Hôm nay,  

Ba Tán Đường Trên Ngọn Tình Sầu

10/01/201908:04:00(Xem: 3805)

Ba Tán Đường Trên Ngọn Tình Sầu

 

tặng Từ Công Phụng

 

 

Lê Đại Lãng

 

 

Tôi ở mấy đêm dưới chân núi, trong căn phòng trọ lớn hơn chiếc giường đôi, tiện nghi đủ hít thở. Nhà nghỉ gồm mười phòng không có ai thuê. Mùa này bắt đầu mưa, ít kẻ đi chơi. Lại ở một nơi không có gì để chơi ngoài đồi và nương.

         Nửa đêm, mưa rào rạt trên mái tôn. Từ khe cửa sũng nước, lóp ngóp một con dế đen đủi bò vào phòng.

 

Ba mươi sáu thằng ở trong căn phòng dài chừng bốn mét nhân tám mét. Băm sáu là số tối thiểu, có khi chúng nó xách gói vào thêm cả chục. Những thằng mới vào bị đẩy sát vào cầu tiêu. Mỗi thằng, trừ diện tích cái cầu tiêu và bể xi măng chứa nước, xúc xích tới lui không tới một mét vuông. Buổi tối một thằng nằm xuôi thằng kia nằm ngược trên một chiếc chiếu, có khi không đủ chỗ nằm thẳng mà phải nghiêng nghiêng e ấp. Nền tráng xi măng láng theo hình chữ U, miệng chữ U lõm xuống hướng ra cửa phòng gọi là phi đạo, thằng nào nằm chỗ này là tổ đãi. Dăm khi, gió lướt một phát qua khe cửa dưới, chỉ thôi bớt mùi hôi của cả đám chút xíu nhưng mát trời ông địa. Nằm đây, ngó thẳng là cửa sắt dầy, ngó lên có song sắt tròn, hở, đủ để trong ngắm ra ngoài soi vào.

Họa hoằm thấy được cả trăng.

Trăng thì tháng nào cũng có, nhưng ít thằng được trưởng phòng bố trí nằm ngay cửa đủ một tháng. Cha trưởng phòng nguyên là giáo sư đại học nhưng tổ sư mê tín. Chả bố trí thằng nào nằm ngay cửa một tuần mà không có ai ra lao động hay chuyển phòng là đổi liền thằng khác. Có đứa mới nằm có một đêm, hôm sau, tù ở đâu bên ngoài dồn vào là chả đổi người ngay. ‘Thằng này xui bỏ mẹ, đi chỗ khác.’

Chả cứ cho thay phiên như vậy, gặp đứa nào mới nằm mà có người ra thì chả gia hạn cho nằm tiếp tuần thứ hai. Cũng nhờ chả mê tín như vậy nên mỗi thằng đều có ít nhất một lần nằm trấn ở cửa, kê lỗ mũi ngay khe dưới mà hít gió, đúng ngày trăng thì thấy trăng.

Hạnh phúc tôi!

Cũng đủ tạ ơn đời.

Đến phiên tôi, nằm đến đêm thứ ba thì ma quỷ phò hộ sao, sáng ngày thứ tư có ba thằng được chuyển ra ngoài. Trưởng phòng nhìn tôi âu yếm lắm. Chả trìu mến:

‘Cậu được đó. Cho tiếp.’

Tôi là đứa nhỏ người và trẻ nhất đám, nằm kế bên một ông thâm niên đếm lịch tên Nha nhưng không còn cái răng nào. Cha được mụ vợ gửi cho cái quần sa tanh đen của phụ nữ, láng bóng, mà tôi lại rất gớm quần đàn bà đen, ấy thế mà đêm nào chả cũng cứ cạ cạ cái vải quần đen trơn láng lên đùi tôi gớm không chịu được. Có bữa, cả phòng ngủ hết, chả khều: ‘Mầy đổi chỗ cho tao nằm hít một chút mầy.’ Cha ỷ thế lớn xác và lớn tuổi, giọng hăm he. Tôi biết phận, nhường chỗ, nhưng cũng dọa lại: ‘Đại ca nằm mà mai có người vào là tui mét trưởng phòng đó nghen.’

Tôi nằm liền bốn tháng vì quân số trong phòng không tăng, số người chuyển đi nơi khác lúc nào cũng nhiều hơn số người vào. Căn phòng rộng hơn chút xíu. Tôi trở thành nhân vật tí hon được cả phòng trìu mến. Thỉnh thoảng, nhiều cha nhìn tôi bằng ánh mắt hết sức ái mộ, giở giọng thầy bói: ‘Số em tốt lắm nghe, tao coi tướng thấy rất được.’

Tôi tốt số thật, dù gói hàng thăm nuôi của bà già lúc nào cũng khiêm tốn hơn tất cả những đứa khác. Nhưng quả tôi có số được bá tánh nuôi.

