Giáng là mỗi lần tôi cảm thấy như thương yêu cuộc đời này hơn, ngay cả những ngày ấu thơ bơ vơ lạc lõng ở một vùng quê nghèo khổ dạo nào cũng trở thành đáng yêu một cách lạ lùng.

Vào khoảng cuối năm 1973 tôi có viết được một tùy bút ngắn nhan đề là Tuổi thơ nghe cọp rống, được đăng trên báo Thời Tập, một bán nguyệt san văn nghệ rất nổi tiếng thời bấy giờ. Đại khái tôi muốn nói lên lòng say mê của tôi đối với ngôi chùa mà tuổi thơ tôi đã từng in dấu. Trên đầu bài viết tôi có trích hai câu thơ của Bùi Giáng:

Sẽ đi cùng bước chân mùa
Bóng vang sầu cũ tháp chùa rộng thênh
(Mưa Nguồn)

Khi báo phát hành thì không có Bùi Giáng ở Sài Gòn, ông đang đi ngao du ở tận miền Lục tỉnh. Một buổi chiều tôi đang ăn cơm với quý thầy ở đại học Vạn Hạnh thì Bùi Giáng về, ông hối tôi ăn cơm nhanh lên để ông có chuyện cần nói gấp. Ăn xong tôi ra hành lang gặp ông, ông nói: "Tao đang đi dạo phố ở Cần Thơ thì có một cô gái bán sách rất đẹp, kêu tao vào đưa cho xem tờ Thời Tập, cô ấy bảo hai câu thơ tao làm rất hay, mà bài viết của mày lại còn hay hơn". Tôi biết là chẳng có cô gái nào khen cả mà Bùi Giáng bày chuyện như vậy để khuyến khích tôi vậy thôi. Nhưng dù sao một người mới tập tành viết lách như tôi mà được Bùi Giáng khen thì nhất định phải sung sướng hơn được các cô gái khen rồi.

Nhiều khi đọc những câu thơ của Bùi Giáng nhắc đến ngôi chùa, tôi ngạc nhiên tự hỏi, tại sao ông lại có thể cảm nhận được hết tất cả cái đẹp tịch liêu của những ngôi chùa, nhất là những ngôi chùa ở tận xóm quê xa xôi mà những người ở đó suốt đời chưa chắc họ đã cảm nhận được? Tại ông là kẻ lữ hành cô độc chăng? Vì cô độc nên mới có cái nhạy cảm xuất thần đến như vậy chắc?

Vào thôn xóm nọ một chiều
Qua xuân tới hạ ghé chùa chiền hoa

Bùi Giáng bắt đầu biết đến Phật giáo khi ông còn đi học ở Quảng Nam. Hồi ấy thỉnh thoảng ông có đến dự các lớp học Phật do bác sĩ Lê Đình Thám phụ trách (tưởng cũng cần nhắc lại là bác sĩ Lê Đình Thám pháp danh Tâm Minh là một trong những người có công nhất trong cuộc chấn hưng Phật Giáo vào những năm đầu thế kỷ 20. Bác sĩ cũng là thầy của nhiều bậc cao tăng của Phật Giáo Việt Nam hiện nay và đồng thời là người đồng hương của Bùi Giáng).


Bùi Giáng kể rằng, có một bữa ông đã đứng nghe say sưa bác sĩ Thám giảng kinh Hoa Nghiêm, vì vậy mới có hai câu thơ này trong Mưa nguồn:

Cõi bờ con mắt hoa nghiêm
Tường vôi lá cỏ lim dim vô cùng

Và có lẽ cũng từ ngày ấy, tại Việt Nam xuất hiện một cõi thơ mà ngôn ngữ của cõi thơ ấy cũng hoành tráng, cũng tuôn chảy ào ạt. Phải chăng cõi thơ ấy đã gợi hứng cũng từ suối nguồn Hoa Nghiêm kinh của Phật giáo?

