Hôm nay,  

Phương Xa Hái Thuốc

03/10/202111:35:00(Xem: 1912)

 


Tản mạn về những kỷ niệm với Thầy Phước An qua “đơn đặt hàng” của anh Nguyễn Hiền-Đức.


[ Một ] 

Mây bay hạc lánh

Sư đà hái thuốc phương xa,

Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu?

Cụ Tố Như thật tài tình khi viết những câu thơ ấy. Một vị Sư vừa ra tay cứu vớt một con người, một nạn nhân (lại là một phụ nữ) trong thời phong kiến xa xưa, một con người quá ư trầm luân khổ nạn. Sư còn từ bi bắc một nhịp cầu cho con người kia đoàn viên cùng gia đình cha mẹ, anh chị em và cả với người yêu cũ. Khi hoàn thành đại thiện nghiệp ấy, sư còn làm một việc còn cao quý hơn thế nữa: Sư quảy gánh lên đường đi hái thuốc cứu đời. Nhưng Sư Giác Duyên đâu phải chỉ cứu cuộc đời của một nàng Kiều. Sư đã cứu một giấc mơ, giấc mơ sống một cuộc đời bình thường như một người bình thường. Một giấc mơ? Không, cả chục những giấc mơ trong cảnh sum họp đoàn viên ấy. 

Nhưng mắc mớ gì tôi lại giải Kiều ở đây? Có ai bói Kiều đâu.

Không, tại vì chính cái hình ảnh “Sư đà hái thuốc phương xa” ấy. 

Tôi có quen biết một con người như thế. Trong ba năm sống gần gũi nhau, tôi không tài nào hiểu được hành tung “lúc ẩn lúc hiện” của vị tăng sĩ trẻ ấy (bây giờ thì đã là một vị Hòa Thượng khả kính). Có khi trong một thời gian dài ngày nào cũng gặp Thầy, cũng cười cười nói nói vui vui. Rồi bỗng cả mấy tháng không thấy. Lúc gặp lại hỏi thì nghe trả lời: tôi về ở hầu ôn Già Lam, an cư kiết hạ ngoài Đồi Trại Thủy Nha Trang, về Bình Định thăm chùa Tổ… Giờ thì tôi mới hiểu, đi đâu thì đi nhưng tấm lòng của Sư vẫn là đi hái thuốc.

Cố nhớ kỹ lại, tôi vẫn không nghĩ ra là tôi đã gặp thầy Phước An lần đầu vào dịp nào (dĩ nhiên là ở Vạn Hạnh, trong năm 1972, nhưng trong hoàn cảnh nào?). Chỉ nhớ rằng quen nhiều và thân với thầy lắm. Phòng 317 Nội Xá Vạn Hạnh là phòng ở của quý thầy trẻ, là những người tôi rất thân, và đây là một phòng mà tôi có thể ra vào bất cứ lúc nào. Tôi có thể mở cửa vào mà không cần phải gõ cửa, có thể nằm đâu đó đánh một giấc ngon lành mà chẳng ai la rầy hay phiền hà gì mình cả. Và thầy Phước An là một trong những vị đã ở phòng này. Thầy người dong dỏng cao, mặt mày khôi ngô tuấn tú, hay cười. Thầy quen biết nhiều, ai cũng thương ai cũng mến thầy. Nhưng điều tôi cảm phục và thắc mắc mãi là thái độ an nhiên tự tại của thầy. Thầy không cần tiền bạc, không ưu tư chức vụ, không hề phiền hà trách móc chê bai bất cứ một ai. Thầy cũng là người hay rủ tôi đi chơi hay đi thăm viếng những bậc kỳ nhân. Tôi từng cùng thầy đi đến thăm song thân và gia đình anh Phạm Công Thiện ở Mỹ Tho, ở chơi vui vẻ ăn cơm xong rồi mới đón xe đò về. Thầy từng dắt tôi đi đến nhà nhà văn Đỗ Long Vân, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… Kể cả việc vào “thăm và phá” thầy Tuệ Sỹ hay thầy Chơn Hạnh tôi cũng thường hay đi với Thầy. Có thầy thì mới vui. Có thầy thì câu chuyện mới thêm thi vị. Và có thầy thì tôi cũng được phép gọi mấy đại sư ấy là anh luôn. Thầy có một kiểu cười quá ư là hỉ hả an lạc làm ai cũng vui theo. Không ai có thể phiền thầy cả, dù bận rộn cách mấy đi nữa. 

