Hôm nay,  

Tố Phong

06/12/201400:00:00(Xem: 5800)
Tố Phong là một thi sĩ, nhưng ít người biết đến. Quá ít! Những dịp tiếp xúc với bạn bè trong giới viết lách, tôi hỏi về Tố Phong, ai nấy đều lắc đầu bảo không biết.

Có người mách nước cứ tìm đọc cuốn Văn Học Miền Nam - Tổng Quan của Võ Phiến là biết ngay. Tôi tìm đọc cuốn đó. Đấy là một cuốn sách viết rất công phu, rất giá trị, viết với tấm lòng tha thiết đối với nền văn học Miền Nam; mà Võ Phiến bảo là một nền văn học thành hình thật nhanh, phát triển tưng bừng và vội vã, rồi bị vùi dập một cách tức tưởi; mà nhà cầm quyền Cộng Sản đã tìm mọi cách tận diệt để không còn sót lại một vết tích nào, và nếu có phần nào không xóa bỏ nổi thì mang ra bôi bẩn, xuyên tạc. Cuốn sách đề cập đến hàng trăm nhà văn, nhà thơ miền Nam. Không thấy nói gì về Tố Phong. Cho nên tôi nghĩ rằng Tố Phong thuộc lớp trước.

Tôi bèn tìm phần nói về các tác giả thuộc giai đoạn "hồi cư" từ sau 1945 cho đến ngày chia đôi đất nước năm 1954, gặp những tên tuổi như Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Thiên Giang, Thê Húc, Tam Ích, Triều Sơn, v.v. Ngay cả một số vị mà sự nghiệp viết lách đang còn phôi thai, một số vị chỉ có dăm ba bài thơ không lấy gì làm hay, một số vị chỉ có liên hệ đôi chút với văn học, cũng được đề cập. Võ Phiến sợ thiếu chứ không sợ dư. Do đó trong phần Danh Biểu ở cuối sách, con số liệt kê thật lớn lao, gần 500 người, theo thứ tự ABC, bắt đầu từ những nhà văn như An Khê, Anh Đức... cho đến những người cuối cùng là Y Đạt, Y Uyên. Nhưng cũng không thấy tên Tố Phong. Túng quá, tôi đến gặp ngay nhà văn Võ Phiến để "hỏi cho ra lẽ". Và câu trả lời: Rất tiếc, tôi không biết gì về thi sĩ đó.

Có lẽ có người cho rằng người viết bài này rõ ngớ ngẩn. Đâu phải hễ cứ có dăm ba bài thơ, bài văn là có quyền đòi hỏi được ghi tên vào "bảng vàng bia đá"! Vậy Tố Phong có đáng được nhắc nhở đến hay không khi đã cho xuất bản vài tập thơ?

*

Tố Phong sinh sống tại Đà Lạt. Vào khoảng từ năm 1948 đến năm 1952, ông có đăng thơ trên một số tạp chí ở Bắc như Tiểu Thuyết Thứ Bảy, một tạp chí có tiếng tăm trước năm 1945, sau được tục bản tại Hà Nội do nhà viết kịch lão thành Vũ Đình Long đứng làm chủ nhiệm, và ở Nam như loại sách Bạn Trẻ của nhà xuất bản Nam Việt tại Sài Gòn, v.v... Sau đó Tố Phong có cho in hai tập thơ: Giòng Huyết Sử và Mai Sáng. (Người viết bài này nhớ được hai câu đầu tiên trong bài thơ Mai Sáng, không phải vì hai câu thơ ấy hay, mà vì do tình cờ: Mai sáng ngày mai dậy sắc hương/ Và cây thêm lục nắng thêm hường). Trong tuyển tập Thơ Mùa Giải Phóng có thơ của Hoàng Cầm, Nguyễn Bính, Vũ Anh Khanh, Thẫm Thệ Hà, Sơn Khanh... cũng có bài Lòng Mẹ của Tố Phong. Bài Lòng Mẹ cũng đã được phổ nhạc. Vào thời đó, hào quang của kháng chiến chống Pháp còn rực rỡ, bộ mặt thật của Cộng Sản Việt Nam chưa hiện rõ. Nhiều người cầm bút có cảm tình hoặc thiên hẳn về phe kháng chiến. Chính thi sĩ Sơn Khanh, bút hiệu của luật sư Nguyễn văn Lộc, sau này có thời làm thủ tướng của Miền Nam quốc gia, là người chủ biên tuyển tập Thơ Mùa Giải Phóng.

Thú thật vào thời gian theo học những lớp đệ ngũ, đệ tứ trung học, (tức lớp 8, lớp 9) không mấy quan tâm đến văn chương, tôi có biết Tố Phong là ai đâu. Tôi cũng chưa từng đọc một bài thơ nào của thi sĩ đó. Mãi đến khoảng 1956-1957, có dịp lui tới nhiều lần tại Đà Lạt, tôi tò mò đọc Tố Phong. Đọc vì tò mò về con người mà mình có dây liên hệ, mà đến lúc ấy mình mới biết là người ấy có làm thơ. Cảm tưởng chung chung của tôi: thơ Tố Phong có một số bài mang những tứ lạ, có gây xúc động, nhưng thường thì tối tăm, hoang mang. Có thể hồi đó tôi còn nông nỗi chưa hiểu được ông chăng. Về sau tôi cố tìm thơ ông để đọc lại xem sao nhưng không tìm đâu cho ra dù một bài. Có một số câu thơ của Tố Phong in hẳn vào trí nhớ của tôi, chẳng hạn:

Lênh đênh mực đọng lòng trang giấy
Chữ đảo điên mờ chảy mấy trăng...

