Hôm nay,  

Ngày 30 Tháng 4

31/05/201821:22:00(Xem: 4487)

NGÀY 30 THÁNG 4



  1. TỔNG QUÁT

  2. CUỘC CHIẾN MÀ HOA KỲ KHÔNG MUỐN THẮNG

  3. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ

  4. KẾT LUẬN


TỔNG QUÁT


Hàng năm, cứ đến ngày 30/4 thì báo chí trong nước cũng như hải ngoại lại nói đến biến cố gần nhất trong lịch sử cận đại của dân tộc Việt Nam. Báo chí trong nước thì nói đến “Thống nhất đất nước - Giải phóng miền Nam” trong khi báo chí người Việt tại hải ngoại thì viết về “Tháng 4 đen - Ngày Quốc hận”. Bài viết của ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước, cũng sặc mùi tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà quên đi rằng chủ nghĩa Cộng Sản quốc tế đã chấm dứt từ 1989 và gây ra chết chóc cho ít nhất là 65 triệu người dân trên thế giới mà nòng cốt là Nga Sô, Trung Quốc, Việt Nam. Thật ra, viết về biến cố 30/4 là điều không khó nhưng viết tích cực, hướng về tương lai thì người viết đòi hỏi nhiều suy nghĩ.


Bài được viết ra giữa lúc tình hình biến chuyển mau lẹ trên bán đảo Triều Tiên. Bắc Triều Tiên, với dân số bằng nửa Hàn Quốc, vẫn là một quốc gia cô lập, bí hiểm, toàn trị, hà khắc, cha truyền con nối với quân lực đứng hàng thứ năm trên thế giới và khả năng tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân. Những diễn biến gần đây cho dân tộc Triều Tiên đang cố gắng quyết định vận mệnh của dân tộc họ dù những áp lực rất nặng từ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Với Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Triều Tiên trực tiếp đàm phán sẽ tốt hơn là có sự tham gia của Trung Quốc dù rằng Bắc Triều Tiên phụ thuộc nặng nề vào quốc gia láng giềng này kể từ 1953. Chủ động kéo Tổng thống Mỹ vào bàn đàm phán trong tư thế song phương, tạo thế buộc Trung Quốc phải thay đổi thái độ 180°, hiện nay ngoài Kim Jong-un, dường như chưa có nhà lãnh đạo nào trên thế giới làm được điều này. Những người lãnh đạo Việt Nam có nhiều điều để suy nghĩ về tình tự dân tộc của những người lãnh đạo Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên.

CUỘC CHIẾN MÀ HOA KỲ KHÔNG MUỐN THẮNG


Có thể nói chiến tranh Việt Nam (1960-1975) là một cuộc chiến do nước Mỹ khởi động mà lại không muốn thắng vì thật sự thắng lợi không phục vụ cho quyền lợi chiến lược của nước Mỹ. Như lời tuyên bố của tướng độc nhãn Moshe Dayan, Bộ trưởng Quốc phòng Do Thái lúc viếng thăm miền Nam năm 1967. Ông đã báo cho Hoa Kỳ biết rằng nước này không thể thắng được cuộc chiến Việt Nam, thà rút lui về phương diện quân sự để sau đó trở lại trong hòa bình. Nhà cầm quyền Cộng Sản luôn luôn đề cập đến công trạng thống nhất đất nước nhưng thật sự thì chẵng có gì để hãnh diện. Để cho miền Bắc thống nhất đất nước thì  Hoa Kỳ khỏi lo về kiến thiết hậu chiến và trong tương lai, Trung Quốc sẽ là đối thủ chính của Hoa Kỳ và không ai hiểu Trung Quốc nhiều bằng Bắc Việt và chỉ có Việt Nam là quốc gia có thể đối địch với Trung Quốc.


