KS Nguyễn Văn Phảy
(HQ Thiếu Uý Nguyễn Văn Phảy - Sinh Viên Năm thứ 4 Cử Nhân Luật Khoa,
ban Công Pháp, niên khoá 1974-1975.)
Đôi lời tâm sự: Có một số người nói rằng những sinh viên học luật
là những học sinh dở ở bậc trung học. Lời nhận xét đó có hơi quá
đáng chăng?. Có thể nói rằng Đại học Luật khoa Sài Gòn không phải
là nơi dành cho những sinh viên học dở mà phải nói là nơi tạo nhiều
cơ hội cho mọi người để tiến thân hay yêu thích nghề nghiệp liên quan
tới luật pháp như luật sư, thẩm phán, hoặc thuộc về các lãnh vực
hành chánh, ngoại giao, thương mại, chính trị, kinh tế, xã hội, ngay
cả trong quân đội cũng có nhiều ưu điểm để tiến thân v.v.
Trong 4 năm đầu học luật của Ban Cử Nhân Luật sinh viên không bị bắt
buộc phải đi đến giảng đường đại học thường xuyên để nghe giáo sư
giảng dạy như các sinh viên của các Đại học Khoa học, Kỹ thuật phải
vào lab. để thực tập hoặc làm thí nghiệm. Nhờ vậy mà những sinh
viên luật khoa có thể vừa đi làm vừa đi học, miễn sao phải cố gắng học
giỏi. Học chưa giỏi, chưa thuộc bài, chưa hiểu bài giảng của giáo sư
thì khó mà thi đậu. Thấy dễ học mà không dễ thi đậu. Muốn lấy được
chứng chỉ luật của mỗi năm học, sinh viên phải có trung bình điểm
của tất cả các môn học là 10/20 trong một kỳ khảo sát. Không có môn
học nào cho là quan trọng hơn môn nào. Mỗi năm học Luật trung bình có
từ 11 đến 12 môn học. Vì vậy muốn có văn bằng Cử Nhân Luật nhiều
sinh viên phải rất cố gắng học hành. Sau khi tốt nghiệp Cử Nhân Luật
Khoa, bạn có rất nhiều cơ hội tiến thân trong nghề nghiệp và trong
các lãnh vực ngoài xã hội hoặc ngay trong quân đội mà chính quyền
thời VNCH rất khuyến khích và đãi ngộ giới trí thức miền Nam Việt
Nam. Các vị đại tá trong quân đội muốn được nhanh lên cấp tướng phải
theo học khoá Cao Đẳng Quốc Phòng và có một số giáo sư Đại học
Luật khoa được mời đến giảng dạy. Trụ sở được toạ lạc trên đường
Thống Nhất bên trái cổng vào sở thú. Kể từ năm thứ 3 Luật, tôi
thường đến đó mua tập san Quốc Phòng hàng tháng hay định kỳ để xem
vì các giáo sư Đại học Luật khoa thường viết bài và đăng trong đó.
Cũng có những câu hỏi trong những đề thi được các giáo sư trích từ
những bài viết của mình đăng trong tập san Quốc Phòng.
Là một cựu sinh viên Đại học Luật khoa Sài Gòn Ban Công Pháp, tôi xin
ghi lại việc học luật của tôi để góp phần làm sáng tỏ chương trình
đào tạo của Đại học Luật khoa Sài Gòn trước tháng 4 năm 1975.
Ghi danh học luật: Sau khi tốt nghiệp bậc trung học tháng 7 năm 1970,
tôi tình nguyện gia nhập vào quân chủng Hải quân và trình diện tại
Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải tại Tiên Sa Đà Nẵng vào ngày
15.10.1970. Sau mấy ngày tạm trú tại đó tôi cùng mấy chục bạn bè
miền Trung khác được máy bay C130 chở vào phi trường Tân Sơn Nhất, Sài
Gòn và được di chuyển đến khu tạm trú Bạch Đằng 2 thuộc Bộ Tư Lệnh
Hải Quân ở Sài Gòn. Khung trời mở rộng, trong quân ngũ, tại Sài Gòn
tôi đã ghi danh học năm thứ nhất của Đại học Luật khoa Sài Gòn mặc
dù vào năm đệ nhị và đệ nhất bậc trung học tôi theo học ban B với
các môn chính như: Toán, Lý, Hoá.