Rồi khoảng cuối 1974 thầy lại ra đi, không lời từ giã, như một đám mây bay. Sau này đọc lại thì tôi mới biết thầy cùng thầy Tuệ Sỹ đi về Hải Đức rồi tử đó đi về vùng núi đồi Vạn Giả. Làm gì ở chỗ núi cháy nắng khỉ ho gà gáy này? Thưa, đã nói rồi: hái thuốc phương xa…

Tôi cũng đi, còn đi qua tận bên kia của nửa vòng trái đất, qua khỏi Thái Bình Dương. Mây bay trên trời vậy mà còn dễ thấy, nhưng hạc lánh thì biết phương nao? Tin tức về thầy chỉ thỉnh thoảng tôi mới biết được qua các bài viết được đăng tải trên các mạng Internet ở hải ngoại. Mãi đến năm ngoái, nhờ những đám mây bay kiểu dạng iCloud trên vòm trời Internet chúng tôi mới có thể liên lạc được với nhau.

Thầy Phước An khác với những vị ở Vạn Hạnh xưa. Thầy rất thích thơ, lại phê bình thơ. Thầy hay giao du thân thiết với những nhà thơ lớn như Bùi Giáng, Tuệ Sỹ, Quách Tấn, Hoài Khanh v.v… Như vậy mà tự mình thầy không làm thơ (ít nhất là tôi chưa thấy bao giờ). Nhưng ông thầy này lại thích viết văn, viết nhiều bài tản văn nhiều trang. Đọc văn của thầy mê chết được nhưng phải đọc nghiêm túc, đọc đi dọc lại vì dài và có khi khó hiểu, nhiều chi tiết (tôi cũng bị lây bệnh ấy). Lâu lâu thầy phán cho một câu lạnh tóc gáy, ôm vác trên lưng nhiều ngày đêm mới lý giải được. Tôi sẽ nói rõ tiếp sau.

[ Hai ] 

Đủ thiếu – Đầy vơi

Bây giờ tôi xin phép kể ở đây một câu chuyện thiền trước. Câu chuyện về một tuần trà giữa một thiền sư và một học sĩ. 

Chuyện rằng, một học sĩ nọ trong một ngày đẹp trời kia lặn lội chốn sơn môn để gặp một thiền sư vấn đạo. Sau khi chào hỏi, chủ khách phân ngôi tọa vị, thiền sư thân hành nấu nước châm trà mời khách uống. Thiền sư an nhiên tự tại, chậm rãi từng động tác nhóm bếp châm lửa, chờ nước sôi, súc bình trà. Nói chuyện đạo thì vội vàng chi. Nhưng vị học sĩ kia thì quá sốt ruột, ông muốn nói ra ngay những kiến giải của mình. Ông ta muốn cùng thiền sư đàm đạo ngay. Kiểu tranh thủ thời gian ấy mà! Thì giờ của một bậc học sĩ quý lắm, từng phút từng giây là vàng, là bạc, là kim cương. Mấy lần ông ta đã định lên tiếng nhưng đều bị thiền sư đưa tay ngăn lại. Ông lại lịch sự chờ. Học sĩ thường rất trọng lịch sự. Cuối cùng thì nồi nước cũng đã sôi và bình trà cũng đã được chế ra và đặt trên bàn. Hai chiếc chung uống trà xinh xinh cũng vừa được sắp sẵn. Thiền sư cứ chậm rãi, chậm rãi rót trà vào chiếc chung trà của khách. Mùi trà bốc lên thơm ngát ngập cả thiền thất. Thiền sư chăm chú ngắm làn nước xanh ngon của nước trà và rót, và rót… rồi lại cứ tiếp tục rót.

