Câu chuyện nghe lén là chuyện muôn đời. Nghĩa là gián điệp thời nào cũng có,
nơi nào cũng có... Thậm chí còn được phóng đaị tô màu cho giựt gân, ly kỳ, tiểu
thuyết hóa như Z28, như 007 mới trở thành phim, thành truyện, tha hồ hốt bạc.
Nhưng đời thường dĩ nhiên không có hào quang rực rỡ như thế, mà chỉ lặng lẽ
rình, núp nhau thôi.
Chỉ khi bể ra mới bị mắng mỏ, còn thì ai cũng lo rình nhau, lo nghe lén, lo dòm
lén nhau.
Gần đây bể ra là chuyện Mỹ nghe lén bà Thủ Tướng Đức Merkel. Thế thì cũng bình
thường. Miễn đừng dòm lén là được. Nhưng khi bể ra, thì Mỹ mới bị rầy. Thậm
chí, cả Tổng Thống Nga Putin cũng có dịp lớn tiếng giảng cho Obama một bài học
về tôn trọng đồng minh.
Và chờ cho mọi chuyện nguội bớt, phía Việt Nam mới rầy Mỹ, Úc về chuyện Úc nghe
lén Việt Nam. Chuyện này bể ra từ cả tuần trước, khi báo Úc The Sydney Morning
Herald nói rằng Úc nằm trong mạng lưới đồng minh “Năm Con Mắt,” và Úc lặng lẽ
nghe lén Việt Nam.
Có phải vì Úc muốn rình xem có phải Bộ Chính Trị CSVN mỗi đêm cầu cơ ông Hồ để
nghe lời dạy “Tư Tưởng Bác Hồ” nhằm rao giảng lại cho cả nước? Hay chỉ đơn giản
là muốn rình nghe xem Ông Hồ nằm trong Lăng có trở mình, nghiến răng đúng như lời
đồng dao dân gian Bắc Hà nói:
Bác Hồ nằm ở trong lăng
Nhiều hôm bác bỗng nghiến răng giật mình
Rằng giờ chúng nó linh tinh
Tuổi tên của mình chúng ném xuống ao
Ao nào thì có ra ao
Cái tròn cái méo, cái nào cũng sâu
Hỏi rằng tướng Giáp đi đâu
Dạ thưa tướng Giáp lo khâu đặt vòng.
Hay chỉ vì Mỹ-Úc muốn nghe lén xem các nữ điệp viên xinh đẹp từ Bắc Kinh sang
đang dàn trận gì ở Hà Nội?
Bản tin TTXVN hôm 8/11/2013 có bản tin nói rằng “Việt Nam yêu cầu Australia, Mỹ
giải thích về vụ do thám.”
Bản tin viết:
“Ngày 7/11, tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng
viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Australia bí mật
thu thập thông tin tình báo ở Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương
Thanh Nghị khẳng định Việt Nam “rất quan ngại về những thông tin trên.”
Ông Nghị cũng cho biết thêm Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu phía Australia và
Mỹ giải thích và “đề nghị các bên liên quan xác minh, xử lý vấn đề, đảm bảo
quan hệ giữa Việt Nam với các nước tiếp tục phát triển tốt đẹp."
Trước đó, ngày 31/10, tờ Sydney Morning Herald của Australia đưa tin về việc nước
nàyđã bí mật sử dụng các cơ quan đại diện của nước này tại một số nước châu Á,
trong đó có Việt Nam, để tiến hành các hoạt động thu thập thông tin tình báo.
Bài báo cũng cho biết chương trình do thám này có tên gọi Stateroom, là một phần
của hệ thống do thám của Mỹ, sẽ thực hiện nghe lén điện thoại và thâm nhập đánh
cắp dữ liệu của các nước.
Australia được xem là một trong năm nước thuộc nhóm “Five Eyes” (Ngũ Nhãn) liên
kết thực hiện, trong đó có việc sử dụng cơ sở vật chất tại cơ quan đại diện của
các nước này tại nước ngoài vào những mục đích này.”(hết trích)
Bản tin này cho thấy các quan chức Hà Nội có một tuyệt vời thấy rõ là đã kết
thúc thời kỳ viết là “Ốt-xì-tra-li-a” – vì chịu viết Australia là đã có một bước
nhảy khổng lồ về tư tưởng, vượt qua thời kỳ “bao cấp” rồi vậy.
Nhưng có vẻ như các quan chức Hà Nội nhất định không chịu dùng chữ “Úc Châu”
theo kiểu phiên âm thời Việt Nam Cộng Hòa, vì vẫn còn sợ mang tiếng rời bỏ kiểu
phiên âm bao cấp để học theo Sài Gòn, đúng không?
Nhưng có thực là Hà Nội không dòm lén, không nghe lén phải không? Có phải ổ
gián điệp trong tòa đại sứ Việt Nam ở Washington DC không hề nghe lén gì phải
không? Hỏi thêm: có thực, ổ gián điệp trong tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội không
hề nghe lén gì phải không?
Cũng nên hỏi thêm, có phải Trung Quốc không gài người ở Lào, ở Campuchia?