Binh nghiệp và học luật: Sau 2 tuần lễ chờ đợi tại Bạch Đằng 2, tôi
cùng các bạn gia nhập vào sĩ quan Hải quân được đưa lên Trung Tâm Huấn
Luyện Quang Trung để thụ huấn căn bản quân sự 3 tháng. Sau thời gian
nầy tôi và bạn bè SVSQHQ được đưa về tạm trú dưới các chiến hạm
thuộc Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Sài Gòn. Tôi được phân phối xuống chiến
hạm HQ329 đang hiện diện tại Sài Gòn vào thời gian trước tết Nguyên
Đán tạm trú. Sau tết một tuần lễ, tôi và một số bạn bè nữa được
phân phối đi thực tập trên Hoả Vận Hạm HQ471. Như vậy tôi phải hiện
diện trên chiến hạm và được phân chia thực tập ở các vị trí làm
việc khác nhau theo ngành nghề chuyên môn trên chiến hạm khi chiến hạm
ở bến hoặc đi công tác đến bất cứ hải cảng nào.
Trước khi chiến hạm rời bến thì tôi có mua một số sách luật năm thứ
nhất của Ban Cử Nhân Luật đem theo chiến hạm. Khi rảnh rỗi tôi đem
sách luật ra xem. Càng xem sách luật tôi càng thích thú. Tôi học các
môn như Hiến Pháp nền Đệ Nhị Cộng Hoà do cố giáo sư thạc sĩ Nguyễn
Văn Bông dạy tại giảng đường Quốc Gia Hành Chánh. Nhờ đó tôi mới hiểu
thêm về định chế chính trị của một quốc gia. Hay là môn học về Kinh
Tế trong đó có đề cập về nạn nhân mãn ở Trung cộng do giáo sư thạc
sĩ Nguyễn Cao Hách dạy, tôi hiểu rõ hơn về nước Trung cộng có quá
nhiều dân mà dân thì thiếu ăn, đời sống quá khổ. Hầu hết các môn
học do các giáo sư tiến sĩ Đại học Luật khoa Sài Gòn dạy. Vào năm
thứ nhất có học môn Hiến Pháp Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ do luật sư
người Mỹ giảng dạy. Nói chung môn nào tôi cũng thích học để biết
thêm và mở rộng kiến thức. Từ đó tôi ưa thích ngành luật. Sau 3
tháng thực tập trên HQ471, vào tháng 4 năm 1971, một số SVSQHQ nộp đơn
gia nhập vào quân chủng Hải Quân trước tôi được chuyển ra Trung Tâm
Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang để thụ huấn khoá Sĩ Quan Hải Quân. Tôi
cùng một số bạn bè khác còn ở lại Sài Gòn và được hoán chuyển
qua chiến hạm HQ10. Vì là loại hộ tống hạm nên chiến hạm phải đi
tuần tiễu liên miên trên biển. Sau 2 tuần lễ công tác, chiến hạm mới
cập bến hoặc về quân cảng Sài Gòn vài ba ngày để ban ẩm thực của
chiến hạm mua sắm lương thực. Khi ở trên chiến hạm, ngoài những thời
gian làm việc, trò chuyện với bạn bè, tôi lại đem sách luật ra xem
cho mau hết thời gian trong lúc chiến hạm tuần tra ngoài khơi. Vì khoá
đào tạo sĩ quan Hải Quân của chúng tôi được bắt đầu vào cuối tháng
9 năm 1971 nên tôi có thêm thời gian chuẩn bị cho kỳ thi luật được tổ
chức vào tháng 6 năm 1971. Khi chiến hạm về Sài Gòn để lấy thêm nhiên
liệu hoặc sửa chữa hay chờ đi công tác thì ngoài giờ làm việc trên
chiến hạm tôi thường đến thư viện Quốc Gia ở đường Gia Long để học.
Thi cử: Đại học Luật khoa Sài Gòn tổ chức mỗi năm 2 kỳ thi dành cho
sinh viên. Kỳ thi đầu tiên thường được tổ chức vào tháng 6. Kỳ thi kế
tiếp được tổ chức vào giữa tháng 10 cùng năm. Nếu thí sinh chưa tham
dự kỳ thi đầu hoặc thi bị rớt thì có thể ghi danh tham dự kỳ thi
thứ hai. Thế là vào mùa hè năm ấy tôi ghi danh tham dự kỳ thi đầu
tiên của năm thứ nhất thuộc Ban Cử Nhân Luật được tổ chức vào trung
tuần tháng 6 năm 1971. Học luật cũng khá chua cay. Năm thứ nhất phải
học 11 môn học. Môn nào cũng có nhiều sách dày cộm để học. Kỳ thi
kéo dài thường 2 ngày cho kỳ thi viết, và nếu đậu kỳ thi viết sinh
viên phải thi vấn đáp 9 môn còn lại. Năm ấy tôi thấy con số ghi danh
thi là trên 22.000 sinh viên, nhưng chỉ có trên 2.500 thí sinh trúng
tuyển năm thứ nhất. May mắn thay, tôi đã thi đậu kỳ thi thứ nhất luật
khoa vào năm 1971. Thế là tôi có được chứng chỉ năm thứ nhất ban Cử
Nhân Luật trước khi ra trường sĩ quan Hải Quân Nha Trang thụ huấn 2 năm.