Thầy ơi, coi chừng, chung nước trà sắp đầy tràn rồi đó. Khách la lên. Thiền sư vẫn yên lặng rót tiếp.

Nó tràn ra bàn, ướt hết cả rồi đó! Khách lại lên tiếng lần nữa và lẩm bẩm nghĩ bụng. Ông Thầy này tu gì sao mà vô ý vô tứ quá, làm ướt cả tập bản thảo ghi chú nhiều ý tưởng độc đáo của mình về đạo, mình đã bỏ bao nhiêu công phu ghi chú soạn thảo và đang muốn đàm đạo những điều ấy với ông ta. 

Như không nghe thấy, thiền sư vẫn yên lặng rót trà tiếp cho đến khi bình trà đã cạn hết. Chưa xong, thầy còn định đứng dậy đi đến chỗ nồi nước sôi để châm thêm nước vào. Không nhịn được vị học sĩ đứng dậy kéo áo thiền sư đứng lại và nói lớn:

- Ông Thầy có điên không? Nước trà châm xong chưa uống được giọt nào, lại rót đổ tung ướt cả sàn nhà rồi. Tôi từng nghe danh Thầy nên đến đây cầu học đạo chứ đâu ngờ lại gặp ông thầy tu vô ý vô tứ như ông. Chỉ mỗi việc pha trà mà cũng không xong, chánh niệm đã bỏ đi chơi xa rồi sao? Ôi thôi, thời mạt pháp! Những tài liệu ghi chú của tôi cũng bị ông làm ướt nhèm cả chữ rồi, làm sao tôi đọc được nữa. Rõ khổ.

Lúc này thiền sư mới nghiêm trang nhìn thẳng vị học sĩ và ôn tồn trả lời:

- Lành thay, lành thay! Thí chủ vừa nói là những tờ giấy kia không còn đọc đấy ư? Lành thay! Thí chủ lặn lội đường xa đến đây tìm lão sơn tăng này để học đạo, nhưng làm sao thí chủ có thể học được với cái đầu đặc cứng này ấy?

- Này ông thầy tu ngạo mạn kia, ông không cần phải lăng nhục người khác đâu. Tôi là một luận giả, là người từng nghiên cứu Phật Đà trong bao nhiêu năm qua, từng đọc không biết bao nhiêu bộ kinh, bộ luận…

- Đích thị. Chính thế. Cái đầu của ông đã đặc cứng, đã bị ngập tràn bao nhiêu kiến thức ấy. Hay có dở có, trong có đục có, sạch có dơ có. Ông không thấy sao, chung trà đã đầy rồi thì dù lão tăng có rót thêm vào nó cũng tràn ra. Nó còn chảy lai láng ướt cả bàn ghế, làm dơ dáy cả nền nhà thiền thất của bần tăng rồi đó. Ngươi chưa thấy sao?

- Ô… ô!

- Rõ chưa, cái đầu đặc cứng kia? Thiền sư dõng dạc nói lớn từng chữ.

- Dạ, dạ… dạ rõ. Nhưng bây giờ … con phải làm sao? Vị học sĩ bối rối và ấp úng trả lời.

- Được rồi. Nhà ngươi đừng buồn, ta sẽ có cách giúp ngươi. Nhưng trước khi đến học thiền, học đạo với ta, nhà ngươi hãy quay về dọn sạch cái “chung đựng trà” ấy trước. Có vậy ta mới có thể rót trà vào được chứ. Rõ không?

