Hôm nay,  

Thế Giới Ngày Càng Bất Ổn?

01/04/201400:00:00(Xem: 7657)

...Trung Cộng có tung hải quân đi chiếm hết các đảo đó thì VN cũng chỉ biết bó tay nhìn...

Cách đây không lâu, với sự sụp đổ toàn diện của khối cộng sản Âu Châu, thế giới trải qua một cuộc biến động vĩ đại. Một trật tự thế giới mới ra đời. Không còn chuyện chiến tranh – lạnh hay nóng- giữa tư bản và cộng sản nữa.

Bản đồ thế giới, nhất là Âu Châu, được vẽ lại với sự ra đời của cả chục quốc gia mới, vừa phá được bức màn sắt.

Ngoài Âu Châu, hầu hết ranh giới giữa các quốc gia không thay đổi, nhưng khuynh hướng chính trị biến đổi hoàn toàn, với hầu hết các quốc gia –nhất là những nước thuộc cái gọi là “đệ tam thế giới”- rũ bỏ những mô thức xã hội chủ nghiã cả trên phương diện chính trị lẫn kinh tế. Hàng loạt các tiểu quốc từ Phi Châu qua Á Châu, đến Nam Mỹ ôm lấy mô thức gọi là “kinh tế thị trường” để mong phát triển đất nước. Kể cả mấy ông cộng sản ngoan cố nhất như Trung Cộng và Việt Nam, cho dù che núp dưới chiêu bài vô nghiã vớ vẩn “định hướng xã hội chủ nghiã” chẳng lừa được thằng bé chăn trâu nào.

Nhưng ôm lấy kinh tế thị trường không có nghiã là hoàn toàn ôm chân Bác Sam. Trái lại, hầu hết các tiểu quốc muốn giữ thế độc lập, đưa đến mô thức phát triển vùng theo gương Liên Âu. Thiên hạ thấy sự ra đời của các liên minh thương mại kiểu NAFTA, ASEAN, G4, G-8, …

Thế giới lưỡng cực “tư bản–cộng sản” trở thành thế giới đa cực, với hàng loạt liên minh kinh tế và cả chính trị, lớn nhỏ.

Nhiều người lạc quan mừng rỡ cho rằng thế giới đã “trưởng thành”, không còn chuyện đánh giết nhau nữa, mà thiên hạ bây giờ chỉ lo làm giàu trong sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. Thiên hạ khắp nơi bàn về chuyện thế giới trở thành “bằng phẳng” (the world is flat), toàn cầu hóa (globalization), v.v... Chiến tranh lạnh đã cáo chung như TT Obama khẳng định. Các thập niên 1990-2000 là thời kỳ tương đối khá ổn định của thế giới, tuy vẫn còn những “chỉnh sửa” đẫm máu như tại Yougoslavia, tức là Nam Tư trước đây, khi xứ này bị phân hoá thành gần nửa tá tiểu quốc.

Cuộc tấn công của khủng bố tại Nữu Ước ngày 11/9 như chuông đồng hồ báo thức bất ngờ lay tỉnh thế giới và cho thấy một đe dọa hoàn toàn mới: khủng bố quốc tế của các nhóm cực đoan, vô quốc gia.

Thật ra, khủng bố của các nhóm quá khích đã có từ ngàn xưa. Khủng bố quá khích lên đến cao điểm trong những thập niên 60-70 khi các nhóm quá khích Ả Rập đánh phá Do Thái bằng cách cướp máy bay hay giết các lực sĩ Do Thái tại Thế Vận Hội Munich. Nhưng hầu hết đều giới hạn trong phạm vi một nước, chưa có tầm vóc quốc tế quy mô của một Al Qaeda với hàng chục tổ chức khủng bố liên hệ từ Phi Luật Tân, Nam Dương bên cực đông Á Châu tới Mauritania phiá cực tây Phi Châu.

Điều làm nhiều người lạc quan trước đây bây giờ lạc quan hơn nữa là việc hầu hết các nước trên thế giới có vẻ hồ hởi hợp tác với nhau trong cuộc chiến chống khủng bố. Bằng chứng của một thế giới mới, tuy đa cực và còn nhiều chông gai trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng bảo đảm không còn chuyện các đại cường đánh nhau kiểu thế chiến thứ nhất và thứ hai nữa.

Thực tế, nhìn kỹ vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, có nhiều dấu hiệu cho thấy những giấc mộng “bá quyền” thật ra vẫn còn âm ỉ. Trung Cộng và Nga đã mau mắn núp sau cuộc chiến chống khủng bố quá khích để gặm nhấm cũng như củng cố quyền lực tại một vài vùng. Những tổ chức tranh đấu đòi tự trị từ các vùng phiá nam Nga hay phiá tây Trung Cộng bị chụp mũ khủng bố lên đầu và đàn áp thẳng tay.