Bản tin VOA hôm 7/11/2013 kể chuyện “Quân nhân người Mỹ gốc Campuchia thứ hai đối
mặt với tòa án binh” trong đó cho ngờ vực rằng cái anh gốc Khmer này dính bẫy của
tình báo Tàu?
Anh gốc Khmer này có chức vụ Navy commander, nếu dịch ra thì là Trung Tá Hải
Quân, theo tự điển quân sự, là cao hơn chức vụ “lieutenant commander” (Thiếu tá
Hải quân) và dưới chức vụ “Navy captain” (Đại tá Hải quân).
Nên chú ý, chức “captain” trong Lục quân là “đại úy.” Phức tạp là vậy. Anh
Khmer dính bẫy tình chân dài Thái Lan và Mã Lai... qua dàn dựng của một nhà thầu
Mã Lai, để bán cac1 thông tin về cac1 chuyến hải hành của tàu chiến Mỹ toàn
vùng Á Châu và Úc Châu.
Bản tin VOA viết:
“Việc bắt giữ một quân nhân Hoa Kỳ gốc Campuchia thứ hai về tội tiết lộ các bí
mật của Mỹ đã khiến cộng đồng người Mỹ gốc Campuchia rúng động.
Chỉ huy hải quân người Mỹ sinh ra ở Campuchia Michael Vannak Khem Misiewicz
đang đối mặt với các cáo buộc hình sự vì bị cho là chuyển các thông tin nhạy cảm
cho một nhà thầu quốc phòng nước ngoài.
Ông Michael Vannak Khem là quân nhân thứ hai gốc Campuchia đối mặt với các cáo
buộc ở Mỹ trong năm nay.
Người trước đó là Seivirak Inson, một cựu sĩ quan tình báo quân sự Mỹ.
Ông Seivirak Inson đã bị kết án đầu năm nay vì chuyển các thông tin mật cho
quân đội Campuchia.
Người Mỹ gốc Campuchia nói các vụ việc đó và sự chú tâm của truyền thông đối với
những vụ đó là điều thật đáng tiếc.” (hết trích)
Chuyện này ai cũng biết là thường ngày thôi.
Mới đây, một bản tin AFP ngày 27/10/2013 cho biết một Thiếu tá Không quân Đài
loan đã bị chính phủ Đài Bắc bắt giam vì chuyển thông tin mật cho Bắc Kinh.
Thiếu tá này chỉ được hãng tin Đài Loan CNA gọi là “Hau,” chỉ nói họ, mà không
nói tên. Đừơng dây tình báo này bị bắt là khoảng 20 người, cả dân và quân.
Trước đó, tin CNA nói rằng vào tháng 2/2013, một cựu Trung Tá Không quân Đài
loan bị kêu án 12 án chung thân vì làm gián điệp cho Hoa Lục để lãnh số tiền
269,000 đôla.
Hồi năm 2011, một tướng Lục quân và là một Trưởng phòng Quân báo đã bị Đià Loan
kêu án chung thân vì gián điệp cho Hoa Lục, từ khi dính bẫy tình với một cô mặc
xường-sám ở hang trong một hội nghị ở Bangkok, Thái Lan.
Cũng mới ngày 31/10/2013, báo Daily Mail của Anh loan tin rằng các điều tra
viên Nga nói rằng một số thiết bị gia dụng dùng trong nhà nhập cảng từ Trung Quốc
có gắn microship để nghe lén và chuyển thông tin qua mạng wi-fi. Bài báo chụp
hình một ấm nước trông y hệt kiểu đời thường ấm nước Tàu, không gì khác lạ.
Phóng viên Simon Tomlinson của báo Anh viết theo tin từ báo Rosbalt của Nga, rằng
các nhân viên phản gián ở St Petersburg (Nga) nói là đã khám phá ra từ 20 tới
30 ấm nước và bàn ủi có gắn “bộ vi xử lý gián điệp để gửi dữ kiện trộm được
sang máy chủ ngoài nước” ('spy microchips that send some data to the foreign
server'). Thế mới đáng kinh ngạc chứ, vì bàn ủi mà cũng tinh vi nghe lén như thế.
Trong khi đó, một bản tin trên báo Thanh Niên ngày 30/10/2013 kể chuyện:
“Cựu ngoại trưởng Hy Lạp hôm 29.10 vừa tiết lộ một thông tin chấn động rằng
Chính phủ Hy Lạp đã nghe lén ít nhất 2 đại sứ Mỹ.
“Ai cũng có thể theo dõi bất kỳ người nào… Cơ quan Tình báo Hy Lạp (EYP) đã
nghe lén điện thoại của các đại sứ Mỹ ở Athens trong thời gian tôi còn tại nhiệm
(cuối những năm 1990)”, Tân Hoa xã dẫn lời cựu Ngoại trưởng Hy Lạp Theodoros
Pangalos nói với một đài phát thanh địa phương.
Bình luận nói trên được ông Pangalos đưa ra sau khi được yêu cầu bình luận về
thông tin đăng tải trên báo Đức và Hy Lạp rằng Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Athens
là một trong những trung tâm nghe lén điện thoại của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ
(NSA).”(hết trích)
Thế nên, nghe lén là bình thường. Chỉ khi lộ ra, mới đáng bị rầy.