Vào tối Thứ Bảy 21/05/2016, giới yêu âm nhạc ở vùng Little Saigon lại có dịp gặp nhau tại hội trường Việt Báo, để thưởng thức một chương trình nhạc thính phòng, được tổ chức theo “phong cách Việt Báo”, với 3 cái tên không hề xa lạ trong làng nhạc Việt hải ngoại: Hoàng Công Luận-Tuấn Ngọc- Thương Linh.
Đêm nhạc được dàn dựng, hòa âm phối khí bởi nhạc sĩ Hoàng Công Luận. Khán giả từ vài năm trở lại đây đã yêu tiếng đàn violin ngọt ngào của anh, cùng với những chương trình âm nhạc có giá trị do anh thực hiện phần hòa âm, phối khí. Nhạc sĩ Hoàng Công Luận tốt nghiệp cao học violin tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Sang đến Mỹ anh học cao học về viết nhạc phim tại UCLA. Học nhạc cổ điển, tự học hòa âm phối khí, chơi được nhiều nhạc cụ, tự khám phá nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Hoàng Công Luận được giới yêu nhạc đánh giá là người nhạc sĩ trẻ có khả năng làm việc trong nhiều lĩnh vực. Sự đam mê nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, coi trọng tính nghệ thuật là những điều mà đồng nghiệp, ca sĩ hay nói về anh.
Đêm nhạc lần này của Hoàng Công Luận có chủ đề là Thầy Tôi, như một lời cảm ơn đến người cha, và cũng là người thầy âm nhạc đầu tiên của anh, nhạc sĩ Hoàng Song Nhy, vừa mới sang định cư tại Hoa Kỳ. Anh Luận cho biết cha anh là người đã dạy anh chơi mandoline từ những ngày anh còn bé, trước khi chính thức vào học nhạc tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Nhạc sĩ Hoàng Song Nhy có sáng tác nhiều ca khúc từ trước 1975, trong đó có tác phẩm Vì Sao Em Buồn đã được ghi âm vào đĩa nhựa vào năm 1963, qua giọng hát của Trúc Mai, với phần hòa âm của cố nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi. Trong đêm nhạc Thầy Tôi, anh Hoàng Công Luận sẽ chọn 4 ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Song Nhi mà anh nghĩ thích hợp với chất giọng của nam ca sĩ Tuấn Ngọc và nữ ca sĩ Thương Linh.
Đây là đêm nhạc của hai ca sĩ thuộc hai thế hệ cách nhau gần nửa thế kỷ, Tuấn Ngọc và Thương Linh. Giọng ca của Tuấn Ngọc có lẽ không cần phải có thêm lời bình phẩm, tán thán. Tuấn Ngọc sẽ hát một số ca khúc phù hợp với “một Tuấn Ngọc trong phong cách thính phòng”: Đường Em Đi (Phạm Duy), Mắt Biếc (Ngô Thụy Miên)…
Ngày mà ca sĩ Tuấn Ngọc đã thành danh ở các sân khấu Sài Gòn trước 1975, Thương Linh còn chưa ra đời. Ấy vậy mà khi nghe Thương Linh hát chung với Tuấn Ngọc, người nghe sẽ thấy rằng phong cách âm nhạc của ca sĩ không có giới hạn tuổi tác. Theo nhận xét của Hoàng Công Luận, Thương Linh cũng có đặc điểm giống Tuấn Ngọc là ở chỗ cô hát được rất nhiều thể loại khác nhau. Và đáng ngạc nhiên hơn nữa, cô ca sĩ trẻ và không hề qua trường lớp này có một mức độ cảm nhận ca khúc mà mình hát rất đặc biệt, sâu sắc. Điều này đã khiến cho Thương Linh diễn cảm những bài hát thuộc nhiều thế hệ nhạc sĩ, nhiều thể loại một cách sâu sắc, đầy cá tính không thua gì những ca sĩ nổi danh trước 1975. Thương Linh là một minh chứng rất rõ nét cho nhận xét của cố nữ ca sĩ Quỳnh Giao, khi nói về “cá tính” của ca sĩ: trường lớp không đào tạo được cá tính của ca sĩ. Những ca sĩ trước 1975 hình thành cá tính, phong cách riêng của mình trước khi học âm nhạc, học hát. Nếu không hình thành được cá tính cho giọng hát của mình, những ca sĩ dù được đào tạo tại các học viên âm nhạc vẫn chỉ là bản copy của những ca sĩ đã nổi tiếng từ trước!
Thương Linh đã bắt đầu được khán giả để ý từ cách đây vài năm trên những sân khấu âm nhạc nhỏ ở vùng Nam Cali. Cô bắt đầu có được một chỗ đứng riêng trong giới yêu âm nhạc hải ngoại khi trình diễn xuất thần những sáng tác của thi sĩ, nhạc sĩ Trần Dạ Từ. Trong 2 CD Gội Đầu/Bay vừa được ra mắt vào năm ngoái, Thương Linh đã hát những ca khúc Bay, Saigon Blues, Bay Và Rơi… như những ca khúc này được viết riêng cho mình. Xin nhắc lại nhận xét của nữ ca sĩ Khánh Ly về nhạc Trần Dạ Từ: những bản nhạc được viết bởi một tâm hồn thi sĩ, bởi một người nhạc sĩ khó tính. Hát ca khúc Trần Dạ Từ đúng ý của tác giả là một điều không dễ dàng, ngay cả cho một ca sĩ đã có nửa thế kỷ ca hát thành công như Khánh Ly.
Có khán giả nhận xét rằng ở thế hệ ca sĩ trẻ gốc Việt hiện nay, Thương Linh là “nữ hoàng của nhạc jazz”. Điều này đúng, nhưng chưa đầy đủ. Thương Linh hát theo thể loại jazz hay là vì cô biết cách luyến láy, nhấn nhá, lơi nhịp rất độc đáo. Tuy nhiên, Thương Linh hát những ca khúc Việt Nam khác cũng độc đáo không kém. Khán giả đã từng ngạc nhiên khi nghe Thương Linh hát Anh Không Chết Đâu Anh, với một cách trình diễn riêng, không hề giống với Thanh Lan-người được xem là hát ca khúc này của Trần Thiện Thanh thành công nhất. Và mới đây, trong đêm Du Ca kỷ niệm 41 năm Tháng Tư Đen, cô đã hát Đêm Nhớ Về Sài Gòn (Trầm Tử Thiêng) theo cách tâm tình của riêng mình, để cho người nghe nhớ lại Sài Gòn kỷ niệm, với những âm thanh sâu lắng nhất. Cá tính của một giọng ca là như vậy đó!
Trong đêm nhạc Thầy Tôi, Thương Linh sẽ hát một số ca khúc mà cô được nhiều người yêu cầu nhất: Kiếp Nào Có Yêu Nhau (thơ Trần Dạ Từ, nhạc Phạm Duy), Một Mình (Thanh Tùng), Make Me Your Guitar (nhạc Trần Dạ Từ)… cô cũng sẽ duet với Tuấn Ngọc một số ca khúc.
Thầy Tôi hứa hẹn sẽ là một đêm nghệ thuật đầy cá tính với 3 cái tên Hoàng Công Luận-Tuấn Ngọc-Thương Linh.
Đoàn Hưng
Vé có bán tại hội trường Việt Báo, hoặc gọi Tel: 714 894 2500
cả hai thi sĩ còn sống, chắc sẽ buồn đó !