Sau cuộc đắc thắng “ngựa về ngược” trong cuộc sơ cử ở New Hampshire, McCain đã nổi bật lên như một địch thủ đáng sợ có khả năng lấn át ông George Bush, Thống đốc Texas, để lãnh ấn tiên phong của đảng Cộng Hòa ra tranh cử Tổng Thống với ứng viên đảng Dân Chủ. Trong thế sát phạt đó, đột nhiên vấn đề “gook” được đặt ra khi Hiệp hội Ký giả Á-Mỹ cho lên lưới một e-mail tố cáo McCain đã dùng “một từ ngữ miệt thị, kỳ thị chủng tộc về dân tộc Việt Nam”. Kèm theo e-mail này là một bài báo của tạp chí Nation chỉ trích giới truyền thông tại sao không đối chất với McCain về việc ông sử dụng một từ ngữ “miệt thị và kỳ thị mầu da” như vậy.
Bài báo nói McCain đã dùng từ đó từ năm 1973 khi ông viết một bài báo về Việt Nam cho tờ U.S. News & World Reports, và hồi tháng 10 năm 1999 ông lại dùng chữ đó khi bắt đầu cuộc vận động tranh cử. McCain gọi VC (vi-xi) là “gook” và nhất định giữ nguyên từ đó. Ông nói “Tôi ghét bọn gook. Và tôi sẽ ghét chúng ngày nào tôi còn sống”. Chữ gook đâu có xa lạ gì trong thành ngữ bình dân của người Mỹ, nhưng nay nó được đánh bóng lên vì nhu cầu tranh phiếu. Thật khó biết chữ lóng này xuất phát từ chữ gì, nhưng theo cuốn từ điển Anh ngữ Oxford và một từ điển tiếng lóng, vào cuối thế kỷ 19 trong dân gian đã có chữ này để dè bỉu những loại phụ nữ không đứng đắn hay loại điếm. Đến đầu thập niên 1920 chữ “gook” trở thành một từ ngữ miệt thị để chỉ những người ngoại quốc da xám hay da vàng, nhất là chỉ dân gốc Phi Luật Tân, dân ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương (tức Đông Nam Á), Trung Mỹ, Nhật Bản, Bắc Phi, Nam Âu Châu, Đông Địa Trung Hải, Cao Ly hay Đông Dương.
Báo chí Mỹ phổ biến chữ này đầu tiên vào năm 1920 khi Thủy Quân Lục Chiến đóng ở dảo Haiti gọi những nguời dân Haiti là “bọn gooks”. Kế đến cuộc đệ nhị thế chiến ở Thái Bình Dương, Mỹ đánh quân Nhật Bản, rồi cuộc chiến Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam, lính Mỹ gọi kẻ thù khác mầu da của họ đều là “gooks”. Nếu các ông cán bộ Cộng sản cai tù khoái lên gối với tù binh Mỹ nên bị gọi là “gúc hay gục” gì đó cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Chỉ phiền nỗi ông McCain lại quen dùng một chữ có cái gốc kỳ thị mầu da để chỉ kẻ thù. Bình thường không ai để ý, chẳng hạn từ năm 1973 chẳng có ai tốt bụng mà nhân danh các dân da mầu lên tiếng vặn hỏi về chữ “gook”. Nhưng bây giờ McCain ra tranh cử, và mùa tranh cử ở Mỹ là mùa móc và tố nhau vô tội vạ về mọi thứ. Những thành ngữ miệt thị mầu da đã giảm nhiều trong dân gian người Mỹ da trắng, nhưng nếu nó vẫn còn có dịp “buột miệng lỡ lời”, đó cũng không phải chuyện lạ. Đất nước này vẫn còn có nạn đó tiềm ẩn, mặc dù luật pháp bất dung. Tôi đã từng viết cái tâm của người Mỹ mù về mầu sắc, nhưng con mắt của họ kỳ lạ thay vẫn sáng như sao, hơn cả cái tâm rất nhiều.
Chỉ có ở nước Mỹ đa dạng chủng tộc, mầu da, văn hóa và phong tục tập quán này mới có từ “gúc, gục” úy kị đó chăng" Tôi nghĩ ở nước nào cũng có chuyện này, nước càng lâu đời càng có nhiều chuyện không ưa người ngoại quốc. Cứ xem từ điển tiếng lóng của dân Pháp thì rõ. Và chẳng cần nhìn đâu xa, hãy nhìn chính người dân Việt Nam chúng ta. Từ thời xưa, chúng ta đã gọi người Hoa là gì" Sau năm 1945, dân miền Bắc tạo thêm cho mấy ông Tầu một chữ nữa gọi là “Tầu Phù”, vì trong đoàn quân Lư Hán kéo sang giải giới quân đội Nhật có nhiều binh sĩ mắc bệnh phù thũng chân kéo lê khi đi bộ. Ở miền Nam người ta gọi là “Chú Ba”, ý nói Ba Tầu, còn mấy ông Ấn Độ được gọi là anh Bẩy, lẫn lộn với mấy anh Chà Và. Dân Tây phương khổ hơn, Pháp bị gọi là “Mũi Lõ”, trong thời chiến tranh Việt Nam, Mỹ bị gọi là Mẽo. Và dưới thời cộng sản, dân Nga vẫn bị người dân gọi là thằng Tây chớ không có đồng chí đồng chiếc gì hết.
Dù sao những từ ngữ kỳ thị, miệt thị hay chọc quê dân người nước ngoài, bất cứ của dân tộc nào, chắc chắn sẽ bị tàn lụi dần với thời gian trong thế kỷ 21. Vậy phải chăng McCain đã thua trong cuộc sơ cử ở South Carolina cuối tuần qua chỉ vì chữ “gook” đó" Chúng tôi không nghĩ như vậy. Tiểu bang South Carolina là một sân chơi bất lợi cho McCain, vì đây có đa số phần tử Cộng Hòa bảo thủ truyền thống, Bush chiếm 53% số phiếu còn McCain 42%. Bush thắng vì ông được sự ủng hộ rất mạnh của những nguời Cộng hòa, những người bảo thủ, bảo thủ Thiên chúa giáo, chống phá thai, và đa số tin là ông Bush có khả năng thắng trong cuộc tranh cử vào Bạch Cung. Còn ông McCain được sự ủng hộ của số cử tri già, những người độc lập, những cựu chiến binh, những người có học vị cao trong phe bảo thủ ôn hòa, nhất là những người nói họ làm ăn khá hơn so với 4 năm trước và một số nhỏ ghi danh đảng Dân Chủ. Tóm lại chữ “gúc gay gục” không thành vấn đề trong cuộc đấu trên sân chơi Cộng hòa bảo thủ, nơi đã được các lãnh tụ đảng gửi gấm ông Bush.
Thế nhưng chúng tôi vẫn nghĩ ông McCain cần phải rút lại chữ “gook” khốn khổ đó một cách trịnh trọng bằng cách xin lỗi đã gây ra một ấn tượng không tốt đối với những chủng tộc khác hiện đang trở thành một thành phần ngày một lớn trong toàn bộ cử tri của nước này. Các cuộc sơ cử của đảng Cộng Hòa sẽ tiếp diễn trong 9 tiểu bang nữa từ nay cho đến hết tháng 2. Chưa thể xác quyết thắng bại trong cuộc đấu Bush-McCain, nhưng từ nay đến đại hội đảng dù McCain thua nhưng nếu vẫn có đa số theo sát nút Bush, điều đó chỉ có bất lợi cho Cộng Hòa khi chạy đua với Dân Chủ. Lúc đó chưa biết ai “gúc” ai “gục” đây.