“Phi Nhung ơi, cứ tưởng là chúng mình sẽ gặp lại nhau”! Đó là câu nói mà hầu hết anh chị em nghệ sĩ đã thốt ra trong chương trình đại nhạc hội mùa Thu vừa diễn ra tại Hoa Thịnh Đón tuần qua, chỉ một ngày trước khi người bạn đồng diễn của họ là nữ ca sĩ Phi Nhung qua đời tại Việt Nam. Chính cá nhân tôi cũng nghĩ như vậy, khi nhận được tấm poster do ban tổ chức, công ty điện tử Teletron phổ biến, với tấm hình của Phi Nhung đứng bên cạnh nam ca sĩ Manh Quỳnh. Tuy nhiên sau khi Phi Nhung quyết định ở lại VN thì BTC đã gỡ ảnh của cô xuống, ấy thế mà trong suốt hai ngày nhạc hội, tôi đã nghe và chứng kiến hàng trăm khán thính giả bước vào hậu trường sân khấu để hỏi thăm anh chị em nghệ sĩ về tình trạng sức khỏe của người nữ ca sĩ khả ái này. Và người bận rộn nhất vẫn là nam ca sĩ Mạnh Quỳnh, với khuôn mặt không dấu được nét u buồn, mặc dù anh vẫn tin tưởng và cầu mong cho “người yêu trên sân khấu” của mình sớm được hồi phục.
“tưởng sẽ gặp lại nhau…”
Khi dịch bệnh tràn lan đến mức độ không kiểm soát nổi tại Việt Nam, thì hầu như các ca nhạc sĩ mang quốc tịch Mỹ như Tuấn Ngọc, Kỳ Duyên, Nguyễn Hồng Nhung, Thanh Hà, Elvis Phương, Kim Anh v..v.. đều trở về Hoa Kỳ để được chích ngừa. Nhưng riêng Phi Nhung, mặc dù cô đã nhận lời BTC để xuất hiện trong hai show nhạc nói trên, nhưng giờ chót người mẹ có nhiều con nuôi nhất đã quyết định ở lại với đàn con gồm 23 đứa trẻ, và như cô tâm sự: “ở lại để chia sẻ nỗi đau của Sài Gòn và những người thân thương….”! Để rồi cuối cùng cô đã gánh nỗi bất hạnh của người dân trong nước qua cơn đại dịch lớn nhất trong lịch sử kể từ sau ngày CS cưỡng chiếm miền Nam VN.
Quyết định đầy lòng nhân hậu nói trên của Phi Nhung đã làm nhiều người xúc động và cảm phục. Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên Phi Nhung đã làm những việc như thế, mà có những điều ít ai biết được. Tôi còn nhớ vào năm 2002, khi chúng tôi đứng ra tổ chức đại nhạc hội “Tạ Ơn Chiến Sĩ Tự Do” để gây quỹ xây dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại thành phố Westminster, California, với sự tham dự của hàng trăm nghệ sĩ thuộc các trung tâm ca nhạc ở hải ngoại. Nhưng rất tiếc lại trùng vào đúng ngày Phi Nhung phải đi show. Cô lấy làm ân hận và tiếc nuối vì không tham dự được và xin đóng góp một phần tài chánh nhỏ, đồng thời hứa rằng, nếu đổi được vé máy bay thì sẽ cố gắng về sớm để hát. Tưởng câu chuyện chấm dứt ở đó, nhưng không, đúng vào hôm nhạc hội, tôi còn nhớ đó là ngày Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2002, chương trình được mở màn từ lúc 11 giờ sáng và kéo dài cho đến 6 giờ chiều với sự tham dự của hơn 25 ngàn người, đây có thể được xem là chương trình ca nhạc có số lượng khán giả đông đảo nhất trong lịch sử đại nhạc hội ngoài trời của cộng đồng người Việt. Và vì quá đông người như vậy cho nên cửa đã đóng chặt từ lúc 1 giờ trưa. Thế nhưng vào khoảng 5 chiều thì tôi nhận được tin nhắn của cảnh sát Westminster từ ngoài cổng gọi vào cho biết là, có một cô ca sĩ vừa đến muộn xin được vào để hát. Hỏi ra thì là cô cháu Phi Nhung dễ thương của tôi, tội nghiệp đã cố gắng tận tình để có mặt vào những giờ phút cuối của chương trình. Chú cháu tôi nắm tay nhau thật chặt để cảm tạ lẫn nhau trong nỗi vui mừng khôn tả.
Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westmister
Thế rồi vài năm trôi qua, sau khi tôi giúp Phi Nhung thi đậu quốc tịch Hoa Kỳ, thì vào năm 2005 cô được một bầu show chính thức mời về Việt Nam hát. Tuy nhiên vừa về nước thì cô đã bị Công An thành phố mời lên “làm việc”. Họ tra hỏi Phi Nhung về sự xuất hiện của cô tại buổi nhạc hội mà họ nói là, “để ca tụng bọn lính Mỹ Ngụy”. Cô cháu dễ thương của tôi đã trả lời một cách thật thà và thẳng thắn rằng: “Tôi không biết gì về chính trị cả, các ông không nên kết án tôi như vậy. Tôi chỉ hát là để tạ ơn những người lính VNCH đã chiến đấu để bảo vệ cho quê Mẹ của tôi, cùng đứng bên cạnh Cha tôi là các quân nhân Hoa Kỳ tham chiến ở VN”! Nhưng cũng chính vì câu nói chân tình đầy nhân bản đó, thay vì khúm núm xin xỏ hay năn nỉ, Phi Nhung đã bị cấm hát 2 năm ở VN. Hai nghệ sĩ khác tham dự buổi nhạc hội xây dựng tượng đài nói trên cũng bị cấm hát, và còn lâu hơn cả Phi Nhung, đó là đôi danh hài Vân Sơn và Bảo Liêm. Nhưng sau cùng, với lòng ái mộ của khán thính giả, Phi Nhung cũng đã trở thành ngôi sao ca nhạc hàng đầu ở trong nước mà không ai có thể cấm cản nổi, thậm chí cho đến ngày cô nhắm mắt lìa đời.
Trong khoảng thời gian đó, thỉnh thoảng chú cháu tôi vẫn gặp lại nhau qua các buổi lưu diễn mỗi khi Phi Nhung trở về Mỹ. Lần cuối cùng tôi gặp lại người ca sĩ khả ái này là vào những tháng cuối năm 2019, qua các show nhạc do Saigon Entertainment tổ chức, một lần vào tháng 9 tại hí viện L’Auberge, thành phố Lake Charles, tiểu bang Lousiana và một lần vào tháng 12 tại Atlantic City, cùng với cậu con nuôi, quán quân Idol Kids Hồ Văn Cường, mà tôi đã may mắn được là người đầu tiên giới thiệu tài năng trẻ này trên sân khấu âm nhạc tại hải ngoại. Nhìn tấm poster BTC dán ngoài cửa, với tấm hình tôi để sát bên cô cháu, Phi Nhung reo lên: “A lần này chú cháu mình được đứng cạnh bên nhau”, tôi nói đùa lại: “Cô có biết tôi phải vất vả lắm mới đẩy được ông Mạnh Quỳnh đi chỗ khác đấy không”?
Chuyến lưu diễn cuối cùng của Phi Nhung ở Mỹ
Và bây giờ, tất cả chỉ còn là kỷ niệm! Hôm nay, tôi xin viết những dòng chữ này để chia sẻ cùng quý vị khán thính giả và anh chị em nghệ sĩ, hầu tưởng nhớ đến người con gái Pleiku “mà đỏ, môi hồng” tên là Phi Nhung, một ca sĩ với tấm lòng nhân hậu dành cho tha nhân, cho cuộc đời và cho quê hương, đất nước.
Phi Nhung và những đứa con nuôi
Vĩnh biệt Phi Nhung, ngủ yên nhe cháu, chắc chắn sẽ có ngày “chú cháu mình lại được đứng cạnh bên nhau”!
Nam Lộc
California, Thu Sầu, 2021