Vi Anh
Nhiều dấu chỉ đáng tin cho thấy cử tri Mỹ gốc Việt có hai khuynh hướng trội yếu trong các cuộc bầu cử ở Orange County (Quận Cam), trong vùng Little Saigon người Mỹ gốc Việt và hải ngoại gọi là thủ đô tinh thần của Việt Nam hải ngoại. Đó là thể thức bỏ phiếu khiếm diện (absentee ballot) hay bầu bằng thư là thói quen người Việt bỏ phiếu cho người Việt chống Cộng, tạo thành số thăm gốc để ứng cử viên gốc Việt đắc cử. Hai khuynh hướng này xuất phát từ thế hệ thứ nhứt với căn cước tỵ nạn chánh trị, đang phát huy sang thế hệ thứ hai, thứ ba vì tiện lợi và thuận hợp với những người Việt trẻ quá bận bịu với công ăn việc làm. Mấy cuộc bầu cử trước các ban vận động gõ cửa nhà cử tri giúp đồng hương điền mẫu xin bầu bằng thư. Kỳ bầu cử ngày 5 tháng 6 này chưa thấy chuyện ấy, có lẽ biết nhiều cử tri đã xin bầu bằng thư thường trực nên không làm nữa.
Nhưng hai điều quan trọng này không thể bỏ qua, là ứng cử viên hay người vận động thay mặt cần tổ chức đến từng nhà gõ cửa xin phiếu. Và chính ứng cử viên tự mình cần bày tỏ một cách thành thực lập trường và hành động thực sự chống CS của mình. Cử tri muốn nghe, thấy chính ứng cử viên nói về vần đề cốt lõi, căn cước tỵ nạn CS ấy để nhận định và quyết định lá phiếu.
Thực vậy, một, bầu vắng mặt. Gần đây phiếu bầu vắng mặt đã từng đem lại sự thắng cử vào giờ chót của một hơi năm sáu ứng cử viên gốc Việt vào chánh quyền địa phương trong cuộc bầu cử nhiều cuộc bầu cử. Tiêu biểu từ năm 2007, cử tri Mỹ gốc Việt đã tạo thành một tuyệt chiêu chánh trị bầu cử. Nhớ cuộc bầu cử ngày 6 tháng Hai, năm 2007 để điền khuyết một giám sát viên của Hội Đồng Giám sát Quận Cam, là một cuộc bầu cử đặc biệt theo thông lệ cử tri thường lơ là. Nhưng còn hai tuần nữa mới tới ngày bầu cử mà số phiếu bầu khiếm diện của cử tri gốc Việt đã gởi đến cơ quan chánh quyền tổ chức bầu cử trên 50% rồi. Cơ quan tổ chức bầu cử của chánh quyền Quận Cam đã nhận gần 18,000 phiếu bầu khiếm diện, hơn 50% là của cử tri gốc Việt, mang họ Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn, v.v...
Theo thăm dò của những quan sát viên độc lập, cử tri gốc Việt tham gia bầu cử đông nhất, số phiếu này đại đa số dành cho 2 ứng cử viên gốc Việt trẻ. Kết quả hai ứng cử viên Việt trẻ này được nhiều phiếu nhứt, Nghị viên Janet Nguyễn thắng khít khao Ls Trung Nguyễn đồng bào của mình.
Thông thường cơ quan bầu cử của chánh quyền gởi phiếu bầu khiếm diện về nhà cử tri trước gần hai tuần. Cử tri dư thì giờ suy nghĩ, cân nhắc, và chọn lựa. Không cần phải đi xe, nhờ người chở trên đường. Khỏi xếp hàng chờ đợi. Tránh bị bối rối với máy bầu cử chữ nhỏ, cần nhiều động tác ở phòng. Chỉ cần gởi phiếu bầu bằng một bao thơ cấp sẵn theo phiếu, dùng con tem 39 cents lúc bấy giờ là xong nhiệm vụ và quyền lợi công dân, chọn người mình xem là thích hợp và có tài đức ra gánh vác chuyện nước, việc dân.
Đa số người gốc Việt có tuổi thích thể thức này và biến nó thành tuyệt chiêu nhất dương chỉ bầu cử ở Mỹ. Ở nước nhà VN khi xưa không có thể thức bầu cử khiếm diện này. Nhiều dấu chỉ cho thấy số cử tri nhỏ tuổi hơn thế hệ thứ nhứt cũng đang khắc phục thời gian quá bận bịu công ăn việc làm của mình bằng cách xin bầu khiếm diện. Tỷ lệ cử tri xin bầu khiếm diện thường trực xin một lần để xài trong mọi cuộc bầu cử -- ngày một tăng.
