Đức Giáo hoàng Gioan Phaolồ II phải vào nhà thương vì cúm, Tòa thánh Vatican loan tin như vậy hôm Thứ Ba, với lời trấn an.
Từ mấy trăm năm nay, Tòa thánh nắm rất vững đạo dưỡng sinh cho người già và có khả năng xử lý nhiều trường hợp lão suy lẫn bệnh vặt như cảm mạo phong hàn. Tòa thánh cũng đặc biệt kín đáo về tình hình sức khỏe của Đức Thánh cha. Vì vậy, khi có tin là Gioan Phaolồ II phải nhập viện, người ta không nên coi đây là chuyện thường. Ngài đã 85 tuổi, sức khỏe suy yếu dần vì cả bệnh lẫn tật sau khi bị ám sát hụt và sẽ có ngày trở về nước Chúa. Việc chim bồ câu trắng bất thần bay vào phòng ngài rồi bản tin của Tòa thánh là cái điềm hay chỉ dấu cho phép suy đoán rằng ngày đau buồn ấy đã cận kề.
Nếu điều đó xảy ra, ta không chỉ thương tiếc một con người đức độ phi thường. Ta cần nhìn xa hơn thế, nhìn vào tương lai của Giáo hội vì Gioan Phaolồ không là một lãnh tụ bình thường và vì Giáo hội La Mã đã trải qua nhiều thay đổi dưới triều đại của Ngài.
Gioan Phaolồ II là một nhân vật của đại thế chính trị toàn cầu.
Từ hơn bốn thế kỷ, Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên không phải là người Ý. Có chủ trương chống cộng rõ rệt, Ngài góp phần phá tan liên minh quân sự Warsaw và giải phóng khối Đông Âu khỏi chế độ Xô-viết. Không có Ngài, Liên xô vẫn sẽ sụp đổ và Đông Âu sẽ thoát ách cộng sản. Nhưng nhờ có Ngài, biến cố long trời lở đất ấy đã xảy ra mà không gây đổ máu khi Ngài ủng hộ Công đoàn Liên đới (Solidarnosc), mở ra cuộc cách mạng êm thắm tại Ba Lan và châm ngòi cho cuộc cách mạng nhung tại Đông Âu.
Gioan Phaolồ II có thể là một trường hợp "anh hùng tạo thời thế".
Vì vậy, việc tìm ra người kế vị Ngài mới là một vấn đề của đại thế chính trị.
Từ khi Giáo hội Công giáo hình thành, Ý Đại Lợi và các nước Âu châu đã thực sự chi phối Giáo hội, và Tòa thánh Vatican trở thành một trung tâm chính trị nằm trong Âu châu. Khi góp phần kết thúc chế độ Xô viết, Gioan Phaolồ II cũng gián tiếp góp phần chấm dứt vai trò khống chế của Âu châu trên toàn cầu. Âu châu hết là trọng lực chính yếu của cục diện thế giới vì mất vai trò bản lề giữa hai khối Đông Tây, giữa Liên Xô và Hoa Kỳ. Trong tương lai, các nước Âu châu lẫn cả Liên hiệp Âu châu hết là tiếng nói có ảnh hưởng toàn cầu.
Nhưng Tòa thánh Vatican thì khác.
Thế giới hiện có chừng một tỷ mốt (một tỷ một trăm triệu) người theo đạo Công giáo, và trong mấy chục năm qua, dưới triều đại Gioan Phaolồ II, đà phát triển mạnh nhất của Công giáo lại nằm ở các nước kém phát triển, mạnh nhất là ở châu Phi. Ngoài ra, Vatican cũng là tiếng nói chính trị có trọng lượng tại Mỹ châu La tinh và người Công giáo tại Trung Quốc hay Á châu nói chung cũng chiếm một tỷ lệ dân số lớn chưa từng thấy. Trong khi đó, thực tế xã hội cho thấy Âu châu đang xa dần ý niệm tôn giáo và ngày càng ít sùng đạo, nếu so sánh với các sắc tộc da trắng khác. Âu châu ngày nay phải "nhập cảng" linh mục từ các xứ khác trong khi Phi châu là nơi mà đạo Công giáo làm thay đổi xã hội của người da đen và ngược lại cũng làm thay đổi Giáo hội.
Sự chuyển động âm thầm và chậm rãi ấy tất nhiên phải có ảnh hưởng toàn cầu.
Thế giới nói chung và các sắc dân da màu nói riêng sẽ nghĩ sao nếu người kế vị Gioan Phaolồ II sẽ lại là một người da trắng"
Nhiều cộng đồng Công giáo Phi châu đã bày tỏ ước nguyện nếu chưa là một đòi hỏi, rằng vị Giáo hoàng mới nên hoặc phải là một người da đen. Một vị Giáo hoàng Phi châu sẽ có ý nghĩa lớn lao cho Giáo hội Hoàn vũ và một nguồn cổ võ lớn cho các dân tộc hiện đang sống lầm than trong các nước Á Phi. Một sự chọn lựa khác có thể gây nhiều vấn đề cho Vatican. Nhiều Giáo phận Phi châu, nhất là ở Nigeria - nơi có tốc độ hoằng pháp và hóa đạo cao nhất - không che giấu ý định ly khai nếu vị Giáo hoàng mới không là một người Phi châu. Đây chỉ là một kịch bản bi quan và cực đoan, nhưng trong lãnh vực tín ngưỡng, ta không thể biết trước được mọi chuyện.
Không nói đến các yếu tố tâm linh hay thần học, một biến cố như vậy là chuyện nhức đầu cho Tòa thánh. Và cho thế giới. Chúng ta không nên quên Nigeria là một xứ xuất cảng dầu thô và phản ứng nhiều khi quá khích của các sắc dân da màu chống người da trắng là điều gì đó mà chỉ Thượng đế mới hiểu vì thường vượt khỏi mọi dự đoán của các bậc thức giả, nhất là thức giả Âu châu. Nếu kể thêm sức nặng của khối Công giáo Mỹ châu La tinh, vốn có tinh thần thiên tả hơn nơi khác, ta còn thấy ra nhiều vấn đề.
Từ nhiều năm nay, dân chúng các nước nghèo đang muốn có tiếng nói có trọng lượng hơn trên diễn đàn quốc tế và ngay trong Tòa thánh. Vì vậy mà Giáo hội Công giáo đã quan tâm nhiều hơn đến các nước đang phát triển và luôn luôn đứng trên tuyến đầu để bảo vệ các nước này trước khối cường quốc giàu mạnh mà đa số là da trắng.
Liệu việc chọn lựa vị Giáo hoàng mới có phản ảnh điều ấy chăng" Hoặc có đủ ý nghĩa biểu tượng hay chăng"
Gioan Phaolồ II là người đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Khoảng trống do Ngài để lại có khi sẽ làm thay đổi bộ mặt của Giáo hội Vatican. Dù không là người Cộng giáo, chúng ta vẫn nên cầu nguyện cho Ngài. Trong khi theo dõi xem Tòa thánh hay Thiên Chúa sẽ quyết định việc kế nhiệm như thế nào.
Sau cùng, là một người Việt, người ta có thể tiếc là đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã tạ thế quá sớm. Có lẽ Ngài là người ở vào vị trí khả dĩ giải quyết được bài toán đại thế chính trị ấy cho Toà thánh.
Nhưng Thiên Chúa có những ý định khác mà con người ta không biết được.
NGUYỄN XUÂN NGHĨA