Hôm nay,  

MỘT NĂM CỦA ÔNG TRUMP

16/01/201818:30:00(Xem: 6870)

Tính đến ngày 20 tháng Giêng năm nay, ông Donald Trump đã cầm quyền tổng thống Hoa Kỳ được một năm. Chúng tôi không làm tổng kết về những thành tích hay thất bại của ông trong thời gian này, nhưng không thể không nói tới hai sự kiện: một tổng thống bị bươi móc chỉ trích mỗi ngày trên chính đất nước của mình và ông Trump đã làm thay đổi tình hình nước Mỹ và bang giao thế giới như thế nào trong năm qua.

     Trước hết, chúng ta chưa từng thấy một nguyên thủ quốc gia nào trên thế giới bị các dân biểu, nghị sĩ, chánh án phe đối lập, và đôi khi cả phe cầm quyền, về hùa với một số báo chí, truyền thanh, truyền hình ra rả đả kích, chửi bới mỗi ngày như ông Trump. Có người còn công khai tuyên bố TT Trump điên, mắc bệnh tâm thần, cần được khám bệnh và chữa trị. Người ta có cảm tưởng việc quan trọng nhất của những người này là bới lông tìm vết tổng thống và tìm cách hạ uy tín của ông với hy vọng có thể truất phế ông ngay giữa nhiệm kỳ. Việc chống đối lãnh đạo một cách dữ dằn đôi khi cũng xảy ra tại nhiều nước khác, nhưng có chỗ, có lúc, và thường là chống chính sách hay “scandal” lớn, không phải lúc nào cũng bắt bẻ từng câu, từng cử chỉ của tổng thống, từng cái váy, đôi giầy của phu nhân tổng thống. Nhiều khi xuyên tạc, bóp méo cho đã rồi xin lỗi dễ dàng. Cứ mở đài CNN mà coi là thấy ngay. Cứ đọc cuốn “Fire and Fury” (Lửa và Giận Dữ) của Michael Wolff mới phát hành trong tháng Giêng là thấy mọi chuyện thâm cung bí xử của triều đình và phòng ngủ riêng của ông Trump bị phanh phui. Không biết độ chính xác được bao nhiêu?

blank    blank

     
Về phần TT Trump, ông cũng tạo ra những nguyên do để những người không ưa ông có cớ khai thác. Trước tiên, ông không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp từ dưới đi lên, hay một dân cử leo từ cấp địa phương lên đến cấp dân biểu, nghị sĩ rồi mới tới tổng thống. Ông là một chính khách “nhẩy dù” từ môi trường kinh doanh sang lãnh vực chính trị. Vì thế ông không biết ăn nói kiểu rào trước đón sau, không có những lời lẽ và cử chỉ theo quy ước qúy phái (noble) của những người có chức vụ cao trong xã hội. Ông ăn nói và hành động kiểu con buôn, ra giá và trả giá. Vì thế bị chê là thô lỗ, cục cằn. Mà ông cũng thô lỗ thật. Nhiều khi ông nói năng lung tung, ra ngoài đề, nhục mạ người khác và cả các nước khác, như mới đây ông chửi nước Haiti và nhiều nước châu Phi là “những nước cục phân”. Ông cải chánh và xin lỗi, nhưng
“nhất ngôn kỳ xuất, tứ mã nan truy”. Ông lại còn thêm tật lèm bèm. Đã làm đến nguyên thủ quốc gia mà còn vô twitter cãi nhau với người khác mỗi ngày. Việc ông trả lời Kim Chính Ân về “hỏa tiễn mày nhỏ tí, hỏa tiễn tao to đùng” giống như chuyện con nít cãi lộn. Ông cũng có những hành động bất ngờ, những tuyên bố khi này khi khác khiến các đối tác không biết đâu là thật hư. Đây là điểm yếu và cũng là điểm đáng gờm của ông.