Riêng bài Lòng Mẹ khá dài, tôi chỉ nhớ được bốn câu đầu và bốn câu cuối:

Lòng đứt đoạn nhìn con thơ tê tái
Thôi từ nay con hỡi hết trông cha
Đường sá lạ đi về nhà một mái
Nỗi niềm riêng đau xót mẹ con ta
...
Thang xã hội con bò trong tăm tối
Gió đông về cùng rét mướt tả tơi
Đầu thơ ngây tóc bù như cỏ rối
Làm đau lòng mẹ lắm hỡi con ơi!

*

Tố Phong sinh ở Truồi, một ngôi làng phía nam thành phố Huế thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Người mẹ yêu quý cuả ông Minh -- ông nhắc nhở nhiều đến mẹ trong thơ, Tố Phong tên thật là Nguyễn Ngọc Minh -- thường nói quê quán của ông có dâu Truồi ngọt, núi Truồi cao.

Núi Truồi ai đắp nên cao

Sông Gianh (?) ai bới ai đào nên sâu.

Mồ côi cha từ bé, ông theo mẹ vào Đà Lạt, có học nghề may đồ tây. Vào thời đó biết may Âu phục là có thể kiếm được "bộn bạc cắc". Cũng có học ít nhiều về nghề thuốc, đến trình độ nào thì tôi không rõ. Nhưng ông không thích hành nghề của mình để kiếm sống, mà lại xoay qua viết lách. Ông sống tại nhiều nơi, Đà Lạt, Sài Gòn, Huế, có đi Vinh tìm kế sinh nhai, và đã từng sống ở Nam Vang. Ông không có gia đình, vợ con. Thân nhân của ông cho biết ông từng yêu một người đẹp họ Bùi, nhà giàu, có tiệm vàng, của thành phố Đà Lạt, một thành phố cao nguyên hồi đó còn ít người, nhỏ bé, thanh lịch, nơi có rất nhiều người gốc Huế, và hầu như mọi người trong thành phố đều là họ hàng của nhau hoặc quen biết nhau. Ông nhờ người mai mối, bị từ chối khéo. Đó là một cú sốc lớn trong đời ông.

Vào những năm 1952, 1953 ông không còn viết được nhiều như trước. Ông thường đi thơ thẩn một mình suốt ngày trên khắp các đường phố Đà Lạt, trời mưa cũng đội mưa mà đi, ướt như chuột lột, đêm về nhà thì thức thâu đêm viết lách, xé bỏ, lầm bầm những gì không ai rõ, có khi đập phá đồ đạc. Có người cho ông quẫn trí vì chuyện hôn nhân thất bại, có người lại nghĩ rằng ông không chịu nổi những cảnh trái tai gai mắt của một xã hội nhiễu nhương nên ông thường lên cơn khủng hoảng tinh thần. Cuối cùng vì những bài viết dữ dội đụng chạm nặng đến nhiều nhân vật thế lực của thành phố, của chánh quyền, ông bị bắt giam vào lao xá Đà Lạt trong một thời gian ngắn. Sau đó ông bị đưa vào nhà thương điên Biên Hòa.

Hè năm 1959 - 60 thì phải, tôi và một người bạn, Phạm Đình Uyển, đến Dưỡng Trí Viện Biên Hòa thăm ông. Ông trông còn khỏe mạnh, phụ trách việc chia thuốc và chích thuốc cho bệnh nhân tâm thần, nhưng ông không còn sáng suốt nữa. Trong câu chuyện với chúng tôi, thật ra ông chỉ độc thoại chứ không bắt được những gì chúng tôi nói, ông miên man bàn về những đợt tiến quân của quân Anh, quân Ấn từ phía Sài Gòn dồn ra, những binh đoàn của Tưởng Giới Thạch, của Lư Hán từ phía Hà Nội tràn vào, khiến bọn Nhật dã man, hung tợn cũng phải bó tay nộp khí giới đầu hàng. Nhưng cái nguy mà chỉ một mình ông biết, ông nói thế, là hiện giờ quân Pháp lại "đục nước buông câu" rình rập mò về. Cho nên ta phải "đi nước trước" lấy tre đực đánh vào đầu chúng nó, tầm vông vạt nhọn đâm vào cổ chúng nó, bột ớt, bột tiêu xịt vào mắt chúng nó, đào hố sâu bẫy và chôn sống chúng nó. Chúng nó trốn dưới hầm, trong xó nhà, thì đừng có dại xông vào lãnh đạn, chỉ việc lấy rơm hun khói vào cho chúng nó nghẹt thở phải bò ra như lũ chuột. Nhiều lúc ông quên hẳn chúng tôi đang ngồi trước mặt, say sưa nói một mình đến sùi bọt mép.