Hai chữ “rõ không” cuối cùng vang rền như một tiếng hét lớn. Bên ngoài khung cửa sổ, hai chú chim hoàng anh đang hót líu lo bỗng nhiên ngưng bặt. Một chú chim non nghiêng đầu nháy mắt chỉ cho bạn xem. Phía bên trong thiền thất không khí như chùng xuống. Ở đó có hai con người đang yên lặng. Một vị thiền sư khả kính đang đứng thẳng nhìn xuống, về hướng ấy có một học sĩ đang cúi mọp mình xuống đất, ôm bàn chân thiền sư sau khi phủ phục đảnh lễ và đang sụt sùi xúc động khóc. Trời cũng vừa nhá nhem tối…

Câu chuyện này tôi đã đọc được dễ chừng ba, bốn mươi năm trước, nhớ sao ghi lại ra đây, xin cắm thêm chút hoa chút lá vào cho đề huề vui vẻ. Mãi đến gần đây, khi tôi đọc được những dòng chữ trích dẫn tiếp theo dưới đây thì không những tôi đã hiểu và thấm thêm cái nội dung thâm diệu kia mà còn như nghe văng vẳng được bên tai được tiếng hét vang rền của Ngài Lâm Tế. Tôi cũng sung sướng nhận ra rằng, chút trí thức mình có được và mang vác theo cả đời có khi lại trở thành gánh quá nặng cản trở bước đường tu tập. Qua sông thì cần đò, nhưng khi xong thì phải biết và dám can đảm vứt bỏ chiếc thuyền ấy. Biết vậy nhưng muốn làm được thì không dễ. Tôi quá tâm đắc những điều thế ấy.

“Dường như thế giới càng văn minh tiến bộ bao nhiêu, thì tâm thức của con người càng hoang mang và lạc lõng bấy nhiêu. Sự hoang mang đó có lẽ cũng giống như sự hoang mang của Thần Tú (một con người rất uyên bác) khi Ngũ Tổ bảo phải làm một bài kệ khác để trình cái sở chứng của mình: "Tâm trung hoảng hốt, thần tứ bất an, du như mộng trung, hành tọa bất lạc" (Trong lòng hoảng hốt, thần tứ chẳng an, dường như giấc mộng, đi ngồi chẳng vui). Nghĩa là bất an và đau khổ vì cái sở học uyên bác của mình. 

Có lẽ nhân loại đang đứng trước thế kỷ 21 này, nên khởi sự học lại từ đầu cái mà Lục Tổ Huệ Năng đã bị mắng là "nhĩ giá lạp lão bất tri" (con người man rợ này chẳng biết chi hết), thì mới mong tìm được một nền văn minh đích thực cho chính mình chăng?”

 [ Ba ]

Bên trong lõi một cành hoa là cái mộc mạc

Nhưng tôi vẫn còn có một thắc mắc về ông thầy (Hòa Thượng) Phước An này. Không biết sao mà con người ấy lúc nào cũng thấy cứ cười cười vui vui, chưa khi nào nghe than phiền nhăn nhó về ai. Hay là như thế này, có một cái gì khác thường ở con người mà lúc là chú tiểu mới bảy tuổi đầu đã từng nghe cọp rống trong một đêm khuya tại một ngôi sơn tự. Và  đôi vợ chồng cọp chỉ nằm cách mình một chiếc vách nan (nghĩa là gần sát lưng mình chứ không phải cách một song sắt như trong sở thú). Thế thì những chuyện đời ô trọc lêu bêu còn có đáng gì để nói. Tất cả chuyện khổ lụy cuộc đời khắp thế gian này chỉ là những chuyện nhỏ, nhỏ hơn chiếc lông cọp. Nhưng chỉ thấy khổ lụy thôi sao? Chưa đủ. Những bậc „Trí“ bước ra từ tri kiến ấy và họ mang đôi guốc tĩnh lặng đi tiếp trên bước đường đạo, đi an lạc bên cuộc đời mà không sợ bùn làm ố guốc. Ấy là chuyện hệ trọng. Bởi thế, ông thầy Phước An của tôi không những từng biết nghe tiếng cọp rống chốn sơn lâm mà còn có khả năng nghe được tiếng chú chim cu cườm gáy, nghe ra ngay kể cả khi nó gáy giữa lòng phố xá, giữa bao nhiêu cảnh ồn ào náo nhiệt. Chúng ta có khi chẳng còn nghe ra được tiếng chim hót lên trên cành giữa công viên đầy hoa đầy lá, vì ta quá bận rộn cho bao nhiêu toan tính âu lo. Tiếng chim hót còn nghe không ra, huống chi là nghe được tiếng hót ấy một cách thanh tịnh. Hãy cùng nghe Thầy Phước An kể chuyện.

