14 tháng 2 hàng năm là Ngày Lễ Valentine mà nhiều người gọi là Ngày Lễ Tình Nhân, là ngày Lễ Thánh Valentine mà cũng là ngày đặc biệt để những người yêu thương nhau biểu lộ tình cảm cho nhau.
Tình yêu là thứ quý giá và tồn tại vượt thời gian và không gian trên đời này. Tình yêu lúc nào cũng mới, cũng đẹp, cũng quý, cũng cao cả và thiêng liêng. Nhờ tình yêu con người và ngay cả mọi loài chúng sinh đều cảm thấy thế gian này là cõi đáng sống, là nơi đáng yêu.
Trong tác phẩm Hamlet (được viết vào khoảng năm 1600 tới 1601) của đại kịch tác gia người Anh William Shakespeare (1564-1616) Ngày Valentine’s Day được nhắc đến bởi nhân vật Ophelia trong đoạn thơ:
To-morrow is Saint Valentine's day,
All in the morning betime,
And I a maid at your window,
To be your Valentine.
Mai là ngày Thánh Valentine,
Tất cả trong buổi sáng tốt lành,
Và em là người con gái ở ngay cửa sổ của anh,
Là Người Tình của anh.
Trong ngày Valentine’s Day những người yêu thương nhau trên mặt đất này sử dụng một lượng hoa nhiều vô số kể để tặng nhau. Đó là thứ người ta có thể thống kê, nhưng còn một thứ nữa cũng được sử dụng nhiều không kém với hoa trong ngày Valentine’s Day mà khó có thể đong đo tính đếm được là nụ hôn.
Biểu lộ tình yêu của một người đối với người nào đó, dĩ nhiên, có nhiều cách vì còn phải xem đó là tình yêu nào – tình yêu cha mẹ cho con cái, tình yêu con cái đối với cha mẹ, tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng, tình yêu anh chị em ruột thịt, tình yêu đồng loại, vân vân và vân vân… Nhưng biểu hiện phổ biến và dễ thấy nhất của tình yêu là nụ hôn.
Nguồn gốc hôn
Các nhà nhân chủng học bị chia rẽ làm 2 trường phái khi nói về nguồn gốc của nụ hôn, một trường phái tin rằng nó là bản năng và trực giác và một trường phái khác cho rằng nó phát triển từ điều được biết là nuôi dưỡng bằng nụ hôn, là tiến trình được những bà mẹ dùng để nuôi con qua việc nhai cơm đút cho những đứa bé mới sinh được mấy tháng tuổi.
Chứng cứ về nụ hôn sớm nhất đến từ Kinh Vệ Đà bằng tiếng Phạn (Sanskrit) của Bà La Môn Giáo hay Ấn Độ Giáo cách nay khoảng 3,500 năm, theo nhà nhân chủng học Vaughn Bryant tại Đại Học A&M University ở Texas là chuyên gia về lịch sử của nụ hôn cho biết, theo https://en.wikipedia.org/ trích thuật.
Hôn nhau bằng môi và lưỡi đã được nói đến trong cổ thư Sumer. Trong Cyropaedia (370 Trước Tây Lịch), Xenophon đã viết về phong tục hôn vào môi của người Ba Tư khi từ giã trong khi thuật lại sự ra đi của Đại Đế Cyrus (khoảng năm 600 trước Tây Lịch), khi còn là một cậu bé từ những người họ hàng ở Median của mình. Theo Herodotus (thế kỷ thứ 5 trước Tây Lịch), khi hai người Ba Tư gặp nhau, công thức chào hỏi thể hiện tình trạng bình đẳng hoặc bất bình đẳng của họ. Họ không nói mà cùng nhau hôn lên miệng, và trong trường hợp người này kém hơn người kia một chút, nụ hôn được trao trên má.
Trong thời kỳ Cổ Điển sau đó, nụ hôn bằng miệng trìu mến được mô tả lần đầu tiên trong sử thi Ấn Độ Giáo Mahabharata.
Các học giả đã nghiên cứu về nụ hôn nói rằng việc hôn truyền ra dần dần tới các miền khác của thế giới sau khi Đại Đế Alexander và quân đội của ông xâm chiếm các vùng Punjab tại miền bắc Ấn Độ vào năm 326 trước Tây Lịch.
Người La Mã rất thích hôn và nói về một số kiểu hôn. Hôn tay hoặc má được gọi là osculum. Hôn lên môi với miệng ngậm lại được gọi là basium, được sử dụng giữa những người thân. Một nụ hôn của niềm đam mê được gọi là suavium.