Cũng may ông không có vẻ gì nguy hiểm. Hai đứa chúng tôi thì ngơ ngác, không biết làm thế nào để kéo ông về với thực tại. Cuối cùng chúng tôi lục hết túi lấy ra được một ít tiền tặng ông, rồi đứng dậy cáo từ ra về. Nhưng ông nhất định không cho chúng tôi đi. Ông nắm chặt cả hai cánh tay tôi, cặp mắt lóe ra những tia hung dữ, giữ tôi lại, bảo chúng tôi không được khi dễ ông, phải ở lại chơi với ông vài ba tháng vì bạn bè của ông đều đã "đi chơi" đâu cả chưa ai chịu về, nhà vắng, buồn lắm. Chúng tôi lại ngồi xuống chiếc ghế băng dài đặt trước cái bàn gỗ hình chữ nhật cũ kỹ, không có khăn bàn, không dơ dáy cho lắm, nhưng cũng bốc ra một mùi khó tả, không giống như "mùi tù" mà tôi đã từng biết. Thế là mùi gì vậy? Mùi bùn? Mùi phèn? Mùi mốc? Mùi ải? Mùi rã? Mùi oải? Bạn tôi bảo cứ cho nó là "mùi điên" cho gọn. Tôi hơi khó chịu trước lối nói đùa đó. Thấy chúng tôi ngồi xuống, ông vui vẻ nói:

"Mà trước hết, tôi làm trà cái đã. Hai anh chờ tôi một chốc."

Trong khi ông loay hoay đi tìm cái gì đó dưới gầm bàn, gầm giường, có lẽ ông tìm bình trà, ấm nước để pha trà, lò đun, không thấy đâu cả, ông chạy ra ngoài hiên lại lục lọi tìm tòi, chúng tôi thừa cơ lẻn bước đi nhanh.

Từ đó, khá lâu tôi mới đến thăm ông một lần. Ông không nhớ gì về những chuyến viếng thăm trước của tôi, cũng miên man nói chuyện quân Đồng Minh, quân Nhật, cũng giữ tôi lại, cũng loay hoay đi tìm bình trà, và nhân đó tôi cũng lẻn đi không cáo từ. Có một lần tôi gợi ý nói xa gần về thi sĩ Tố Phong, thì ông có vẻ ngơ ngác, thẫn thờ, đôi mắt nhìn đâu đâu như thất thần. Câu chuyện giữa ông và tôi vốn thường đã lông bông lại càng lạc lõng thêm.

"Thi sĩ hả, thi sĩ nào?"

"Nhà thơ Tố Phong ở Đà Lạt, anh có nhớ không?" tôi nhắc chừng.

"Đà Lạt hả? Tiệm vàng gần chợ Đà Lạt tôi đâu thèm ghé lại bao giờ."

Rồi ông lẩm nhẩm nói một mình chứ không phải hát: "Một ra đi là không trở về/Lòng tráng sĩ thề không nao núng"...

Tôi cố hỏi gặng thêm về nhà thơ Tố Phong thì ông đổi đề tài một cách đột ngột:

"Anh phải đồng ý với tôi là giải pháp Bảo Đại rồi cũng chả đi đến đâu. Bảo Đại rốt cuộc biến thành bù nhìn. Mà bọn Anh Mỹ Nga Tàu Pháp có bao giờ thực tâm giúp người mình. Nhưng những tụi ngu xuẩn cầm quyền bây giờ đâu biết được điều đó... "

Tôi không thể đoán liệu ông ta có biết thi sĩ Tố Phong chính là ông hay không, hay ông ta có biết nhưng cứ giả vờ ngớ ngẩn, hoặc không muốn nhắc đến.

Khoảng cuối thập niên 60, may thay, tôi tình cờ đọc được một bài viết vắn tắt về Tố Phong, người viết là Thế Phong, còn có bút hiệu là Đường Bá Bổn, chủ trương nhà xuất bản Đại Nam Văn Hiến tại Sài Gòn. Dường như có nhiều tác phẩm của nhà xuất bản này được in bằng ronéo. Rất tiếc, tôi không nhớ một chút gì về bài viết đó. Và tôi nghĩ rằng bài viết ấy của Thế Phong là lời nói cuối cùng về nhà thơ Tố Phong. Quả thế, hơn 30 năm kể từ bài viết ngắn ấy, tên tuổi của Tố Phong hoàn toàn chìm trong quên lãng.

Thế rồi, một ngạc nhiên lớn đã đến với tôi. Trong tờ Văn Học Xuân Quý Mùi 2003, nhà văn Trúc Chi trong bài tùy bút nhan đề Nụ Đào Trong Sương đã nói đến Tố Phong bằng một giọng văn thật duyên dáng. Tôi xin mạo muội trích một đoạn trong bài ấy:

“Tôi dừng bước nhìn vào một gốc anh đào trong một khu vườn khá rộng. Qua ánh đèn đường, gốc anh đào trụi lá và đầy nụ non này nổi hẳn giữa những loài cây khác, xum xuê giữa tháng cuối năm. Vậy là gốc anh đào năm nay lại nở chậm rồi. Tôi nghĩ thầm vậy, rồi bất giác tôi nhớ đến anh Tố Phong, tác giả tập thơ Giòng Huyết Sử. Thơ của anh hay hoặc dở, có hay không có giá trị, tôi không hề biết mà có lẽ cũng sẽ không bao giờ biết, vì tôi chưa bao giờ đọc cái ấn phẩm ấy, bìa màu hồng với ba chữ Giòng Huyết Sử màu đỏ. Từ lúc rời Dalat vào năm 1953 cho đến năm 1975, tôi không hề gặp lại bút hiệu của anh trên sách báo trong nước. Trên văn đàn, có nhiều cái bóng lướt qua rồi tan biến như vậy.