Vì con mắt một lần kia đã ngó
Giữa nhân gian bủa dựng một bầu trời
Đài vũ trụ hồn chiêm bao rạng tỏ
Một nụ cười thế giới sẽ chia đôi
(Mưa Nguồn)

Lần đầu tiên tôi được nghe nhắc đến tên Bùi Giáng là vào năm 1961, khi tôi đang còn là một chú tiểu ở Phật học viện Hải Đức Nha Trang. Hồi ấy có lẽ do tánh hay tò mò của trẻ con, nên tôi thường leo lên Thiền thất của Phật học viện đứng ngoài cửa sổ để nhìn vào phòng của một thanh niên trẻ khoảng chừng 20 tuổi, mà tôi thường được các thầy lớn tuổi nói là thông hiểu đến năm sáu ngôn ngữ. Cả ngày gần như thanh niên này không ra khỏi phòng, lúc nào cũng bận rộn với đủ thứ sách chất đầy trên bàn viết cũng như cả trên giường ngủ. Người thanh niên ấy không ai khác hơn chính là anh Phạm Công Thiện. Có lẽ vì thấy tôi còn nhỏ mà lại thích đọc sách, nên tôi được anh rất thương, anh cho tôi xem các bài viết của anh, trong đó có bản thảo về Bồ Đề Đạt Ma cùng một số chương của tác phẩm Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học, anh cũng còn cho tôi xem các bài thơ của Hoàng Trúc Ly, của Hoài Khanh. Nhưng chỉ có Bùi Giáng là được anh nhắc đến hàng ngày, anh cho tôi xem các bài thơ của Bùi Giáng do chính Bùi Giáng viết gởi ra tặng anh. Một số bài sau này tôi thấy có in trong Mưa Nguồn, Ngàn Thu Rớt Hột và Lá Hoa Cồn. Anh Phạm Công Thiện cũng hứa với tôi là khi nào có dịp vào Sài Gòn sẽ dẫn tôi đến thăm Bùi Giáng.

Năm 1964, anh Phạm Công Thiện được mời vào Sài Gòn để dạy triết Tây tại Viện cao đẳng Phật học vừa được mở tại chùa Pháp Hội (tiền thân của Viện Đại học Vạn Hạnh sau này), tôi được anh cho đi theo. Tôi nhớ anh đã dẫn tôi đến thăm Bùi Giáng vào một buổi chiều, trong một căn nhà ở hẻm Trương Minh Giảng, căn nhà rất ẩm thấp, chật hẹp, gần như không có chỗ cho khách ngồi. Tôi thấy có mấy bức tranh vẽ còn dở dang, sách vở báo chí bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Hán, Đức, vất lung tung dưới sàn nhà, trên giường nằm. Bùi Giáng mời Phạm Công Thiện một điếu Bastos đỏ (thuốc rẻ tiền nhất thời đó). Đã hơn 35 năm qua rồi nên tôi chẳng còn nhớ được hai người đã nói với nhau những gì, tôi chỉ còn nhớ là khi tiễn Phạm Công Thiện ra cửa, Bùi Giáng nói: "Chắc rồi sau này tôi cũng sẽ như anh" (lúc đó Phạm Công Thiện đã mặc áo tu với pháp danh là Nguyên Tánh).