Một sáng kia, có anh chàng người Hoa Chợ Lớn xáp lại. Tay này được người nhà thăm nuôi hết chỗ chê. Mỗi tháng nó nhận hai giỏ bự ngót hai chục ký, nào đường cát đường tán, thịt kho, khô cá, chà bông, cả thuốc lá đầu lọc. Nó xác to ăn nhiều, da dẻ hồng hào, lông mày rậm và dáng điệu lúc nào cũng ung dung. Ban ngày không ai được nằm nên chỗ rộng, nó đi tới đi lui nhẹ nhàng như một con voi, đầu cúi xuống, miệng lẩm bẩm hát một bản nhạc gì đó. Nghe nói nó là giáo sư trung học, có chữ nghĩa nên chơi thân với trưởng phòng. Thỉnh thoảng tôi thấy nó dấm dúi đồ ăn cho cha giáo sư đại học, nhìn thèm lắm.

Thấy nó xáp lại ngồi xuống, tôi ngài ngại dù chưa biết chuyện gì. Thằng này tính tình bủn xỉn, đồ thăm nuôi ăn không hết nhưng khi chia nước ruốc nó bòn từng muỗng. Nó bắt chuyện:

‘Tháng này có ai thăm không?’

Tôi cười khô. Trong đầu hiện ra những món ăn ở nhà thường ăn như tia chớp. Cá kho, rắc thêm tí ớt, cơm nóng không độn khoai. Trời.

‘Chắc ở nhà bận,’ tôi tự ái nói. Mẹ tôi không đến nổi bận để đi thăm nuôi, nhưng lấy gì mà thăm.

‘Ờ.’

Tôi làm bộ không để ý nó, chăm chú bắt con cái ghẻ đang ăn luồng giữa lòng bàn tay. Thứ này nhỏ như đầu kim, nó ăn luồng tới đâu mủ rịn ra tới đó. Chỉ cần lấy cây kim, giơ tay ra giữa nắng để thấy cho rõ, chận đầu kim ngay cuối đường đi của con cái ghẻ, khươi nhẹ lên rồi để lên móng tay cái, ép hai móng tay lại là ‘bụp’, rồi đời con ký sinh chó đẻ và khốn nạn.

‘Em thiếu đường đó.’

Nó nói. Tôi thiếu đủ thứ chứ có riêng đường. Thèm thuốc lá, thèm một ly xây chừng. Nếu có thêm tô phở. Nhưng nó nói đúng. Ký sinh chỉ bám víu những thằng sa cơ lỡ vận thiếu chất ngọt, béo tốt như mầy thì ghẻ nó thèm đâu. Tôi nghĩ bụng.

‘Em có biết đánh đàn chơi nhạc gì không?’

À, cái này thì tôi biết. Cha người Hoa ngạc nhiên:

‘Vậy à, mà chơi nhạc như vậy nhớ lời không?’

Tôi nói từng chơi nhạc ở trường, mới hai năm trước chớ mấy. Tôi như được gãi trúng chỗ ghẻ cắn. Mỗi đêm, ghẻ hành ở kẻ tay, tôi đan hai bàn tay vào nhau mà xoắn lấy xoắn để như thầy tu bắt ấn. Đã lắm, đã đến da mặt đỏ bừng lên, sướng đến háng.

‘Em chơi ban nhạc mà, phải thuộc chớ. Em lead guitar đó nghe.’ Tôi vừa nói vừa làm điệu bộ đang đánh đàn. Chà, giờ mà có cái đàn thì cũng đỡ.

Gã gật gù:

‘Vậy đi, bây giờ em dạy cho anh hát, nghe, rồi tính.’

Thằng này trí thức nên không ngã giá ngay. Cái thằng tiểu tư sản lúc nào cũng dở hơi. Thích thì nói mẹ ra đi cho người ta biết đường còn tính. Nhưng tôi biết chắc nó sẽ trả công tôi cái gì đó. Một điếu thuốc thơm chẳng hạn.

‘Mà anh thích nhạc loại nào, nhạc vàng, nhạc sến, hay à go-go giựt gân?’

‘Nhạc vàng đi. Mà nhạc vàng em biết loại nào.’

‘Nhiều. Thì Trịnh, này kia, anh muốn kiểu nào.’

Tôi nói dóc là nhớ hết lời nhạc. Thiệt tình, nhớ một bài vài ba câu nhưng hề gì, thằng này Tàu đâu biết nhạc Việt, chỗ nào quên thì chế thêm. Nghề của chàng mà.

‘Cái nào mà nó sâu sâu một tí. Đại khái có chút hoài niệm, như là, coi, tình yêu này kia.’

Tôi nói:

‘Được, coi như giết thì giờ làm không công cho anh.’