Tôi cũng không nhớ đã quen anh trong trường hợp nào. Hồi ấy, tôi tò mò về anh vì nghe thiên hạ xầm xì rằng anh là thi sĩ, một loại người xa lạ đối với tôi. So với người Việt thời ấy, anh khá cao lớn, vạm vỡ, da ngăm đen, mái tóc dày, cao mà không bờm xờm. Dalat có ngày lạnh buốt mà tôi không hề thấy anh mặc áo len. Luôn luôn quần dài xám hoặc xanh và sơ-mi trắng tay dài.

Từ chợ Dalat xuống đường Cầu Quẹo cũ, có một lối đi tắt toàn là bậc đá. Hai bên lối đi dốc dựng ấy có nhiều căn nhà gỗ. Anh Tố Phong sống trên cái gác xép ở một trong những căn nhà ấy. Tết năm ấy, vì lý do nào tôi không nhớ, tôi không về nhà. Sáng Mùng Một, ở trường ra, tôi đi lòng vòng khu Chợ, chưa dám vào nhà người quen nào, mà cũng không có cái quán nào trong chợ hoặc tiệm nào bên chợ mở cửa. Lục lọi mãi trong đầu, chỉ còn anh Tố Phong. Tôi bước xuống đi lối tắt, trèo lên gác trọ của anh thấy anh đang lui cui đun nước sôi từ một cái lò điện, loại cũ rích có cái lò - xo khoanh tròn đỏ rực. Tôi chúc năm mới rồi nói thật với anh là không biết đi đâu cả nên phải ghé thăm anh. Anh tỉnh bơ:

Không hề gì... trai nam nhi đầu đội trời chân đạp đất... có nghĩa là đất nhà ai mình cũng có quyền đạp cả, đừng có xô cửa vào nhà người ta là được rồi. Ngồi đấy, uống một ly cà phê đầu năm rồi xuất hành với anh luôn. Anh cũng chưa biết đi đâu nữa, nhưng cứ ra đường thở chút không khí Tết.

Phòng trọ của anh không có một chút gì gọi là Tết trừ một cành đào hàm tiếu trong chiếc bình sứ Nhật Bản trên bàn viết của anh. Thấy tôi ngắm mãi những nụ hoa mới hé, anh nói:

Anh mới cắt ở nhà một người quen chiều hôm qua đấy. Nở hết là anh thay nhánh khác. Từ đây cho hết tháng Giêng, năm nào cũng vậy, phòng luôn có anh đào hàm tiếu. Cuối tháng, K. có dịp ghé vào đây sẽ thấy nhánh đào cuối cùng của mùa Xuân. Hoa cuối mùa đã quý mà lại có vẻ đẹp khiêm tốn của nó.

Ngày ấy, tôi không biết hoa đầu mùa và hoa cuối mùa khác nhau ra sao. Mà cho đến bây giờ, ngồi gõ những hàng chữ này, thú thật tôi cũng chưa biết. Nhưng tôi tin rằng anh nhạy cảm hơn tôi khi ngắm những nét cười khác nhau của một loài thảo mộc. Lúc dừng lại bên đường để nhìn những nụ đào trong sương đêm, tôi đã nghĩ rất nhiều về con người Tố Phong mà tôi biết rất ít. Tôi biết anh nghèo. Không nghèo sao được khi anh cứ sống lì mãi trong cái gác trọ rẻ tiền, chênh vênh và trống trải ấy suốt mấy năm. Tôi biết thơ anh, dù đã in thành sách, rất ít người biết đến. Nhưng tôi cũng biết rằng anh có một tâm hồn thơ. Tôi nghĩ rằng anh giàu ở điểm này.

Bên hàng chữ mà tôi ghi vội trong khách sạn Duy Tân năm ấy, tôi cũng có nguệch ngoạc: Có lẽ cũng nên bắt chước anh Tố Phong. Ngắm và tìm nét đẹp của hoa từ đầu đến cuối mùa. Như vậy chắc chắn sẽ có thêm nhiều ngày Xuân cho chính mình. Biết đâu lại còn thêm được một mùa Xuân trong lòng người khác.”

Sau hơn 30 năm tôi mới được nhìn thấy những dòng chữ nói đến người mà tôi quyến luyến. Tôi cảm động vô cùng, gọi ngay Trúc Chi, rủ đi uống cà phê dù chúng tôi ở xa nhau hơn một giờ lái xe. Có cả Huy Văn cùng đi với Trúc Chi. Tôi đưa cho Trúc Chi xem tấm ảnh nhiều người chụp chung, chụp từ năm 1952, mà người thân của Tố Phong gởi cho tôi, trong đó có hình của quái kiệt Trần văn Trạch. Trúc Chi nhận ra Tố Phong trong tấm hình đó ngay.

