Không thấy Hoa Kỳ nói gì về chuyện TQ ra lệnh cấm biển.
Bản tin UPI nói rằng hôm 1/5/2017, trong hội nghị 10 quóc gia ASEAN, Tổng Thống Rodrigo Duterte của Philippines nói về chuyện TQ quân sự hóa Biển Đông rằng:
“Chúng ta không thể ngăn chận TQ ngưng chuyện đó. Ngay cả Mỹ cũng không có khả năng ngăn chận TQ.”
TT Duterte kể lại với các phóng viên hôm Thứ Hai ở phi trường Davao International Airport, theo báo Philippine Star tường thuật.
Nghĩa là, ASEAN chịu thua.
Các nguyên thủ ASEAN họp hôm Thứ Bảy ở Manila, thủ đô Philippines, sau khi họp thượng đỉnh đã phổ biến bản văn thông cáo chung, cho thấy ASEAN tránh dùng ngôn ngữ trực diện kình với TQ.
Carlyle Thayer, nhà phân tích tại đại học University of New South Wales ở Canberra, Australia, nói rằng qua bản văn như thế, ASEAN đã làm cho Biển Đông trở thành “hồ nước của TQ.”
Bản văn cũng không kêu gọi “tự chế” về việc xây đảo nhân tạo hay bồi đắp các bãi cạn nữa.
Hôm Thứ Hai, TT Duterte cũng nói rằng ông dự tính cho tập trận chung với Hải quân TQ.
Viễn ảnh Biển Đông không sáng sủa gì...
Bản tin VnExpress hôm 1/5/2017 ghi nhận thêm một con cá bự sắp được TQ đưa vào quậy Biển Đông: Trung Quốc hạ thủy thành công giàn khoan bán ngầm Hải Dương 982, dự định đưa nó đến Biển Đông để thăm dò khai thác dầu khí.
Trung Quốc ngày 28/4 hạ thủy thành công giàn khoan Hải Dương 982 tại nhà máy đóng tàu Đại Liên, Xinhua đưa tin. Đây là giàn khoan bán ngầm thế hệ 6 của Trung Quốc.
Hải Dương 982 được đóng từ tháng 7/2015. Giàn khoan dài 104,5 m, rộng 70,5 m, khoan sâu tối đa 9.144 m, có thể hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt trong vùng biển sâu 1.500 m. Hải Dương 982 được thiết kế nhằm chịu đựng mọi cơn bão ở Biển Đông.
Khu boong làm việc rộng hơn 1.500 m2, sức chứa 180 người, tải trọng 5.000 tấn, trang bị hệ thống định vị động lực tự động thế hệ 3 (DP3). Hệ thống này được điều khiển bằng máy tính, tính toán các tham số về gió, sóng biển, thủy triều để tự động duy trì vị trí của giàn khoan.
Bản tin ghi thêm rằng Hải Dương 982 được cho là có ý nghĩa lớn trong đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc về thăm dò khai thác dầu khí tại khu vực biển nước sâu. Hải Dương 982 dự kiến bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2017 và sẽ tác nghiệp tại Biển Đông.
Trong khi đó, một bản tin của thông tấn Vietnam Plus (vietnam+) ghi rằng Trung Quốc đã ngang ngược ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Theo mạng news.cgtn.com, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ra thông cáo cho biết, từ ngày 1/5, lệnh cấm đánh bắt cá sẽ có hiệu lực ở một số vùng biển, gồm biển Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông.
Lệnh cấm này áp dụng đối với hoạt động đánh bắt ở phía Bắc của 12 độ vĩ Bắc, ngoại trừ hoạt động đi câu truyền thống hoặc các phương pháp đánh bắt được chấp thuận khác.
Các lệnh cấm ở biển Bột Hải và Hoàng Hải ở trên 35 độ vĩ Bắc, dự kiến kết thúc vào ngày 1/9. Trong khi tại khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông, các lệnh cấm trái phép này sẽ lần lượt kết thúc vào ngày 1/8 và 16/8.
Vietnam+ nói rằng lệnh cấm đánh bắt năm nay, vốn được một số kênh truyền thông cho là "mùa khắc nghiệt nhất," bắt đầu sớm hơn khoảng một tháng so với các lệnh cấm trước.
Trung Quốc lần đầu áp dụng lệnh cấm đánh bắt vào năm 1995 với mục đích được cho là "bảo vệ nguồn tài nguyên ngư nghiệp và hạn chế tình trạng đánh bắt quá mức."
Có nghĩa là, ngư dân VN sẽ thê thảm trong ba tháng rưỡi TQ cấm đánh cá Biển Đông.
Bản tin VnExpress nói chi tiếng về lệnh cấm này là: Trung Quốc ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 1/5 đến 16/8 ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và một phần vịnh Bắc Bộ.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hôm 1/5/2017 bắt đầu đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, Xinhua đưa tin. Lệnh cấm kéo dài khoảng hơn ba tháng, bắt đầu từ 12h ngày 1/5 đến 16/8, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.
Lệnh cấm áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc và ngư dân nước khác. Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng tàu chấp pháp để "giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm". Đây là lệnh cấm dài nhất kể từ khi Trung Quốc thực thi lệnh này.
Dĩ nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối từ nhiều năm trước. Năm nay sẽ lại phản đối.
VnExpress cũng ghi nhận:
“Hội nghề cá Việt Nam cũng kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược, đơn phương và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt quy chế trên. Quyết định của Trung Quốc càng khiến tình hình Biển Đông trở nên phức tạp và căng thẳng, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam.”
Bản tin Reuters hôm Thứ Hai nói rằng ngay từ khi TT Trump xóa sổ Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, và khi Trump thân thiện bất ngờ với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình để thuyết phục họ Tập nâng rào thương mại và tăng áp lực Bắc Hàn, gần như Biển Đông không còn là ván cờ lớn của Mỹ...
Và Reuters nói, khi TQ thấy chỗ trống TPP đã tung ra chương trình đầu tư hạ tầng "One Belt, One Road" (Một Vòng Đai, Một Con Đường) thế là nhiều nước Đông Nam Á rơi vào ảnh hưởng TQ vì cần hưởng lợi ích kinh tế trước hết.
Câu hỏi hàng ngày bây giờ là: ngư dân mình ra đánh cá ở nơi nào trên Biển Đông cho an toàn? Ít nhất, là trong ba tháng rưỡi TQ ra lệnh cấm biển này... Đó là chưa kể, khi giàn khoan mới sẽ vào quậy phá.
- Từ khóa :
- VnExpress
- ,
- Biển Đông
- ,
- Philippines
- ,
- Trung Quốc
- ,
- ASEAN
- ,
- Mỹ
- ,
- Manila
Gửi ý kiến của bạn