Nó nghe tôi gợi ý, đứng dậy. Vóc người cao to của nó đứng thẳng thì không cần hạ giỏ đồ ăn móc lủng lẳng vào sàn sắt ống giăng ngang trần nhà. Nó thò tay vào giỏ, không cần nhìn vào trong giỏ nhưng móc trúng ngay một cục vàng vàng. Một tán đường.

Nó bước lại đưa cho tôi, nói:

‘Em dạy anh một bài anh cho một tán đường. Cái này coi như ra mắt, không tính.’

Tôi săm soi tán đường vàng trong tay. Trời ơi, sao ơn trên lúc nào cũng chiếu cố tôi vậy. Tôi tạ ơn cả Chúa lẫn Phật, dám lúc đó mà tôi biết trên đời này có một đấng tên gọi là Alah thì tôi cũng thành tâm tạ luôn không sót, rồi tôi nhớ người chết nào thì tạ ơn người nấy. Tôi thấy rằng cuộc đời này lúc nào cũng có người tốt. Rưng rưng. Tôi cắn nhẹ một miếng đường, ngậm trong miệng cho nó tan ra từ từ.

Hạnh phúc tôi!

Vừa nghĩ đến đó, tôi nhớ ra ngay bản nhạc bắt đầu bằng ‘hạnh phúc tôi.’ Những năm trọ học xa nhà, tôi rất ưng bài nhạc (phổ thơ) này của Từ Công Phụng. Tôi nhớ kỹ lời nhờ trong mấy mùa mưa cuối thời trung học, nhiều lần hát tặng mấy đứa bạn sắp đi nghĩa vụ quân sự. Có thằng thổn thức, khen ràn rụa: ‘Mày hát bài này tâm trạng quá mậy.’

Tôi lận miếng đường còn lại trong giây thưng quần đùi, lận hai vòng giây lưng cho chắc, nói:

‘Có bài này hoài niệm kiểu anh thích nè, để em hát thử.’

Hạnh phúc tôi,

Hạnh phúc tôi,

Từ những ngày con nước về.

Ngoài trời mưa mau,

Ngoài trời mưa mau,

Tay vuốt mặt không cùng.

Cậu học trò người Hoa của tôi gật gù lia lịa:

‘Hay quá, hay quá, nó là bản tên gì?’

‘Trên ngọn tình sầu. Bài này mà mưa anh nghe đứt cả ruột non ruột già ruột thừa rụng luôn.’

Gã gật gù, mặt bỗng sạm đi một vẻ buồn. Gã nói mình học luôn đi he.

Tôi bắt đầu bằng cách đọc lại lời đoạn mở đầu. Gã lẩm nhẩm đọc lại, chợt hỏi:

‘Mà hạnh phúc tôi là sao, đúng là hạnh phúc của tôi mới đúng chớ.’

‘Đúng rồi, nhưng nhạc mà anh, nó mà thêm của với kiết thì còn gì là nhạc.’

Gã gật gù, nhưng lại hỏi tiếp:

‘Nhưng mà mưa, mình đi ngoài đường không thấy đường nên phải vuốt mặt để thấy rõ chớ gì.’

Tôi gật bừa:

‘Đúng nữa. Đại khái là như vậy. Đại khái là khi con nước về mình mới hạnh phúc, mình đi ngoài trời. Anh phải tưởng tượng ra cảnh mới dễ thuộc, chớ bám vô lời không mau quên lắm. Anh giỏi đó.’

Tôi khen, giọng kẻ cả. Gã sáng trí, lập lại vài lần là thuộc. Nhưng lại hỏi han rắc rối ở đoạn thứ hai:

Bầy sẻ cũ hom hem,
Chiều mái xám rêu xanh,
Trời êm cao chân nhỏ,
Cũng không về trên dòng sông tội lỗi.

‘Bầy sẻ cũ là bầy gì, bầy gì sẽ cũ.’

Tôi gắt:

‘Sẻ là con chim sẻ chứ không phải sẽ là sẽ đến, anh hiểu không. Cái đám

chim sẻ nó hom hem vì mắc mưa mà.’

         ‘Nhưng mới vô sao lại cũ, chỗ này nó kỳ kỳ.’

         Chỗ này thì tôi cũng tịt. Tôi nói bừa:

         ‘Thì đại khái như thế này: Có thằng cha kia trước đây vào mùa nắng, thấy đám chim sẻ chơi giỡn ngon lành. Qua mùa mưa thì bầy chim sẻ nó hom hem thành cũ. Quá khứ mà.’

         Gã không để ý lối giải thích ba trợn của tôi, lẩm bẩm đọc lại. Chỗ nào gã khập khựng thì tôi nhắc. Đến giờ cơm trưa, gã thuộc hết đoạn đầu. Tôi câu giờ:

         ‘Chiều anh phải học thật thuộc lời, sau đó em kiểm tra xong, thấy anh thuộc sẽ hát cho anh hát theo cho đúng nhịp.’