Tác giả Nguyễn Văn Phảy.
Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang: Ở trường SQHQNT chúng tôi học rất
nhiều môn học thuộc bậc đại học như toán học, ngành điện tổng quát,
điện tử, điện truyền tin và ngành hàng hải v.v. nhằm trang bị cho
một sĩ quan HQ có đầy đủ kiến thức tổng quát khi làm việc trên
chiến hạm hay bất cứ nơi đâu. Khi ra hải ngoại học ngành điện ở đại
học tôi mới thấy chương trình 2 năm đào tạo một sĩ quan Hải Quân rất
hay và rất có giá trị. Những kiến thức mà tôi có được từ Việt Nam
đã giúp tôi gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp ở đại học nơi xứ người.
Trong thời gian ở quân trường Nha Trang từ tháng 9 năm 1971 đến tháng 9
năm 1973 tôi cũng đã đặt mua nhiều sách luật thuộc năm thứ 2, khoảng
12 môn, nhưng tôi không có thời gian nào rảnh để mà học. Thỉnh thoảng
cuối tuần nào tôi không đi bờ ra phố Nha Trang thì mới đem sách luật
ra xem cho biết mà thôi. Nơi quân trường chúng tôi phải học rất nhiều
về ngành hàng hải. Trên chiến hạm hay một thương thuyền được trang bị
những thiết bị gì thì mỗi sĩ quan Hải Quân phải biết. Do đó muốn
được đi sĩ quan Hải Quân VNCH trước hết bạn phải có văn bằng tú tài
toàn phần hầu hết là ban B (Toán, Lý, Hoá) để có thể theo học các
môn học thuộc trình độ đại học. Sinh viên sĩ quan HQ nào trong khoá
chúng tôi cũng sợ thi rớt từng thời kỳ thụ huấn hơn là thi tú tài.
Mỗi 6 tháng thi một lần.
Vào cuối tháng 8 năm 1973, tôi tốt nghiệp 2 năm thụ huấn khoá sĩ quan
Hải Quân ở Nha Trang với cập bậc HQ Thiếu Uý. Nhờ đậu hạng khá cao,
thuộc top ten, nên tôi được ưu tiên chọn đơn vị phục vụ. Tôi đã chọn
chiến hạm HQ503 lúc đó đang nằm ụ để được sửa chữa (tiểu kỳ) tại
Hải Quân Công Xưởng Sài Gòn. Ngoài ra tôi thuộc trong danh sách 30 sĩ
quan đậu điểm cao và khá tiếng Anh trong khoá nên được tuyển chọn về
Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Sài Gòn để chuẩn bị đi thực tập trên
Đệ Thất Hạm Đội Mỹ.
Thế là sau khi tốt nghiệp SQHQ Nha Trang tôi không được đi phép một
tuần mà phải về Sài Gòn. Về Sài Gòn tôi ghi danh tham dự kỳ thi thứ
2 của năm thứ hai ban Cử Nhân Luật được tổ chức vào giữa tháng 10 năm
1973. Với rất nhiều cố gắng, mỗi ngày ít nhiều thời gian tôi đều
tới thư viện Quốc Gia để học chuẩn bị cho kỳ thi Luật năm đó. May
mắn, tôi đã trúng tuyển kỳ thi nầy. Có khoảng trên 2500 thí sinh ghi
danh thi và có khoảng gần 1000 thí sinh trúng tuyển năm thứ 2 Luật.
Chọn ban sau khi có Cử Nhân Bán Phần: Thời gian theo học để có bằng
Cử Nhân Luật khoa gồm có 4 năm. Vào năm thứ nhất và năm thứ hai, tất
cả sinh viên đều học chung những môn của từng năm học, chưa có phân
chia các ban. Sau khi sinh viên thi đậu 2 năm đầu, còn được gọi là Cử
Nhân Bán Phần và kể từ năm thứ ba sinh viên phải chọn ban. Cử Nhân
Luật gồm có 3 ngành còn được gọi là các ban: ban Tư Pháp, ban Kinh
Tế và ban Công Pháp.
Ban Tư Pháp: Sinh viên phải học nhiều môn về luật pháp như Dân luật,
Hình luật, Luật Tố tụng, Luật Đồng Bào Thiểu Số...