*

Tôi nghĩ đến Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan, Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Văn Học Miền Nam của Võ Phiến. Đó là những công trình đồ sộ ghi lại diện mạo và những nét đặc trưng của những thời kỳ văn học cận đại. Đặc biệt là bộ Văn Học Miền Nam giai đoạn 1954-1975 của Võ Phiến với tham vọng bảo tồn, gìn giữ "toàn bộ thành tích văn nghệ phản ảnh những cảm nghĩ, băn khoăn, những buồn vui khóc cười của hai mươi triệu đồng bào trong suốt thời gian hai mươi năm" (Văn Học Miền Nam, tổng quan), mà chính quyền cộng sản tại quốc nội đã và đang tìm mọi cách xóa bỏ. Tại quốc nội, chánh quyền quả đã có sức chi phối vô cùng mãnh liệt đối với giới cầm bút. Trên văn đàn trong nước, văn học Miền Nam, văn học Việt Nam ở hải ngoại hoặc không được nhắc tới, hoặc bị sổ toẹt, hoặc bị xuyên tạc, bôi bẩn, trong khi đó Miền Nam vẫn quý trọng những tên tuổi như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế lan Viên... Ngay cả Tố Hữu cũng chỉ bị phê phán về mặt ca tụng lãnh tụ, ca tụng đảng, ca tụng Liên Xô, Trung Quốc một cách quá đáng và lố bịch. Ở hải ngoại thì một số người viết tha hồ nhận định, tán tụng những Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, Phan Ngọc, Phan Cự Đệ v.v...

Ngoài ra, những công trình khác như Văn học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản 1945-1990 của Nguyễn Hưng Quốc in tại California năm 1991, Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam của Thi Vũ in tại Paris vào năm 1993 (mới in tập hai, giai đoạn 1954-1963), Lưu Dân Thi Thoại (Tập I) của Diên Nghị và Song Nhị in vào năm 2003 tại San Jose, Hoa Kỳ, v.v… cũng là những tác phẩm rất cần thiết. Người đọc tùy theo nhãn quan của mình có thể đồng ý hay không đồng ý với một số luận điểm của người viết, nhưng phải thừa nhận rằng đó là những tiếng chuông gióng lên chờ những giao hưởng, những hồi âm và đối thoại.

Nhờ những nỗ lực biên khảo, nghiên cứu, phê bình như nói trên, cả một nền văn học “phi chính thống” và lớn lao sẽ không có nguy cơ bị chìm trong quên lãng. Hoặc những số phận hẩm hiu như Tố Phong có thể cũng sẽ dần dần được biết đến.

*

Vài dòng viết thêm.

Sau biến cố tháng Tư,1975, và sau mấy năm tù cải tạo, chúng tôi tìm cách đến Nhà Thương Điên Biên Hòa với một chút hy vọng là thi sĩ Tố Phong còn sống, và còn ở đó. Gọi là "tìm cách đến Nhà Thương" là vì tuy được "ra trại" trở về với gia đình, với xã hội, nhưng tôi còn bị quản chế thêm hai năm. Trong thời gian quản chế, tôi không được đi ra khỏi thành phố Sài Gòn, ngoại trừ tình nguyện đi "Kinh Tế Mới". Ngoài ra mỗi ngày phải tường trình với công an phường nhất cử nhất động của mình vào cuốn sổ "Báo Cáo Sinh Hoạt". Cho nên muốn đi Biên Hòa, tôi phải mượn xe gắn máy chạy trên những con đường không có trạm kiểm soát, chứ không dám đi xe đò. Đến nơi, sau một khoảng thời gian khá dài bị hỏi han, chất vấn đủ điều, cuối cùng tôi được đưa đến gặp ông Tố Phong. Ông già đi nhiều, mái tóc đã bạc, cặp mắt lờ đờ có vân đục che kín một phần, và gầy gò, rách rưới, hôi hám. Ông hoàn toàn không biết gì về những biến động bên ngoài bệnh viện, vẫn sống mải mê trong quá khứ, vẫn nhắc đến quân Anh, Ấn, thực dân Pháp, kháng chiến, giải pháp Bảo Đại v.v... nhưng bằng một giọng mệt mỏi, buồn bã. Khi tôi cáo từ ra về, ông không còn níu tay giữ tôi lại, cũng không loay hoay sục sạo đi tìm ấm pha trà. Tôi cũng ốm yếu, đói và buồn bã như ông, nhưng tôi cố gắng vài ba tháng lên thăm ông một lần. Trước chuyến đi vượt biên đầu tiên thất bại, tôi lên thăm ông, khoảng năm 1980. Không gặp.

Là vì Tố Phong không còn nữa! Tôi lặng người. Tôi có cảm tưởng như bị hụt chân, dù tôi biết rằng cái chết bây giờ hiện ra nhan nhản hàng ngày với người Miền Nam một cách quá nhanh chóng và dễ dàng và "hồn nhiên". Nhất là vô số cái chết trên biển. Người phụ trách ở Nhà Thương cho biết một hôm ông theo xe lãnh thực phẩm ra thành phố Biên Hòa, ông thuộc vào loại "điên hiền" nên thỉnh thoảng được theo xe để làm những công việc lặt vặt, thì ông trốn mất. Vài ba ngày sau, Bệnh Viện nhận được tin ông đã nằm chết bên lề đường gần rạp chiếu bóng Biên Hùng, kiến lửa bu đầy người. Những người chứng kiến nói thêm rằng thoạt đầu họ tưởng ông già mất trí ấy nằm xuống ngủ yên sau khi quờ quạng hai bàn tay lên đầu, lên vai, lên bụng... để giết những đàn kiến lửa. Rồi tôi được dẫn đến ngôi mộ của ông, một nấm đất sỏi cát méo mó màu trắng, Biên Hòa có nhiều vùng đất trắng, cao chừng một tấc chưa có cỏ mọc. Tôi nghĩ rằng chỉ sau một mùa mưa, nấm đất đó sẽ bị san bằng. Thân nhân của ông xin được thờ cúng ông tại chùa Hải Quang gần Ngã Ba Ông Tạ, nhưng về sau, không hiểu vì lý do gì, lại thờ ông tại chùa Phước Hòa vùng Bàn Cờ, Sài Gòn.

