Một hôm Trang Công nước Tề xa giá đi săn. Xe ra khỏi thành, đi trên đường cái. Có con bọ ngựa cứ đứng giữa đường, giương càng chực chống lại với cái xe. Tả hữu thấy thế, kêu lên rằng:
- Chết! Chết!
Trang Công nghe tiếng tưởng sự gì nguy hiểm, vội vàng bắt dừng xe lại, hỏi. Tả hữu thưa:
- Có con bọ ngựa thấy xe sắp đến. Không tránh lại giơ càng lên muốn chống lại. Giống bọ ngựa quái lạ. Chỉ biết tiến lên chớ không lui. Không chịu lượng sức mình khỏe hay yếu. Hể gặp cừu địch thì xem thường xem khinh. Cứ lập tức xông vào đánh. Xin cứ để cho xe đi, xem bọ ngựa sống hay chết thế nào.
Trang Công nói:
- Hãy khoan. Giống bọ ngựa thế mà đáng kính. Giả sử bây giờ có một người bị kẻ tàn bạo hà hiếp. Không ngại gian nan. Không sợ nguy hiểm. Nhất quyết chỉ tiến lên, chọi với cường địch. Chết cũng không lùi lại tránh đi, thì chẳng đáng nên tôn kính lắm ư!
Nói đoạn, Trang Công bảo tránh xe đi sang một bên. Từ hôm đó, bọn tướng sĩ Trang Công nghe thấy câu chuyện. Khi phải đi đánh giặc đâu, là liều chết tiến lên. Chớ không chịu… không bằng con bọ ngựa. Duy có Nghiêu Tử, là vị võ quan tuổi còn rất trẻ, mới thấy trong lòng đột ngột dâng cao, bởi hổng hiểu sao Trang vương lại mần ra như vậy. Lại nữa, chỉ vì con bọ ngựa đang chình ình ngay giữa lối - cũng đủ khiến bao người phải lạng lách tránh đi - thì rõ ra giống con kia lại bảnh hơn người hơn… ngợm, nên trong lòng vốn đã chất tùm lum thứ, nay lại gặp chuyện này muốn hụt thở tắt hơi, bèn… ngay cán cuốc mà suy này nghĩ nọ:
- Phàm ở đời, loài người cao quý nhất. Chớ không có một cái gì có thể sánh bằng hơn, thì sao đấng nam nhi phải né tràn né bạo" Lại nữa, trời đất sinh ra muôn vàn muôn thứ, là cốt để nhân quần lấy đó mà… nhậu chơi. Chớ không để tấm thân phải lâm dzô vòng khó chịu. Đã vậy con bọ ngựa dẫu can đảm như lời vua đang nói - thì xét cho cùng cũng chỉ là đồ… giả mà thôi - bởi trời đất sinh ra đã y sì như dzậy, thì can đảm hay không cũng cứ dương càng mà phang tới. Chớ suy nghĩ trong đầu có cái… mụ nội gì đâu, thì sao vua lại hát ca bắt bàn dân phải học" Đó là chưa nói nhắm mắt liều mình ra như thế - thì tội cho công sinh thành dưỡng dục bảo ban - bởi cường địch mạnh thế kia mà cứ đưa đầu ra gánh chịu, thì can đảm ở đâu mà ta chẳng nhìn chẳng thấy, lại chỉ thấy một màn… dại dột quá chừng luôn, bởi mạng sống hy sinh chẳng ra cái… củ khoai gì hết cả. Thôi thì đứa nào muốn tới ta cứ mần thinh cho nó tới, đặng thế gian này có đứa ngủm dùm ta. Chớ ta nhất quyết không thèm tranh đua cùng bọ ngựa. Chỉ là cái tiếng hảo cần chi cho thêm khó. Thêm mệt thêm phờ thêm… chết mẹ à ơi!
