Tục ngữ Việt Nam có câu “Tình cũ không rủ cũng tới”. Đó là tinh nghĩa vợ chồng
“dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” nói theo nhà thơ Nguyễn Du. Trong khi Việt
Nam bị quân Tàu ỷ mạnh hiếp yếu, ngang ngược lấn chiếm biển đảo, Nga đến với VN
là một biến chuyển rất tốt cho VN. VN thêm được bạn giúp đỡ sẽ chận bớt áp lực
bành trướng lấn chiếm biển đảo của VN do kẻ thù truyền kiếp đối với VN.
Tin vui mới đây cho biết Tổng Thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Việt Nam vào
ngày 12/11/2013 tới đây, sẽ chứng giám hai bên Việt và Nga ký ít nhứt 17 văn kiện
hợp tác. Điều mà phía Nga cho là “sẽ mở ra giai đoạn mới” trong tương quan
thương mại, kinh tế giữa hai nước.
Như đã biết thời Liên bang xô viết trước đây Nga vẫn là nước “chủ đạo”, Hà nội
và Moscow tương quan rất thân thiết hơn đồng minh, hơn đối với TC nhiều. Nhưng
sau khi Liên xô sụp đổ, tương quan kinh tế chánh trị Việt- Nga không còn như
trước nữa. Hiện Nga chỉ có 93 dự án với tổng số vốn khai báo là 2 tỉ Mỹ Kim, đứng
thứ 18 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Còn Việt Nam chỉ có 16 dự án đầu tư sang Nga, với tổng số vốn là 1.7 tỉ Mỹ Kim.
Nhưng người Việt còn ở lại Nga sau khi Liên xô sụp đổ nhiều hơn ở TC nhiều.
Nga và Việt có những di sản và truyền thống hợp tác sâu sắc không những trên
phương diện kinh tế, tài chánh, văn hoá, giáo dục mà còn trên những lãnh vực
cao cấp và quan trọng hơn như mua bán vũ khí và phương tiện chiến tranh, ủng hộ
nhau trên chính trường thế giới.
Hiện thời, việc TT Nga Putin sẽ đích thân công du VN và giám sát ký hàng loạt
văn kiện hợp tác với VN, là cả một cuộc vận động của Hà nội thêm bạn ở xa để bớt
thù ở gần, một cố gắng chuẩn bị và âm thầm thực hiện từ lâu. Một chiến thuật
khai thác mâu thuẫn như Mỹ đã làm trong thời Chiến Tranh VN. Lúc bấy giờ Ngoại
Trưởng Kissinger đi đêm với TC, tách khối CS quốc tế ra làm đôi, tách TC ra khỏi
Liên xô. Còn bây giờ Hà nội đi sát lại với Nga hậu CS để hoá giải áp lực bành
trướng của TC.
Trong chánh trị quân sự ít có ngẫu nhiên, mà cả những tính toán. Báo Russia
Today cho biết sau cuộc họp kín với Bộ Trưởng Quốc Phòng VNCS Phùng Quang Thanh
trong chuyến công du Việt Nam, ngày 6-3-2013, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergey
Shoigu, tuyên bố Nga sẽ chuyển giao cho VN một hạm đội tàu lặn trong năm nay.
Nga còn huấn luyện thêm các chuyên gia cho phía Việt Nam và sẽ bàn việc dùng
căn cứ hải quân Cam Ranh trong tương lai gần. Báo của Đảng Nhà Nước CSVN đi tin
này như tin chấn động một người sắp chết đuối với được phao cứu sinh.
Thực vậy, vấn đề Biển Đông làm CSVN chưa bao giờ cô đơn như bây giờ. Cô đơn
ngay trong lòng dân tộc VN. Người dân Việt coi Đảng Nhà Nước CSVN quá nhu nhược
như thông đồng với giặc Tàu để mãi quốc cầu an. Cô đơn trong bang giao. Mỹ trở
lại Á châu ngăn đà bánh trướng của TC, VN bị TC xâm lấn nhiều nhứt, cần lá chắn
của Mỹ, nhưng Mỹ dù là tay lái bán súng nhứt nhì trên thế giới, dù VN yêu cầu Mỹ
cũng không bán, không giúp vì hồ sơ vi phạm nhân quyền của CSVN quá đen, trái với
chính sách cổ võ nhân quyền của Mỹ.