Một điều ít người biết chi tiết là vai trò của Hải quân Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam. Vùng biển Việt Nam được chia ra làm 3 khu vực trách nhiệm: Vùng biển từ vĩ tuyến 17 vào Nam do Hải quân VNCH chịu trách nhiệm với sự giúp đỡ của Hải quân Hoa Kỳ trong chiến dịch Market Time - Vùng biển Bắc bộ trên vĩ tuyến 17 ngoài bờ 12 hải lý là khu vực hoạt động của Đệ 7 Hạm đội với Yankee Station. Khu vực bờ biển Bắc Việt trong vòng 12 hải lý là khu vực hoạt động của một đơn vị tối mật mà cho đến nay vẫn chưa được giải mật hoàn toàn. Đơn vị này có tên Việt Nam là sở Phòng vệ Duyên hải (Coastal Security Service) với các thủy thủ đoàn PTF và các toán Biệt Hải do VNCH cung cấp và cơ quan NAD (Naval Advisory Detachment) do Hải quân Hoa Kỳ cung cấp chịu trách nhiệm về hành quân, tình báo và yễm trợ. Đây là đơn vị hoạt động lâu và hữu hiệu nhất trong chiến tranh ngoại lệ ở miền Bắc. Các sĩ quan và đoàn viên hải quân Việt Nam Cộng Hòa đều là những quân nhân tình nguyện và được lựa chọn trong thành phần ưu tú nhất của quân chủng. Thật sự, các hoạt động chiến tranh ngoại lệ bắt đầu từ thời Đệ  Nhất Cộng Hòa, trong giai đoạn đầu do CIA chỉ huy cho đến khi chiến tranh mở rộng thì CIA không còn có đủ khả năng trao lại cho Bộ Tư lệnh Quân lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (United States Pacific Command: USPACOM) nhưng quyền điều động hành quân vẫn nằm trong tay Section 302 của tòa Bạch Ốc và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ mãi đến năm 1966 mới giao lại cho Bộ Tư lệnh Quân lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương. Hoạt động này giữ bí mật đến nỗi MACV và BTTM/QLVNCH hầu như không can dự đến. Đệ 7 Hạm đội cũng chỉ có nhiệm vụ yễm trợ hàng ngang. Trong thời Đệ I Cộng Hòa bắt đầu từ 1960, CIA sử dụng các ghe buồm xuất xứ từ miền Bắc đặt tên là Nautilus xâm nhập lên vùng duyên hải Quảng Bình, Đồng Hới. Khi chiến tranh mở rộng thì Hoa Kỳ bắt đầu trang bị các khinh tốc đỉnh SWIFT có tốc độ cao hơn nhưng tầm hoạt động cũng chỉ giới hạn. Trong thập niên 60, Hải quân Hoa Kỳ không còn chế tạo các PTF nên trong năm 1964 đã yêu cầu sự giúp đỡ của Hải quân Na Uy. Na Uy đóng 48 chiếc PTF loại NASTY bằng loại gổ đặc biệt chịu sóng rất tốt và giao lại cho Hoa Kỳ 24 chiếc để cho 12 thủy thủ đoàn VNCH sử dụng. Đây là loại chiến đỉnh tối tân nhất thế giới thời bấy giờ, lần đầu tiên thiết kế bằng máy vi tính, trọng tải đầy khoảng 100 tấn với 2 máy chánh Napier Deltic mổi máy 3,100 mã lực sản xuất tại Anh, tốc độ chiến đấu khoảng 50 hải lý/giờ, tầm hoạt động với bình dầu phụ có thể đi từ Đà Nẵng đến Bạch Long Vỹ - Hải Phòng và trở về trong đêm dễ dàng. Để thấy được sức mạnh của các PTF, các hộ tống hạm PCE của Hải quân VNCH trọng tải khoảng 800 tấn mà chỉ được trang bị với 2 động cơ mạnh 1,000 mã lực mổi máy.