Ban Kinh Tế: Sinh viên phải học nhiều môn về lãnh vực kinh tế như Kinh
tế học, Kinh tế Quốc tế, Luật Thương Mại…
Ban Công Pháp: Sinh viên phải học nhiều về Xã hội và Chính trị học,
Công Pháp Tụng, Tự Do Công Cộng…
Thế là tôi ghi danh học ban Công Pháp mà tôi ưa thích. Tuy nhiên, 3 môn
chính như Dân Luật, Kinh Tế và Công Pháp tất cả sinh viên thuộc các
ban đều phải học chung.
Tôi phục vụ trên chiến hạm HQ503 là loại Dương Vận Hạm nên sau khi đi
công tác tối đa từ 7 đến 10 ngày thì chiến hạm trở về Bộ Tư Lệnh
Hạm Đội Sài Gòn. Trừ những ngày trực phải ở lại chiến hạm, ngoài
ra sau giờ làm việc tôi thường đến thư viện Quốc Gia ở đường Gia Long
hoặc thư viện Đắc Lộ để học và chuẩn bị cho kỳ thi năm thứ 3 được
tổ chức vào tháng 7 năm 1974. Tôi đã ghi danh tham dự kỳ thi nầy và
là một trong khoảng 55 sinh viên ban Công Pháp của năm thứ 3 đã thi
đậu. Năm tôi thi thấy có một vị đại tá, một nhạc sĩ cùng thi.
Thêm động cơ thúc đẩy: Khi phục vụ trên chiến hạm HQ503, trong thời
gian đầu tôi được phân nhiệm làm Trưởng Ban Văn Thư kiêm Bí Thư cho Hạm
Trưởng. Một ngày kia tôi đã nhận và xem văn thư của Bộ Tổng Tham Mưu
QLVNCH gởi xuống có nội dung đại ý rằng sĩ quan Hải Quân nào có văn
bằng cử nhân có thể xin đi học tại US Naval Postgraduate School, thành
phố Monterey, California với thời gian 153 tuần để đạt lấy văn bằng
Master of Science hay Master of Art hoặc cao hơn. Trên chiến hạm HQ503 mà
tôi phục vụ có người bạn là HQ Trung Uý xuất thân từ trường Võ Bị
Quốc Gia Đà Lạt với văn bằng tốt nghiệp được công nhận tương đương
với văn bằng Cử Nhân Khoa Học Thực Nghiệm. Nhờ vậy người bạn đã nộp
đơn xin đi du học tại Hoa Kỳ theo chương trình nầy và đã rời chiến
hạm vào tháng 9 năm 1974 để chuẩn bị đi du học. Sau khoảng 6 tháng
học thêm Anh ngữ, vào ngày 20.3.1975 người bạn đã rời Việt Nam. Rất
tiếc bạn ấy nhập học được 1 tháng tại Mỹ thì chế độ VNCH sụp đổ.
Tất cả các sĩ quan QLVNCH theo học ở US Naval Postgraduate School phải
rời đại học. Hiện tại người bạn đang định cư tại California, Hoa Kỳ.
Vào những năm 1974, 1975, cơ hội đi du học ở Mỹ, cũng như những cơ hội
tiến thân nếu sĩ quan Hải Quân có văn bằng cử nhân, thêm vào đó tôi
có ông bác vợ là luật sư tốt nghiệp ở Pháp đã tham dự hoà đàm
Paris và làm ở bộ Ngoại Giao VNCH v.v. đều là những động lực khuyến
khích tôi càng cố gắng nhiều hơn nữa trong việc học để có được văn
bằng Cử Nhân Luật ban Công Pháp.
Sau khi thi thi đậu năm thứ ba luật khoa năm 1974 tôi ghi danh học năm thứ
4. Trong những tháng trước mùa Giáng Sinh năm 1974 tình hình chiến sự
chưa nóng bỏng nên tôi có thời gian đến thư viện Quốc Gia và thư viện
Đắc Lộ để học sau giờ làm việc trên chiến hạm mỗi khi chiến hạm
chưa có công tác và đang cập bến tại Sài Gòn. Nhưng vào đầu năm 1975
tình hình chiến sự bắt đầu bộc phát, chiến hạm HQ503 phải đi công
tác liên tục từ miền Trung xuống tận đảo Phú Quốc, Côn Sơn, hoặc chở
những quân nhân được rút từ cao nguyên về Nha Trang rồi được chiến hạm
di chuyển về Hàm Tân, Vũng Tàu v.v.