Tôi vẫn còn nhớ có một đêm vào mùa đông, trời đất tối tăm mù mịt, khoảng nửa đêm bỗng đâu có hai con cọp, chắc là đi tìm mồi trên đường trở về núi, cọp dừng lại sau chùa rồi rống lên, tiếng rống của cọp làm kinh động cả núi rừng. Lúc đó tôi đang ngủ nơi nhà Tây của chùa, vách chùa lại mỏng quá vì chỉ trét bằng rơm và đất. Tôi sợ quá, nhưng không biết trốn ở đâu nên đành lấy chiếu trùm kín cả đầu để cho bớt sợ. 

(…)

Mặc dù còn quá nhỏ, cái tuổi chưa thể rời mẹ để vào ở hẳn trong chùa được, nhưng sở dĩ Sư chú vẫn muốn tôi vào chùa vì ông sợ tôi nhập bọn với lũ trẻ ngoài làng lang thang lêu lõng mà bỏ bê việc học hành. Tôi biết đó là tình thương đặc biệt mà Sư chú tôi đã dành riêng cho tôi, vì tôi vẫn thường nghe ông nói với Bổn Đạo của chùa “Tội nghiệp thằng nhỏ chưa sanh ra đời mà đã mồ côi cha”. 

Nhưng Sư chú tôi đâu biết được rằng, cái không khí tĩnh mịch của ngôi chùa cùng núi rừng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tuổi thơ tôi. Tôi có thể ngồi chơi một mình mà không cần nhập bọn quậy phá ồn ào với bọn trẻ nữa. Thay vì buổi trưa rủ nhau đi tắm sông hoặc bắt chuồn chuồn, châu chấu, cào cào đem về cho chim con ăn, thì tôi có thể ra ngồi dưới gốc cây xoài trước chùa để ngắm bầu trời cao rồi tha hồ nghe tiếng hót của các loài chim, nào chim chìa vôi, chích choè, chớp quạch, khứu, vv... Thỉnh thoảng lại nghe tiếng tu hú gọi bầy từ núi cao vọng xuống nữa, nhưng thích nhất vẫn là tiếng gáy của cu cườm. Chúng thường bay về đây từng đàn, đặc biệt là mùa gặt từ tháng 2 đến tháng 3. Con cu cườm ít đứng trên cây mà lại thường đứng trên các tảng đá sau chùa rồi cùng nhau gáy vang cả núi rừng trong những buổi trưa hè tĩnh mịch. Nhưng tôi lại ít thích nghe cu cườm gáy từng bầy, mà lại thích nghe từng con gáy. Nếu cu đứng càng xa thì tiếng gáy của nó càng mê hoặc đối với người nghe hơn nữa. 

Một buổi trưa, có lẽ là mùa hè, Sư chú tôi từ trên nhà Tây đi xuống gặp tôi ông liền nói: “Hồi trưa có con cu cườm ở đâu bay đến đậu nơi cây mít gần cửa sổ mà gáy. Tiếng gáy của nó nghe thanh tịnh quá!”. 

Câu nói vô tình của Sư chú tôi, một tu sĩ suốt đời chỉ quanh quẩn ở thôn quê, chưa hề đọc bất cứ một quyển sách nào nói về cái đẹp của thiên nhiên, nghĩa là chưa hề biết cái đẹp theo nghĩa trong sách vở là gì hết, vậy mà câu nói mộc mạc ấy đã đeo đuổi tôi đến tận bây giờ, nhất là bốn chữ cuối “nghe thanh tịnh quá”. Mahatma Gandhi có nói đâu đó rằng: ”Cái gì mà tuổi thơ ta đã sống thì cái đó sẽ điều động ta suốt cuộc đời”. 