Trong hoàn cảnh cô đơn tận cùng cây số đó, may cho CSVN, Nga cũng bắt đầu chuyển
trục sang Á châu. VNCS dùng tiền nối lại mối duyên xưa, mua rất nhièu vũ khí, tàu
lặn, máy bay vũ khí của Nga. VNCS cũng yên tâm, Nga tạo cho CSVN nước cờ hoá giải
thế bí đối với TC và thế kẹt đối với Mỹ mà VN không sợ mất đất, mất biển vì cả
Nga lẫn Mỹ hai nước hoàn toàn khác với TC không có tham vọng đất đai.
Thời cơ quá tốt cho Hà nội, VNCS mua vũ khí, giao kết hỗ trợ an ninh quốc phòng
quá lớn với Nga. Chưa từng thấy, chưa bao giờ Hà nội mua của nước nào nhiều như
thế. Nhiều lần hơn mua của Liên Âu, tiêu biểu là Pháp nước còn một số ảnh hưởng
văn hoá ở VN. Lớn đến đổi các nhà quan sát tin rằng tiềm năng mua vũ khí quốc
phòng của VNCS đối với Nga trong tương lai gần sẽ vượt qua TC. Nga còn giúp Việt
Nam thành lập hạm đội tàu lặn và chiếc đầu tiên VN mua sẽ được giao trong năm
nay. Các quân trường của Nga sẽ mở cửa đón nhận đào tạo các chuyên gia quân sự
cho Việt Nam. Việt Nam là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Bù lại
Hà nội đồng ý cho Nga sữ dụng căn cứ hải quân Cam Ranh, một quân cảng chiến lược
của Mỹ thời Chiến Tranh Lạnh. Như vậy là VNCS tạo biệt lệ cho Nga, phá lệ với
quốc tế. Vì VNCS đã công bố Sách Trắng về Quốc phòng năm 2009: «Việt Nam luôn
chủ trương không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không cho nước khác đặt
căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để tiến hành các hoạt động quân sự
chống lại nước khác».
Theo một số nguồn tin bán chánh thức ẩn danh VN đã đặt hàng mua 24 máy bay tiêm
kích SU-30MK2, các hệ thống hoả tiễn phòng không S-300 cải tiến, trực thăng
quân sự và 2 khu trục tàng hình Gepard.
Không những mua vũ khí và phương tiện mới của Nga, VN còn mua rất nhiều cơ phận
để thay thế, tân trang vì đa số vũ khí của VNCS xài bây giờ là của Liên xô.
Còn về con người, tướng tá của VNCS đa số học tham mưu, lãnh đạo, chỉ huy chiến
thuật, chiến lược của Nga nên dĩ nhiên thích trang thiết bị của Nga.
Kết thân lại được với Nga, VNCS cũng núp được bóng của Nga trong vấn đề Biển
Đông. Nga trở lại Á châu, tàu chiến Nga xuất hiện nhiều ở Á châu Thái Bình
Dương, cộng với sư hiện diện của Mỹ thì TC khó mà “độc bá võ lâm, tự hoành lục
tặc” trong vùng này được. Cũng như Mỹ, Nga sẽ phản ứng nếu TC gây trở ngại đối
với quyền tự do hàng hải, nhứt là đường hàng hải huyết mạch từ Nam Thái Bình
Dương, Ân độ Dương qua eo biền Mã Lai lên Đông Bắc Thái Bình Dương. Nga là một
nước hơn phân nửa lãnh thổ nằm ở Á châu, bờ biển của Nga trên Thái Bình Dương rất
dài và rất quan trọng trong kinh tế, chánh trị, quân sự của Nga. Nga Mỹ không
thể để yên cho TC dùng Biển Đông làm tiền đồn kiểm soát và khống chế hải lộ huyết
mạch này.
Chiến lược trở lai Á châu của Nga không đụng chạm với Mỹ vì Nga và Mỹ đều có
quyền lợi chung là bảo vệ tự do hàng hải và không có tham vọng đất đai như TC
trên vùng biển này. Với được Nga, CS Hà nội mừng là phải.
Sau cùng, nếu nhà cầm quyền CS Hà nội thực tâm và thực tình với người dân Việt,
trong cũng như ngoài nước, thì nội lực dân tộc sẽ được phát huy. Bao lâu VN tạo
được nội lực đủ mạnh cho chiến tranh là kiến tạo hoà bình - thì TC không dại gì
để tấn công VN, để tạo cơ hội và lý do để quốc tế mở cuộc chiến tranh vùng chống
TC và TC hoàn toàn không chánh nghĩa để biện minh./.(Vi Anh)