Mặc dù vậy, khi có thời gian rảnh, tôi cũng cố gắng chuẩn bị cho kỳ
thi tốt nghiệp Cử Nhân Luật được tổ chức vào ngày 22.5.1975 sớm hơn
mọi năm. Nhưng rất tiếc kỳ thi ấy không thể xẩy ra vì toàn bộ chính
quyền VNCH bị sụp đổ vào ngày 30.4.1975. Mộng ước của tôi tan tành
theo mây khói. [1]
Làm thế nào để trở thành Luật Sư: Sau khi đậu Cử Nhân Luật Khoa, sinh
viên có thể ghi danh vào Luật Sư Tập Sự Đoàn ở một văn phòng Luật sư
Thực thụ. Sau 3 năm tập sự, sẽ có một kỳ thi khảo hạch, nếu vượt
qua được thì bạn chính thức trở thành Luật sư Thực thụ. Để hiểu
thêm về nghề Luật Sư dưới thời Việt Nam Cộng Hoà xin mời xem bài
viết của Luật Sư Nguyễn Vạn Bình.
Cao học Luật và làm luận án Tiến Sĩ Luật: Sau khi đậu Cử Nhân Luật
Khoa nếu sinh viên muốn học lên cao hơn thì có thể ghi danh học bậc cao
học. Bậc cao học gồm có 2 năm gọi là Cao học 1 và Cao học 2. Sau khi
tốt nghiệp 2 năm bậc cao học, thí sinh có thể tìm một giáo sư tiến
sĩ Đại học Luật khoa đỡ đầu để làm luận án Tiến Sĩ Luật. Sau khi
có bằng Tiến Sĩ (PhD), có thể xin dạy ở các đại học theo ngành của
mình.
Tóm lại, muốn có văn bằng Cử Nhân Luật hay muốn trở thành luật sư,
thẩm phán, tiến sĩ Luật v.v. sinh viên phải cố gắng rất nhiều trong
việc học.
Kỹ Sư Nguyễn Văn Phảy
Cựu SVĐH Luật Khoa SG, Ban Công Pháp
Ghi thêm:
[1] Chiến hạm bị bắn: Phan Rang thất thủ vào ngày 16.4.1975, chiến
hạm tôi, HQ503 có nhiệm vụ cứu vớt Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và
quân dân cán chính đang tìm cách di chuyển ra khỏi vùng cộng sản. Vào
ngày 18.4.1975, khi chiến hạm tôi đang thi hành công tác thì bị đại
pháo của cộng quân bắn ra từ bờ. Đài chỉ huy của chiến hạm và
nhiều nơi bị trúng pháo địch đã gây tử thương cho 4 Sĩ quan Hải quân, 2
nhân viên Giám Lộ và 18 thuỷ thủ bị thương. Hệ thống tay lái điện
của chiến hạm bất khiển dụng. Chiến hạm không di chuyển được. Nhờ
có các chiến hạm bạn như Tuần Dương Hạm HQ3, HQ17, Hộ Tống hạm HQ11,
Giang Pháo Hạm HQ231 v.v. nả hải pháo vào nơi địch đặt pháo nên đại
pháo của cộng quân có lẽ bị trúng đạn của ta nên bị tê liệt. Nhờ
vậy HQ503 sử dụng lái tay và dần dần ra khỏi vùng chiến. Mời xem
Trận Chiến Vùng Cà Ná, Mũi Dinh, Phan Rang ngày 18.4.1975
Nhờ sự hộ tống và hướng dẫn của Hộ Tống Hạm HQ11, chiến hạm HQ503
về lại Sài Gòn trong vài ngày sau đó. Trong lúc chiến hạm được sửa
chữa cấp tốc và chuẩn bị lương thực để đi công tác dài hạn thì vào
ngày 30.4.1975 là ngày đen tối của dân tộc Việt Nam, chế độ Việt nam
Cộng Hoà sụp đổ toàn diện. Ước mơ du học trong quân đội của tôi tan
biến theo số phận của đất nước. Thế là tôi cùng một số sĩ quan
khác trên chiến hạm bị kẹt lại Việt Nam phải bị đưa vào "tù
cải tạo".
Sau khi được ra khỏi "tù cải tạo", tôi đã tìm cách vượt biên
tìm tự do. Vào năm 1980, lần thứ 3 vượt biên tôi đã thành công và
cùng gia đình định cư tại Cộng Hoà Liên Bang Đức. Tại Đức quốc tôi
không tiếp tục học Luật mà đã theo học ngành kỹ thuật và tốt
nghiệp Đại học ngành Điện Tổng Quát và chuyên về Truyền Thông. Mời
xem Cuộc Đời Mới
(
http://navygermany.gerussa.com)