Tối hôm ấy lúc dừng quân trú đóng, Nghiêu Tử mới thấy buồn thấy nặng ở buồng tim, bèn xách vội cái… can trong chứa vài lít rượu, rồi nhắm thẳng hướng suối rừng mà tiến bước, như thể chốn im lìm sẽ rụng cái sầu đi. Như thể nỗi bi kia sẽ tứ tung tiêu tùng cái một. Nào ngờ đâu cuộc đời cứ mãi trôi như nước ròng nước lớn, nên họa bây giờ lại trở thành phúc lộc của ngày sau. Đau đớn hôm ni bỗng nẩy sinh nhiều cơn mưa… lạ, thành thử mới ra xa đã gặp ngay người chung hướng - nâng chén rượu nồng tán tiếc chuyện vừa qua - khiến Nghiêu Tử nghe thêm biết bao điều mới lạ:
- Có kẻ cừu địch trước mặt. Không biết lượng sức người ta yếu hay khỏe thế nào. Cứ liều xông vào chọi. Có khi như trứng chọi với đá. Nồi đất chọi với nồi đồng, thì cũng là khờ dại đáng tiếc. Tuy vậy, có kẻ hà hiếp mình thậm tệ, mà mình còn đủ chí khí chống lại. Thế là mình hiểu được cái lẽ tự vệ. Chết cũng không chịu nhục. Nhất là mình lại quả quyết phấn chấn tiến lên. Không chịu nhẫn nhục, lùi lại. Thế là có dũng khí đáng khen. Ôi! Bọ ngựa là giống sâu bọ còn biết thế. Huống chi người ta là giống bậc tinh anh, mà lại chịu kém bọ ngựa hay sao"
Có điều, Trang Công thực là biết tận dụng cái ngoại thân, để dạy cho quân sĩ cố hăng say mà đánh giặc, đặng Trang Công vẫn bình yên trên ngôi báu, thì so với hạng mưu đồ cũng thuộc loại cao tay. Cũng thuộc thứ… bán trời không giấy mực. Ngặt một nỗi Trang Công làm vua coi cả nước, thì phận dân hèn chỉ mỗi đường chấp kính dạ rân. Chớ không thể to gan mà nói này nói nọ. Mà dẫu cho bực bội có xả tràn đi chăng nữa, thì chẳng ích gì bởi vạ sẽ vào thân, thì biết ra phải tránh ngay mới là tốt đẹp. Chắc ăn nhất là ta cứ bình an không nhúc nhích, mặc cho thiên hạ đua ào đua ạt tranh kia. Mặc cho thế nhân khoái hô nhau đua chơi cùng bọ ngựa. Chớ lỡ ta cắm đầu mà tin như tin… sấm, hẳn sẽ có ngày bể bạc đó à nghen!
Nghiêu Tử nghe xong, mới thì thầm tự nhủ:
- Cha ông ta ngày xưa hay nói: Há miệng mắc quai. Há hoài mắc… kẹt. Nay không muốn mắc kẹt thì ta đừng nói tới, mà phải theo lời của đấng bậc ngồi bên, thì mới mong tuổi thanh xuân tới luôn ngày… răng rụng. Lại nữa, từ bấy đến nay bàn dân thường hay nhắc đến: Thần khẩu hại xác phàm chớ chẳng lẽ hại… thần tiên, thành thử bớt nói năng sẽ sinh ra lắm điều hỷ sự. Đó là chưa nói chén rượu hôm nay đã đi vào tâm trí - khiến bỗng sáng ngời như… trời ló dạng lúc bình minh - thì rõ ra thiếu… tửu kia như cờ không gió lộng. Vậy thì từ nay mỗi lần ta thấy khó.Thấy cả thân mình bủn rủn liệt tứ chi. Thấy cuộc sống hổng vui mà còn lắm điều bực bội, thì ta hãy mau mau mua vài can men ấm - đặng chén rượu nồng - sẽ dịu dàng ấp ủ… mặn hồn ta. Sẽ đẩy đưa trí óc ta bốc lên vài muôn trượng. Chớ đã nam nhi mà hổng biết mời biết uống, thì chẳng thà thành… cái Thị còn hơn!
Rồi đến một hôm đang ngự giữa quần thần. Trang Công mới hỏi rằng:
- Có kẻ nói với ta: Trung thần là người bắt cúi, thì cúi. Bắt ngẩng, thì ngẩng. Để thì im. Gọi thì thưa. Như thế có thể cho là trung thần được không"
Mặc Tử là một văn quan, nghe thế, mới đáp rằng:
- Bắt cúi thì cúi. Bắt ngẩng thì ngẩng. Như thế khác gì cái bóng" Để thì im. Gọi thì thưa. Như thế khác gì tiếng vang" Quan liêu mà dùng đến những kẻ như bóng, như vang, thì còn được ích gì" Theo như tôi đây, nếu gọi là trung thần, thì khi vua có lầm lỗi, phải liệu cách can ngăn mà đưa vào điều thiện. Khi mình có điều hay, phải tìm đường bày tỏ, mà không lộ ra ngoài. Trên thì thành thực một lòng một dạ với vua. Dưới thì không a dua kết bè kết đảng. Những sự tốt lành yên vui thì để phần vua hưởng. Những điều oán thù lo lắng thì mình hứng đựng. Có được như thế, thì tôi mới cho là trung thần!