blank


Khinh tốc đỉnh loại NASTY


Cuối năm 1968, oanh tạc Bắc Việt đạt đến mức cao nhất đến tận Hà Nội, một phân đội 4 chiếc PFT được lệnh chuẩn bị cho chuyến đi tuần thám xa nhất từ Đà Nẵng lên Hải Nam, qua Bạch Long Vỹ tiến vào cảng Hải Phòng. Từ Hải Nam, phân đội được sự không yểm thường trực của các phi cơ Hải quân Hoa Kỳ từng nửa giờ. Các phi công Hoa Kỳ rất cẩn thận, luôn luôn bật đèn nhận bạn và bay cách phân đội trong bán kính 2-3 hải lý. Sau chuyến này, đài Hà Nội ra rả tuyên truyền rằng chúng tôi sẽ không có ngày về nếu tiếp tục xâm phạm. Các cố vấn Hoa Kỳ rất mừng rỡ cho rằng nếu đà oanh tạc tiếp tục thì Bắc Việt sẽ đầu hàng trong vòng vài tuần. Điều oái ăm là ngay sau đó, tổng thống Nixon lại ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt. Mọi người chưng hửng, vài cố vấn Hoa Kỳ buồn bã nói với chúng tôi “Something terribly wrong”. Sở Phòng vệ Duyên hải chính thức ngưng hoạt động kể từ đầu năm 1969. Có một điều nữa là Bắc Việt rất hãnh diện về đoàn tàu không số tiếp vận cho miền Nam mà họ gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Thỉnh thoảng, chúng tôi có hỏi các cố vấn Hoa Kỳ tại sao không dùng PTF để ngăn chận đoàn tàu này thì họ trả lời qua loa rằng nhiệm vụ này không nằm trong huấn thị điều hành của lực lượng. Trong hơn 4 năm hoạt động ở duyên hải miền Bắc, hải quân Bắc Việt chỉ còn là con số không vì bị phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc chìm gần hết, ghe thuyền đánh cá miền Bắc chỉ dám hoạt động gần bờ, kinh tế miền Bắc có thể xem như tê liệt.


Trung Quốc là quốc gia thủ lợi nhiều nhất trong chiến tranh Việt Nam. Hai miền Bắc-Nam Việt Nam đánh nhau chết bỏ là điều mà Trung Quốc mong muốn. Đầu năm 1974, Hải quân Hoa Kỳ bất động để cho Trung Quốc chiếm nốt phần nữa cuối cùng của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong những năm cuối cùng của cuộc chiến, Trung Quốc đã để lộ ý muốn không muốn 2 miền Việt Nam được thống nhất. Họ đã chận tại biên giới những đoàn xe lửa chở vũ khí từ Nga sang viện trợ cho Bắc Việt. Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, họ còn thông đồng với Pháp để kéo dài cuộc chiến. Đại sứ Jean-Marie Mérillon và một số tướng lãnh của Pháp đã cố thuyết phục tướng Dương Văn Minh và tướng Nguyễn Khoa Nam, Tổng thống và Tư lệnh Quân đoàn cuối cùng của Miền Nam, tiếp tục chiến đấu nhưng toan tính của 2 quốc gia này cũng không qua mặt được Hoa Kỳ mà chiến lược dài hạn đã được quyết định. Tướng Dương Văn Minh quyết định đầu hàng vì không còn sự lựa chọn nào khác. Tướng Nguyễn Khoa Nam đã ra lệnh cho binh sỹ tuân theo lệnh thượng cấp và lấy cái chết của mình để giữ tròn danh tiết.

Nga Sô là quốc gia viện trợ hết mình cho Bắc Việt với ý định bành trướng ảnh hưởng trong vùng Thái Bình Dương. Dù xã hội Hoa Kỳ cực kỳ phân hóa trong suốt 2, 3 thập niên sau cuộc chiến nhưng Nga Sô vẫn không đủ thực lực để thi hành ý định của mình. Việt Nam, dù ở dưới chế độ nào, vẫn hiểu rằng về lâu về  dài vẫn phải cần mối tương quan với Hoa Kỳ. Dù sao, Nga Sô cũng là một nước có thủy chung với Việt Nam mặc dầu sau này vẫn đặt ưu tiên bán vũ khí cho Trung Quốc. Nga Sô cũng hiểu rằng về phương diện quân sự thì mình có vũ khí nguyên tử và trang bị quân sự khá tốt nhưng về phương diện kinh tế thì chưa chắc đã hơn được Trung Quốc, Đức, Nhật chứ đừng nói là Hoa Kỳ.


CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ


Cảm giác của người Việt miền Nam đối với Hoa Kỳ là một sự lẫn lộn “bittersweet”. Dù sao điều đáng kính trọng là tính nhân bản của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ. Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến, chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu Quốc hội chuẩn chi 3 tỷ USD để di tản khoảng 1 triệu người miền Nam mà tính mạng họ sẽ bị nguy hiểm khi Cộng Sản tràn vào Sài Gòn. Quốc hội Hoa Kỳ thời đó do đảng Dân Chủ chiếm đa số, chỉ chuẩn chi 750 triệu USD nên Hoa Kỳ chỉ di tản được trong đợt đầu khoảng 250,000 người.


Thuyền nhân Việt Nam là hiện tượng gần một triệu người Việt, kể cả người Việt gốc Hoa vượt biên khỏi Việt Nam bằng đường biển bắt đầu sau chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đầu hàng Bắc Việt , diễn ra cao điểm vào năm 1978-1979 (năm diễn ra chiến tranh biên giới Tây Namchiến tranh biên giới phía Bắc) và tiếp diễn cho đến giữa thập niên 1980. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, có rất nhiều người từ Campuchia, Lào - nhưng đông nhất là từ Việt Nam - đã tìm cách vượt biên bằng thuyền sang các nước khác. Tại Việt Nam, cuộc cải tạo công thương nghiệp và hợp tác hóa nông nghiệp, hàng trăm ngàn quân nhân chế độ Sài Gòn đi học tập cải tạo, chính sách đề phòng và cách ly của Việt Nam đối với Hoa kiều do căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc, các hoạt động phá hoại của FULRO ... đã gây ra nhiều xáo trộn. Tại Campuchia, chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã giết hại hàng trăm ngàn Việt kiều sống tại đây và cho quân tấn công vào Việt Nam, ở phía Bắc quân Trung Quốc cũng tấn công vào các tỉnh biên giới, chiến tranh nổ ra khiến nhiều người Việt và Hoa kiều tìm cách vượt biên để tránh chiến tranh. Theo Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) thì trong khoảng thời gian 20 năm từ 1975 đến 1995 có gần 800,0000 người từ Việt Nam tị nạn bằng đường biển.


Image result for Người tỵ nạn Việt nam trên một con thuyền nhỏ


Người tỵ nạn Việt Nam trên các con thuyền nhỏ


Một trong các chủ đề được nhắc đến nhiều nhất là “thuyền nhân”, với những thảm cảnh khi vượt biên, những câu chuyện đau thương mà chưa và có lẽ không bao giờ có giấy bút nào ghi lại được cho đầy đủ. Thời kỳ cao điểm người Việt trong nước vượt biên nhiều nhất là những năm 1979, 1980 trở đi.  Trong giai đoạn này hải tặc Thái Lan bắt đầu hoành hành. Ngoài việc phải chấp nhận sóng gió trên biển cả, họ còn phải đối diện với nạn hải tặc. Không biết bao nhiêu phụ nữ đã bị hãm hiếp, thậm chí bị bắt đi mất tích. Những thanh niên liều mình chống lại hải tặc đều bị chết thảm thương và xác thì bị quăng xuống lòng biển sâu. Có người thì bị giam giữ nơi sào huyệt của bọn chúng, nếu không may được cứu thoát thì không biết số phận sẽ ra sao. Thái Lan là một nước thuần hành theo đạo Phật. Hải tặc Thái Lan đã trở thành một vết nhơ cho dân tộc Thái Lan mà không bao giờ có thể rửa sạch được. Bài viết “Đứa con Lai ... Hải Tặc” trên mạng Vietbao Online ngày 5/5/2018 đã đem lại nhiều xúc động cho người đọc.

Sau đợt di tản đầu tiên, chương trình Ra đi có Trật tự (tiếng Anh: Orderly Departure Program, viết tắt là ODP) mà chương trình diện HO (Humanitarian Operation) là các cựu tù nhân trại cải tạo, có tên chính thức là Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program (Chương trình tái định cư phóng thích đặc biệt tù nhân trung tâm cải tạo), là một chương trình của Hoa Kỳ và cho phép người Việt Nam tỵ nạn tiếp tục nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Trong thời gian thực hiện, ODP đã hỗ trợ được trên 600,000 người tỵ nạn Việt Nam đến được Hoa Kỳ. Vào ngày 14 tháng 11 năm 1994, ODP chính thức khép lại. Đến năm 1999, các văn phòng ODP ở Bangkok cũng đóng cửa và chỉ cứu xét các trường hợp đặc biệt từ TP. HCM.