     Tuy nhiên, những điều trên chỉ là những lý do bề ngoài. Việc ghét bỏ ông Trump có những lý do sâu xa hơn

     1/ Giai cấp cầm quyền và guồng máy hành chánh Mỹ đã quen với với chính sách “dĩ hòa vi qúy” trong suốt 16 năm của hai Tổng Thống Clinton, Obama. Dấu ngoặc 8 năm của ông Bush con được đánh dấu bằng hai trận chiến Afghanistan (để trả đũa vụ 9/11) và Iraq, ngoài ra chính ông Bush cũng mềm xìu với Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn và cả Việt Nam (đã rút tên VN khỏi danh sách các quốc gia đáng quan tâm về tự do tôn giáo). Khi lên cầm quyền, ông Obama vội tìm cách rút quân Mỹ khỏi Afghanistan và Iraq. Làm như chỉ cần tỏ thiện chí, rải Đô la (mặc cho ngân sách thiếu hụt hàng ngàn tỷ mỗi năm), thuyết phục, hứa hẹn và dọa mồm là các ông có thể bình thiên hạ. Khi đã quen với cung cách làm chính trị như vậy thì người ta không muốn đổi sang cách khác, mệt hơn và nguy hiểm hơn, nhất là đổi sang cách của ông Trump. Ngay khi tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ làm sạch Washington, thách thức giới cầm quyền truyền thống. Như vậy giới chính trị chuyên nghiệp làm sao ưa được ông?

     2/ Phe tả phái (leftist) Mỹ rất mạnh. Phe này chủ trương không can thiệp ngoài nước Mỹ, mở cửa biên giới cho di dân, ủng hộ hoàn cầu hóa, ủng hộ các chế độ “gọi là” xã hội, nương tay và nương miệng khi các chế độ này hành động độc tài hay gây tội ác. Chủ trương này đã trở thành một thứ lý tưởng có khuynh hướng xã hội (socialist ideal) tạo ra nhiều nạn nhân, trong đó có Việt Nam. Thành phần chính của tả phái Mỹ là giới truyền thông và trí thức. Chúng ta không lạ khi thấy cuộc chiến giữa ông Trump và truyền thông xảy ra hàng ngày. Giới trí thức thì khinh dễ ông Trump. Giới lãnh đạo châu Âu không coi ông Trump ngang hàng về phương diện trí thức và đẳng cấp. Đa số dân Anh không muốn ông Trump sang thăm Anh quốc. Tổng Thống Pháp Macron 39 tuổi chê lên chê xuống Tổng Thống Mỹ 70 tuổi dù vẫn phải nịnh bằng cách mời TT Trump tham dự diễn binh ngày “Quatorze Juillet” (quốc khánh Pháp 14 tháng 7). Cựu bộ trưởng Văn Hóa Pháp Jack Lang thuộc đảng Xã Hội mượn gió bẻ măng lời ông Trum nói bậy để mạt sát ông: “Donald Trump là một tổng thống cục phân” (Donald Trump est un président de merde). Có bao giờ một chính khách chửi một tổng thống nước bạn tục tằn như thế?

     3/ Phe thua cuộc của bà Hillary Clinton chưa chịu chấp nhận thua. Bà Clinton cho ra mắt cuốn “What Happened” (Chuyện gì đã xảy ra) vào tháng 9-2017, chưa đầy một năm sau khi thua, để biện minh vì sao bà thua. Bà trách móc tất cả mọi người, kể cả đảng Dân Chủ của bà. Dĩ nhiên bà trách ông Trump nặng nhất, với tội nhờ tình báo Nga phát giác hàng chục ngàn emails chuyện công được bà xử dụng bằng máy riêng. Bà đổ thừa bà mất phiếu vì tin này, còn bị thêm rắc rối với cơ quan Điều Tra Liên Bang FBI. Một luận cứ khác được bà coi là căn bản, đó là bà có cả triệu phiếu phổ thông nhiều hơn ông Trump. Như thế là đa số dân Mỹ ủng hộ bà. Bà là người khôn ngoan, có học thức, tại sao lại nói kiểu ấy? Hiến Pháp Mỹ, đã được Quốc Hội Mỹ từ thời lập quốc thông qua, ấn định thể thức bầu cử tổng thống cho chế độ liên bang gồm nhiều tiểu bang. Mỗi tiểu bang phải có tiếng nói và có đại biểu theo tỷ lệ dân số để bầu tổng thống. Nếu căn cứ theo phiếu phổ thông thì chỉ cần Cali liên kết với Texas là hai tiểu bang này luôn luôn bầu được tổng thống theo ý họ. Các tiểu bang khác ngồi đó mà nhìn. Nếu chuyện này xảy ra, chắc chắn một số tiểu bang sẽ bất mãn tách rời khỏi Hiệp Chủng Quốc Mỹ. Bà Hillary Clinton đau qúa hóa dại. Bà xúi mọi người chống ông Trump, kể cả xuống đường phủ nhận tân tổng thống vừa đắc cứ. Bà tự chứng tỏ là một người thua cuộc xấu (bad loser). Với tư cách ấy, nếu bà đắc cử tổng thống, nước Mỹ có hãnh diện và liệu có khá hơn không?

