Trong một cuộc họp với các nhà kinh doanh thế giới bên lề cuộc họp thượng đỉnh APEC ở Brunei, Clinton tuyên bố bản hiệp ước mậu dịch song phương ký với Việt Nam hồi tháng 7 và một hiệp ước tương tự Mỹ ký với Trung Quốc "có một tầm quan trọng hơn cả việc hạ thấp quan thuế biểu". Ông nói: "Đó là những tuyên ngôn liên lập, nhìn nhận rằng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa không nước nào có thể thành công nếu không tiếp tục mở cửa ra thế giới bên ngoài". Clinton vạch ra rằng "những thương ước đó đòi hỏi sự thay đổi thật sâu sắc, tháo gỡ các nền kinh tế chỉ huy có kiểm soát, để cho dân chúng được có thông tin, nhiên hậu sẽ có nhiều tự do hơn để sử dụng thông tin đó hình thành các quyết định ảnh hưởng đến đời sống của họ".
Riêng tôi nghĩ khẩu hiệu "độc lập" không sai, nhưng nó chỉ quý nửa thế kỷ trước đây khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, các dân tộc bị thực dân cai trị đã vùng lên tranh đấu cho nền độc lập của họ. Với những dân tộc bị ngoại quốc cai trị, không gì hấp dẫn bằng lời kêu gọi tranh đấu cho độc lập tự do và không thiếu gì những hy sinh xương máu trong các cuộc chiến võ trang dưới đủ mọi hình thức để đạt đến mục tiêu đó. Phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đã thành công mỹ mãn, thủ tiêu luôn chế độ thuộc địa trong nửa thế kỷ 20. Thế nhưng đấu tranh gian khổ vẫn không khó bằng xây dựng trong thời bình. Một số những nước thoát hẳn ách thực dân vẫn không tạo được tự do thực sự như mục tiêu lúc đầu đề ra.
Độc lập dân tộc là quý, nhưng thực tế của thời đại này, không thể có độc lập dân tộc nếu người dân tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói so với phần lớn các dân tộc khác trên thế giới. Muốn phát triển kinh tế, cần phải kỹ nghệ hóa và hiện đại hóa đất nước. Từ đó phát sinh ra nhu cầu cấp bách phải mở cửa giao tiếp với thế giới bên ngoài để trao đổi mậu dịch và đầu tư. Bởi vì không một nước nào sống trong ốc đảo cô lập với thế giới lại có thể hiện đại hóa và kỹ nghệ hóa. Các nền kinh tế quốc gia trên thế giới chỉ có thể trông vào nhau mà sống, dựa vào nhau mà phát triển. Một sự liên đới bắt buộc phải thành hình và ngày nay sự liên đới đó có thể gọi là liên lập (interdependence) bởi vì chỉ có ảo tưởng mới cho rằng các kinh tế có thể tồn tại trong độc lập. Chính vì thế các khu vực thương mại liên lập vùng đã thành hình như Liên Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á, mở rộng ra đến APEC bao trùm các nước Á Châu-Thái Binh Dương. Từ đó những vòng đàm phán được mở ra với viễn ảnh kinh tế toàn cầu.
Chế độ Cộng sản Việt Nam đã phải chính thức làm ngược lại giáo điều chủ nghĩa khi tuyên bố đối mới và mở cửa kinh tế thị trường cuối thập niên 80, bởi vì không làm thế chỉ có chết đói. Năm 1995 Hà Nội xin gia nhập khối ASEAN, hành động đó cũng đã là một "tuyên ngôn liên lập" với các nền kinh tế Đông Nam Á. Và khi ký kết thương ước với Mỹ năm nay mong được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để sẵn sàng toàn cầu hóa kinh tế, Hà Nội đã tiến mạnh hơn nữa với "tuyên ngôn liên lập" của họ.
Nhưng đối nội, các ông Cộng sản Việt Nam đã làm quá kỹ khẩu hiệu "không gì quý hơn độc lập" đến độ dựng lên một chế độ cai trị độc lập với dân, không cho một đảng phái nào khác tham dự chính quyền, không cho dân chúng có quyền bầu cử thực sự để chọn người đại diện chân chính ngồi vào tòa nhà lập pháp. Sau khi chiếm được miền Nam Việt Nam năm 1975, đảng Cộng sản Việt Nam đi theo chủ nghĩa Mác-Lê lỗi thời không cần đến thế giới bên ngoài, tự cô lập trong thế giới Cộng sản vì họ nghĩ Việt Nam có dân đông, tài nguyên thiên nhiên phong phú, chỉ cần một chế độ độc đoán duy ý chí, bắt dân lao động bằng những phương tiện cổ điển là có thể trở thành nước giầu mạnh. Khi kinh tế xã hội chủ nghĩa gần sụp đổ, họ phải xoay chiều "đổi mới" kinh tế cộng sản thành kinh tế thị trường của tư bản. Họ đã biết con đường xã hội chủ nghĩa là sai lầm. Nhưng 10 năm trôi qua, thế giới tiến những bước khổng lồ, nước Việt Nam vẫn tụt hậu đứng trong hàng ngũ những nước nghèo nhất thế giới. Lý do là chế độ Cộng sản chỉ đổi mới kinh tế chớ không đổi mới chính trị. Một nền kinh tế cô lập với thế giới bên ngoài không thể sống còn, nhưng một nền kinh tế dù mở cửa, đặt dưới một chế độc tài đảng trị cũng chỉ đưa đến tham nhũng, bất công xã hội và chia rẽ nội bộ.
Trong bài diễn văn đọc tại Hà Nội có truyền hình cho cả nước nghe, Tổng Thống Clinton đã đưa ra một lời khuyên nhẹ nhàng nhưng rất chân thật. Nếu muốn tiến đến kỷ nguyên toàn cầu hóa, nước Việt Nam dưới sự cai trị của đảng Cộng sản phải tháo gỡ những trói buộc trong việc sử dụng kiến thức và cởi mở cho thông tin được tự do lưu thông. Tôi nghĩ lời khuyên ngắn gọn này bao hàm nhiều ý nghĩa sâu sắc. Dưới chế độ cộng sản, kiến thức và tư duy bị bó chặt trong cái nhà tù bằng thép là chủ nghĩa Mác-Lê ngoài dán lá bùa phù thủy có tên là tư tưởng Hồ chí Minh. Tháo gỡ những sự trói buộc về tư tưởng chỉ có nghĩa là hãy từ bỏ lối suy nghĩ một chiều của chủ nghĩa Mác Lê và giáo điều Cộng sản lạc hậu. Và cách tốt nhất để tất cả thoát được cái nhà tù đó là cho thông tin được tự do luân chuyển trong đảng và trong dân để mở rộng kiến thức.
Clinton nói ông không áp đặt, nhưng những lời nói của ông hẳn phải tạo những làn sóng ngầm chấn động kỳ Đại hội đảng sắp tới.