Đúng là như vậy rồi. Trước đây cũng như bây giờ mỗi lần đi giữa phố bất chợt nghe được tiếng gáy của cu cườm từ một ngôi nhà nào đó vọng ra là tự nhiên tôi phải đi chậm lại để nghe cho kỳ được. Dù tiếng gáy của cu cườm bị tiếng động của xe cộ cùng sự ồn ào huyên náo của con người thành phố lấn át nhưng tôi vẫn có thể lắng nghe được tiếng vọng xa xôi từ một vùng quê tĩnh mịch của tuổi thơ dạo nào. Nơi đó, có ngôi chùa cổ vẫn đứng trầm mặc giữa bầu trời cao của mùa hạ.

Một tiếng chim gáy “nghe thanh tịnh quá”. Chỉ những ai có lỗ tai thanh tịnh mới nghe ra được tiếng gáy thanh tịnh ấy. Tại sao? Vì chỉ có cõi lòng thanh tịnh mới nhận ra giọng hót líu lo thanh tịnh của các loài chim quý Bạch Hạc, Khổng Tước… ở cõi Cực Lạc Đức Phật Vô Lượng Quang. 

 "Lại nữa, cõi nước Cực Lạc có những loài chim đủ các màu sắc như là: Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Vũ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già Cộng mạng, những loài chim đó ngày đêm sáu thời, hót tiếng thanh tao, diễn nói các pháp, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Thứ Giác Chi, Tám Phần Chánh Đạo, cùng nhiều pháp khác, chúng sanh cõi ấy nghe được tiếng pháp,  đều vui phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng…" 

Đọc đến đây thì tôi đã hoàn toàn hết thắc mắc. Tôi mơ hồ nhận ra rằng, cái nhìn, cái thấy, cái cảm nhận đó chính là cái thấy mà Ngài Huệ Năng ngày xưa từng thuyết (và thầy Phước An từng trích dẫn theo Pháp Bảo Đàn Kinh), ấy là

"Chất phác ở trong tâm, mộc mạc ở trí". 

Chỉ có cái chất phác này, cái mộc mạc ấy mới chính là hành trang cho chuyến du hành bước vào thế giới an vui cõi Cực Lạc (chứ không phải chiếc va li 25 ký lô hay chiếc ba lô đeo vai khi vào Check-in ở sân bay). 

[ Bốn ]

Vui đạo

Tác phẩm Lời Cố Quận (An Tiêm xuất bản 1968) có đăng một bài thơ kèm theo một lời ghi chú vô cùng đặc biệt như sau.

Giọt mù sương cố quận 

Bước chân về dặm xa 

Xa vời bóng Thích Ca 

Con đi từ ngõ hẹp 

Con đi từ nhớ mong 

Một con đường đi vòng 

Đến bên chân rừng núi 

Con ngồi bên bờ suối 

Kính tặng một bài thơ 

Ghi chú: Đó là bài thơ tuổi nhỏ phát Bồ Đề tâm thăm thẳm và hy hữu của Đại đức Thích Phước An.

Có một điều gì lạ và khác thường ở đây chăng? Không tinh ý ta sẽ khó nhận ra một điểm lạ ấy.