Hôn không hẳn luôn luôn biểu thị ái tình, hay tình yêu, mà cũng có thể bày tỏ sự tôn trọng và giai cấp khi được dùng tại Châu Âu thời Trung Cổ.
Bày tỏ tình cảm
Hôn môi người khác đã trở thành một biểu hiện thông thường của tình cảm hoặc lời chào nồng ấm trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Tuy nhiên, trong một số nền văn hóa, hôn chỉ được biết đến thông qua việc định cư tại Châu Âu, trước đó nó không phải là chuyện thường ngày. Những nền văn hóa như vậy bao gồm một số dân tộc bản địa của Úc, người Tahiti và nhiều bộ lạc ở Châu Phi.
Một nụ hôn cũng có thể được sử dụng để bày tỏ cảm xúc mà không có yếu tố tình ái nhưng dù sao cũng có thể "sâu hơn và lâu dài hơn", theo Kristoffer Nyrop trong tác phẩm “The Kiss and Its History” cho biết. Ông nói thêm rằng những nụ hôn như vậy có thể là biểu hiện của tình yêu "theo nghĩa rộng nhất và toàn diện nhất của chữ này, mang đến một thông điệp về tình cảm trung thành, lòng biết ơn, lòng thương, sự cảm thông, niềm vui mãnh liệt và nỗi buồn sâu sắc."
Nyrop viết rằng nụ hôn là điển hình thông thường nhất là “cảm giác mãnh liệt thắt chặt quan hệ giữa cha mẹ và con cái,” nhưng ông cho biết thêm rằng nụ hôn tình cảm không chỉ là bình thường giữa cha mẹ và con cái mà còn giữa những người thân trong gia đình với nhau.
Nụ hôn cũng được diễn tả trong Kinh Thánh, khi Esau gặp Jacob sau một thời gian dài xa cách, ông ấy chạy tới, ngã vào cổ và hôn (Sáng thế ký 33: 4), Moses chào bố vợ và hôn ông ấy (Xuất hành 18: 7) và Orpah đã hôn mẹ chồng trước khi rời khỏi bà (Ruth 1: 4). Nụ hôn gia đình là truyền thống với người La Mã và những nụ hôn âu yếm thường được người Hy Lạp đầu tiên nhắc đến, như khi Odysseus, khi tới nhà, gặp những người chăn cừu trung thành của mình.
Nụ hôn lãng mạn trong các nền văn hóa Tây Phương là sự phát triển khá gần đây và hiếm khi được đề cập ngay cả trong văn học Hy Lạp cổ đại. Vào thời Trung Cổ, nó đã trở thành một cử chỉ xã hội và được coi là một dấu hiệu sàng lọc của tầng lớp thượng lưu. Các nền văn hóa khác có định nghĩa và cách sử dụng khác nhau về hôn. Ví dụ, ở Trung Quốc, một biểu hiện tương tự của tình cảm bao gồm dụi mũi vào má người khác. Trong các nền văn hóa Đông Phương khác hôn không phổ biến. Ở các nước Đông Nam Á, "hôn bằng mũi" là hình thức phổ biến nhất của tình cảm và nụ hôn miệng của người Tây Phương thường được dành cho màn dạo đầu tình dục.
Nụ hôn có thể là một biểu hiện quan trọng của tình yêu và cảm xúc ân ái. Trong cuốn sách “The Kiss and Its History,” Kristoffer Nyrop mô tả nụ hôn của tình yêu là một "thông điệp mãnh liệt về khát khao tình yêu, tình yêu trẻ mãi, lời cầu nguyện cháy bỏng của dục vọng, được sinh ra trên đôi môi của người yêu, và 'trỗi dậy , 'như Charles Fuster đã nói,' lên bầu trời xanh từ cánh đồng xanh ', giống như một lời cảm ơn dịu dàng, run rẩy. " Nyrop nói thêm rằng nụ hôn tình yêu, "giàu hứa hẹn, mang lại cảm giác say đắm về hạnh phúc, lòng can đảm và tuổi trẻ vô hạn, và do đó vượt qua mọi niềm vui trần thế khác trong sự thăng hoa." Ông cũng so sánh nó với những thành tựu trong cuộc sống: "Như thế, ngay cả tác phẩm nghệ thuật cao nhất, danh tiếng cao nhất, thì cũng không là gì so với nụ hôn nồng cháy của người phụ nữ mà người ta yêu."
Trong sách Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của xuất bản năm 1895 có nói đến chữ “hôn” hay “hun” có nghĩa là “Kề miệng mà nút, ấy là hun theo Tây; kề mũi mà hít ấy là hun theo An-nam cùng người Trung-quốc,” theo http://vietnamtudien.org/ .
