Mà đã nói đến Pháo là nói đến niềm vui, đến một sự may mắn nào đó mà tà ma không thể nào lảng vảng đến gần được. Vì thế ở thuở một ngàn mấy trăm năm gì đó người ta đã chế tạo Pháo đủ cỡ cho con người. Nhỏ thì có Pháo tiểu Pháo chuột, lớn lên một chút thì Pháo thăng thiên, cao thêm tí nữa thì Pháo dây Pháo tống, và ở tuổi thất thập cổ lai hy thì Pháo bông là niềm hoan hỷ của đời đánh dấu những tháng ngày... xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài tan! Và như vậy Pháo đã đi vào lòng nam phụ lão ấu bằng... xa lộ liên bang, bằng sự đón chào nồng nhiệt không còn chi để nói và bằng vào những mộng ước hồng như xác Pháo rực đỏ sân nhà.
Thế nhưng, Pháo không chỉ hiện diện trong đời sống của chúng ta mỗi dịp... con biết bây giờ mẹ chờ em mong mà hầu như Pháo kề cận bên ta từng giây từng phút. Đặc biệt vào những dịp hội họp hoặc ở chốn đông người Pháo nổ tơi bời hoa lá bất kể ngày đêm đến nỗi có người nghe tiếng... ùm ùm là sợ! Pháo loại này đủ mọi kích cỡ, dáng hình. Tiện một cái là thời tiết nào nổ cũng được bất kể ngoài trời mưa hay nắng, Hạ hay Thu! Đã vậy còn không thèm để mắt đến bàn dân thiên hạ xem coi có vừa lòng đẹp ý hay chịu đời không thấu thì Ta đây cũng mặc kệ! Nói cho sướng cái đã chứ mấy khi được... hót mê tơi thế này!
Chợt kẻ hèn này nhớ hồi còn ở bên nhà, trời xui đất khiến sao không biết khiến Mõ tui thích đọc thư nước ngoài quá trời quá đất. Có lẽ ở đó chứa nhiều điều mới lạ mà dù khéo tưởng tượng thế mấy cũng nghĩ hổng ra, thêm vào đó những tấm hình màu rực rỡ khiến Mõ đây bồn chồn trong dạ. Kịp đến một ngày nhà bên cạnh được thư vội bước một bước hai chạy qua cho thoả trí tò mò đang thúc đẩy. Mõ tui thấy ba anh em ngồi bên cạnh chiếc ti-vi màu mới tinh với lời chú thích sau bức ảnh: Ti-vi này chúng con mới mua, trị giá gần tám trăm đô Úc. Nói ba mẹ mừng, ngay cả mấy thằng Úc làm chung hãng còn chưa dám mua. Còn tụi con, trước coi, sau làm của! Bi nhiêu đó vẫn chưa xong bởi còn chết độc ở phần tái bút: Ba mẹ ơi! Chúng con vừa đặt cọc mua xe chiều nay sẽ lấy. Khổ một nỗi ít tiền thì lại mau hư nên chúng con đành phải mua chiếc xe Xì-pót khoảng... mười lăm ngàn đô Úc. Chúng con sẽ gởi hình chiếc xe về cho ba mẹ xem sau! Thôi thì nói sao cho hết chữ hạnh phúc cháy đỏ trong người. Con mình qua xứ người lập thân. Hai bàn tay trắng. Không thế không thân. Không tiền không bạc. Vậy mà quay tới quay lui đã bê về cái ti-vi quá cản thì thiệt là rạng rỡ tông môn, bèn tất tả chạy ra ngoài chợ, mua vội chiếc khung đặng ưu ái bỏ tấm hình vào trong đó, rồi sung sướng treo lên ở phòng khách cho người người chiêm ngưỡng sự thành công quá mức của con ta, và trong lúc ngàn ngàn cao hứng bèn... đổi ra tiền Việt. Một trăm đô nhắm mắt cũng thấy tám trăm ngàn. Một ngàn đô là tám triệu. Mười ngàn đô... Chao ơi! Cả một gia tài to lớn mà suốt đời chắc gì đã ôm ấp được đâu! Cứ đà này chẳng mấy chốc dám trở thành... tỉ phú. Ái chà chà! Lúc ấy mới là đã, mới chẳng bỏ công nuôi dưỡng đám con yêu cao lớn thành người.