Hai, người Việt bỏ phiếu cho người Việt có tinh thần và hành động chống Cộng sản. Trong các cuộc bầu cử, cử tri gốc Việt xem yếu tố sắc tộc trọng hơn tính đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa. Dân biểu Trần thái Văn ở Cali và DB Hubert Võ ở Texas trong kỳ bầu cử 2004, hai tiểu bang đông dân Việt nhứt nhì Mỹ đều đắc cử, đều nhờ lá phiếu gốc của cử tri người Việt. Trường hợp đắc cử của DB Võ ở Texas còn gay go hơn của DB Văn nữa, vì DB Võ phải chống lại một DB người Mỹ Trắng, lâu năm và nhiều uy thế. Nhưng chính những lá phiếu của khối thiểu số Việt đoàn kết cứng như kim cương tạo thành số phiếu gốc thắng cử cho DB Võ. Và những lá phiếu gốc đó đa số là của thế hệ thứ nhứt, bỏ thăm vắng mặt, khiến phải xem đi xem lại mấy lần khi người ứng cử Da Trắng khiếu kiện.
Ba và sau cùng, hai khuynh hướng trên từng tạo thắng lợi cho ứng cử viên gốc Việt ít ai dè và tạo thế lực chánh trị cho tập thể người Mỹ gốc Việt tương đối sớm, có đáng chê trách không?—Câu trả lời ngay: Tuyệt đối không. Về pháp lý, điều gì luật không cấm thì người dân được làm. Huống hồ thể thức bầu phiếu vắng mặt là thể thức luật định, giúp người lớn tuổi, người bận bịu làm nhiệm vụ công dân và giúp cho cuộc bầu cử cao, tăng tính dân chủ của bầu cử. Gần đây luật pháp còn thêm thể thức bầu cử sớm để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình.
Về văn hóa, người Việt bầu cho người Việt là lẽ thông thường trong xã hội đa văn hóa và nền chánh trị đa sắc tộc, đa nguyên của xã hội Mỹ. Một chánh quyền dân chủ, không thể của dân, vì dân, do dân được khi không có sự đại diện thích hợp, đồng đều. Những biện luận cho rằng người Việt bỏ phiếu cho người Việt là thượng tôn dân tộc, người Việt ứng cử nhiều quá vào chánh quyền sẽ làm cho người Mỹ nghi kỵ và có thái độ kỳ thị với người Mỹ gốc Việt, người Việt dùng đề tài đấu tranh cho tự do, dân chủ nhân quyền VN và biểu tượng cờ nền vàng ba sọc đỏ là hoài cổ; những biện luận đó là giả đạo đức, ngụy biện. Đa số những thành tựu của cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ, nhân quyền VN – nói trắng ra là chống CSVN độc tài. Người Mỹ gốc Việt cần có sự tiếp tay của những người dân cử gốc Việt trong vận động hành lang và làm dự luật để chánh quyền dân cử hiểu biết mà thông qua. Nghị quyết Cờ Vàng ở Cali và nghị quyết cấm cửa CS ở hai thành phố Garden Grove và Westminster của Little Saigon là bằng cớ điển hình. Bảo cử tri, ứng cử viên gốc Việt để quá khứ ra sau, chối bỏ lý lịch tỵ nạn CS của mình là giả đạo đức, là xúi người Việt mất gốc, mất chánh nghĩa.
Tại sao người Mễ dồn phiếu cho ứng cử viên Mễ được. Tại sao người Mỹ Trắng, người Mỹ Đen, người Mỹ Hispanics, người Mỹ gốc Hoa, Hàn, Cuba dồn phiếu cho ứng cử viên cùng nguồn cội được, tại sao đảng viên Cộng hòa, đảng viên Dân Chủ dồn phiếu cho ứng cử viên Cộng Hòa, ứng cử viên Dân Chủ được - mà lại trách cứ người Việt dồn phiếu cho ứng cử viên Việt – có phải vô lý không.
Bất cứ một tập thể sắc tộc nào, một cộng đồng chủng tộc nào là thành tố của xã hội Mỹ, là thành phần của nền chánh trị Mỹ, chánh quyền Mỹ cũng có một số đặc tính, quyền lợi riêng, cần được chấp nhận với niềm tương kính. Một nền chánh trị ỷ đông lấy thịt đè người, phủ nhận tiếng nói của thiểu số, tiếng nói của đối lập là một nền chánh trị khập khiễng, một thứ dân chủ què quặt. Vậy người Việt không có gì phải mặc cảm khi mạnh dạn dồn phiếu cho ứng cử viên Việt nào mình xét là xứng đáng và thích hợp./.(VA)