Lại viết thêm.

Tháng 7/ 2013 vừa rồi nhân dịp Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn do nhà văn Phạm Phú Minh tổ chức tại Nam Cali, tôi được gặp nhà văn Nguyễn Văn Sâm. Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện, rồi lang bang đến chuyện văn chương. Tôi nhắc đến Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Lý Văn Sâm, Sơn Khanh, Thiếu Lăng Quân …- những nhà văn, nhà thơ miền Nam thuộc giai đoạn giữa năm 1945 và 1954 - với những truyện dài truyện ngắn như Nửa Bồ Xương Khô, Đầm Ô Rô, Bên Kia Sông, Bạc Xiu Lìn, Xin Đắp Mặt Tôi Mảnh Lụa Hồng, Thù Nhà Nợ Nước v.v…Tôi nói đến đâu Nguyễn Văn Sâm nói đến đấy, như “chim liền cánh, cây liền cành.” Tôi mừng quá, nghĩ đến Tố Phong. Tôi liền đề cập đến cuốn tuyển tập thơ Thơ Mùa Giải Phóng do Sơn Khanh chủ biên trong đó có thơ của Tố Phong, lòng đầy hy vọng nhưng cũng không ít lo âu. Thì ra Nguyễn Văn Sâm có cuốn đó, và có cả tập thơ Giòng Huyết Sử của Tố Phong. Đã thế, mấy hôm sau Nguyễn Văn Sâm nhờ người học trò ở Việt Nam đến chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ, Sài Gòn, chụp tấm hình của Tố Phong được thờ ở đấy.

Thế là hơn 10 năm lại trôi qua kể từ ngày tôi may mắn đọc bài viết của Trúc Chi trên tờ Văn Học Xuân Quý Mùi 2003, và nay, 2013, may mắn hơn, gặp được Nguyễn Văn Sâm. Ở đời quả có lắm chuyện tình cờ lạ lùng.