Dù vậy, ông tổng thống với giải Nobel Hòa Bình của Mỹ vẫn nhắm mắt không muốn thấy thực tế hết sức nhức răng. Khi TĐ Romney nhắc lại nguy cơ Nga, TT Obama chế diễu ông Romney quên bóc lịch, vẫn còn nhìn thế giới dưới con mắt của mấy thập niên trước trong khi chiến tranh lạnh với Nga đã chấm dứt từ hơn hai chục năm rồi.

Nhìn vào tình hình hiện tại, nhiều người liên tưởng đến thế giới trong thời điểm giữa hai cuộc thế chiến của thế kỷ. TT Mỹ Woodrow Wilson thời đó là người chủ hoà tối đa, có khuynh hướng cả tin vào Hội Liên Quốc – League of Nations- được thành lập sau Thế Chiến Thứ Nhất. TT Wilson cũng không khác gì TT Obama ngày nay, trốn chạy trách nhiệm của một tổng thống đại cường, để bán cái qua cái tổ chức thế giới đó, với hy vọng cái tổ chức tạp nhạp đó sẽ có khả năng bảo đảm một trật tự mới của thế giới trong hòa bình và ổn định.

Khi Hitler xuất hiện và ra chiêu, bắt đầu gặm nhấm Tiệp Khắc trước khi công khai tung quân xâm chiếm cả Âu Châu, thiên hạ khi đó mới thấy rõ tính vô dụng của Hội Liên Quốc. Bây giờ, lịch sử có vẻ như đang tái diễn với Putin ra chiêu, coi Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ như không có. Thiên hạ chỉ còn hy vọng là Putin sẽ không phải là Hitler. Putin sẽ biết điều hơn và sẽ tự chế hơn, chỉ gặm nhấm lai rai vài vùng nhỏ của Âu Châu thôi. Như vậy, sẽ không tạo biến động quá lớn, quá mạnh khiến cả thế giới phải tự vệ chống lại, đưa đến Thế Chiến Thứ Ba.

Bà Hillary Clinton đã mô tả hành động của TT Putin như hành động của Hitler khi đánh Tiệp Khắc. Có lẽ chưa đến nỗi vậy. Có lẽ chúng ta chưa ở ngưỡng cửa của một thế chiến thứ ba. Nhưng dù sao thì ai cũng thấy thế giới ngày nay càng ngày càng bất ổn.

Tại Iraq, lực lượng thân Al Qaeda đã chiếm thành phố chiến lược Fallujah mà quân nhân Mỹ đã đổ không biết bao xương máu để giữ trước đây. Tại Afghanistan, tình hình cũng chẳn ổn định hơn.

Tại Syria, sau khi lớn tiếng hăm doạ, vạch lằn ranh đỏ cho TT Assad, Mỹ đã mau mắn vồ lấy cái phao của Nga đưa ra, bám vào để lẳng lặng bơi ra khỏi cái vũng lầy Syria. Trong khi chính quyền của nhà độc tài Assad tiếp tục thẳng tay đàn áp dân nổi loạn, tin tức chiến sự Syria biến mất khỏi mặt báo Mỹ. Không ai biết chương trình kiểm tra và phá hủy vũ khí hoá học đã đi đến đâu. Truyền thông dòng chính thông cảm với cái thế bối rối tiến thoái lưỡng nan của TT Obama nên tiếp tay ỉm luôn tin chiến sự Syria. Làm như thể sau những hăm doạ ghê gớm của TT Obama, tình hình Syria đã ổn định, không còn gì đáng bàn như tin sốt dẻo nữa.

Mấy anh độc tài hạng ruồi như Iran và Bắc Hàn vẫn hùng hổ đàn áp dân trong khi tiếp tục những chương trình phát triển hoả tiễn, vũ khí hạt nhân, coi những cảnh báo của Mỹ và Tây Phương như pha. Venezuela và một vài tiểu quốc Nam Mỹ như Ecuador, Colombia, Bolivia, càng ngày lấy chiêu bài mỵ dân “bài Mỹ” làm quốc sách trị dân và bình phong che dấu những chính sách độc tài, đàn áp đối lập.

Nhưng cái đáng cho người Việt chúng ta lo ngại nhất chính là các Thiên Tử phương bắc của chúng ta. Trên cột báo này tuần trước, kẻ viết này có đưa ra giả thuyết Trung Cộng muốn chiếm và sát nhập vùng Cao-Bắc-Lạng của Việt Nam. Nghe như chuyện đùa viết cho vui, nhưng thật ra chưa chắc đã là chuyện đùa.

Tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cả thế giới biểu quyết lên án Nga đã xâm lăng và sát nhập Crimea, ngoại trừ một phiếu phủ quyết dĩ nhiên của Nga, và một phiếu trắng của Trung Cộng. Bắc Kinh giải thích quan điểm cố hữu của Trung Cộng là không can dự vào chuyện nội bộ của xứ khác. Lời giải thích nghe chói tai. Nội bộ của xứ nào khi một xứ mang quân đi xâm chiếm xứ khác?

Cái điều ta thắc mắc là không hiểu Trung Cộng có đang chú tâm theo dõi những chiêu ra quân của Putin để sau này rút bài học hay không. Cái phiếu trắng của Trung Cộng có phải là cách để cửa ngỏ để mai này đi theo con đường Putin không? Putin thành công chắc chắn sẽ là một khuyến khích cực lớn cho mộng bá quyền Trung Cộng. Người nào nói Trung Cộng không có mộng bá quyền là người đó có lẽ đã tu trong hang động nào đó từ cả thế kỷ, không có một khái niệm nào về thực tế những gì đã và đang xẩy ra trên thế giới này.

Không ai còn lạ gì chuyện Trung Cộng xâm lăng và sát nhập Tây Tạng. Cũng không ai quên Trung Cộng đã có những xung đột biên giới với Ấn Độ từ mấy chục năm qua, có nhiều lúc đi đến đụng độ vũ trang đẫm máu. Trung Cộng cũng đang lục đục với Nhật Bản và Hàn Quốc trong cuộc tranh chấp về chủ quyền tại vài hòn đảo trong vùng.

Gần đây nhất, không ai lạ gì hình ảnh “lưỡi bò” liếm tới sát bờ biển Việt, Phi, Mã Lai, Brunei.

Không có gì bảo đảm ngày mai Trung Cộng sẽ không mang hạm đội Hồng Quân đi chiếm toàn thể tất cả các đảo Trường Sa, Hoàng Sa, và cả Côn Đảo luôn nếu muốn. Trong kịch bản đó, tất cả các quốc gia trong vùng tranh chấp, kể cả Việt Nam, cũng không có cách gì ngăn cản. ASEAN hay Mỹ cũng chỉ phản đối có lệ, rồi cũng phải chấp nhận cái mà ngoại trưởng Kissinger gọi là “real politics”. Cho dù Việt Nam có mua thêm vài cái tàu ngầm của Ấn Độ hay cho Mỹ thuê khoán căn cứ Cam Ranh thì thực tế cũng chẳng thay đổi được gì.

Nhà Nước Việt Nam hiện nay đang thẳng tay đàn áp những phong trào tự phát của dân, nhất là giới trẻ, chống âm mưu xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Cộng. Lý do hiển nhiên là Nhà Nước ta không muốn có bất cứ hành động gì có thể coi như là “khiêu khích các đồng chí anh em”, giúp Trung Cộng có cớ hung hăng hơn. Mặt khác, Nhà Nước Việt cũng nhất định phải công bố tin khí tượng của Hoàng Sa và Trường Sa mỗi ngày trên báo và truyền hình để xác định đó là những đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam. Nhưng thực tế, Trung Cộng có tung hải quân đi chiếm hết các đảo đó thì Việt Nam cũng chỉ biết bó tay nhìn, hay cùng lắm khua chiêng trống la hoảng cầu cứu trong một thế giới toàn... người điếc.

Trong cái thế giới ngày càng bất ổn này thì dường như không còn một anh cảnh sát quốc tế nào lo bảo đảm ổn định và trật tự. Liên Hiệp Quốc với 5 lá phiếu phủ quyết tuyệt đối của 5 đại cường, cũng như với sự hiện diện tạp nhạp của gần hai trăm quốc gia thành viên, càng ngày càng trở thành vô dụng và vô nghiã. Một loại G-200! Chỉ tốn tiền vô ích cho mấy ông bà quan chức hẹn hò gặp nhau ăn nhậu tại hết xứ này đến nước khác. Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là một nhà ngoại giao khéo léo nhất, chỉ giỏi cười với gần hai trăm ông bà quốc trưởng, làm vui lòng tất cả mọi người.

Ông đại cường lớn nhất thế giới, lớn về quân sự và kinh tế, cũng như lớn về ảnh hưởng chính trị, văn hoá và xã hội, hiển nhiên là Bác Sam. Nhưng sự thật hiển hiện là tiếng nói trên thế giới của Bác Sam càng ngày yếu trên thế giới. Đó là hậu quả của những biến chuyển lớn của thời đại, của một trật tự đa cực mới như đã bàn.

