Trần Khải
Nghề nào cũng có buồn, vui... Nhưng thời naỳ, nghề giáo coi bộ nhiều buồn hơn vui...
Đôi khi giáo viên căng thẳng, phản ứng vô ý thức, là lại có chuyện.
Bản tin SOHA kể: Cô giáo "quyền lực" lên tiếng xin lỗi và hứa sẽ giảng bài...
Liên quan việc nữ sinh Phạm Song Toàn (THPT Lâm Thới, Nhà Bè, TPSG) bật khóc khi nói về giáo viên dạy Toán không giảng bài khi lên lớp, cô Trần Thị Minh Châu - người bị phản ánh - đã lên tiếng xác nhận hành vi của mình.
Cô đã xuất hiện trên truyền hình, trong một bản tin của VTV24 được phát tối 29.3 để gửi lời xin lỗi đến học sinh.
"Tôi đã sai và không có gì để bàn cãi. Tôi cũng nói với học sinh là tôi sai trước. "Tại sao cô làm vậy?", các em cũng hỏi nhưng tôi chỉ nói "cô không giải thích với em".
Thực sự đến nay, ngoài thầy hiệu trưởng, tôi cũng chưa nói với ai lý do vì sao không giảng bài" – cô Châu nói.
Báo Giáo Dục VN kể: Cô giáo không giảng bài ở trên lớp vì bị "học sinh cũ" đe dọa?
Cô Châu nói rằng do có một học sinh cũ dọa nếu cô giảng bài thì sẽ tổ chức ghi âm lại, để “đánh” cô giáo, làm cô sợ không dám giảng bài.
...Suốt từ tháng 11/2017 cho đến nay, cô Châu đến lớp 11A1 của trường chỉ có ghi toàn bộ bài giảng, bài tập lên bảng, mà hoàn toàn không giảng bài, trò chuyện gì cả với học sinh.
Nguyên nhân của việc này, cô Châu nói rằng do có một học sinh cũ dọa nếu cô giảng bài thì sẽ tổ chức ghi âm lại, để “đánh” cô giáo, làm cô sợ không dám giảng bài.
Đó là chưa có bạo hành...
Mới đây, báo Lao Động nhắc về chuyện ở Nghệ An: “Cô giáo có thai bị đánh, phải quỳ xin lỗi: Hiệu ứng thế hệ "con vàng, con bạc"...”
Thời gian qua, nhiều vụ hành hung, làm nhục giáo viên liên tiếp xảy ra, làm dấy lên nỗi băn khoăn về nguồn gốc sâu xa của hiện tượng.
Vụ ban đầu gây chấn động dư luận là việc ông Võ Hòa Thuận (Long An) đã có lời nói ép buộc cô giáo quỳ gối xin lỗi. Nguyên nhân sự việc xuất phát từ lỗi của cô giáo. Tuy nhiên, hành vi của ông Võ Hòa Thuận đã vượt qua giới hạn của đạo lý, báo hiệu sự xuống cấp trong suy nghĩ, hành động của một số phụ huynh, về mối quan hệ đối với thầy cô dạy dỗ con mình.
Những quan niệm như “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, thứ bậc “quân sư phụ” (thầy xếp trên cha mẹ), truyền thống tôn sư trọng đạo đã bị lung lay. Dường như trong quan niệm của một số phụ huynh, họ đã trả tiền học phí, nghề giáo cũng là một dịch vụ, nên họ có quyền đòi hỏi, yêu sách. Nếu giáo viên không đáp ứng hay vi phạm các quy định thì họ có quyền “ra tay” trừng phạt.
Vị thế của nghề giáo trong xã hội có thể nói là đã “chạm đáy”, cùng với việc cô giáo phải quỳ gối.
Trường hợp thứ hai, phụ huynh Phan Thị Nghĩa ở TP Vinh (Nghệ An), khi thấy con có vết thâm ở chân, hỏi thì cháu cho biết bị cô đánh, bà Nghĩa đã tin ngay lời con, không cần xác minh và không nghe cô thanh minh, xông vào đánh đập, buộc cô phải quỳ gối xin lỗi.
Hay về trường hợp khác, theo bản tin Zing/Infonet: Lương 0 đồng, nhiều giáo viên ở Hà Tĩnh rục rịch bỏ nghề...
93 giáo viên bậc mầm non trong diện hợp đồng nhằm đáp ứng việc thiếu giáo viên trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nhưng nhiều tháng nay đi dạy không lương.
Toàn thị xã Kỳ Anh có 12 trường mầm non công lập, với 181 nhóm, lớp. Theo quy định UBND tỉnh (2 giáo viên/lớp), số đủ là 362 giáo viên. Tổng số giáo viên hiện có là 269, nghĩa là còn thiếu 93 giáo viên. Theo đúng quy định và đảm bảo chất lượng giáo dục, các trường mầm non đã hợp đồng giáo viên là 70 người.
Tránh tình trạng thiếu hụt giáo viên, các trường đã phải tự xoáy xở nhằm bảo đảm công tác dạy và học. Họ buộc phải ký hợp đồng ngắn hạn với giáo viên bên ngoài. Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra là trường lấy ngân sách từ đâu để chi trả lương cho giáo viên hợp đồng?
Trong đó, có nhiều trường hợp 6 tháng không lương.
Bản tin viết:
“Sau khi có thông báo của Sở GD&ĐT cấm không cho thu tiền phụ huynh để trả lương cho giáo viên hợp đồng, 70 giáo viên hợp đồng vẫn đi dạy bình thường nhưng nhà trường không có tiền trả lương.
Cô Nguyễn Thị Vân Anh (giáo viên Trường mầm non Kỳ Phương), cho biết theo lương hợp đồng hiện tại cô nhận là 2,5 triệu đồng/tháng. Kể từ khi Sở GD&ĐT “tuýt còi”, 6 tháng nay, cô không được nhận một đồng lương nào. Mọi chi phí gia đình, nuôi dạy con phải dựa vào đồng lương ít ỏi của chồng.
“Kể từ tháng 10/2017, sở giáo dục cấm thu tiền phụ huynh để trả tiền lương cho giáo viên nên nhà trường đang nợ 250 triệu đồng/6 tháng lương của 11 giáo viên. Quả thực các giáo viên đã dạy không công mà chúng tôi vẫn thường đùa nhau là giáo viên 0 đồng - không đồng lương”, bà Nguyễn Thị Diễn, hiệu trưởng trường Mầm non Kỳ Phương, cho biết...”
Gian nan là vậy... Nghề giáo đầy nước mắt là vậy.