Việt Nam có nếp sống khá nghiêm khắc về quan hệ nam nữ, nhất là các thế hệ ngày xưa. Các thế hệ ngày xưa tại VN, không thấy ai ra đường mà hôn nhau, hay ngay cả việc nắm tay nhau đi ngoài đường cũng hiếm thấy. Thế hệ trẻ ngày nay nhờ ảnh hưởng các nền văn hóa cởi mở trên thế giới nên có cuộc sống phóng khoáng hơn trong quan hệ nam nữ. Đối với thế hệ trẻ bây giờ, nắm tay nhau và hôn nhau ngoài đường có lẽ là chuyện bình thường, nhất là những người sống ở các thành phố lớn.
Nụ hôn lãng mạn được tìm thấy xuất hiện trong thi đàn Việt Nam có lẽ sớm nhất là vào Thời Tiền Chiến mà điển hình là qua 2 bài thơ của nhà thơ Xuân Diệu: Vô Biên và Xa Cách. Hai bài thơ này đều được đăng trong tuyển tập Thơ Thơ xuất bản năm 1938 tại Hà Nội. Bài Vô Biên có đoạn diễn tả nụ hôn mê mẩn của hai người tình như sau:
Trời cao trêu nhử chén xanh êm;
Biển đắng không nguôi nỗi khát thèm;
Nên lúc môi ta kề miệng thắm,
Trời ơi, ta muốn uống hồn em!
Trong khi đó nơi đoạn cuối bài thơ Xa Cách nhà thơ Xuân Diệu mô tả cảnh hai người tình quấn quýt và say đắm nhau trong biển sóng mắt và nụ hôn nồng cháy:
Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng;
Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng:
“Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!”.
Ở Tây Phương thì hôn nhau là chuyện bình thường trong quan hệ tình cảm hay giao tiếp công khai. Đặc biệt ở Châu Âu hình thức hôn bằng cọ má vào nhau là phổ biến.
Hôn bằng má
Trong thế giới nói tiếng Anh, bạn bè và gia đình thường chào nhau bằng một vẫy tay, bắt tay hay ôm, tùy theo mức độ thân thiện của họ. Tuy nhiên tại Pháp và những quốc gia khác nụ hôn phổ biến hơn – không chỉ hôn trên môi, mà còn cọ má vào nhau, theo bài viết của tác giả Mathieu Avanzi đăng trên trang mạng https://theconversation.com/ hôm 25 tháng 10 năm 2019 mô tả.
Hình ảnh hôn bằng cọ má vào nhau được biết nhiều nhất trong văn hóa thế giới và là một phần của cuộc sống thường nhật tại phần lớn Châu Âu, nhưng hình thức này có vẻ khó hiểu đối với người không quen.
Phải chăng bạn hôn người nào đó cùng cách tại Marseilles cũng như tại Madrid? Bên má nào bạn đưa ra trước? Và bao nhiêu cái hôn?
Trong khi nhiều người người Tây Phương nghĩ rằng nụ hôn khi chào nhau là độc nhất đối với nước Pháp, thực tế việc hôn nhau là điều bình thường trong phạm vi rộng lớn của các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ La Tinh, cũng như Nga và một số nước Ả Rập và vùng sa mạc Sahara.
Trong vòng 15 năm qua, nghi thức này đã trở thành đề tài tranh luận thường xuyên trên mạng. Một số bàn cãi về bao nhiêu nụ hôn mà người ta nên trao ra. Tại Pháp, câu hỏi này xuất hiện lần đầu vào năm 2003 trên trang mạng Combiendebises (“Howmanykisses”). Việc chào nhau bằng nụ hôn này cũng đã tạo cảm hứng cho video phổ biến từ diễn viên hài kịch người Anh Paul Taylor trong vở “La bise.”
Hôn bao nhiêu cái?
Trong cuộc thăm dò được thực hiện bởi tác giả Mathieu Avanzi từ năm 2016 tới 2019 với hơn 18,600 người trả lời cho biết họ đã sống thời tuổi trẻ tại Bỉ, Pháp và Thụy Sỹ.
Khi được hỏi “Bao nhiêu nụ hôn mà bạn trao ra để chào một người thân?” những người trả lời được trao cho các chọn lựa 1, 2, 3, 4, 5, hay nhiều hơn.