Phần Mõ đây thật lòng kính nể. Chỉ không hiểu được tại sao ở xứ người lại thành công một cách dễ dàng đến như thế" Hay tại mồ mả tổ tiên táng phải hàm rồng rồi bây giờ mới phát ra chăng" Hay do khả năng tiềm ẩn trong người tới bây giờ mới biết" Cho đến ngày do duyên trời đưa đẩy đẩy đưa khiến Mõ tui được tạm dung trên xứ Úc thòi lòi này mới có được đôi lời giải thích. Là ở đây người ta thích sống theo lối góp gạo thổi cơm chung. Vậy thì mua sắm làm chi cho mệt" Bởi không biết bao giờ chấm dứt tình trạng nửa nạc nửa mỡ đây" Chi bằng thuê phứt cho nó gọn. Lỡ một mai muốn... tan hàng thì giỏ ai người nấy xách tránh khỏi cảnh chia đồ chia đạc lôi thôi. Đó là chưa nói đến cái lợi luôn chơi đồ mới, hưởng được những kỹ thuật tân kỳ của thời đại hiện nay chứ lỡ mua thì ít tháng sau đã trở thành lạc hậu. Còn xe cộ ở xứ này chịu ký là có ngay.
Thậm chí đang xếp hàng nộp phom cũng còn mua được chứ có gì đâu mà ầm ĩ! Chẳng qua khi viết thư về cho người ở lại, đấng nam nhi đã bỏ đi phần nào ngăn cản sự... tưởng tượng của người thân cùng quên luôn tiền góp vô hàng tháng, báo hại bên nhà tít mắt cả lên rồi nghĩ đâu ở bên này... đô cứ ra ngoài đường mà lượm, hễ lội bộ càng nhiều thì càng trĩu nặng hầu bao chứ làm sao biết được mấy thằng con bên ni cũng cày thấy... mẹ!
Đã vậy vẫn chưa yên bởi kẻ hèn này được ông bà cụ gần bên hớn hở mặt... rồng cho xem lá thư của cậu Út từ phương xa gởi về. Cậu chân ướt chân ráo đến xứ người chưa được mấy lăm hơi mà đã ghi tên học ngay trường Luật. Biết nói làm sao cho hết nỗi mừng vui của mẹ cha đang độ chiều tà bóng xế, ắt là do Phúc nhà sau ngàn năm tích tụ nên con cháu mới có cơ hội làm rạng danh dòng tộc thế này. Thôi thì bằng cấp gì cũng được miễn đằng sau có chữ Sĩ chữ Sư là thiên hạ phen ni chết ngất với mình, mà lỡ như Trời... độ thêm phát nữa biết đâu lại chẳng làm ở Toà Thượng Thẩm thì lúc í rủi có về chầu với ông bà tiên tổ cũng mát dạ mát gan. Vậy mà lâu nay cứ tưởng con mình thuộc loại đi buôn lỗ vốn làm ruộng mất mùa, chứ có ngờ đâu hậu vận sáng chói tưởng như lên cõi tiên cũng không sao bì được!
Cho đến ngày Mõ tôi gặp lại người hùng ở đất Cáp-ra, mới hay bạn mình cũng mù mịt ở phác-tô-ry chứ chẳng có gì dính dáng đến thầy cãi thầy kiện, nên nhân buổi trăng thanh gió mát lần dỡ chuyện xưa mới hiểu đến gốc cành rễ ngọn. Là vì ba má anh ao ước thấy con mình thành đạt với đời chứ không được thua sút người ta, mà viết thư về nói rõ con không học được ra chiều lỗi đường hiếu đạo. Còn làm vừa lòng song thân phụ mẫu thì có chắp cánh cũng vô phương! Thôi thì sẵn đang học bằng... L cũng cứ phang đại về nhà chữa cháy. Trước là đáp trả phần nào công sinh thành dưỡng dục. Sau lương tâm cũng gặt được đôi điều ủi an bởi trong mười phần nói ra cũng thật được... một phần! Mà lỡ dại bên nhà có tưởng mình sắp làm lớn cũng hổng sao! Cứ coi như Phước đức nhà ta bây giờ mới... lóe! Thiệt là ông bà xưa nói có sai đâu, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh chứ có lạc mất đi đâu mà sợ!
Rồi không ít lần tụ họp chốn đông đông Mõ tôi nghe Pháo nổ ì đùng muốn bưng cả óc. Ông nào ngày xưa cũng hét ra lửa mửa ra khói hết trọi hết trơn. Cũng có một quá khứ oai hùng không làm sao chê được, và hầu như cái quỷ gì cũng biết, chuyện nào cũng chín rõ mười mươi đến nỗi trăm sự xảy ra trong cõi hồng trần này ta đều tiên liệu, thậm chí các siêu cường dàn xếp ta cũng tường tận như thấy cả bàn tay, mà lỡ như đất trời ngó lại ban cho tí của thì lúc í nổ mới là bạo, mới nghĩ rằng ở chốn dương gian không ai sánh nổi tài thao lược của Ta. Mà giả như... lỡ tay làm được chút gì công đức thì chao ôi không biết ngõ đâu mà lần. Thôi thì hết áo thụng đến áo dài cứ đứng trước gương tự... vái mình cho rõ lòng nghĩa khí với bàn dân thiên hạ. Người xưa có nói, thi ân bất cầu báo! Báo thì... cầu đến bao giờ mới được nên hổng mấy ăn thua. Chứ thi ân bất cầu... nói thiệt tình là không phải! Bởi nếu Ta không hô lên thì thế nhân biết gương lành gương sáng ở đâu mà ngưỡng mộ, mà cảm phục rồi còn bắt chước nọ kia!
