Ở Việt Nam những người cộng sản đã tổ chức ngày kỷ niệm này một cách thật linh đình rầm rộ, với những lễ lạt trò vui, những cuộc trình diễn phô trương khoe khoang chiến thắng 25 năm trước ở nhiều nơi trong nước và kết thúc đúng ngày 30 tháng 4 ở Saigon, thời và điểm họ đã dùng vũ lực lật đổ được chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Họ làm như vậy để lấy đắc thắng quân sự che đậy thất bại trong việc trị nước của họ. Nhưng sự kiện đó còn có một thâm ý đặc biệt của Hà Nội giữa lúc niềm tin của người dân vào đảng và chế độ đã bị sói mòn. Họ mong dùng cái vinh quang của quá khứ để chứng minh sự hợp pháp của chế độ, bởi vì những thực tế của tình hình hiện tại không có cách nào khác chứng minh cho họ được nữa. Bất cứ một chính phủ nào làm cho kinh tế xuống dốc, tham ô lãng phí lan tràn, buôn lậu và ma túy hoành hành, đạo lý suy đồi, tệ đoan xã hội ngày một gia tăng, đều không còn xứng đáng để cầm quyền. Một chính quyền như vậy chỉ có thể tồn tại bằng mũi súng.
Thật mỉa mai, những nhà lãnh đạo cộng sản thấy cần phải lấy quá khứ vũ lực ra để chứng minh quyền cai trị của họ, trong khi chính cái sức mạnh của mũi súng đó cũng vẫn đang bảo vệ sự tồn tại của họ. Họ không có cách nào chứng minh họ đã được dân chúng Việt Nam tự nguyện chấp nhận cho họ cầm quyền cai trị một cách hợp pháp. Đàng sau tiếng nhạc quân hành, rừng cờ quạt diễn hành và bài ca “Ngày vui đại thắng” cũ rích của của 25 năm trước, vẫn là một loạt những vấn đề khẩn cấp, có thể làm sụp đổ chế độ bất cứ lúc nào. Họ không thể bưng bít những sự thật đó trước con mắt soi bói của người dân cũng như trước ánh đèn rọi của công luận quốc tế nên Võ Viết Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đã phải nhìn nhận một phần khi nói chế độ đã không đền đáp được vong linh những người đã chết và phải cảm thấy tội lỗi trong lương tâm khi không rửa sạch được kinh tế và chính quyền.
Lời của Thanh cũng là một thứ bài bản đã được quyết định từ cấp trên, chế độ đã phải nhìn nhận những tội lỗi mà mọi người trong nước cũng như ngoài nước đã thấy rõ từ bao năm qua: “Tác phong độc đoán, kiêu căng hống hách, tiêu xài lãng phí, biển thủ hối lộ và những tệ đoan xã hội khác, nhất là nạn nghiền ma túy tăng vọt, là những tín hiệu đáng lo ngại cho thấy việc thực thi luật pháp không có hiệu năng và sự sa đọa nghiêm trọng của các giá trị tinh thần và đạo lý”. Chế độ cộng sản đã có cơ hội cai trị đất nước trong hòa bình từ 25 năm nay, tại sao tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam xuống cấp thê thảm đến mức đó" Tại sao trong dịp 25 năm “ngày vui đại thắng này”, báo chí thế giới vẫn không quên cụm từ “Việt Nam, một trong những nước nghèo khổ nhất thế giới”" Một chế độ gây ra một tình trạng như vậy cho đất nước thật không có lý do để tồn tại.
Trong khi đó, trong những cộng đồng người Việt hải ngoại, ngày kỷ niệm 25 năm bỏ nước ra đi cố nhiên không phải là một ngày vui, nhưng kỳ lạ thay đó không còn là một ngày buồn của tuyệt vọng. Đó là một ngày phấn khởi, và trong nhưng ánh mắt tuy vẫn có nét căm hờn như thuở nào, nay đã điểm thêm những tia hy vọng sáng ngời trước một tương lai đầy tin tưởng. Từ 25 năm qua, chưa năm mào người Việt hải ngoại kỷ niệm ngày 30-4 tích cực, sôi động và có nhiều ý nghĩa như năm nay. Chúng ta đã thấy những cuộc tập họp trang nghiêm đầy xúc cảm trước bàn thờ tổ quốc ở những nơi có người Việt tị nạn từ Úc, Á qua Âu đến Mỹ. Chúng ta đã thấy những buổi lễ long trọng, nhất là ở những cộng đồng có nhiều người Việt như ở hai miền Nam Bắc California, ở Dallas Fortworth và Houston Texas, ở thủ đô Washington và tại Paris. Một rừng cờ vàng ba sọc đỏ, mầu sắc quốc gia của Việt Nam Cộng Hòa vẫn bay phấp phới trong ngày đại thắng của cộng sản, ngạo nghễ trước Lãnh sự quán Việt Cộng ở San Francisco, trước Sứ quán của Hà Nội ở Washington DC, và nó bay hiên ngang trên tháp Eiffel của thủ đô Pháp.
Đó là những tín hiệu gì vậy" Đó là những tín hiệu nhục nhã cho Hà Nội. 25 năm làm chủ được đất nước, vậy mà họ vẫn không thể nào làm lay chuyển được ý chí của những người Việt Nam sống ở hải ngoại, khi được tự do lựa chọn vẫn chọn “chính” chớ không chọn “tà”, mặc dù tà đã thắng. chính đã thua. 25 năm đã trôi qua, chế độ Hà Nội có ghế ngồi tại LHQ, được nhiều nước công nhận, có sứ quán ở khắp nơi, vậy mà họ vẫn không cám dỗ hay thu phục được một chút cảm tình nào của những người Việt hải ngoại. Nếu những người lãnh đạo cộng sản biết hổ thẹn với những người đã chết của họ, họ cũng nên hổ thẹn với những người đang sống ở ngoài tầm tay của họ.
Ngày kỷ niệm đã qua, có dư âm nào không nhỉ" Ở hải ngoại ngày này đã có một tiếng vang lớn báo hiệu một thời kỳ khởi sắc phát triển mạnh, trên những môi trường tranh dấu mới với những phương tiện ngày một hiện đại. Ở Việt Nam nó trôi qua lãng xẹt, giống như một món ăn nhạt nhẽo trôi qua cổ người dân, không có dư vị mà cũng chẳng chút dư âm. Ngày hội tàn, cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không. Cái lỗ đó rỗng cái gì vậy" Rỗng tiền, rỗng tư tưởng, rỗng tương lai. Cái lỗ của vô vọng.