Nhưng phải nói đó cũng là hậu quả của một chính sách đối ngoại không xương sống của chính quyền Mỹ hiện tại. Một chính sách đối ngoại dựa trên ve vãn, cúi rạp người chào hỏi, xin lỗi tám phương,… Khi những thái độ đó không có hiệu quả thì chính sách chuyển qua cảnh cáo, “vạch lằn ranh đỏ”, hăm dọa “cái giá rất đắt phải trả”,… Nhưng khi những hù dọa đó vẫn bị coi như pha thì chính sách chuyển qua “lãnh đạo từ sau lưng”, hay im lặng chấp nhận thực tế, hay… tháo chạy.

Mới đây, khi được hỏi về việc TT Putin chuyển cả chục ngàn hay cả trăm ngàn quân đến biên giới Nga-Ukraine thì TT Obama đã tuyên bố “dù sao thì việc chuyển quân cũng vẫn là chuyển quân trong lãnh thổ của họ, và TT Putin hoàn toàn có quyền làm chuyện đó”. Che dù ngay để khỏi bị nắng vỡ đầu.

Không phải vô tình mà TT Obama đã nhận được giải Nobel Hòa Bình vài ngày sau khi vào Tòa Bạch Ốc. Dù ông chưa kịp làm gì, nhưng các ông giám khảo chủ hoà Na Uy đã nghiên cứu kỹ quá trình và những hồi ký của ông Obama để hiểu rằng ông là người chủ hoà tuyệt đối. Họ tặng ông giải hoà bình để khuyến khích ông tiếp tục chủ hoà, đừng bị quyền lực biến thành một cao bồi Bush, đồng thời cũng là cách khoá tay tân tổng thống Mỹ.

Và rồi TT Obama cũng đã không phụ lòng mấy ông Na Uy bao nhiêu. Dĩ nhiên TT Obama không thể trở thành một Đạt Lai Lạt Ma, vẫn phải có trách nhiệm truy lùng khủng bố để bảo đảm an toàn cho nước Mỹ và dân Mỹ, vẫn thỉnh thoảng phải can thiệp bằng quân sự như tại Libya, nhưng trên căn bản, ông đã rút quân ra khỏi Iraq và Afghanistan, tránh né Syria. Và bây giờ ngồi nhìn TT Putin múa võ.

Một lần nữa, không ai cổ võ cho một thế chiến thứ ba để ngăn cản mưu đồ của Putin. Nhưng nếu từ trước đến giờ, TT Obama đã có một thái độ cứng rắn và nhất là rõ ràng minh bạch, không chao đảo, không hù dọa cho có, khiến cho ông Putin -hay bất cứ ông lãnh tụ độc tài đầy tham vọng nào khác- hiểu rõ hành động của họ sẽ có “cái giá rất đắt phải trả”, thì có lẽ ông Putin đã vặn óc bẩy lần trước khi xâm chiếm Ukraine.

Cái giá đó không bắt buộc phải là võ lực. Trong cái thế giới ngày nay, kinh tế là yếu tố cực kỳ quan trọng với những hậu quả lớn mạnh hơn sư đoàn này hay quân đoàn nọ. Mỹ với sức mạnh kinh tế của mình, có thể dùng những biện pháp trừng phạt kinh tế đủ mạnh và cụ thể để áp đặt ổn định chính trị trên thế giới. Vấn đề là tổng thống Mỹ có dám có hành động hay không, có dám biến những hăm dọa thành sự thật hay không.

Những biện pháp trừng phạt Nga vừa được công bố hiển nhiên chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Không một sinh viên năm thứ nhất về chính trị học nào có thể tin những biện pháp tịch thu tài sản vô hình ở Mỹ của vài anh quan chức Nga hay lệnh cấm mấy anh này đi thăm Disneyland sẽ khiến TT Putin phải rút quân ra khỏi Crimea.

Nga cũng đã bị trục xuất khỏi nhóm G-8, nhưng chẳng ai nhìn thấy rõ hậu quả cụ thể sẽ như thế nào đối với Nga. Và thực tế hơn, câu hỏi đặt ra là bao nhiêu lâu nữa thì mọi chuyện sẽ lại được xí xóa và Nga sẽ lại được nhận vào lại. Trên phương diện kinh tế, dù sao Nga cũng là đại cường lớn nhất nhì thế giới, làm sao bắt đứng ngoài được? (30-03-14)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.