Nhìn lại hình anh Nguyễn Ngọc Minh - Tố Phong, mái tóc dày, cao, mà không bờm xờm như Trúc Chi nhận xét, tôi rất xúc động, đồng thời không biết nói gì hơn là cảm ơn anh chị Nguyễn Văn Sâm vô cùng./.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyện “Ngưng bắn…” kể cho độc giả Bloomington ngày ấy, đã là chuyện quá khứ. 30 tháng Tư năm sau, cuộc chiến trên đất Việt tàn. Chủ nghĩa Cộng sản, nguyên nhân của nạn binh đao, dìm quê hương tôi trong biển máu hàng thập kỷ, cuối cùng đã hưởng hết 70 năm tuổi thọ. Tưởng chuyện đau thương trong một ngày ngưng bắn của gia đình, vì sự an toàn, phúc lợi của loài người, phải trở thành cổ tích. Vậy mà hôm nay, trong thời đại này, chuyện buồn chiến tranh của tôi đang tái diễn...
Mười năm, 20 năm, và nhiều hơn nữa, khi lịch sử kể lại buổi chuyển giao quyền lực hứa hẹn một triều đại hỗn loạn của nước Mỹ, thì người ta sẽ nhớ ngay đến một người đã không xuất hiện, đó là cựu Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama.
Chiến tranh là chết chóc, tàn phá và mất mát! Có những cuộc chiến tranh vệ quốc mang ý nghĩa sống còn của một dân tộc. Có những cuộc chiến tranh xâm lược để thỏa mãn mộng bá quyền của một chế độ hay một bạo chúa. Có những cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa hai chủ nghĩa, hai ý thức hệ chỉ biến cả dân tộc thành một lò lửa hận thù “nồi da xáo thịt.” Trường hợp sau cùng là bi kịch thống thiết mà dân tộc Việt Nam đã gánh chịu! Hệ lụy của bi kịch đó mãi đến nay, sau 50 năm vẫn chưa giải kết được. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, một nữ chiến binh cộng sản miền Bắc có tên là Dương Thu Hương khi vào được Sài Gòn và chứng kiến cảnh nguy nga tráng lệ của Hòn Ngọc Viễn Đông thời bấy giờ đã ngồi bệch xuống đường phố Sài Gòn và khóc nức nở, “khóc như cha chết.” Bà khóc “…vì cảm thấy cuộc chiến tranh là trò đùa của lịch sử, toàn bộ năng lượng của một dân tộc dồn vào sự phi lý, và đội quân thắng trận thuộc về một thể chế man rợ. Tôi cảm thấy tuổi trẻ của tôi mất đi một cách oan uổng ...
Ngày 30 tháng 4 năm 2025 là một ngày có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam đương đại, cũng là dịp để chúng ta cùng nhau hồi tưởng về ngày 30 tháng 4 năm 1975 và những gì mà dân tộc đã sống trong 50 năm qua. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã kết thúc chiến tranh và đáng lẽ phải mở ra một vận hội mới huy hoàng cho đất nước: hoà bình, thống nhất và tái thiết hậu chiến với tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc. Nhưng thực tế đã đánh tan bao ước vọng chân thành của những người dân muốn có một chỗ đứng trong lòng dân tộc.
Điều thú vị nhất của nghề làm báo là luôn có sự mới lạ. Ngày nào cũng có chuyện mới, không nhàm chán, nhưng đôi khi cũng kẹt, vì bí đề tài. Người viết, người vẽ, mỗi khi băn khoăn tìm đề tài, cách tiện nhất là hỏi đồng nghiệp. Ngày 26 tháng 3, 1975, hoạ sĩ Ngọc Dũng (Nguyễn Ngọc Dũng: 1931-2000), người dùng bút hiệu TUÝT, ký trên các biếm hoạ hàng ngày trên trang 3 Chính Luận, gặp người viết tại toà soạn, hỏi: “Bí quá ông ơi, vẽ cái gì bây giờ?”
Sau ngày nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ban hành hàng loạt sắc lệnh hành pháp và bị một số tòa án tiểu bang chống đối và hiện nay có hơn 120 vụ tranh tụng đang được xúc tiến. Trump cũng đã phản ứng bằng những lời lẽ thoá mạ giới thẩm phán và không thực thi một số phán quyết của tòa án. Nghiêm trọng hơn, Trump ngày càng muốn mở rộng quyền kiểm soát hoạt động của các công ty luật và công tố viên nghiêm nhặt hơn. Trong khi các sáng kiến lập pháp của Quốc hội hầu như hoàn toàn bị tê liệt vì Trump khống chế toàn diện, thì các cuộc tranh quyền của Hành pháp với Tư pháp đã khởi đầu. Nhưng Trump còn liên tục mở rộng quyền lực đến mức độ nào và liệu cơ quan Tư pháp có thể đưa Trump trở lại vị trí hiến định không, nếu không, thì nền dân chủ Mỹ sẽ lâm nguy, đó là vấn đề.
Khi Bạch Ốc công bố công thức tính thuế lên các quốc gia với các thang thuế khác nhau, người ta nhận ra đó chỉ là một một phép tính toán học căn bản, chẳng liên quan đến kinh tế học hay mậu dịch lẫn các dữ liệu thực tế nào cả. Chúng chỉ là những số liệu vô nghĩa và phi lý. Việt Nam không đánh thuế hàng Mỹ đến 90% và đảo hoang của những chú chim cánh cụt có liên quan gì đến giao thương. Điều này thể hiện một đối sách vội vã, tự phụ và đầy cảm tính, cá nhân của Donald Trump nhằm tạo áp lực lên thế giới, buộc các nước tái cân bằng mậu dịch với Mỹ hơn là dựa trên nền tảng giao thương truyền thống qua các hiệp ước và định chế quốc tế. Hoặc nhỏ nhặt hơn, để trả thù những gì đã xảy ra trong quá khứ: Trump ra lệnh áp thuế cả những vật phẩm tâm linh từ Vatican đưa sang Mỹ như một thái độ với những gì đức Giáo Hoàng Francis từng bày tỏ.
Tổng thống Donald Trump vào hôm qua đã đột ngột đảo ngược kế hoạch áp thuế quan toàn diện bằng cách tạm dừng trong 90 ngày. Chỉ một ngày trước đó đại diện thương mại của Trump đã đến Quốc Hội ca ngợi những lợi ích của thuế quan. Tuần trước chính Trump đã khẳng định "CHÍNH SÁCH CỦA TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI". Nhưng Trump đã chịu nhiều áp lực từ những nhân vật Cộng Hòa khác, các giám đốc điều hành doanh nghiệp và thậm chí cả những người bạn thân thiết, đã phải tạm ngừng kế hoạch thuế quan, chỉ duy trì thuế căn bản (baseline tariff) 10% đối với tất cả những đối tác thương mại.
Trật tự thế giới là một vấn đề về mức độ: nó thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào các yếu tố công nghệ, chính trị, xã hội và ý thức hệ mà nó có thể ảnh hưởng đến sự phân phối quyền lực trong toàn cầu và ảnh hưởng đến các chuẩn mực. Nó có thể bị thay đổi một cách triệt để bởi các xu hướng lịch sử rộng lớn hơn và những sai lầm của một cường quốc. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, và gần một năm trước khi Liên Xô sụp đổ vào cuối năm 1991, Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã tuyên bố về một "trật tự thế giới mới". Hiện nay, chỉ hai tháng sau nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump, Kaja Kallas, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu, đã tuyên bố rằng "trật tự quốc tế đang trải qua những thay đổi ở mức độ chưa từng thấy kể từ năm 1945". Nhưng "trật tự thế giới" là gì và nó được duy trì hoặc phá vỡ như thế nào?
Hãy bắt đầu niềm tin này với câu nói của John Kelly, tướng thủy quân lục chiến hồi hưu, cựu Bộ trưởng Nội an, cựu chánh văn phòng của Donald Trump (2018): “Người phát điên vì quyền lực là mối đe dọa chết người đối với nền dân chủ.” Ông phát biểu câu này tại một hội nghị chuyên đề về nền Dân chủ ở Mount Vernon vào tháng 11/2024, ngay tại ngôi nhà của George Washington, vị tổng thống đầu tiên, người mở ra con đường cho nền dân chủ và tự do của Hoa Kỳ. Không đùa đâu! Tướng Kelly muốn nói, những người phát điên vì quyền lực ấy có thể giữ các chức danh khác nhau, thậm chí là Tổng Thống, nhưng trong thâm tâm họ là bạo chúa, và tất cả các bạo chúa đều có cùng một đặc điểm: Họ không bao giờ tự nguyện nhượng quyền lực.