Ngày 15 tháng 11 năm 2005, Hoa KỳViệt Nam ký kết một thỏa thuận cho phép những người Việt vì trễ hồ sơ khi kết thúc Chương trình Ra đi có Trật tự năm 1994 được tái xét đến định cư tại Hoa Kỳ. Thỏa thuận này đã hết hiệu lực vào ngày 20 tháng 6 năm 2008.

Người mà di dân Việt tri ân nhiều nhất chính là Tổng thống Ronald Reagan. Ông là người đã đã nhận ra trách nhiệm của nước Mỹ với những chiến sĩ đồng minh tại chiến trường Việt Nam, đang bị đầy đoạ tại các trại tù cải tạo ghê rợn của Cộng Sản Việt Nam nơi rừng sâu, núi thẳm. Nhờ nhận thức này mà chương trình H.O. được xúc tiến. Năm 1984, TT Reagan phái vị Tướng hồi hưu Vessy sang gặp chính quyền Hà Nội để bàn thảo cách giải quyết vụ này. Sau nhiều kỳ kèo, năm 1986, chương trình H.O. thành hình. Nguyễn Văn Linh với chức vụ Tổng Bí Thư Đảng, theo chân sư phụ Gorbachev, lãnh tụ Liên Sô, cũng bắt chước " Đổi mới, cải tổ " một tí cho "quả bom nhân dân" khỏi nổ tung. Nhờ vậy, loại tù cải tạo mới được thả về với sự đe doạ bị tống đi vùng kinh tế mới . Năm 1988 chuyện tù cải tạo trên 3 năm có thể lập hồ sơ H.O. mới chính thức được loan báo trên đài phát thanh Hà Nội cũng như các đài VOA, BBC v.v ... Chương trình H.O. bắt đầu từ năm 1990 kéo dài cho tới năm 2008 thì mới chính thức chấm dứt với tổng số trên dưới 200,000 tù cải tạo và gia đình được định cư tại Hoa Kỳ.


Từ đợt di tản đầu tiên năm 1975 cho đến những đợt thuyền nhân, rồi đến những đợt ra đi có  trật tự, tù cải tạo H.O., con lai, đoàn tụ gia đình thì trong vòng 43 năm đã đưa số lượng người Việt tại hải ngoại lên đến gần 4 triệu người phân bố không đồng đều tại 103 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, 98% trong số đó tập trung ở 21 nước tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Áchâu Đại Dương. Riêng Hoa Kỳ đã nhận trên 2 triệu người, sau đó là Pháp, Úc, Canada với mổi nước trên 300,000 người.


Trong 2, 3 năm gần đây lại xuất hiện thêm một thành phần di dân mới dù số lượng chưa có thống kê. Đó là sự hiện diện nhất là tại Cali của giới con cháu của các cán bộ cao cấp cũng như giới “tư bản đỏ” trong nước. Có một lần vợ chồng tác giả vào một quán ăn miền Bắc ngồi cạnh một bàn các thiếu niên nam nữ nói tiếng Bắc 1975. Các em ăn nói hơi lớn tiếng và có vẻ tự hào về sự hiện diện của mình trên đất Mỹ. Nghiên cứu thêm là trong số các thành phần du học Hoa Kỳ có khá nhiều con, cháu thuộc thành phần trung lưu của VNCH cũ. Các gia đình này đã hy sinh tất cả để con cháu được du học Hoa Kỳ. Các em này hội nhập tốt hơn vì ở chung với bà con và chịu sự giáo huấn của người miền Nam. Một số các em đã qua học Hoa Kỳ từ lớp 9. Các em đã bắt đầu tốt nghiệp Cữ nhân và đang học cao hơn. Điều có thể là các cháu sẽ có việc làm, ở lại Hoa Kỳ và cha mẹ sẽ có chân đứng ở 2 bên dù điều kiện sẽ khó hơn nhiều.