     Nếu ông Trump điên, bất xứng, tại sao dân Mỹ lại bầu cho ông? Ông đâu có hứa hẹn trời trăng với dân Mỹ? Đâu có cho dân Mỹ ăn bánh vẽ? Trước khi vào chung kết và thắng bà Clinton, ông đã hạ đo ván 13 ứng cử viên gạo cội của đảng Cộng hòa, gồm toàn những dân biểu, nghị sĩ, thống đốc tiểu bang. Ông thắng vì chủ trương đường lối của ông đáp đúng sự mong mỏi của nhiều người Mỹ:

  1. Nước Mỹ trước hết (America first). Chấm dứt rải tiền lấy lòng cả thế giới nhưng kết qủa

     chẳng được bao nhiêu. Hạn chế di dân và trục xuất di dân bất hợp pháp.

  1. Giữ và tạo việc làm cho giới công nhân và trung lưu thấp, không cho đưa nhà máy ra nước ngoài để lợi dụng giá lao động rẻ.

     Khẩu hiệu tranh cử của ông ăn khách hơn của những ứng cử viên khác. Ông lại chưa có thành tích chính trị khả nghi vì chưa từng làm chính trị. Vì thế ông thắng. Ông đã thắng cử một cách hợp lệ, hợp pháp. Ông có tư cách là tổng thống của toàn thể nước Mỹ theo nguyên tắc thiểu số phải phục tùng đa số.

     Dù bị đánh đấm mỗi ngày, TT Trump vẫn không đổi cách nói và cách làm của ông. Ông muốn nói gì thì nói, ai muốn chửi ông cứ chửi, guồng máy quốc gia vẫn chạy đều. Ông đã kiếm được những người khôn ngoan, nhiều kinh nghiệm để nắm những cơ quan đầu não: ông Rex Tillerson (Ngoại giao), cựu tướng Thủy Quân Lục Chiến James Mattis (Quốc Phòng), cựu tướng Herbert R. Mc Master (Cố vấn An ninh quốc gia). Những người này tạo thành một bộ tham mưu đáng nể trong việc hoạch định và thi hành các chính sách ngoại giao và quốc phòng của Hoa Kỳ. Đừng vội nói rằng chính quyền Trump không có chính sách, chỉ gặp đâu làm đó. Dĩ nhiên có thiếu sự phối hợp trong lúc đầu và chính quyền mới cần thời gian quan sát trước khi đưa ra những quyết định. Nhưng phải nhìn nhận chính quyền Trump đã hành động mạnh mẽ và rõ ràng hơn chính quyền Obama.

     Về đe dọa nguyên tử của Bắc Hàn, chính quyền Trump đã mạnh mẽ tố cáo, đưa mẫu hạm, tầu chiến, máy bay đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên để thị uy và đe dọa, đã đặt những dàn hỏa tiễn chống hỏa tiễn THAAD ở Nam Hàn. Về ngoại giao, Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc can thiệp với Bắc Hàn để anh nhỏ hung hăng đừng chơi dại với võ khí hạt nhân, đồng thời vận động Liên Hiệp Quốc ra những quyết nghị trừng phạt Bắc Hàn. Tất cả những hành động này đã đem lại nhiều kết qủa, dù chưa giải quyết hẳn vụ Bắc Hàn. Nước này đã xuống thang đe dọa mồm, ngưng thử hỏa tiễn mới và đã chấp nhận đề nghị nói chuyện trực tiếp giữa Nam, Bắc Hàn của tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in. Hai phái đoàn Nam Bắc đã gặp gỡ để thảo luận về giải pháp hòa bình, cụ thể là tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông tại Pyeongchang, Nam Hàn, từ 9 đến 25-2-2018. Một số nhà bình luận cho rằng Bắc Hàn làm thế để chia rẽ Mỹ với Nam Hàn. Làm sao mà chia rẽ dễ thế khi quyền lợi của Mỹ và Nam Hàn gắn bó với nhau gần 70 năm nay? Phải nói là Bắc Hàn khôn hơn Việt Cộng. Nếu nhận nói chuyện với Mỹ rồi phải nhượng bộ thì mất mặt. Thà nói chuyện với anh em (dù thù nghịch) còn hơn bị người ngoài áp đặt.