Thưa, có! Tác phẩm “Lời Cố Quận“ là tác phẩm của triết gia Martin Heidegger giảng giải về thơ của nhà thơ Friedrich Hölderlin. Thi sĩ  Bùi Giáng dịch ra tiếng Việt, An Tiêm xuất bản. Vậy tại sao bỗng tự dưng lại có một bài thơ của vị sư trẻ Đại Đức Thích Phước An chen vào đây? Thật khó hiểu. Bài thơ lại thuộc loại hay tuyệt vời. Sau này thầy Phước An kể lại trong một bài viết rằng, chính lão Trung Niên Thi Sĩ là tác giả bài thơ kia. Do quá đắc ý về quãng đời tu học thơ mộng giữa núi rừng trùng điệp của thầy mà sáng tác bài thơ, ký tên thầy Phước An bên dưới và đưa vào xếp ngang hàng với những nhà tư tưởng lớn của thế giới. Dĩ nhiên Trung Niên Thi Sĩ có ý của mình khi làm việc đó. Thầy Phước An kể khi lần đầu đọc được những câu thơ ấy trong sách.

(…) 

Tôi đọc chậm rãi từng câu và xúc động vô cùng. Xúc động không phải vì mình được đứng tên một bài thơ không phải do chính mình làm ra, cũng không phải vì được Bùi Giáng lưu tâm, mà xúc động vì qua bài thơ đó, Bùi Giáng đã mở mắt cho tôi thấy tuổi thơ cũng như con đường tôi đang bước đi thơ mộng và cao đẹp biết chừng nào. Vậy mà dường như tôi đã vô tình quên mất, để chạy theo cái đẹp phù phiếm bên ngoài. 

Tôi nhớ có một lần Bùi Giáng đã hỏi tôi sanh ở thôn quê hay thành thị? Đi tu hồi mấy tuổi? Tôi hơi ngạc nhiên, vì nghĩ rằng ở vào địa vị của ông thì ông bận tâm chi đến chuyện riêng tư của người khác, nhất là người đó còn nhỏ và chưa làm được chuyện gì ra hồn cả. Nhưng vì thấy ông hỏi rất nghiêm chỉnh chứ không hỏi cho có hỏi, nên tôi khai thật với ông rằng, vì mồ côi cha từ hồi mới sanh, nên được ông chú đang trụ trì một ngôi chùa tại vùng quê hẻo lánh ở Bình Định đem đi tu tận hồi 7, 8 tuổi gì đó. Khi nghe tôi nói sanh ở thôn quê thì Bùi Giáng gật đầu: "Vậy là được rồi".

 Tôi không nghĩ là Bùi Giáng nói để an ủi tôi, mà ông nói rất thật theo quan niệm của ông, vì có một lần ngồi uống cà phê sáng với ông ở một cái quán gần chợ Trương Minh Giảng, quán có rất đông người. Bùi Giáng nhìn đám đông có vẻ hơi bực bội rồi ông nói với tôi: 

"Bọn làm văn nghệ văn gừng suốt cả đời chỉ chạy lui chạy tới mấy cái quán cà phê mắc dịch ở Sài Gòn này, chẳng bao giờ bọn chúng nhìn thấy núi cao biển rộng hay sông dài, thì chúng làm được cái trò trống gì chứ?"…

Mấy năm trời sống chung với anh Bùi Giáng tại Nội Xá Vạn Hạnh tôi biết rằng, anh thường rất trân quý những tâm hồn hoang sơ, những con người từng là bạn thân thiết với chuồn chuồn châu chấu, những kẻ từng là sở hữu chủ một gia tài cây cỏ thiên nhiên trong tận đáy lòng, những trái tim nồng nàn biết thương vật yêu người. Ai từng biết thương yêu cây cỏ côn trùng chim muông thì sẽ biết thương yêu con người, và rồi sẽ yêu thương muôn loài chúng sanh. Ai sở hữu tấm lòng yêu thương ấy sẽ có nhiều lợi thế khi đặt chân bước vào cuộc đời vốn đầy ắp những trái đắng và cả mật ngọt này.