LTS: Mời quý vị nghe bài phát biểu của Dân Biểu Liên Bang Derek Trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ sáng thứ Ba 29 tháng Tư, 2025 về Dấu Mốc 50 Năm Tháng Tư Đen.



***
Kính thưa Ngài Chủ Tịch Hạ Viện, 

Hôm nay tôi xin được phép phát biểu trong vài phút để chia sẻ một điều rất quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại.

Tháng Tư Đen – không chỉ là một ngày buồn trong lịch sử, mà còn là dấu mốc nhắc nhở chúng ta về một ngày tang thương, khi chúng ta mất tất cả – mái ấm, quê hương, cuộc sống, và cả tương lai ở mảnh đất mà ta từng gọi là tổ quốc.

Cách đây 50 năm, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay chế độ cộng sản. Khi đó, Mỹ đã di tản khoảng 6.000 người, bao gồm cả người Mỹ và người Việt, đến nơi an toàn. Rồi hàng trăm ngàn người Việt khác cũng lần lượt vượt biển ra đi, không biết phía trước là gì, chỉ biết phải rời đi để tìm sự sống.

Những người còn ở lại đã phải chịu cảnh sống ngày càng khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản. Nhiều người bị đưa vào trại cải tạo – không chỉ mất nhà cửa, mà mất cả tự do, nhân phẩm, và không ít người mất luôn cả mạng sống.

Đây là một ngày đau buồn. Một ngày để chúng ta tưởng niệm, suy ngẫm, và để nhìn lại tất cả những gì đã mất.

Có hơn 58.000 lính Mỹ và hơn 250.000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Những người này đã chiến đấu và ngã xuống vì tự do. Họ xứng đáng được chúng ta biết ơn mãi mãi. Chúng ta tưởng niệm không chỉ những người lính, mà còn hàng triệu người dân vô tội đã chết trong chiến tranh, những người bị đàn áp sau ngày 30 tháng 4, và những người bỏ mạng trên biển trong hành trình vượt thoát.

Chúng ta có trách nhiệm sống xứng đáng với sự hy sinh của họ — bằng cách sống trọn vẹn và sống có ý nghĩa trong cuộc đời mới này.

Tôi là một trong hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt được sinh ra trong những gia đình tị nạn – những người cha, người mẹ ra đi tay trắng, chỉ mang theo niềm hy vọng. Nhưng họ không để hành trình khổ cực ấy định nghĩa cuộc đời mình ở Mỹ. Họ xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, thành công, và luôn giữ gìn bản sắc, lịch sử dân tộc.



Và hôm nay, sau 50 năm, chúng ta không chỉ tưởng niệm mà còn tự hào về những gì cộng đồng người Việt đã làm được. Từ tro tàn chiến tranh, chúng ta đã đứng dậy và vươn lên.

Chúng ta có những người gốc Việt làm tướng, đô đốc trong quân đội Mỹ, có nhà khoa học đoạt giải thưởng lớn, doanh nhân thành công, giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ – ở mọi lĩnh vực. Từ người tị nạn, chúng ta đã viết nên câu chuyện thành công chỉ trong vòng năm mươi năm.

Nhiều người trong số họ là con em của thuyền nhân – hoặc chính là những người vượt biển. Họ là minh chứng sống động cho tinh thần không chịu khuất phục, không ngừng vươn lên của người Việt.

Riêng tôi, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đại diện cho cộng đồng Little Saigon ở Quận Cam trong Quốc Hội. Tôi rất vinh dự và cảm thấy trách nhiệm nặng nề khi mang theo câu chuyện lịch sử của chúng ta. Little Saigon – nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới – là biểu tượng sống động cho nghị lực, cho hy vọng, và cho tinh thần vượt khó.

Tôi nối bước những người đi trước – những lãnh đạo người Việt ở California và khắp nước Mỹ – những người đã mở đường để thế hệ chúng tôi có thể tiếp bước. Tôi là người thứ ba gốc Việt được bầu vào Quốc hội, sau Dân biểu Joseph Cao ở Louisiana và Nữ dân biểu Stephanie Murphy ở Florida. Tôi không quên rằng mình đang tiếp nối di sản mà bao người đã hy sinh để giữ gìn.

Mỗi ngày, tôi đều nhắc mình rằng: Chúng ta phải giữ gìn câu chuyện này, phải kể lại trung thực, để không ai – kể cả chế độ cộng sản – có thể viết lại lịch sử của chúng ta.

Tôi mong các đồng nghiệp trong Quốc Hội hãy cùng tôi không chỉ tưởng nhớ những nỗi đau mà chúng tôi đã trải qua, mà còn tôn vinh tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Hãy vinh danh các cựu chiến binh – cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa – những người đã hy sinh cho tự do.

Và trong ngày kỷ niệm đau thương này, hãy cùng nhau nhắc lại cam kết: giữ vững các giá trị quan trọng nhất – dân chủ, nhân quyền, và khát vọng sống tự do.

Xin cảm ơn quý vị, tôi xin kết thúc phần phát biểu.

Derek Trần

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.