     Về Biển Đông, nhiều người e ngại ông Trump mắc lo vụ nguyên tử Bắc Hàn và chiều lòng Tập Cận Bình để nhờ ông này làm áp lực với Kim Chính Ân, nên bỏ mặc Biển Đông cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Thực tế không xảy ra như vậy. Chính quyền Trump đã đưa hạm đội và phi đoàn hùng hậu vào biển Nhật Bản và Triều Tiên, sát nách vùng tranh chấp từ đảo Điếu Ngư đến vùng biển hình lưỡi bò. Hành động này có tác dụng một đập hai cú, vừa dọa Bắc Hàn, vừa gián tiếp thị oai với Trung Quốc, xác nhận sự có mặt hùng hậu và thường xuyên của Mỹ ở Biển Đông. Mỹ luôn lên tiếng phản đối những vi phạm của Trung Quốc và gia tăng cho tầu tuần đi vòng các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây đắp.

     Mới đây, báo South China Morning Post ở Hồng Kông đã phỏng vấn ông Brian Hook, cố vấn chính sách đối ngoại của Ngoại Trưởng Rex Tillerson, về hành động của Mỹ ở Biển Đông. Ông Brian Hook đã tuyên bố rất rõ ràng: “Washington sẽ chống đối bất cứ hành động đơn phương nào của Trung Quốc trên Biển Dông trong khi vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết. Hành động khiêu khích của Trung Quốc, quân sự hóa Biển Đông, cho thấy Trung Quốc đang thách thức luật pháp quốc tế. Trung Quốc đang hiếp đáp những nước nhỏ hơn, gây tình trạng căng thẳng… Chúng tôi sẽ hậu thuẫn các hành động bảo vệ quyền tự do hàng hải và khẳng định rõ với họ rằng chúng tôi sẽ điều máy bay ngang qua, điều tầu chiến qua lại trong khu vực và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”.

     Ngoài ra, ông Trump đang vận động thành lập một vòng vây bao quanh Trung Quốc và Biển Đông gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Phi Luật Tân, Ấn Độ, và nếu có thể cả Việt Nam. Ông đã nhiều lần dùng danh từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” để kéo Ấn Độ vào cuộc. Như vậy, Trung Quốc không dễ dàng thực hiện tham vọng bá chủ Biển Đông như ý muốn. Giáo Sư Yan Xuetong, Khoa Trưởng Viện nghiên cứu Tân Bang Giao Quốc Tế thuộc Đại Học Đông Hoa, Bắc Kinh, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về chính sách ngoại giao, đã nói với báo Global Times của Trung Quốc ngày 26-12-2017 rằng việc ông Trump theo đuổi chính sách làm sinh động lại sinh hoạt quốc nội và áp dụng nguyên tắc thực tế trong bang giao quốc tế có thể tạo nên những trở ngại cho Trung Quốc trong nhiều lãnh vực, như thương mại Mỹ-Trung, các vấn đề với Bắc Hàn, Nhật Bản, Đài Loan và vùng Á châu Thái Bình Dương.