Mà lẽ thường muôn đời vẫn vậy. Khi người ta an cư lạc nghiệp đã xong, có của ăn của để trong băng thì nhu cầu thúc bách là mần răng thiên hạ biết về mình. Biết được khả năng hiếm có mình còn đang... để đó. Biết được tấm lòng hiu hắt vì đất Mẹ lắm thương đau! Và con đường ngắn nhất để đạt mục tiêu là phải xông vào nơi này nơi nọ, rồi theo đúng sách lược để đồng tiền đi trước còn mình đóng bộ lội bước theo sau, không quên xin số điện thoại của những người tăm tiếng, đợi đến lúc cần biểu diễn mới từ từ kéo nhẹ mô-bào-phôn cáo cạnh ở túi ra, bấm vội con số mình đã canh me từ trước, chỉ hỏi thăm thôi bà con cũng đủ xanh mày xanh mặt. Còn như muốn hấp dẫn thế nhân lắng nghe lời vàng ngọc đặng gần xa kéo tới thì phải... một tấc lên được tới trời mới ăn thua, chứ bi nhiêu đó xào đi xào lại thì có hay đến mấy rồi cũng đến ngày đứt bóng. Và thế là nổ. Nổ cả những chuyện nghe mang máng ở đâu rồi ghép đại vào thành tích vốn đã rực rỡ quá sức của mình. Đã vậy còn tự nhủ: Ông bà xưa có nói : Hữu xạ tự nhiên hương. Mà lỡ hương... dưới gió thì mấy con nhạn ở trên làm sao ngửi được" Thôi thì đã mưa thì mưa cho khắp. Đã hát phải hát cho to, để xóm trên xóm dưới ăn đồng chia đủ chứ cứ theo đúng bài bản của ngàn xưa để lại coi bộ hổng mấy... phe, và lúc í không còn nổ từng tiếng riêng lẽ mà là phải tính bằng... cây số mới thoả được nhu cầu yêu chuộng tăm tiếng của mình. Chẳng vậy mà có người chịu đời không thấu đã phải thốt như sau:
- Không nói thì không ai biết mình... biết. Biết mà chưa nổ thì phải nổ. Nổ đùng đoàng như Pháo cho bà con xanh mặt. Có ít cứ xít ra nhiều. Với trên thì tịt ngòi, thối vỏ. Với dưới thì bất cứ giá nào cũng nổ như Pháo. Cái gì cũng biết ráo, cũng dám chơi bạo. Bạo đến độ kẹp Pháo đùng vào bàn toạ, châm ngòi cho nổ nhừ... phao cũng chơi tuốt!
Và suy cho cùng nghĩ cho tận thì ai mà chẳng có điều hay điều giỏi, chỉ là họ không nói đó thôi. Mà giả như đụng chuyện mới rõ mặt anh hào thì hổng biết mèo nào cắn mĩu nào đây nữa! Ở đời là thế, nhân vô thập toàn chứ có phải chỉ mình mình một bàn một chiếu đâu! Thật đúng là chỉ thấy cây mà không thấy được rừng. Mà tỉ như có tài giỏi thiệt thì trước hết phải tạ ơn trời đất xui khiến mình sa vào chổ người... dở quá đông, và nhờ đó tài thao lược cỏn con mới có dịp lấp lánh với ngàn hoa nội cỏ. Sau nữa phải cám ơn những người mình thân cận bởi nhờ họ... tối như màn đêm giữa khuya thì ánh sao kia mới ngời ngời chấp chới. Chứ có đâu chưa qua sông mà ván kia đã rút! Ăn cá bỏ lờ thì hậu vận biết trôi chảy về đâu!
Mà bi nhiêu đó cũng chưa hết về tiếng nổ của Pháo! Còn nữa! Còn những vần thơ tan xác Pháo xin được góp nhặt nơi đây như một quả cười cuối năm:
Bốc phét vang trời vô tội vạ,
Không ai đóng thuế mới hung hăng.
Ầm ĩ gặp nhau chơi... Pháo tống,
Om sòm đốp chát nổ... ra phan.
Gặp nhau hoả tiễn... thôi thôi bắn!
Chẳng mất tiền mua... phóng thả giàn.
Mõ Sàigòn