***


Anh Nguyễn Hiền-Đức ra sức sưu tập công phu Tuyển Tập ”
An Cư Lạc Đạo” này. Anh lại biểu tôi viết vài dòng về Thầy Phước An, một người rất mực thân quen của cả hai chúng tôi. Tôi chưa có cơ hội hỏi anh Hiền tại sao lại đặt tên cho sưu tập Phước An này là An Cư Lạc Đạo. Nhưng do ngay từ đầu tuyển tập anh đã cho trích đoạn và in đậm bốn câu kệ của Vua Trần Nhân Tông (sau khi xuất gia có đạo hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ) nên tôi đoán chắc anh muốn nhắc về bài kệ Cư Trần Lạc Đạo của Tổ.

Bản Hán Văn: 

Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên 

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên 

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Bản dịch của Nguyễn Lang: 

Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên 

Đói đến thì ăn mệt ngủ liền 

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm 

Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Thầy Phước An từng gọi bài kệ này là: “Bản tuyên ngôn cho đời sống đạo của Phật Tử Việt Nam“ chúng ta.

Bằng tất cả trân quý những tình cảm thân thiết từ thuở Vạn Hạnh năm xưa, bằng tất cả những mến mộ tôi xin ghi lại đây những dòng chữ chân thành mộc mạc này về Thầy. Những chữ này xem như là những lời từ cõi lòng của “Thanh Niên Tuấn” về  “Thanh Niên Cư” thân thiết ngày nào

Lại nữa, với một chút thân tình cộng ít tinh nghịch, tôi xin phép nghĩ như thế này. Nếu anh “Thanh niên Cư” mà ở Mỹ (hay ông Obama đến thăm chùa Hải Đức) thì người Mỹ sẽ gọi ngài là Mr. Cư Trần theo kiểu viết tên họ hành chánh Hoa Kỳ. Nhưng may mắn thay, Mr. Cư Trần của chúng tôi đã không ở Mỹ mà vẫn sống thanh thản vui đạo ở Đồi Trại Thủy (Phật Học Viện Hải Đức) Nha Trang. Phải chăng, từ mười mấy thế kỷ trước sơ tổ Thiền Phái Trúc Lâm đã thấy nhìn thấy được cái tâm, cái cốt, cái lõi cao quý ở ông Cư Trần lạc đạo này (hai chữ lạc đạo không viết hoa, chữ lạc này là động từ và chữ đạo là túc từ đấy nhé). 

Anh  Nguyễn Hiền-Đức và tôi đều quá hạnh phúc và vui mừng khi nghĩ lại, mình đã có thời ở Vạn Hạnh, có duyên may được gần gũi với nhiều bậc tôn túc, nhiều cao thủ thượng thừa. Trong số ấy có một vị tôn túc lúc nào cũng “vui đạo” ấy, đã từng biết tìm và an trú với cái vui từ khi còn là chú tiểu tóc để chỏm, trong một đêm khuya cô đơn nằm nghe cọp rống trong ngôi sơn tự. 

Kính bái Đại Sư!

Nguyên Đạo Văn Công Tuấn (Đức Quốc)

-------------

(1) Thích Phước An: Cuộc Hành Trình Cuối Cùng Của Đức Phật Với Những Thống Khổ Muôn Đời Của Nhân Loại.

(2) Thích Phước An: Những Điều Ghi Được Từ Mùa Thu.

(3) Kinh A Di Đà, dịch giả Thích Trí Tịnh.

(4) Trần Hữu Cư: Những Ngày Sống Bến Cạnh Thi Hào Bùi Giáng (những chi tiết này cũng do Trần Hữu Cư kể lại trong bài viết đó. Cá nhân tôi, Văn Công Tuấn, hiện không có tác phẩm này để ghi thêm chi tiết).

(5) Thích Phước An: Ngày Xuân Đọc Thơ Trần Nhân Tông Và Suy Nghĩ Về Sự Ân Hận Của Một Hoàng Đế Phật Tử.

(6) Ngày ở Vạn Hạnh năm xưa chúng tôi gọi thầy là Thanh Niên Cư vì tên thầy là Trần Hữu Cư và Thanh Niên Tuấn, theo cách gọi của ông Trung Niên Thi Sỹ Bùi Giáng.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.