Tại Bỉ, gần 100% người trả lời thăm dò nói rằng con số nụ hôn đúng là 1. Điều thú vị là tại một vùng của nước Pháp là Brittany’s Finistère thì số người trả lời 1 nụ hôn là khoảng 70%, nhưng vẫn là đa số.
Nơi khác của Pháp, hầu hết người dân đều trao đổi 2 nụ hôn khi chào một người nào đó, trừ đối với những người tại vùng Languedoc và miền nam khu vực Rhône-Alpes. 2 nụ hôn cũng là thói quen tại nhiều vùng nói tiếng Pháp của Thụy Sỹ. Tại miền bắc nước Pháp người dân vẫn hôn 4 cái. Tuy nhiên, các tài liệu cho thấy rằng tại những vùng này chào nhau bằng 4 nụ hôn có sự cạnh tranh gay gắt từ vùng hôn nhau 2 cái.
Những người Pháp già thường có thói quen hôn 4 cái, chủ yếu là tại miền đông Brittany và Loire. Cũng có nhiều người trẻ dưới 25 tuổi tại vùng Champagne hôn 4 cái.
Lý do tại sao có sự khác nhau số nụ hôn thì vẫn chưa rõ. Một người trả lời thăm dò nói rằng tập quán hôn 3 cái có vẻ thịnh hành hơn tại khu vực theo đạo Tin Lành của Pháp vào thế kỷ 17, và điều đó có thể là cách để nhận ra những người cùng đức tin (3 là dấu hiệu của Ba Ngôi). Truyền thống có 4 nụ hôn được cho là để mỗi người có thể hôn mỗi bên má 2 lần.
Hôn bên má nào trước?
Cuộc tranh luận thứ 2 liên quan đến cái má nào nên được đưa ra trước để cho người kia hôn. Trong khi 15% trong số 11,000 người trả lời nói rằng “cả hai” hay nói rằng họ đã không biết, 85% còn lại có ý tưởng rõ ràng hơn.
Tại miền đông nam và miền đông nước Pháp, khi hôn họ đưa má bên trái ra trước. Tại phần còn lại của nước Pháp, thì người ta đưa má bên phải ra trước.
Không phải ai cũng thích
Trên thế giới này không phải ai cũng thích hôn, bằng chứng là khoảng 10% dân số thế giới không bao giờ biết hôn, vì nhiều lý do khác nhau gồm cả việc họ nói rằng hôn là dơ bẩn hay bởi vì mê tín. Chẳng hạn, tại nhiều nơi ở Sudan người tin rằng miệng là cửa ngỏ của tâm hồn, vì vậy họ không muốn mời thần chết đến hay lấy đi linh hồn của họ.
Tại Iran, một người đàn ông hôn hoặc chạm vào người phụ nữ không phải là vợ hoặc người thân thì có thể bị trừng phạt như bị đánh tới 100 lần hoặc thậm chí phải ngồi tù.
Nói chung truyền thống văn hóa Hồi Giáo không cho phép nam nữ hôn nhau nếu họ không phải là vợ chồng hay người thân thuộc. Hôn bên má là hình thức chào đón rất phổ thông của những người cùng giới tính tại hầu hết các quốc gia Hồi Giáo, phần lớn tại Nam Âu.
Phúc và họa
Hôn kích thích việc sản sinh các chất hormones có trách nhiệm với tâm trạng tốt như oxytocin -- giải phóng cảm giác yêu thương và làm mạnh thêm mối quan hệ hợp tác, endorphins – chất hormones có trách nhiệm với cảm giác hạnh phúc, và dopamine, kích thích trung tâm khoái cảm trong não. Thường hôn bảo vệ chống lại trầm cảm.
Nhưng đã có lợi thì phải có hại, hôn lên môi có thể dẫn đến việc truyền nhiễm một số bệnh, gồm nhiễm trùng bạch cầu đơn nhân và chứng ghẻ phỏng bị lây qua vi khuẩn trong nước miếng. Nghiên cứu cho thấy rằng HIV lây qua máu do bệnh viêm nướu răng của hai người khi hôn nhau chứ không phải lây qua nước miếng. Chỉ có một trường hợp vào năm 1997 vi khuẩn HIV lây bằng việc hôn nhau, theo nghiên cứu cho biết.
Khổ nỗi, ngay thời điểm này lại xảy ra vụ lây lan của vi khuẩn corona phát xuất từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc gây ra tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Không biết người ta có ngần ngại khi hôn môi nhau chăng? Nếu có thì ngày Valentine’s Day cũng bớt đi phần nào niềm hạnh phúc!
Xin chúc mọi người có một ngày Valentine’s Day tràn đầy yêu thương.