Việc mua nhà cửa phần lớn ở California của thành phần mới này cũng được báo chí hải ngoại nêu lên. Thống kê của Hiệp hội Địa ốc Hoa Kỳ tại California cho biết số người Việt Nam trong khoảng giữa 2016-2017 đã bỏ ra khoảng 3 tỷ USD để mua nhà tại California, tương đương với Đức Quốc, Nhật Bản trong khi người Trung Quốc chi đến 24 tỷ USD. Một vài bài viết tại miền Nam California nêu lên sự thâm nhập của thành phần mới vào cộng đồng người Việt hải ngoại “ ... Nét văn hoá, sự thanh lịch của người Việt tị nạn đang dần dần bị … xâm lăng? Cuộc sống chung quanh ta coi thế mà thay đổi chóng mặt. Nếu không để ý, và không có thái độ tích cực để gìn giữ văn hóa của người Sàigòn xưa, thì Little Sài Gòn có thể sẽ mất đi cái tên và ý nghĩa yêu kiều mà người dân tỵ nạn giữ trong lòng bao nhiêu năm nay”. Nhận xét này đúng nhưng hơi tiêu cực. Những người ngoại quốc nhất là người Á Châu định cư tại Hoa Kỳ sẽ mất một thời gian để hội nhập vào xã hội, văn hóa của đất nước này. Cuộc sống tại Hoa Kỳ đầy cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức. Nghĩ rằng mình có tiền tham nhũng của cha ông để phung phí tại Hoa Kỳ thì đó là điều bất hạnh cho dân tộc.

KẾT LUẬN

Đã 43 năm qua kể từ ngày chiến tranh chấm dứt. Như lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói, quốc gia được thống nhất nhưng cả triệu người vui thì cũng có cả triệu người buồn. Thế hệ thứ nhất của người Việt hải ngoại, dù rời quê hương năm 1975 hay những năm sau, đã cật lực làm lại cuộc đời, tạo dựng một cộng đồng người Việt tại hải ngoại không thua kém ai trên quê hương mới. Thế hệ thứ hai đã bắt đầu trả lại cho quê hương thứ hai của mình “cả vốn lẫn lời”. Danh xưng tạm dung, người Việt tỵ nạn mang nhiều cảm tính nhưng không phản ảnh được vai trò thực sự của người Việt tại hải ngoại. Có thể nói đa số những người Việt thế hệ thứ nhất tại hải ngoại đã trên dưới ngưỡng cửa 80, ký ức chiến tranh không bao giờ xóa nhòa được nhưng mọi người đã làm xong nhiệm vụ của mình trong một giai đoạn khó khăn nhất của lịch sữ dân tộc, cố gắng sống an bình trong tuổi già với những gì mình có được.  

Trong số các tướng lãnh miền Bắc thì tác giả để ý đến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mà tên thật là Nguyễn Hữu là cựu tướng lĩnh và chính trị gia của Việt Nam, một trong những người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chiến tranh, đưa con đường vận tải chiến lược này thành một trong những mấu chốt thành bại trong chiến tranh. Chiến tranh chấm dứt, ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải  đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng cho núi rừng Trường Sơn. Ông là một trong những tướng lãnh Bắc Việt đầu tiên cho rằng tất cả chuyện cũ hãy cho nó qua đi, lật qua một trang mới - trang sử Việt Nam phát triển, đi lên từ sự hòa giải, hòa hợp. Một bài báo gần đây ngày 4/5/2018 trên Blog Nguyễn Xuân Diện đã đề nghị lấy ngày 30/4 là ngày thống nhất và cũng là ngày đại đoàn kết toàn dân, không tổ chức kỷ niệm tưng bừng chiến thắng mà tổ chức các lễ tưởng niệm những nạn nhân của chiến tranh trên khắp đất nước, thắp hương tưởng nhớ những người lính tại các nghĩa trang cả 2 phía, thăm hỏi, động viên những người già cô đơn, thương, bệnh binh, những người chịu mất mát do chiến tranh trên toàn quốc bất kể họ ở phía nào của cuộc chiến, tổ chức tìm kiếm và quy tập hài cốt những người lính đang bị mất tích không phân biệt họ thuộc phía nào và dựng tượng đài “Hòa Bình” tại Hà Nội và Sài Gòn để nhắc nhở các thế hệ sau biết nâng cao tri thức để tránh được chiến tranh. Hòa giải và hòa hợp dân tộc để chứng minh rằng người Việt Nam bao dung và nhân văn, từ đó tạo ra đoàn kết để đưa đất nước đi lên.