Buổi gặp gỡ Bùi Giáng lần đầu tiên ấy đã để lại ấn tượng sâu xa trong ký ức của tôi. Càng lớn lên, tôi mới càng nhận ra một điều rất giản dị rằng, chỉ có những người dám từ bỏ những thú vui tầm thường của cuộc đời, thì những người đó mới là kẻ đem niềm vui đến cho cuộc đời một cách dài lâu nhất.
Năm 1964, có thể được xem như là năm khởi đầu cho vận hội mới của Phật Giáo Việt Nam sau hơn một thế kỷ bị kỳ thị và phá phách bởi thực dân Pháp và tiếp đến là chính phủ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Mọi sinh hoạt như đang được hồi sinh, trong đó sinh hoạt về tư tưởng và văn hóa được xem như rầm rộ nhất. Một tạp chí văn nghệ có tên là Giữ thơm quê mẹ do Thiền sư Nhất Hạnh chủ biên, thi sĩ Hoài Khanh thư ký tòa soạn được ra đời, quy tụ hầu hết các nhà văn nhà thơ lớn của miền Nam, trong đó Bùi Giáng và Phạm Công Thiện được xem là hai cây bút chủ lực. Năm 1965 nhà xuất bản Lá Bối lại cho phát hành tập DIALOGUE, do các nhà văn nhà thơ của Phật Giáo Việt Nam gởi cho các nhà văn nhà thơ cùng các nhà nhân bản trên thế giới, kêu gọi họ hãy lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh đang gây ra thống khổ và chết chóc cho dân tộc Việt Nam. Tập sách đã gây được tiếng vang trong cũng như ngoài nước. Tuy vậy theo sự đánh giá của giới trí thức thì bài của Bùi Giáng gởi cho René Char thi sĩ Pháp và Phạm Công Thiện gởi cho Henry Miller nhà văn Mỹ là hai bài có tầm cỡ nhất để mở ra một cuộc "ĐỐI THOẠI" đúng nghĩa giữa các nhà trí thức Đông và Tây. Có thể nói chỉ trong một thời gian ngắn, những thế lực văn hóa phi dân tộc vốn được sự hỗ trợ tích cực của chế độ Thiên Chúa giáo đã mau chóng bị giới trẻ trí thức ở thành phố lãng quên, chưa nói là còn bị lên án nặng nề nữa, và truyền thống văn hóa của Phật giáo và dân tộc đã được hồi sinh. Tất nhiên, Bùi Giáng và Phạm Công Thiện là hai cây bút hàng đầu trong công cuộc làm hồi sinh này. Một bài báo tổng kết 10 năm sinh hoạt văn hoá Phật giáo (1964 -1974) được đăng trên báo Hải Triều m của Tổng vụ Văn hóa Phật giáo, tôi nhớ tác giả bài viết đã kết luận đại khái như thế này: "Sau những bài viết triết lý dậy lửa của Phạm Công Thiện và sau cõi thơ phiêu bồng của Bùi Giáng, những người trẻ tuổi luôn luôn thấy hình bóng lồng lộng của các Thiền sử..."

Có một chuyện rất "vui tươi" hay "tếu" (những tiếng mà lúc sinh thời Bùi Giáng vẫn thường dùng). Tôi được xin kể lại sau đây, hy vọng sẽ giải đáp được phần nào những điều mà một số người vẫn ngộ nhận về Bùi Giáng. Một bữa đi chơi về, Bùi Giáng kêu tôi lại, rút trong đẫy vải ra một tờ báo, đó là tờ báo của sinh viên Quảng Đà đang theo học tại các đại học Sài Gòn (1974), ông chỉ vào chữ Quảng Đà và nói với tôi: "Mấy thằng Quảng Đà cứ tụ năm tụ ba ở mấy cái quán mì Quảng nhậu nhẹt suốt ngày rồi còn khoe mình là con cháu của Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, .v..v.". Ngừng một lát Bùi Giáng nhìn tôi với cặp mắt long lanh rồi nói tiếp: "Tao mà chế được bom nguyên tử tao sẽ dội trên đầu bọn chúng mỗi ngày ba trái, sáng một trái, trưa một trái, chiều một trái".

Chúng ta có thể tự hỏi không lẽ nào cái nơi chôn nhau cắt rốn ấy, nơi mà những địa danh như Vĩnh Trinh, Thanh Châu, Quế Sơn .v..v. đã tràn ngập trong những bài thơ của Bùi Giáng với tất cả sự nhớ thương da diết, mà ông lại nỡ thù ghét đến vậy sao? Mà Bùi Giáng thù ghét để làm gì chứ? Hay là Bùi Giáng muốn che giấu điều gì sau những lời lẽ có vẻ như "thô lỗ" này? Ít ra cũng đã một lần Bùi Giáng hé mở cho ta thấy được những tình cảm mà Bùi Giáng muốn giấu kín tận đáy lòng sâu thẳm. Tôi xin được trích ra đây để thay cho lời kết:

"Trong một cuộc vui, ta hỏi họ vài điều. Họ lơ đễnh thờ ơ, ta tưởng họ kiêu bạt. Trong lúc mọi người đang gào khóc giữa một đám tang, họ phiêu phiêu đi qua, trong có vẻ mỉm cười niêm hoa vi tiếu. Ta tưởng họ tàn nhẫn thô bạo. Niềm vui, nỗi buồn của họ, dường như chẳng có chi giống nỗi buồn của chúng ta. Do đó chúng ta trách móc họ một cách lệch lạc hết cả, Par manque de justice interne". (Đi Vào Cõi Thơ trang 6-7, NXB Ca Dao, Sài Gòn 1969).

Nha Trang, những ngày cuối Thu hoài niệm.
Thích Phước An

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.