
Anh Bảo Hân, Cựu hội trưởng (bên mặt) đang giới thiệu Tân hội trưởng Phan Hồng Long (thứ nhì từ trái) nhiệm kỳ 2018-2022.

Ban hợp ca cựu sinh viên Đại Học Vạn Hanh trong bài Triệu Con Tim của nhạc sĩ Trúc Hồ tại nhà hàng Majesty ngày 16-8-2018.
Nguyễn Huỳnh Mai
Báo Chí II Đại Học Vạn Hạnh
Đại hội Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Đại Học Vạn Hạnh 2018 được tổ chức vào Chủ nhật 16-8-2018 tại nhà hàng Majesty, quận Cam miền nam California với một chương trình văn nghệ đặc sắc do anh Phan Hồng Long làm trưởng ban.
Nhận thấy có sự hiện diện của quý giáo sư: Nguyễn Văn Canh, Phạm Cao Dương, Trần Huy Bích, Lê Đình Phước, cùng hai vị nữ giáo sư Phạm Vân Bằng và Vân Nga cùng gần 200 cựu sinh viên Vạn Hạnh với sự có mặt đặc biệt của cựu sinh viên VH Hoàng tử Bảo n.
Chương trình được bắt đầu với tiếng kèn do em Lâm thổi 2 bài quốc ca Việt Nam và Hoa Kỳ, bài mặc niệm các chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc và đồng bào đã bỏ mình trên đường đi tìm tự do. Ban hợp ca Vạn Hạnh cũng trình bày rất sống động các bài hát Trả Lại Cho Dân của của nhạc sĩ Duy Quốc Nam và bài Triệu Con Tim của nhạc sĩ Trúc Hồ sáng tác cho chiến dịch “Triệu con tim, một tiếng nói” để vận động chữ ký ủng hộ cho Nhân Quyền Việt Nam.
Không khí rất vui vẻ ấm áp tình bạn, đầy tiếng cười và tiếng vỗ tay khi ban vũ Vạn Hạnh do các chị tươi cười lã lướt trong vũ khúc Tình Xanh và rất nhiều ca sĩ nam nữ của Vạn Hạnh hát những bài hát xưa vui nhộn đượm tình quê hương dân tộc.
Tiếp tục chương trình, anh Bảo Hân, Hội trưởng giới thiệu Ban chấp hành Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Đại Học Vạn Hạnh 2014-2018. Cựu hội trưởng Khổng Trọng Hinh, Trưởng ban bầu cữ cũng giới thiệu các cựu hội trưởng như Phạm Trung Bình, Trương Chí Cường, Nguyễn Hồng Đức, Lê Văn Thành. Anh Phan Hồng Long đã được toàn thể hội trường bầu làm Hội Trưởng của 2018-2022, một ban chấp hành sẽ được công bố trong thời gian tới.
SÁCH MỚI CỦA HAI GIÁO SƯ ĐẠI HỌC VẠN HẠNH
Nhân dịp này, GS Phạm Khánh Vân đã giới thiệu quyển sách mới của vị Giáo Sư gần 90 tuổi Nguyễn Văn Canh. Theo GS Canh quyển Hồ Sơ Hoàng Sa & Trường Sa và Chủ Quyền Dân Tộc này được xuất bản có mục đích ghi nhận các sự kiện chứng minh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông là của dân tộc Việt Nam.
Các tài liệu bao gồm nhiều hình ảnh sẽ giúp cho những ai cần có để sử dụng khi nói về chủ quyền ấy, một chủ quyền đích thực, không thể tranh cãi của dân tộc Việt.
Cũng gần đây nhất, một cựu giáo sư Đại học Vạn Hạnh, GS Phạm Cao Dương đã cho ra mắt quyển: ‘Trước khi bão lụt tràn tới, Bảo Đại-Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam 9/3/1945-30/8/1945’.
Bìa sau quyển sách có ghi: “Đế Quốc Việt Nam là quốc hiệu chính thức của nước Việt Nam trong những ngày đầu tiên độc lập sau một thời gian dài thuộc Pháp. Đây cũng là thời Hoàng Đế Bảo Đại, vị Hoàng Đế cuối cùng của chế độ quân chủ ở Việt Nam... Đây là một trong những trang sử đẹp của dân tộc Việt Nam, với người đẹp, việc đẹp, ước nguyện đẹp.
VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH
Viện đại học Vạn Hạnh được chính thức thành lập từ năm 1964, là một Đại học Phật Giáo đầu tiên tại Việt Nam mang tên một nhà sư được kính nể nhất của thời nhà Lý, Thiền sư Vạn Hạnh.
Từ sỉ số sinh viên theo học khóa đầu tiên 1964-1965 là 700 sinh viên , rồi đến năm 1975 số Sinh Viên theo học tăng gần 14,000 tại 5 Phân Khoa như Phật Học, Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, Khoa Học Xã Hôi, Giáo Dục, và Khoa Học Ứng Dụng và một Trung Tâm Ngôn Ngữ. Viện cũng đã mở thêm Ban Cao Học ở một số phân khoa.
Có thể nói Viện Đại Học Vạn Hạnh chỉ ra đời và tồn tại trong 11 năm (1964-1975), song đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong nền giáo dục Đaị Học Việt Nam, vì đây là Viện Đai Học Tư Thục đầu tiên của đất Sài Gòn- Gia Định ; và cũng là một Đại Học có tầm cỡ khu vực và quốc tế thời bấy giờ. Viện Đại Học Vạn Hạnh thời bấy giờ là hội viên của Hiệp hội Đại học Đông Nam Á (The Association of SouthEast Asian Institution of Higher Learning), và Hiệp hội Khoa Học Xã Hội Đông Nam Á (SouthEast Asian Social Sciences Association) ; và cũng là hội viên sáng lập Hội đồng Đaị Học Tư Lập Việt Nam.
Thành quả to lớn là đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp có nhiều cống hiến cho đời và xã hội. Ngoài việc học hành , tập thể sinh viên VạnHạnh còn có mối dây liên lạc tình cảm rất gắn bó trên “tinh thần Vạn Hạnh” . Điều này đã được thể hiện qua nhiều lần họp mặt thân hữu hằng năm và qua các công tác xã hội tương trợ, duy trì liên tục cho đến nay.
Gửi ý kiến của bạn