     Ngoài các vấn đề chính trị, ngoại giao và quân sự, ông Trump cũng rất thực tế trong vấn đề ngoại thương. Ông không chấp nhận tình trạng mỗi năm các nước khác bán hàng cho Mỹ nhiều hơn mua của Mỹ tới 500 tỷ Mỹ kim. Chỉ riêng Trung Quốc đã thặng dư thương mại 300 tỷ với Mỹ. Việt Nam cũng bán nhiều hơn mua của Mỹ 30 tỷ. Để thăng bằng cán cân thương mại, ông điều đình với từng nước trong danh sách 16 nước buôn bán bất quân bình với Mỹ. Trung Quốc và Việt Nam đã tỏ thiện chí sẵn sàng điều đình và lấy vài quyết định tượng trưng trong việc mua thêm hàng của Mỹ. Trong khi chưa đòi được gì thêm từ các nước không thân thiện, ông Trump quay sang các nước láng giềng Canada và Mexico đòi điều đình lại Hiệp định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa ba nước, tự ý tăng thuế gỗ xây cất từ Canada nhập vô Mỹ, tăng thuế 250% máy bay thương mại của hãng Bombardier ở Montreal bán cho các công ty hàng không Mỹ. Bảo vệ quyền lợi của Mỹ thì đúng, nhưng cạn tầu ráo máng với một nước láng giềng từ lâu coi nhau như anh em, lúc nào cũng có mặt với Mỹ trong mọi khó khăn, từ đệ Nhất, đệ Nhị Thế chiến, đến chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Afghanistan, mặt trận chống khủng bố, chung biên giới đến 3 múi giờ, được an ninh nhiều ngàn cây số phiá Bắc với Canada, được Canada cung cấp tới 30% nhu cầu dầu khí để khỏi bị các nước Trung Đông làm khó, vậy mà đòi hết phần lợi về mình, còn dọa rút ra khỏi Hiệp Định NAFTA, thì đúng là hành động của thứ con buôn trắng trợn, coi tiền trên hết, không còn tình nghiã gì.

     Tuy nhiên, những hành động của ông đã đem lại những kết qủa tức thời cho nước Mỹ, phần lớn nhờ lý do tâm lý: các nhà đầu tư Mỹ bắt đầu e ngại đem tiền đầu tư tại Trung Quốc, chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ lên ào ào, việc làm tăng, thất nghiệp giảm. Nói chung là kinh tế tăng trưởng.

     Vấn đề nữa là di dân. Không ai trong chúng ta tán thành việc di dân lậu, di dân bất hợp pháp, dù chính chúng ta cũng là di dân. Để chấm dứt tình trạng này, nhà nước nên đưa ra những biện pháp áp dụng từ nay về sau để cứu xét và chỉ nhận những di dân hợp pháp, hợp lệ. Chính phủ không nên có những biện pháp hồi tố để trục xuất những người đã sống trên đất Mỹ nhiều năm, có khi nhiều chục năm. Việc đuổi 800,000 người Salvador ngày xưa chạy cộng sản và trục xuất 900,000 trẻ em vào Mỹ không có cha mẹ là hành động vô nhân đạo. Họ đã ở đây lâu, đã học tập, làm việc, lấy vợ lấy chồng và đẻ con tại đây, đã coi đất nước này là quê hương, nay bị đuổi, gia đình sẽ tan nát, biết đi đâu, ở đâu, làm gì? Trục xuất những di dân tội phạm thì không ai trách, lại còn hoan nghênh. Nhưng trục xuất những di dân lương thiện đã sinh sống lâu năm trên đất nước này chỉ vì không có giấy tờ hợp lệ là hành động qúa đáng, thiếu tình người. Đừng quên rằng lịch sử loài người là lịch sử di dân, hòa trộn các sắc tộc. Chính Hoa Kỳ cũng là một nước được tạo thành bởi di dân. Theo lẽ thường “đất lành chim đậu”. Nước nào còn đất và có khả năng tiếp đón, nên mở cửa ranh giới để những người nghèo khổ, những người bị áp bức có thể đến tìm chỗ dung thân. Những biện pháp hạn chế và trục xuất di dân của ông Trump tuy có làm giảm bớt số người vào Mỹ bất hợp pháp hay hợp pháp trong năm qua, nhưng đồng thời cũng làm tan nát biết bao gia đình và bao nhiêu đời người. Đón tiếp di dân một cách hợp lệ, hợp pháp, có chọn lựa, thêm lý do nhân đạo, là một nhu cầu và cũng là một bổn phận của những quốc gia có khả năng. Địa cầu là của chung, hãy chia nhau mà sống.