Nghiêu Tử nghe thế mới cả giận mà hổng biết làm sao, bởi nói tới nói lui ắt có ngày đổ nợ. Đã vậy võ, văn, ít khi nào sát cánh. Chẳng đặng mấy lần thắt chặt nghĩa tình thâm, thì tội cha chi dính dzô cho thấy… Bà thấy Cậu. Có điều chuyện xảy ra chỉ càng thêm tức khí, nên trong nhất thời mới nghĩ tạm như ri:
- Thiệt là nghèo vì bạn, khốn nạn vì… đồng hương. Thuở đời nay có ai như ông thần Mặc Tử, hết chuyện nói rồi mới tán bừa tán bậy tán quàng xiên, mặc cho thế nhân điêu này đứng nọ. Còn phần mình chỉ mong Trang Công lòng vui ngó xuống - hẳn chữ công hầu một bước sẽ vào tay - thì việc bá tánh lao đao cũng chẳng sức gì phải bận. Có điều… tán thì cũng phải có tình có lý. Chớ đau khổ phần mình còn hưởng phước ở nhà vua - thì rõ ra chẳng phải… đứa trung thần chi hết cả - mà là nịnh thần mong tìm cơm tìm mánh. Tìm chỗ khom người quỵ gối để cầu danh. Tìm chỗ leo nhanh lên đầu của thiên hạ.
Đó là chưa nói nhận cái khổ đau về phần mình như thế, thì sức lực đâu còn mà phụng dưỡng mẹ cha" Mà sống cho xong cái phần hiếu đạo. Đã vậy tiêu tán như thế ai mà gả ghiếc, mà đem đứa con hiền dzô cái chỗ trần thân. Mà nối kết thông gia với con người… mắc cạn. Còn ta thì chẳng cần trung thần chi hết ráo, mà chỉ cần qua ngày có được chén cơm ăn. Có tí gia trang nuôi con này con nọ, rồi khi khách đến thì nhào ra chén chiếc, vẫn hơn là nịnh nọ với bốc kia. Vẫn hơn dí cái lưng mà cúi đầu vâng dạ. Chi bằng ta cứ theo người xưa hay nhắc, đặng suốt một đời cố theo đuổi lời hay, thì dãu có hiểm nguy ta cũng cứ bình chân như vại.
Chỉ là: Điều gì mình không muốn xảy đến cho mình thì cứ… đẩy cho thằng khác. Bảo đảm lúc nào cũng thoải mái rung đùi sung sướng một mình ên. Bảo đảm trăm niên vẫn yên tâm sống hùng sống mạnh. Đó là chưa tính mai này vẫn bình yên khoan khoái, khi con cháu xum vầy chẳng kết cuộc đua tranh. Khi hậu duệ chăm chăm sống một đời lương thiện. Mà nói hổng phải chớ tán cho lắm đến… kiến cũng bò ra - thì sẽ đến lúc chẳng còn chi… diễn kịch - bởi thổi ống đu đủ thì cũng chỉ ngần hơi sức ấy. Chớ làm gì mới hoài mới mãi được ư" Chớ làm chi có ý hay mà hát này hát nọ - rồi sẽ đến lúc Trang Công nghe hoài đâm phát chán - thì mộng công hầu như… tuột dốc không phanh. Như chiếc xe hơi đến ngày ra nghĩa địa.
Và trong giấc ngủ chập chờn đêm hôm ấy, Nghiêu Tử thấy lòng lấn cấn chuyện lo âu - bởi vua chúa nơi đâu cũng sẵn… mừng nghe đứa nịnh - nên dẫu tự thâm tâm chẳng biết Danh Dự tròn vuông hay méo mó, thì đứa nịnh vẫn ngon lành hưởng phước thật mê ly. Chứ không rách nát như đám Lương Tri không bao giờ biết nịnh, rồi trong tiếng trống cầm canh của ngoài xa đưa tới, Bụt mới hiện về nói tới chuyện vừa qua:
- Mềm nhũn là cái gốc để lập thân. Cương ngạnh chỉ gây mầm tai họa. Thế mới biết Mặc Tử là người nhìn xa trông tới, khi biết nhũn nơi… lời để mưu cầu hạnh phúc của ngày sau. Khi biết hát cho hay để góp gom phòng khi mai hậu - rồi dẫu mai nay không còn vua yêu mến - thì đống bạc hôm nào cũng đủ sống đầy no. Cũng đủ cho cháu con mở vài… biu-dzi-nịt. Chớ con cứ thấy người ta rào ta đón - rồi nổi máu anh hùng tức bực chẳng mần theo - thì có khác chi bỏ chỗ quang đâm đầu vào bụi rậm.
Chắc ăn nhất là con làm thôi tới tới, để sau này có được miếng cơm ngon. Vẫn hơn Liêm Sĩ cho hung mà bốn mùa… chơi áo cộc. Sống như thế mới là biết đường biết lối. Biết hưởng những gì số phận đã dành cho. Biết đã nhân chi sơ tính tình… ưa dua nịnh - thì con mới hiểu cõi đời là thế đó - mới dễ dàng thu phục cái lòng tâm. Mới dễ nói đôi câu thu về bao cái lợi. Chớ con cứ mãi sống hiền hòa trong… đêm tối, thì e rằng chẳng… gặp cái gì đâu!
Mõ Sàigòn