Trong những biến chuyển gần đây, mọi người không thể giấu được cảm xúc khi thấy dân chúng Bắc và Nam Triều Tiên cùng nhau mang lá cờ màu trắng với bản đồ Triều Tiên thống nhất. Người Triều Tiên đã làm được điều mà người Việt trong và ngoài nước vẫn còn giữ 2 lá cờ chỉ tượng trưng cho hai miền của một nước Việt Nam trong một giai đoạn lịch sữ.


Image result for Cờ Liên Triều

 

Những người Việt tham gia cuộc chiến, dù xem là thắng cuộc hay bỏ nước ra đi, đều mong thấy được những điều tốt đẹp nhất cho dân tộc xảy ra trong thế hệ này nhưng điều này chắc cũng chỉ là ảo tưởng. Nhưng thông tin lý thú nhất lại do một quan chức cao cấp của chính phủ tiết lộ, và được báo Maeil Kyungjae trích lại. Theo quan chức ẩn danh này, ông Kim Jong Un đã nói với ông Moon Jae In ý muốn tiến hành cải cách theo mô hình của Việt Nam: một quốc gia vừa bảo tồn quyền lực, vừa thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển nền kinh tế và duy trì quan hệ hữu hảo với Hoa Kỳ. Kinh tế Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đã mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế đa dạng hóa đa phương hóa mối quan hệ với quốc tế, nên thu hút được đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, người Triều Tiên cũng biết rằng những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay đã hầu như không thay đổi được tư duy để đem lại hòa giải thực sự với người Việt tại hải ngoại. Nếu chờ thế hệ này, trong cũng như ngoài nước, chết đi để cho thế hệ kế tiếp bắt đầu những thay đổi thì quả là điều đáng tiếc.



THAM KHẢO

  1. Chương trình Ra đi có Trật tự - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

  2. Thuyền nhân Việt Nam - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

  3. Bài viết “Bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân ngày 30/4” trên mạng Zing.VN ngày 28/4/2018.

  4. Bài viết “Trần Đức Thảo nghĩ gì về đế quốc và 30/04?” trên mạng BBC ngày 28/4/2018.

  5. Bài viết “30/04: Bên thắng cuộc và thua cuộc nghĩ gì?” trên mạng BBC ngày 30/4/2018.

  6. Bài viết “Kỷ niệm 30/4 đang bớt đi phần hào nhoáng?” trên mạng BBC ngày 30/4/2018.

  7. Bài viết “Ngày 30/4 trả lời vài câu hỏi” của tác giả Nguyễn Quang Duy trên mạng Đàn Chim Việt ngày 29/4/2018.

  8. Bài viết “Little Saigon, Quận Cam có còn là Thủ Đô của người tỵ nạn?” trên mạng Người Việt Online ngày 18/1/2018.

  9. Bài viết “Một luật sư Hà Nội hiến kế tổ chức ngày 30/4 từ nay về sau” của tác giả Nguyễn Danh Huế trên Blog Nguyễn Xuân Diện ngày 4/5/2018.

  10. Bài viết “Thống nhất và nhất thống” trên đài VOA ngày 4/5/2018.

  11. Bài viết “30/04/2018, một ngày như mọi ngày …” trên mạng Đàn Chim Việt ngày 1/5/2018.

  12. Bài viết “Thuyền nhân vượt biển và cộng đồng Việt tha hương” trên mạng RFA ngày 30/4/2008.

  13. Bài viết “Đứa Con Lai... Hải Tặc” trên mạng Vietbao Online ngày 5/5/2018.

Để đọc các bài viết này, vào Google đánh "Nguyễn Mạnh Trí", click "Nguyễn Mạnh Trí-Các bài viết-Vietbao", click "https://vietbao.com/author/post2917/nmt" và chọn bài muốn đọc.


Nguyễn Mạnh Trí
Tu chỉnh: 1 tháng 6 năm 2018

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.