     Trong năm đầu cầm quyền, TT Donald Trump bị chỉ trích, bị chửi rủa nhiều hơn được khen ngợi. Nhưng công tâm mà xét, chính quyền của ông đã tạo nhiều thay đổi có lợi cho Hoa Kỳ cả trong lẫn ngoài nước. Các nhà lãnh đạo ngoại quốc dù không ưa ông cũng phải nể và thận trọng hơn trong cách đối phó với ông. Về tư cách của một tổng thống, ông không phải là một mẫu mực nhưng đã tỏ ra ông là chính ông, Donald Trump cư xử như Donald Trump với những ưu khuyết điểm của mình. Đừng vội chê ông kém cỏi. “Nó lú nhưng chú nó khôn”. Cũng đừng vội chê ông điên, dại. Những đòn không đoán được trước mới khó đỡ và nguy hiểm. Chỉ cầu cho chính sách và cách ứng xử của ông bớt tính con buôn duy lợi, thêm tính nhân đạo và tình người. Nếu được vậy, Donald Trump sẽ có hy vọng làm nên lịch sử theo gót Ronald Reagan.

16-01-2018

MẶC GIAO

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cô Tổng Thống Park Geun-hye của chú bé dân chủ Nam Hàn đang tại chức, làm bậy, bị lôi ra tòa kết án, cho vào tù tức thì, người khác lên thay. Mọi sinh hoạt của quốc gia vẫn tiếp tục và đất nước phát triển như thường lệ. Tổng thống Trump của Mỹ, làm bậy trong lúc đang tại chức. Hết nhiệm kỳ, bị kết 34 tội, không bị một ngày tù, rồi lại ra tranh cử, thắng lợi, thành Tổng thống Mỹ ngon lành. Cùng theo chế độ dân chủ, hiến pháp, luật lệ nước nhỏ, nước lớn không mấy khác biệt. Nước Mỹ không vì to quá, lớn quá, mà luật pháp trở nên hết thiêng, hóa thành chuyện khôi hài.
Cuối năm nhìn người ta hàng hàng lớp lớp, mua sắm bao bị mừng Giáng Sinh, hoan hỉ đón năm mới, hàng tỷ món quà, có bao nhiều quà tặng tinh thần? Có bao nhiêu cuốn sách được gói giấy xanh đỏ? Có mấy tác phẩm văn chương ở trong đó? Câu trả lời bỗng dưng rụt rè. Ở trong một thời đại việc “làm tiền” là trọng đại nhất, “Làm tình” đứng thứ nhì và thứ ba, “tự hào đã làm hai việc trước.” Nếu bạn thuộc vào hàng ngũ trí tuệ tôn vinh vật chất, thì tất nhiên, văn chương đứng hàng gần chót hoặc không hiện diện. Lần cuối cùng, bạn đọc một văn bản văn chương là lúc nào? Và văn bản văn chương là gì?
Những cuộc bầu cử tại Âu châu trong năm 2025 hứa hẹn mang tới những thay đổi chính trị lớn: cuộc bỏ phiếu bất thường của Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag), cuộc đua giành chức tổng thống tại Romania, cuộc trưng cầu dân ý về chính phủ Tusk tại Ba Lan, và sự trỗi dậy của các lực lượng dân túy tại Cộng hòa Séc, tại Na Uy cũng như nhiều nơi khác. Những cuộc tranh dành này có thể sẽ định hình lại tương lai của Liên minh Âu châu
Tấm bảng treo trước cửa văn phòng số H-1127 trong tòa nhà Longworth House Office Building dành cho các dân biểu liên bang Quốc Hội khóa 119 vừa gắn tên một người gốc Việt, Derek T. Tran – California. Đó là kết quả của cuộc đua nghẹt thở giữa một cựu quân nhân, luật sư gốc Việt và một dân cử đương nhiệm của địa hạt 45, California. Luật sư Derek Trần đã kết thúc cuộc đua bằng buổi tuyên thệ tại Capitol Hill chiều Thứ Sáu 3/1/2025, cũng là ngày Quốc Hội bầu chủ tịch Hạ Viện mới.