         Buổi trưa, chế thật nhiều nước ruốc vào cơm thật mặn để uống nước nhiều cho căng bụng. Xong bữa, tôi lần tán đường ra. Tráng miệng. Tôi nhâm nhi tán đường gần hết lại lận nó vào lưng quần. Ngẫu hứng, tôi bật lên hát nhỏ nhạc cách mạng: ‘Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao.’
         Buổi chiều, điểm danh và đọc bản nội quy xong, tôi thấy gã ngồi tựa nơi góc phòng, lẩm bẩm. Tướng tá oai vệ của gã chợt rủ xuống, khuôn mặt bần thần. Tôi gặm xong miếng đường còn lại, làm một ly nước lạnh, cảm thấy cơ thể tràn trề sức lực. Ước gì chạy được một đoạn đường, lúc này, mới đã nư.

         Ngày thứ nhất hành nghề suông sẻ. Buổi tối nằm ngửa, ngó xuyên qua song sắt, thấy một miếng trăng ngon lành như tán đường. ‘Cử đầu vọng minh nguyệt.’ Tôi chẳng cần cử đầu cử kiếc gì cả, khỏe hơn Lý Bạch, nằm chữa ngửa phơi bộ đồ lòng vẫn thấy trăng sáng, dù trăng một chập bị cắt làm hai vì cái song sắt chắn. Bên dãy đối diện, có tay nào đó quậy, đập cửa sắt ình ình, tiếng chân chạy rầm rật, giọng hậm hực dọa nạt bên ngoài. Tay quậy cười khành khạch bên trong. Trăng lên tà tà, tôi chìm vào giấc ngủ.

         Sáng hôm sau, điểm danh và đọc nội qui xong, gã mon men lại ngồi xuống chỗ tôi. Tôi vừa nốc nửa ca nước lã, bụng sôi òng ọc, miệng nhạt thếch. Gã đưa tôi một tán đường, tự động nói:

         ‘Để anh hát thử em nghe.’

         Giọng gã kể ra cũng ấm, dù nhiều chữ lơ lớ theo giọng Tàu. Tôi đọc đoạn nhạc kế. Nhưng mới vô câu ‘tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh’, gã lại hỏi:

         ‘Ngắt lạnh hay ngắt tạnh em. Là sao?’

         Tôi nói bừa:

         ‘Tạnh đi với mưa mới có hình ảnh và trùng ý chớ. Thì mưa nó thình lình... tạnh gọi là ngắt tạnh.’

         Gã trầm ngâm, nói nhỏ:

         ‘Anh nghĩ ngắt tạnh ở đây là người yêu chết, em ạ.’

         Tôi không có đứa nào để yêu nhưng nghe nó nói, chợt buồn. Người yêu chết chắc là buồn lắm.

         ‘Bộ anh có người yêu chết sao.’

         Gã hạ giọng thật thấp, ‘trên biển’. Tôi thở dài, ngồi yên, không muốn đọc đoạn nhạc tiếp. Gã cũng lặng yên. Cái chết. Nó không ghê vì chia lìa mà ghê vì còn người sống sót. Không thấy nhau, không biết chừng nào gặp lại nhau, sống sót để làm gì.

         Thế nhưng hết ngày hôm đó gã cũng thuộc thêm hai đoạn nữa. Tôi chỉ buồn thoáng qua, tối, ăn đường uống nước súc miệng, người lại khỏe khoắn ngắm trăng qua song sắt. Sáng hôm sau, gã có thể tự hát trọn bài, rên lên ‘con dế buồn tự tử giữa đêm sương’:

         ‘Cái này mới đúng là nhạc phẩm em à. Lời với nhạc như một.’

         ‘Em cũng thích câu đó nhất.’

         Gã lấy tán đường nữa cho tôi. Tôi nghe gã lẩm bẩm ‘con dế buồn tự tử, con dế cũng biết buồn, con dế mà cũng buồn’.

         Chiều hôm đó tôi được gọi chuyển qua một phòng nhỏ với mấy người khác. Tôi đứng ngoài song cửa, nhìn khuôn mặt u buồn của gã bên trong, thoáng bùi ngùi. Gã đã trả công tôi gấp ba lần hợp đồng miệng ban đầu.

Sáng hôm sau, chúng tôi leo lên một xe tải che kín. Mấy tháng nữa trôi qua, từ một nơi núi rừng, những người lên sau nói gã đã chết trong phòng, không biết do đâu, chỉ biết buổi sáng điểm danh thấy gã nằm thẳng cẳng. Người khác nói gã được thả rồi. Trong cuộc sống chết, không ai rõ người sống kẻ chết lưu lạc nơi đâu. Chỉ có tôi biết tôi là kẻ sống sót và sống dở.


 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.