Từ lâu, cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã được công luận cũng như giới sử gia coi là phải cam chịu nhiều thất bại trên chính trường. Bằng chứng hiển nhiên nhất là sau một nhiệm kỳ tại chức, năm 1980, ông không được tái đắc cử, chuyện hiếm có trong lịch sử tranh cử tổng thống Mỹ...
Người xưa vẫn thường dùng câu “Nam Kha nhất mộng” hay “Giấc mộng Nam Kha” câu chuyện Thuần Vu Phần ngủ mơ dưới gốc cây, để chỉ về những thứ vô thực, hư ảo, vượt xa tầm tay với của con người. Thời nay, có vị tổng thống đắc cử, chưa chính thức lên ngôi, nhưng đang ôm mộng bành trướng diện tích quốc gia, bằng đô-la thay vì đánh trận. Tổng thống đắc cử Donald Trump bước vào mùa lễ lớn cuối cùng trong năm 2024 với quả quyết sẽ giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama (Panama Canal); đòi mua Đan Mạch và gợi ý Canada có thể trở thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ.
Trong lúc ông Tô Lâm đang ồn ào “giống trống lệnh” (phòng chống lãng phí) thì nhà báo & nhà văn Lưu Trọng Văn nhỏ nhẹ tâm sự: “Nhà lý luận Nhị Lê nói với gã … cái mà chúng ta đang lãng phí gây ra tổn thất lớn nhất chính là lãng phí niềm tin.” Bộ thiệt vậy sao? Sao các nhà (nhà báo, nhà lý luận, nhà văn .. ) lại cứ cố nói vớt vát (và nói lấy được) như vậy cà? Có còn ai tin tưởng tí gì vào cái chế độ hiện hành đâu mà lại đặt vấn đề lãng nhách và lãng xẹt, vậy Trời ?
Cuối năm là lúc con người nhìn lại về giá trị cuộc sống. Một bài viết trên trang mạng The Conversation nêu vấn đề về những vực thẳm chính trị, các cuộc chiến tranh, áp bức… và con người vì thế cảm thấy vô vọng và bất lực khi chứng kiến những thế lực đen tối diễn ra khắp nơi trên thế giới. Liệu chúng ta có thể làm được điều gì đem lại thay đổi trước những bi hoại này hay không?
Danh hiệu “Nhân Vật Của Năm” do TIME bắt đầu từ năm 1927 – theo truyền thống được trao cho những người có ảnh hưởng đáng kể trong các sự kiện toàn cầu, từ chính trị đến văn hóa, môi trường, nghệ thuật. Những người được chọn đóng vai trò như một “thước đo phong vũ” về sức lan tỏa trong xã hội đương đại. Ảnh hưởng đó, theo tiêu chuẩn do chính TIME đề ra, có thể là “for better or for worse – làm cho thế giới tốt đẹp hơn hoặc tệ hại hơn.”
Tiễn 2024, thế giới sẽ chào đón một năm mới 2025 mang theo cả bóng tối lẫn ánh sáng. Các cuộc xung đột, sự phân cực chính trị và những rủi ro khôn lường là lời nhắc nhở về sự bất ổn của thời đại. Nhưng đồng thời, khả năng phục hồi kinh tế, sự phát triển công nghệ, tinh thần hợp tác quốc tế, hơi thở và sự sống còn bất khuất của từng người mẹ, từng đứa trẻ vực dậy và vươn lên từ những đống gạch vụn đổ nát ở Ukraine, ở Gaza, ở Syria… cũng là cảm hứng và hy vọng cho tương lai nhân loại. Nhà văn Albert Camus đã viết: “Giữa mùa đông lạnh giá nhất, tôi tìm thấy, trong mình, một mùa hè bất khả chiến bại.”* Thế giới năm 2025, với tất cả những hỗn loạn, vẫn mang đến cơ hội để con người vượt qua và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, tử tế hơn. Đó cũng là lời chúc chân thành cuối năm của toàn ban biên tập Việt Báo gửi đến quý độc giả: một năm 2025 tràn trề cơ hội và hy vọng.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.